YouMed

Ngôi thai bất thường: lựa chọn sinh mổ hay sinh thường?

bác sĩ hồ ngọc lợi
Tác giả: ThS.BS Hồ Ngọc Lợi
Chuyên khoa: Lão khoa, Nội tổng quát, Y học gia đình

Vào cuối thai kỳ và lúc bắt đầu chuyển dạ, thai nhi cùng với khung chậu của mẹ là những yếu tố góp phần quyết định lựa chọn phương thức sanh. Vì thế, việc xác định được ngôi thai và trục của em bé trong bụng mẹ là cực kì quan trọng. Trong những trường hợp bình thường, em bé sẽ nằm dọc theo chiều lưng của mẹ. Tư thế nằm sấp và đỉnh đầu của bé trình diện với eo trên của mẹ. Đây được gọi là ngôi chỏm. Là ngôi hay gặp nhất và ngôi thuận tiện để bé dễ dàng lọt và sổ ra ngoài trong quá trình chuyển dạ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đôi khi chúng ta sẽ gặp những ngôi thai bất thường. Những ngôi thai này làm tăng nguy cơ bé gặp các vấn đề về dây rốn. Hoặc làm tổn thương cho cả mẹ và bé trong quá trình sanh. Hãy cùng bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết sau nhé.

Những ngôi thai bất thường nào có thể gặp?

Đầu tiên mẹ cần phân biệt thế nào là trục thai và ngôi thai:

Trục thai

  • Đây là mối tương quan của trục dọc của thai nhi và trục dọc của mẹ.
  • Như vậy thai sẽ có trục dọc hoặc trục ngang có nghĩa rằng bé nằm dọc hay nằm ngang so với cơ thể mẹ.
  • Đôi khi trục giữa thai và mẹ tạo thành một góc 45 độ, được gọi là trục xéo. Trục này không ổn định và luôn luôn trở thành trục dọc hay trục ngang khi mẹ vào chuyển dạ.
  • Khi thai có trục dọc thì có thể phần đầu hay phần mông trình diện với khung chậu.
  • Với thai đủ tháng khi vào chuyển dạ, 99% là trục dọc.
  • Những yếu tố đưa đến trục ngang có thể bao gồm: mẹ sanh nhiều lần, nhau tiền đạo, đa ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung hay tử cung bất thường.

Xem thêm: Mang thai tuần 40: Ngày dự sinh đã đến

Ngôi thai

Là phần thai nhi trình diện với eo trên của mẹ. Trong Sản phụ khoa, bác sĩ sẽ xác định ngôi thai qua điểm mốc trên cơ thể của trẻ trình diện với eo trên. Khi phần trình diện là đầu sẽ tạo thành ngôi đầu. Trong ngôi đầu còn có các loại ngôi thai chi tiết hơn tùy thuộc vào điểm mốc trên bộ phận của trẻ.

Các loại ngôi trong ngôi đầu

  • Ngôi chỏm: tư thế đầu bé gặp lại, cằm chạm ngực, điểm mốc là thóp sau. Như đã đề cập ở trên, ngôi chỏm là ngôi thường gặp nhất và là ngôi thuận tiện cho cuộc chuyển dạ bình thường.
Ngôi thai
Ngôi chỏm là ngôi thường gặp nhất và thuận tiện cho cuộc chuyển dạ bình thường.
  • Ngôi thóp trước: đầu bé gặp vừa phải, điểm mốc là thóp trước.
  • Ngôi trán: đầu ngửa vừa phải, điểm mốc là gốc mũi của bé.
  • Ngôi mặt: cổ bé ngửa ra, điểm mốc là cằm của bé.
ngôi thai
Nhận biết ngôi trán và ngôi mặt

Sự thay đổi ngôi thai khi chuyển dạ

Khi vào chuyển dạ, ngôi thóp trước có thể chuyển thành ngôi chỏm khi bé cúi đầu tốt. Hoặc có thể ngửa không hoàn toàn hình thành ngôi trán và ngửa hoàn toàn hình thành ngôi mặt. Trường hợp với phần trình diện là mông sẽ gọi là ngôi mông, hay còn gọi là ngôi ngược. Ngôi mông có thể là trình diện mông ra trước, cả mông và chân, hoặc bàn chân ra trước. Với thai trục ngang. Phần trình diện với eo trên là vai của trẻ.

Tuy có nhiều ngôi thai, nhưng cần hiểu rằng ngoài ngôi chỏm, các ngôi khác đều bất thường và làm cho việc sinh nở qua ngã âm đạo trở nên khó khăn hơn hoặc cần phải sinh mổ.

Ngôi thai bất thường và lựa chọn sanh thường, sanh mổ?

