Những tác hại của niềng răng mà bạn có nguy cơ gặp phải
Nội dung bài viết
Niềng răng là phương pháp điều trị giúp chúng ta có được hàm răng thẳng đều và tự tin hơn. Tuy nhiên, quá trình niềng răng thường kéo dài vài năm. Trong thời gian ấy, chúng ta phải trải qua một số khó khăn và những nguy cơ có thể gặp phải khi niềng răng. Dẫn đến việc nhiều người thường nghĩ đây là những tác hại của niềng răng. Vậy niềng răng có nguy hiểm không? Tác hại của việc niềng răng mang lại có lớn không? Mời bạn đọc cùng YouMed tìm hiểu.
Các vấn đề thường gặp khi niềng răng
1. Cảm giác khó chịu
Khi lần đầu niềng răng, đa số mọi người đều cảm thấy khó chịu. Đây là cảm giác thường gặp. Mắc cài sẽ làm môi má bị cộm và châm chích. Nhưng bạn đừng quá lo lắng. Cảm giác này thường sẽ giảm và hết dần sau một thời gian. Cảm giác khó chịu có thể đi kèm với đau răng hoặc đau đầu. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau như: acetaminophen, ibuprofen,… nếu thấy khó chịu nhiều.
Thuốc giảm đau sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và đau nếu có. Nếu cơn đau ngày càng tăng và kéo dài, hãy liên hệ ngay với nha sĩ của bạn. Vì đây có thể là dấu hiệu bất thường cần xử lý ngay.
2. Đau
Nếu bạn hỏi bất cứ ai từng chỉnh nha, thì điều phàn nàn đầu tiên nghe được có thể là: “Đau”. Khoảng 70-95% bệnh nhân chỉnh nha đều trải qua cảm giác đau ít nhất một lần khi điều trị.
Cơn đau thường xuất hiện trong những lần chỉnh lực. Thường cơn đau xuất hiện sau vài giờ. Đau kéo dài 2 – 4 ngày rồi mất. Với đa số mọi người, đau nhất là ở lần tăng lực đầu tiên. Tuy nhiên cảm giác đau cũng thay đổi từ người này sang người khác. Có người chỉ nhạy cảm nhẹ, có người rất đau. Khi lực chỉnh quá mức, có thể dẫn đến đau nhiều. Sự thật là có đến 30% trường hợp phải tạm ngừng điều trị do đau. Đau thường ở các răng trước nhiều hơn răng sau. Đó là do kích thước và độ dày cấu trúc răng trước mỏng hơn so với các răng sau.
Một số trường hợp đau xuất hiện do cọ xát với mắc cài, dây cung. Đau thường đi kèm với lở miệng.
Các cách giảm cơn đau
-
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Sử dụng nước ấm có thể làm giảm đau nhức do niềng răng chặt. Nếu bạn có những vết đau do cọ xát, đặt một viên đá vào vùng đó có thể giúp giảm đau bằng cách làm tê nó.
- Uống thuốc giảm đau
Các thuốc giảm đau không kê đơn như: paracetamol và ibuprofen đều giúp làm giảm cơn đau khi niềng răng. Chúng đều an toàn miễn bạn tuân thủ đúng liều khuyến cáo tối đa hàng ngày. Cần đảm bảo sử dụng cách nhau ít nhất 4 tiếng.
-
Áp gel giảm đau
Bạn có thể áp gel giảm đau cho các vết đau do cọ xát. Ví dụ: Orajel. Gel giảm đau giúp làm dịu và giảm kích ứng. Nó có thể giúp bạn bớt căng thẳng hơn.
-
Che phủ niềng răng
Nếu bạn có những vị trí mà niềng răng cọ xát và gây đau. Bạn có thể ngăn ngừa sự cọ xát thêm và giúp các vết đau lành lại, bằng cách che phủ niềng răng bằng composite hoặc bằng sáp hay dải băng. Nếu dùng sáp che phủ, hãy bôi các sản phẩm này trước khi đi ngủ và để qua đêm. Luôn đảm bảo rằng bạn đã làm sạch niềng răng và răng của bạn trước khi bôi.
