Những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp
Nội dung bài viết
Ngộ độc thực phẩm là một khái niệm không còn xa lạ với tất cả chúng ta. Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cũng đa dạng, được chia làm 3 nhóm chính: vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Thông qua bài viết này, các bạn sẽ được trang bị thêm những kiến thức để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và gia đình.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của nó.
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng đa dạng và nhiều mức độ, gây ra những tác hại trên sức khỏe khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu thêm các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm tại đây: Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là gì?
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm rất đa dạng. Chúng phụ thuộc vào điều kiện môi trường và bản thân loại thực phẩm. Chúng có thể bắt nguồn từ khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến hoặc sử dụng thức ăn. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thành 3 nhóm chính:
Vi khuẩn:
Có 8 loại vi khuẩn thường gặp là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm như sau:
Staphylococcus aureus (tụ cầu):
Sau khi ăn thực phẩm chứa vi khuẩn này, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau 30 phút đến 6 giờ. Các triệu chứng cụ thể như: buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày. Hầu hết mọi người đều bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn này là do thực phẩm chưa được nấu chín. Chúng ta thường gặp trong: thịt cắt lát, bánh pudding, bánh ngọt và bánh mì kẹp.
Clostridium perfringens
Các triệu chứng bắt đầu từ 6 – 24 giờ sau khi tiếp xúc. Cụ thể như: tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa và sốt không phổ biến.
Triệu chứng thường bắt đầu đột ngột và kéo dài dưới 24 giờ.
Bạn có thể nhiễm vi khuẩn này khi ăn thịt bò hoặc thịt gia cầm, đặc biệt là thịt quay.
Salmonella
Các triệu chứng bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi tiếp xúc. Cụ thể như: tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày và nôn mửa.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này là: thịt gà và thịt sống hoặc nấu chưa chín; trứng gà.
Sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng; trái cây và rau sống cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm của vi khuẩn này. Bên cạnh đó, còn gặp ở một số loài động vật khác như: bò sát và lưỡng cư, động vật gặm nhấm.
Clostridium botulinum (Bệnh ngộ độc thịt)
Các triệu chứng bắt đầu từ 18 giờ đến 36 giờ sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng như: nhìn đôi hoặc nhìn mờ, mí mắt sụp, nói lắp; khó nuốt, khó thở và khô miệng, yếu cơ và tê liệt. Các triệu chứng bắt đầu và giảm dần khi mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng lên.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này là: thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách, rượu tự sản xuất.
Vibrio
Các triệu chứng bắt đầu từ 1 – 4 ngày sau khi tiếp xúc như: tiêu chảy nhiều nước, buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, ớn lạnh.
Nguồn thực phẩm thông thường là nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn này là: động vật có vỏ còn sống hoặc chưa nấu chín, thường gặp nhất là hàu.
Campylobacter
Các triệu chứng bắt đầu từ 2 – 5 ngày sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng thường gặp như: tiêu chảy phân thường có máu, đau hoặc co thắt dạ dày, sốt.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này là: Thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín, sữa tươi hoặc nước bị ô nhiễm.
E. coli (Escherichia coli)
Đây là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khá thân thuộc với mỗi chúng ta. Khi nhiễm vi khuẩn này, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau 3 đến 4 ngày. Bạn có thể bị đau bụng dữ dỗi, tiêu chảy phân thường có máu và nôn mửa. Khoảng 5 – 10% những người mắc ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn này sẽ diễn biến nặng, đe dọa đến tính mạng.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này là: thịt bò xay sống hoặc chưa nấu chín. Sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, rau sống và nước bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây ra nhiễm vi khuẩn này.
Listeria
Các triệu chứng bắt đầu từ 1 – 4 tuần sau khi tiếp xúc.
Phụ nữ mang thai thường bị sốt và các triệu chứng giống cúm khác như mệt mỏi và đau nhức cơ. Nhiễm trùng khi mang thai có thể dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng hoặc tử vong sơ sinh.
Những người khác, thường là người lớn tuổi sẽ bị nhức đầu, cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng và co giật kèm sốt và đau cơ.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này đa dạng. Thường gặp là: phô mát, rau mầm sống, xúc xích, pa-tê, thịt nguội, hải sản hun khói và sữa chua tiệt trùng.
Ký sinh trùng:
- Cyclospora:
Đây loại ký sinh trùng thường gặp nhất là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng bắt đầu 1 tuần sau khi tiếp xúc như: tiêu chảy phân nhiều nước, chán ăn và sụt cân. Bên cạnh đó, bạn còn gặp co thắt dạ dày, đầy hơi, tăng khí, buồn nôn và mệt mỏi.
Nguồn thực phẩm thông thường gây ra nhiễm vi khuẩn này là: trái cây sống hoặc rau và thảo mộc.
Vi-rút
- Norovirus
Các triệu chứng khởi phát từ 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc vi-rút này. Triệu chứng hay gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, nôn mửa.
Rau xanh, trái cây tươi, động vật có vỏ hoặc nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây nhiễm loại vi-rút này.
Người thường bị nhiễm bệnh do lây từ người khác hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm.
Ai là người dễ bị ngộ độc thực phẩm?
Ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào sinh vật, mức độ tiếp xúc, tuổi tác và sức khỏe của bạn.
Các đối tượng có nguy cơ cao bị tác động bởi các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, bao gồm:
- Người cao tuổi. Khi bạn già đi, hệ thống miễn dịch của bạn có thể không phản ứng nhanh. Hiệu quả là bạn dễ dàng nhiễm bệnh hơn khi bạn còn trẻ.
- Phụ nữ mang thai. Khi mang thai, những thay đổi trong quá trình trao đổi chất là nguyên nhân tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hệ thống miễn dịch của chúng chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể tác động đến và gây bệnh ở trẻ.
- Người mắc các bệnh mãn tính. Bệnh nhân mắc tiểu đường, bệnh gan, AIDS, hoặc được hoá trị hoặc xạ trị ung thư làm suy giảm miễn dịch.
Những đối tượng này cần nâng cao đề kháng và thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm. Bạn có thể xem thêm các loại thực phẩm để tăng cường miễn dịch cho cơ thể tại đây:
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ngày càng đa dạng. Điều đó tạo ra một thách thức lớn đối với Y học. Chúng ta cần có những hiểu biết về ngộ độc thực phẩm. Từ đó, đề ra cách phòng tránh và điều trị để đảm bảo sức khỏe của mọi người, mọi nhà.
Xem thêm: Những cách chữa ngộ độc thực phẩm mọi người cần biết
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Food poisoinghttps://www.nhs.uk/conditions/food-poisoning/
Ngày tham khảo: 07/02/2021
-
Food poisoning (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230
Ngày tham khảo: 07/02/2021
-
What are common food poisoning symptoms?https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/understanding-food-poisoning-symptoms#1
Ngày tham khảo: 07/02/2021