YouMed

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ và cách ngăn ngừa

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng trẻ em dưới 5 tuổi có cơ hội mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch của chúng không thể chống lại vi trùng. Thêm vào đó, chúng không có nhiều axit dạ dày. Axit dạ dày không chỉ giúp phá vỡ thức ăn làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi mà còn có thể tiêu diệt vi trùng. Ô nhiễm thực phẩm xảy ra khi vi khuẩn, virus từ các nguồn như phân động vật hoặc nước bẩn tiếp xúc với các mặt hàng thực phẩm. Lưu trữ không đúng cách cũng là một thủ phạm. Sau đây, bác sĩ YouMed sẽ giúp bạn tìm hiểu về ngộ độc thực phẩm ở trẻ và cách ngăn ngừa nó.

Hình minh họa

1. Tác nhân

Các tác nhân có thể gây ngộ độc thực phẩm bao gồm:

  • Salmonella
  • Escherichia coli
  • Listeria
  • Shigella
  • Clostridium perfringens
  • Một số virus

Chẳng hạn như norovirus hoặc rotavirus, có thể làm nhiễm độc thực phẩm và gây ngộ độc thực phẩm.

  • Ký sinh trùng

Ký sinh trùng là những sinh vật sống bên trong hoặc trên một sinh vật khác. Ví dụ: toxoplasma, cryptosporidium, Entamoeba histolytica và giardia. Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển.

  • Chất độc và hóa chất

Các độc tố do vi khuẩn sản xuất cũng có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Ví dụ, vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể làm nhiễm độc kem. Độc tố của nó có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn Bacillus cereus có thể làm nhiễm độc gạo. Nếu gạo bị ô nhiễm được nấu và ăn, các chất độc được sản xuất có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

2. Thực phẩm bị ô nhiễm bằng cách nào?

Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra do các vấn đề trong sản xuất, lưu trữ hoặc nấu nướng. Ví dụ:

  • Không lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp.
  • Không làm lạnh thực phẩm khi lưu trữ. Đặc biệt đối với thịt và các sản phẩm sữa.
  • Các thức ăn được nấu chưa chín hoặc không nấu đủ nóng. Vi trùng thường được tìm thấy trong thịt sống, bao gồm cả gia cầm. Nấu chín thường giết chết vi khuẩn.
  • Ô nhiễm bởi một người chuẩn bị thức ăn không tuân theo các quy tắc vệ sinh thực phẩm và không rửa tay đúng cách.
  • Ô nhiễm từ thực phẩm khác (ô nhiễm chéo). Ví dụ, không rửa một tấm thớt được sử dụng để chuẩn bị thịt sống trước khi bạn cắt một lát bánh mì. Trường hợp khác là lưu trữ thịt sống trong tủ lạnh phía trên thực phẩm đã sẵn sàng để ăn. Điều này cho phép nước thịt sống nhỏ giọt vào thực phẩm bên dưới và gây ô nhiễm.

    Hình minh họa

  • Vi khuẩn cũng có thể có trong sữa và phô mai chưa tiệt trùng. Quá trình thanh trùng giúp giết chết vi khuẩn.

>> Vitamin C là chất giúp tăng cường miễn dịch và tham gia nhiều hoạt động của cơ thể. 10 loại thực phẩm sau đây chứa nhiều nhất vitamin C theo thứ tự mà bạn cần nên biết. 

3. Triệu chứng

Thông thường, con bạn sẽ xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc trong thời gian từ 30 phút đến 2 ngày sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc. Các triệu chứng có thể là:

  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Đau dạ dày
  • Cảm thấy yếu cơ
  • Đau đầu
  • Các triệu chứng khác đặc trưng cho từng loại tác nhân khác nhau

4. Điều trị

Tùy thuộc vào số lượng tác nhân bị nhiễm và loại mầm bệnh liên quan mà có các cách điều trị khác nhau. Thời gian xuất hiện và phục hồi của các triệu chứng cũng khác nhau. Đa phần quá trình nhiễm bệnh tự phục hồi. Nên bạn thường không cần đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc nhập viện. Nghỉ ngơi tại giường và uống nhiều chất lỏng được khuyên làm.

Đối với ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng gây ra bởi một số vi khuẩn. Bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho bé. Trẻ cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng, vi rút gây ra. Đối với vi-rút, thường trẻ sẽ tự khỏi bệnh mà không cần điều trị đặc hiệu.