Dải bảo vệ niềng răng là một lựa chọn tuyệt vời. Đó là một dải dính trong suốt bao phủ niềng răng. Do đó có thể bảo vệ mô miệng của bạn. Bạn có thể mang nó ngay cả lúc ăn. Sản phẩm này hiện khó tìm mua trên thị trường.
3. Khó ăn nhai
Khó khăn trong ăn uống là vấn đề lớn nhất khi niềng răng, đặc biệt sau mỗi lần chỉnh. Thời điểm này bạn cần hạn chế ăn những đồ cứng, dai. Cần chọn những thực phẩm mềm, dễ xé nhỏ. Tuy nhiên sự khó chịu này sẽ dần được thích nghi nhanh chóng.
4. Hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng gây khó chịu cho cả người mắc và những người xung quanh. Vi khuẩn có thể phát triển trên bề mặt răng, nướu, lưỡi và ngay cả mắc cài. Hôi miệng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nha chu. Nếu bạn đang chỉnh nha cần thận trọng chú ý vệ sinh để tránh tình trạng này. Các vị trí khâu, mắc cài, dây cung đều rất dễ giữ thức ăn, mảng bám. Đó là điều kiện giúp vi khuẩn phát triển tạo mùi.
5. Mất tự tin ban đầu
Niềng răng là con đường để bạn có thể có được nụ cười đẹp hơn. Tuy nhiên hầu như đa số đều cảm thấy tự ti khi lần đầu mang niềng răng.
Lưu ý
- Luôn đem theo bên mình bộ vệ sinh răng miệng. Bạn có thể làm sạch niềng răng bất cứ lúc nào để cảm thấy tự tin hơn. Nhất là sau khi ăn uống cùng bạn bè.
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng thật tốt để tránh tình trạng viêm nướu, hôi miệng.
- Không nên sử dụng thun màu sắc quá nổi nếu bạn không thực sự tự tin với nó. Tránh dùng màu trắng vì sẽ khiến răng bạn trông vàng đi và thường bị ố nhanh.
- Việc trang điểm sẽ khiến bạn tăng tự tin và làm giảm sự chú ý vào niềng răng đang đeo.
- Tự tin với nụ cười của mình. Nếu bạn càng chú ý đến nó thì sẽ càng gây chú ý cho mọi người.
Nếu những típ trên vẫn khiến bạn không tự tin hơn. Bạn có thể nghĩ đến phương pháp niềng răng bằng khay trong suốt. Mọi người sẽ hoàn toàn không biết bạn đang niềng răng!
6. Môi khô, khó khép lại
Vị trí của răng cũng ảnh hưởng đến vị trí và hình dạng môi. Ở những người có răng nhô ra trước, môi thường dày và nhô theo. Trường hợp nặng có thể không khép lại được. Khi mang mắc cài, do độ nhô của mắc cài so với bề mặt răng, khiến môi cũng bị đẩy ra.
Bệnh nhân chỉnh nha thường khó khép môi, hay dẫn đến khô môi, nứt nẻ. Điều này có thể giải quyết bằng cách tập động tác vén môi che mắc cài. Dùng son dưỡng ẩm hoặc vaseline để làm mềm môi thường xuyên.
7. Khô miệng
Khô miệng gây ra do tình trạng giảm nước bọt. Khi mang khay niềng trong suốt, nước bọt không thể rửa trên bề mặt răng như bình thường. Miệng của bạn nhận ra đây là vật lạ. Điều này khiến tuyến nước bọt giảm tiết và có thể sưng nhẹ. Nước bọt tham gia vào việc ngăn sâu răng. Do đó khi niềng răng bạn cần tăng cường việc vệ sinh răng miệng hơn nữa. Chứng khô miệng có thể khiến bạn khó nhai nuốt, ngay cả khi không mang khay. Điều quan trọng bạn có thể làm để khắc phục tình trạng này là uống thật nhiều nước.
8. Cắn má
Một tác hại của việc niềng răng khác mà chúng ta có thể gặp phải là cắn phải má hoặc môi. Nguyên nhân là do miệng bạn vẫn chưa quen được với việc có vật lạ trong miệng. Việc cắn má, môi sẽ hết sau một thời gian niềng răng. Trong thời gian đó bạn nên dùng nước súc miệng giúp ngăn nhiễm khuẩn và các kích thích.