Ngôi mông – ngôi ngược

Trong quá trình mang thai, việc trẻ có ngôi mông là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đến tuần thứ 37 trẻ cần đã chuyển sang ngôi đầu để thuận cho việc chuyển dạ. Sinh ngôi mông xảy ra khi mông hoặc chân của trẻ được xác định xuống ống dẫn sinh đầu tiên.

Tư thế ngôi mông rất nguy hiểm. Bởi vì khi cố gắng sanh ngã âm đạo, em bé có nhiều nguy cơ bị sa dây rốn, chấn thương đầu, gãy cột sống. Và các vấn đề nghiêm trọng khác trong chuyển dạ, thậm chí tử vong.

Trong điều kiện có thể, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp ngoại xoay thai để giúp bé xoay ngược lại để đầu trình diện đầu tiên. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện nếu tim thai bình thường.

Loại ngôi mông duy nhất cho phép sanh ngã âm đạo là ngôi mông thẳng. Đây là khi mông của em bé trình diện đầu tiên, chân gập ở hông, hai đầu gối không gập lại, và bàn chân gần tai.

Ngôi thai
Các kiểu ngôi mông của thai nhi

Ngoài ra, cần đáp ứng các điều kiện sau khi theo dõi ngôi thai:

  • Nhịp tim của bé vẫn ổn định tốt và được theo dõi liên tục.
  • Hình ảnh quang kích chậu cho thấy khung xương chậu của mẹ đủ rộng để an toàn sanh ngã âm đạo.

Nếu không được được các tiêu chí trên, việc cố gắng sanh ngã âm đạo là không nên. Trên thực tế, hầu hết nên được sanh mổ cho tất cả các loại tư thế ngôi mông. Vì đây là phương pháp sinh an toàn nhất và hạn chế các chấn thương khi sinh.

Ngôi mặt

Với ngôi mặt, cổ của bé sẽ ngửa ra, gáy chạm lưng. Với tư thế này đầu sẽ hạn chế đường đi qua ống dẫn sinh. Trong một số trường hợp, việc sinh qua ngã âm đạo có thể gây biến dạng khuôn mặt. Điều này gây tích tụ dịch ở mặt và đường thở. Vì thế bé sẽ cần một ống dẫn được đặt trong đường thở để duy trì sự thông thương đường thở và hỗ trợ thở.

Chấn thương thường xảy ra trong quá trình sinh nở qua ngã âm đạo với ngôi mặt. Vì vậy bác sỹ sẽ tư vấn cho mẹ bé có thể bị bầm tím ở mặt sau khi sinh hoặc có thể đề nghị sinh mổ để hạn chế chấn thương. Tuy nhiên, với ngôi mặt tùy vào kiểu thế có thể sinh qua được ngã âm đạo ví dụ như trong kiểu thế cằm trước – vị trí cằm hướng về phía trước của mẹ. Ở những kiểu thế khác trẻ cần được sinh mổ.

Nếu mẹ có thể được sinh ngã âm đạo, với ngôi mặt. Mẹ cần hiểu rằng trong quá trình chuyển dạ nếu không diễn tiến thuận lợi như chuyển dạ kéo dài mặc dù có cơn gò đủ. Bác sĩ có thể đề nghị mẹ chuyển qua sinh mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Ngôi trán

Ngôi trán tương tự như ngôi mặt, đầu bé ngửa ra nhưng ngửa không hoàn toàn. Với ngôi trán, việc sinh qua ngã âm đạo có thể khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Đường kính của phần đầu trán lớn có thể không lọt qua được khung chậu dễ dàng.

Ngôi ngang

Ở ngôi ngang, phần trình diện eo trên có thể là cánh tay, vai hoặc thân của bé. Với tư thế này, hầu như tất cả ca sanh đều cần phải được sinh mổ. Việc cố gắng sanh ngã âm đạo có thể gây tai biến vỡ tử cung, rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ngoài ra, mẹ sẽ cân nhắc nên được mổ sớm, vì khi màng ối bị vỡ sẽ làm tăng nguy cơ sa dây rốn.

Với mỗi ngôi thai, kiểu thế khác nhau sẽ cần lựa chọn sanh thường hay mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Hãy thường xuyên kiểm tra thai nhi để được các bác sĩ và chuyên gia tư vấn kịp thời các mẹ nhé.

Xem thêm:

Sinh mổ: Nên hay không nên?

Sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Abnormal Fetal Position and Presentation

    https://www.abclawcenters.com/practice-areas/prenatal-birth-injuries/abnormal-position-or-presentation/

    Ngày tham khảo: 30/09/2020

  2. Fetal movement and fetal presentationhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/4054045/

    Ngày tham khảo: 30/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người