Đồ uống bù nước có thể được khuyên dùng cho trẻ em có nguy cơ mất nước cao. Chúng được bán ở các hiệu thuốc. Đó là dung dịch uống cân bằng hoàn hảo của nước, muối và đường. Một lượng nhỏ đường và muối sẽ giúp nước được hấp thụ tốt hơn từ ruột vào cơ thể. Đọc hướng dẫn cẩn thận về cách pha chế dung dịch. Số lượng nước bù phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tuổi và cân nặng của con bạn. Nếu đồ uống bù nước không có sẵn vì bất kỳ lý do gì. Hãy đảm bảo tiếp tục cho trẻ uống nước, nước trái cây pha loãng hoặc một số chất lỏng phù hợp khác.

dung dịch bổ sung nước và điện giải Oresol
Dung dịch bổ sung nước và điện giải Oresol

Nếu bạn đang cho con bú, bạn nên tiếp tục cho bé bú trong thời gian này. Điều quan trọng là trẻ được bù đủ nước trước khi bắt đầu ăn bất cứ thức ăn rắn nào.

Đôi khi một đứa trẻ có thể cần phải nhập viện để điều trị nếu chúng bị mất nước nặng. Điều trị tại bệnh viện thường liên quan đến việc cung cấp dung dịch bù nước thông qua một ống thông mũi dạ dày. Ống này sẽ đi qua mũi của con bạn, xuống cổ họng và trực tiếp vào dạ dày. Một phương pháp điều trị bù dịch khác là truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của bé.

5. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Khi thấy con bạn có các dấu hiệu mất nước nặng sau:

  • Lú lẫn
  • Khát nước cực độ
  • Đôi mắt lõm sâu( mắt trũng)
Mắt trũng ở trẻ
Mắt trũng ở trẻ
  • Ít hay không có nước mắt khi khóc
  • Không đi tiểu hoặc đi tiểu ít hơn bình thường
  • Tim đập loạn nhịp
  • Yếu người, chóng mặt hoặc cảm thấy lâng lâng.

Hầu hết tình trạng sức khỏe ở trẻ sẽ trở lại hoàn toàn bình thường trong vòng 1 đến 5 ngày. Nhưng bạn cần đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra trước khi đưa trẻ trở lại trường học hoặc nhà trẻ. Nếu con bạn vẫn bị tiêu chảy, bé có thể lây bệnh cho các trẻ khác trong lớp.

6. Bé được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm bằng cách nào và các xét nghiệm cần thiết?

Hầu hết bạn sẽ nhận ra con bạn đang bị ngộ độc thực phẩm từ các triệu chứng điển hình nêu trên. Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng, bạn cần tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ. Đặc biệt nếu chúng biểu hiện bị thiếu nước nghiêm trọng. Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi về việc trẻ được đi du lịch nước ngoài gần đây hoặc những thực phẩm mà chúng có thể đã ăn hoặc uống. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra dấu hiệu mất nước của bé.

Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm một mẫu phân của trẻ. Mẫu phân này sau đó sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân nhiễm trùng. Xét nghiệm phân không luôn luôn là cần thiết. Bác sĩ sẽ đề nghị lấy chúng trong một vài tình huống sau :

  • Nếu con của bạn gần đây đã ở nước ngoài hoặc đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh liên quan đến triệu chứng ngộ độc.
  • Nếu con bạn trông rất mệt mỏi
  • Có máu hoặc mủ trong phân của chúng
  • Triệu chứng tiêu chảy không thuyên giảm sau một tuần.
  • Nếu con bạn đã ở bệnh viện hoặc được điều trị bằng kháng sinh gần đây.
  • Nếu bé đang mắc một bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

7. Cách chăm sóc trẻ khi bị ngộ độc thực phẩm

Trẻ em có thể bị mất nước nhanh hơn người lớn vì cơ thể chúng nhỏ hơn. Điều quan trọng mà bạn nên làm là cho con bạn uống nhiều nước. Tránh các loại cafein, đồ uống sủi bọt hoặc có ga. Thay vào đó hãy thử những điều sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh, hãy cho một lượng nhỏ bất cứ thứ gì bé thường dùng: sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Đối với trẻ lớn hơn, hãy cho chúng uống nước, nước trái cây hoặc các loại đồ uống có hương vị khác pha với nước.
  • Tránh thức ăn trong vài giờ đầu cho đến khi triệu chứng dạ dày được cải thiện.
  • Cho ăn khi trẻ cảm thấy sẵn sàng. Nhưng chậm, hãy bắt đầu với một lượng nhỏ thực phẩm dễ tiêu, không có chất béo như bánh quy giòn, ngũ cốc khô.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều
  • Ngoài ra, đừng cho trẻ uống thuốc chống tiêu chảy. Đó là một phần của quá trình loại bỏ chất độc khỏi cơ thể cũng như loại bỏ vi trùng. Thuốc chống tiêu chảy có thể làm cho các triệu chứng ngộ độc kéo dài hơn. Và một số thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng đối với trẻ.

