Bị ngứa vùng kín khi mang thai phải xử trí thế nào?
Nội dung bài viết
Bị ngứa vùng kín khi mang thai là một trong những triệu chứng không ít gặp ở các thai phụ. Nguyên nhân của triệu chứng này thì rất đa dạng. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu không biết cách xử trí phù hợp sẽ làm cho bệnh diễn biến ngày càng nặng hơn. Vậy khi mang thai, nếu bạn bị ngứa vùng kín thì phải làm sao? Việc điều trị có ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng hay không? Tất cả sẽ được ThS.BS Phan Lê Nam giải đáp qua bài viết sau đây.
Bị ngứa vùng kín khi mang thai triệu chứng như thế nào?
Bị ngứa vùng kín khi mang thai là tình trạng trong lúc mang thai, mẹ bầu có cảm giác ngứa ngáy. Có thể là ngứa âm ỉ hoặc rất ngứa ở vùng kín. Nói cụ thể hơn là vùng âm hộ, âm đạo. Triệu chứng này làm cho thai phụ cảm thấy rất khó chịu.
Bị ngứa vùng kín khi mang thai có thể kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Nóng rát ở cơ quan sinh dục.
- Ra nhiều khí hư bất thường. Chẳng hạn như số lượng nhiều hơn, màu bị thay đổi như màu vàng, màu xanh. Hoặc có thể có mùi hôi tanh khó chịu.
- Rối loạn tiểu tiện. Chẳng hạn như tiểu buốt, tiểu đau, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt.
- Vùng cơ quan sinh dục có mùi hôi, mùi chua.
- Có cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục.
- Có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, rét run.
Tham khảo thêm bài viết cùng chủ đề: Bị cảm khi mang thai và hướng xử trí phù hợp
Số liệu thống kê chung về tình trạng ngứa vùng kín trong thai kỳ
Theo số liệu thống kê chúng, có đến 90% phụ nữ ở Việt Nam nằm trong độ tuổi sinh đẻ có triệu chứng ngứa vùng kín. Trong đó, trên 70% là những phụ nữ có kiến thức, có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ phụ nữ đang mang thai bị ngứa vùng kín. Tuy nhiên, có thể nói đây là một triệu chứng rất phổ biến. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Xem thêm: Quan hệ tình dục khi mang thai – Những thắc mắc còn bỏ ngõ
Nguyên nhân gây ra triệu chứng ngứa vùng kín khi mang thai
Những nguyên nhân gây nên triệu chứng bị ngứa vùng kín khi mang thai bao gồm:
1. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể của thai phụ sẽ có những thay đổi lớn. Về nội tiết tố, hormone Estrogen tiết ra nhiều. Đồng thời, chất glycogen cũng hình thành nhiều hơn so với trước khi mang thai.
Chính những đặc điểm này đã làm cho vùng kín của thai phụ trở nên ẩm ướt hơn. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển. Từ đó, chúng sẽ gây viêm nhiễm, gây nên cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
2. Tình trạng viêm nhiễm âm đạo
Trong những tháng đầu tiên mang thai,hầu hết mẹ bầu sẽ bị viêm nhiễm vùng âm đạo. Tình trạng viêm nhiễm đó chính là nguyên nhân gây ngứa vùng kín từ nhẹ đến nặng.
3. Thay đổi độ pH ở cơ quan sinh dục
Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến triệu chứng bị ngứa vùng kín trong lúc có thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong lúc mang thai, tính kiềm tại cơ quan sinh dục sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, nó dễ gây ra viêm nhiễm và triệu chứng ngứa ở vùng kín.
Ngoài ra, thai phụ còn bị ngứa vùng kín do mắc phải những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chẳng hạn như sùi mào gà, lậu, giang mai, herpes sinh dục,…
Triệu chứng các bệnh viêm phụ khoa gây ngứa vùng kín khi mang thai
Một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa phổ biến mà thai phụ có thể mắc và gây nên triệu chứng ngứa bao gồm:
- Thứ nhất là viêm âm đạo. Khi bị bệnh lý này, cơ thể chị em sẽ xuất hiện nhiều khí hư có màu và mùi bất thường. Có triệu chứng ngứa hoặc nóng rát cơ quan sinh dục. Bị đau khi quan hệ tình dục.
- Nguyên nhân thứ hai là viêm cổ tử cung. Bệnh lý này gây ra triệu chứng tăng nhiều khí hư bất thường. Có dạng nhầy nhớt, hoặc mủ, hoặc đôi khi kèm những sợi máu.
- Thứ ba là viêm vùng chậu. Bệnh này gây nên triệu chứng sốt (có thể sốt cao), kèm theo rét run. Thai phụ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau vùng bụng dưới. Âm đạo có nhiều chất mủ tiết ra. Rối loạn đi tiểu: tiểu đau, tiểu khó.
- Thứ tư là viêm phần phụ (vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng). Viêm phần phụ gây nên đau vùng bụng dưới dữ dội, đặc biệt là hai hố chậu. Sốt thường cao trên 38,5 độ C có thể kèm theo rét run. Khí hư ra nhiều, có mùi và màu bất thường.