9. Khó phát âm
Khi sử dụng niềng răng bằng khay trong suốt, có thể bạn sẽ gặp sự thay đổi trong phát âm. Đó là vì lưỡi của bạn không thể chạm vào mặt trong của răng khi phát âm. Thay vào đó, nó sẽ chạm vào khay niềng. Điều này khiến bạn tạo ra những từ không chính xác. Tuy nhiên bạn sẽ dần khắc phục được nó khi dần quen với việc mang khay niềng.
Những tác hại của việc niềng răng hiếm gặp
Niềng răng có nguy hiểm không là nỗi lo của nhiều người. Sau đây là một số tác hại hiếm gặp nếu bạn lựa chọn cơ sở nha khoa không có chuyên môn hoặc thiếu uy tín:
Răng chết tủy
Niềng răng bằng mắc cài có thể gây tổn thương răng và dẫn đến chết tủy nếu đặt lực quá mạnh. Mỗi răng đều chứa tủy sống gồm: hệ mạch máu và thần kinh. Khi dây cung được siết chặt để tác dụng lực lên răng có thể gây viêm nhẹ ở tủy. Phản ứng của răng với lực tác dụng này là tạm thời, sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lực có thể tác dụng quá mức lên một số răng. Viêm kéo dài có thể dẫn đến chết tủy.
Phá hủy nướu và xương ổ răng
Ở một số trường hợp niềng răng , có thể thấy tình trạng răng lung lay. Điều này cho thấy xương ổ răng đã bị phá hủy. Trong quá trình di chuyển, xương ổ sẽ liên tục xảy ra quá trình tiêu xương và tạo xương. Mức độ lung lay vừa phải thường gặp khi niềng răng. Tuy nhiên nếu sử dụng lực quá mạnh sẽ làm tăng độ tiêu xương bên dưới. Do đó làm tăng độ lung lay của răng.
Việc vệ sinh răng miệng là vô cùng quan trọng ở những người niềng răng. Lý do là mắc cài và dây cung là những vị trí dễ lưu giữ mảng bám, khó làm sạch. Nếu không tuân thủ tốt chăm sóc răng miệng có thể gây ra bệnh về nha chu như: Viêm nướu. Nếu viêm không được điều trị kéo dài, có thể lan xuống mô xương gây tiêu xương. Lúc này, răng sẽ tăng lung lay, có thể nhiễm trùng, chảy mủ.
Việc phá hủy mô nha chu khi niềng răng phụ thuộc vào các yếu tố:
- Vệ sinh răng miệng của bệnh nhân.
- Các thói quen như hút thuốc lá, thuốc lào.
- Lối sống.
- Chế độ ăn uống.
Xem thêm bài viết: Viêm nướu và viêm nha chu: Bạn biết những gì?
Sâu răng – Đốm trắng
Tương tự như nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về nướu đó là do vệ sinh răng miệng kém. Nếu bệnh nhân không tuân thủ tốt cũng sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến sâu răng.
Hiện tượng tác hại của niềng răng phổ biến nhất thường gặp đó là các đốm trắng trên bề mặt răng. Đây là dấu hiệu bắt đầu sự khử khoáng để tạo nên các lỗ sâu. Mảng bảm tích tụ trên bề mặt răng không được làm sạch. Đây là môi trường cho vi khuẩn hoạt động sản sinh ra axit gây mất khoáng Ca, P ở men răng.
Cách tốt nhất để tái khoáng các vị trí này là phải thường xuyên chải răng sạch, kết hợp dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước. Sử dụng nước súc miệng có thể loại bỏ axit sau khi ăn uống. Nước súc miệng không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng các sản phẩm này sẽ giúp khôi phục cân bằng PH tự nhiên trong miệng. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, tập trung vào việc giảm lượng đường, đặc biệt là đồ uống có ga và rượu. Một chế độ ăn uống tốt sẽ khuyến khích sự tái tạo tự nhiên.