8. Mẹo phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ

  • Giữ lạnh thực phẩm sống

Vi khuẩn sẽ không sao chép tốt dưới 4 độ C. Hãy đảm bảo giữ tủ lạnh ở nhiệt độ đó để lưu trữ thịt, trứng và các thực phẩm sống.

Giữ lạnh thực phẩm
Giữ lạnh thực phẩm
  • Tránh ô nhiễm chéo

Sử dụng thớt riêng cho thịt và rau để hạn chế vi khuẩn tiếp xúc với sản phẩm sống hoặc các thực phẩm khác. Hãy chắc chắn làm sạch thớt và bất kỳ dụng cụ liên quan bằng nước nóng, xà phòng trước và sau khi cắt thực phẩm. Thực phẩm sống cũng có thể chứa vi khuẩn. Vì vậy rửa sạch tất cả các loại trái cây và rau quả trước khi cắt hoặc ăn.

  • Nấu chín thịt đúng cách

Để tiêu diệt tất cả vi khuẩn, đảm bảo thịt được làm nóng đến nhiệt độ bên trong phù hợp. Mỗi loại thịt sẽ chín ở nhiệt độ khác nhau.

  • Đừng tiếc bỏ thức ăn thừa

Cho dù đó là thức ăn trong các chuyến dã ngoại hay đồ ăn từ các nhà hàng. Hãy làm lạnh các món đồ sau khi chúng được phơi ngoài trời trong hơn hai giờ và bảo quản chúng sớm hơn trong thời tiết ấm. Lý do vì vi khuẩn có thể phát triển và nhân lên trong một khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt nếu thực phẩm đã bị ô nhiễm do nấu không đúng cách hoặc tiếp xúc với tay không rửa sạch.

  • Chọn lựa các địa điểm ăn uống tin cậy

Việc kiểm tra tình trạng vệ sinh nhà bếp của nhà hàng thường nằm ngoài tầm với của khách hàng. Xem xét hồ sơ kiểm tra của bộ y tế đối với một cơ sở nhất định. Tìm kiếm các báo cáo về quá trình lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp, độ sạch tổng thể và các thứ khác.

  • Rửa tay

Cách dễ nhất để phòng bệnh từ thực phẩm là vệ sinh cá nhân. Rửa tay thực sự là điều quan trọng nhất để dạy con bạn. Lưu ý rằng quá trình này sẽ kéo dài ít nhất 20 giây và nên dùng đến xà phòng rửa tay. Đặc biệt quan trọng hơn là sau khi sử dụng nhà vệ sinh và trước khi nấu thực phẩm hoặc ăn uống. Điều này giúp tránh vi khuẩn và vi rút lây lan sang tay và thực phẩm.

Tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng ngộ độc sẽ biến mất trong vài ngày nhưng đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn. Biến chứng nghiêm trọng là thiếu chất lỏng trong cơ thể. Tình trạng này có thể phát triển nhanh hơn và xảy ra nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Phương pháp điều trị chính là cho trẻ uống nhiều nước để cố gắng tránh mất nước. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào bị ngộ độc thực phẩm bên ngoài nên được báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm ở địa phương của bạn để phát hiện và xử trí kịp thời.

>> Vitamin A là một trong những vitamin có lợi nhất để bạn có một làn da khỏe mạnh. Thiếu vitamin A làn da bạn trở nên bong tróc và dẫn tới cản trở sự bài tiết chất nhầy. Cách tốt nhất để bổ sung vitamin A là bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A.

Bác sĩ Hoàng thị Việt Trinh 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Children’s health, 2018, “How to Prevent Your Kids from Getting Food Poisoning”, 04/06/2020, https://healthblog.uofmhealth.org/childrens-health/how-to-prevent-your-kids-from-getting-food-poisoning
  • WebMD, 2020, “Food Poisoning in Children: What to Know”, 04/06/2020, https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/food-poisoning-in-children-what-to-know#3
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người