Xem thêm: Dịch màu nâu nhạt khi mang thai có nguy hiểm hay không?
Ngứa vùng kín khi mang thai có nguy hiểm hay không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bị ngứa vùng kín khi mang thai cũng khá nguy hiểm. Bởi vì nó vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ, mà còn ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh bao gồm:
- Sinh hoạt gặp nhiều bất tiện: Cảm giác ngứa vùng kín làm cho thai phụ không thể tập trung làm việc hàng ngày. Thậm chí còn gây ra nhiều bất tiện khi quan hệ tình dục, nghỉ ngơi, vệ sinh,…
- Vùng kín bị tổn thương: Thai phụ bị ngứa vùng kín thường xuyên có thói quen gãi. Hành động này hoàn toàn sai. Bởi vì nó sẽ làm tổn thương, trầy xước cơ quan sinh dục. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm nặng hơn.
- Nguy cơ mắc thêm các bệnh lý phụ khoa khác: Lúc mang thai bị ngứa vùng kín sẽ làm mẹ bầu tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa. Chẳng hạn như: viêm tử cung, viêm âm đạo, viêm phần phụ… Nếu mẹ bầu không sớm phát hiện bệnh kịp thời có thể dẫn đến hậu quả sảy thai, sinh non.
- Ảnh hưởng xấu đến thai nhi: Các bệnh lý gây ngứa vùng kín khi mang thai thường do vi khuẩn, virus. Nếu em bé được sinh ra qua ngả âm đạo sẽ có thể mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, thị giác,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chị em bị ngứa vùng kín khi mang thai cần đến gặp bác sĩ ngay khi có kèm theo các triệu chứng như:
- Sốt cao, ớn lạnh, rét run.
- Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn.
- Đau đầu, đau mình mẩy.
- Khí hư ra nhiều, có tính chất bất thường như: Thay đổi về mùi, về màu sắc.
- Rối loạn đi tiểu như tiểu đau, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, tiểu mủ.
- Có tình trạng xuất huyết ở cơ quan sinh dục.
- Âm hộ, âm đạo có mùi hôi, mùi chua, những mùi khác lạ hàng ngày.
- Có cảm giác đau khi quan hệ tình dục.
- Cơ quan sinh dục viêm đỏ, xuất hiện những mảng trắng, sung huyết,…
Điều trị ngứa vùng kín khi mang thai
Nếu chị em bị ngứa vùng kín khi mang thai, tốt nhất là nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa. Các bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định những xét nghiệm phù hợp. Chẳng hạn như cấy nước tiểu, soi tươi dưới kính hiển vi, cấy dịch âm đạo,…
Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định. Đồng thời chỉ định những loại thuốc phụ hợp, an toàn cho cả người mẹ và thai nhi. Có thể là những dạng dung dịch rửa âm đạo, thuốc uống, thuốc đặt âm đạo.
Ngoài ra, một số biện pháp hiện đại khác có thể được thực hiện để điều trị tình trạng ngứa vùng kín bao gồm:
- Kỹ thuật Ozon: Giúp tiêu diệt đến 99,98% vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng, E.Coli, hoặc nấm Candida.
- Kỹ thuật Oxy xanh công nghệ của nước Đức. Phương pháp này sẽ phá hủy kết cấu DNA của vi khuẩn gây bệnh. Hiệu quả tiêu diệt đến 99,855 vi khuẩn, vi nấm gây bệnh.
- Phương pháp kết hợp Đông – Tây y: giúp tạo hiệu quả điều trị kép. Hạn chế những tác dụng phụ do thuốc kháng sinh gây ra.
Phòng ngừa ngứa vùng kín khi mang thai
Để hạn chế tình trạng bị ngứa vùng kín khi mang thai, chị em phụ nữ nên:
- Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày bằng nước sạch. Hạn chế tự ý thục rửa âm đạo nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Hạn chế mặc quần lót quá chật. Nên chọn những loại quần lót thông thoáng, thấm hút tốt.
- Sử dụng giấy vệ sinh sạch, mềm để lau chùi vùng kín sau khi đi vệ sinh.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh và những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Mục đích là để tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.
Với những thông tin trong bài viết, hy vọng chị em sẽ hiểu rõ hơn về triệu chứng bị ngứa vùng kín khi mang thai. Từ đó, các bạn nhất là những mẹ bầu sẽ có hướng xử trí phù hợp, kịp thời. Hơn nữa là biết cách phòng bệnh để hạn chế mắc các bệnh lý phụ khoa khi mang thai.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaginal Itching During Pregnancyhttps://parenting.firstcry.com/articles/vaginal-itching-during-pregnancy-causes-and-remedies/
Ngày tham khảo: 28/05/2020
-
I’m Pregnant: Why Do I Have Vaginal Itching?https://www.healthline.com/health/pregnancy/vaginal-itching-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 28/05/2020
-
Vaginal itching during pregnancy: Symptoms and preventionhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/vaginal-itching-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 28/05/2020