Để hỗ trợ cho quá trình tái khoáng có thể cần đến sự giúp ích của Fluoride. Fluoride là sản phẩm phổ biến nhất và được tìm thấy trong hầu hết nước súc miệng và kem đánh răng. Do đó việc chăm chỉ chải răng với kem đánh răng có Fluoride cũng là một biện pháp tốt. Quá trình tái khoáng thường mất vài tuần đến vài tháng. Do đó bạn cần cố gắng kiên trì để tránh sâu răng tiến triển.
Rối loạn thái dương hàm
Khớp thái dương đóng vai trò quan trọng cho hoạt động nhai, cắn và tất cả các chuyển động khác. Một tỉ lệ đáng kinh ngạc là có đến 48 – 86% dân số có vấn đề về rối loạn thái dương hàm. Nguyên nhân chủ yếu là do sai khớp cắn.
Mặc dù mục đích của chỉnh nha là nhằm tái lập lại khớp cắn đúng. Tuy nhiên nếu việc điều trị không đúng có thể làm trầm trọng các rối loạn sẵn có hoặc làm xuất hiện rối loạn mới. Rối loạn thái dương hàm gây đau ở cơ, khớp, giới hạn há miệng, nhai…
Phản ứng dị ứng
Một số ít người có thể dị ứng với cao su latex ở thun ở mắc cài hoặc với kim loại. Nếu bạn từng có tiền sử dị ứng nên báo trước với nha sĩ. Có thể thay đổi thun không chứa latex hoặc kim loại khác để tránh gây dị ứng.
Tiêu chân răng
Tiêu chân răng là tình trạng chân răng ngắn đi. Thông thường chân răng ở người niềng răng chỉ tiêu đi một ít. Hiếm khi tiêu đến một nửa chân răng. Nguyên nhân là do trong di chuyển răng, hoạt động của các hủy cốt bào tạo các khiếm khuyết trên bề mặt chân răng. Quá trình sửa đổi thường sẽ lấp đầy những vùng này.
Tuy nhiên nếu các khiếm khuyết này tập trung nhiều ở vùng chóp có thể làm tách rời mô. Quá trình sửa đổi sẽ làm nhẵn lại bề mặt chân răng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiêu ngót chân răng trong chỉnh hình là:
- Thời gian điều trị quá kéo dài.
- Sử dụng lực quá mạnh và liên tục.
- Chân răng bị di chuyển đụng vào thành xương hay vỏ xương ổ răng.
- Chân răng hình chóp nón, cong bất thường.
- Tiền sử chấn thương răng.
- Bị tiêu ngót chân răng trước khi điều trị chỉnh hình.
Cách tốt nhất để hạn chế tiêu ngót là chụp phim theo dõi thường xuyên để có hướng điều chỉnh thích hợp.
Cứng khớp
Một tình trạng hiếm gặp khác, có thể liên quan đến sức khỏe toàn thân. Đó là cứng khớp chân răng – chân răng và xương ổ hợp nhất. Cứng khớp khiến răng không thể di chuyển được. Trong khi đó các mô xung quanh răng di chuyển, dẫn đến sự sai lệch. Biến chứng này rất khó dự đoán và thường được phát hiện thông qua chụp X-quang, kiểm tra lâm sàng.
Dù có thể gặp một số tác hại của niềng răng như trên, nhưng đây là một phương pháp an toàn giúp bạn có được hàm răng đều và khỏe mạnh. Để đạt được kết quả như ý muốn, bạn nên tuân thủ những hướng dẫn của nha sĩ trong quá trình điều trị. Mọi vấn đề trong quá trình niềng răng nếu được phát hiện sớm và theo dõi hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to stop braces pain & other braces problemshttps://web.archive.org/web/20210506210404/https://www.electricteeth.com/uk/stop-braces-pain-braces-problems/
Ngày tham khảo: 01/06/2020
-
Effects From Braces – What’s Normal & What Isn’t
https://www.blueridgeorthodontics.com/side-effects-braces/
Ngày tham khảo: 01/06/2020
-
Do Braces have Side Effects? | Disadvantages of Wearing Braces
https://blog.32watts.com/what-are-the-side-effects-of-braces.html
Ngày tham khảo: 01/06/2020