YouMed

Nguyên nhân tăng huyết áp có thể bạn chưa biết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Tăng huyết áp là một bệnh lý khá phổ biến. Chúng có thể có nguyên nhân rõ ràng hoặc không. Các nguyên nhân tăng huyết áp thường gặp sẽ được liệt kê trong bài viết dưới đây. Bên cạnh đó bạn cũng sẽ biết đến những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Qua đó, biết cách phòng ngừa những yếu tố này. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân tăng huyết áp thông qua bài viết này nhé!

Thế nào là huyết áp cao?

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tăng huyết áp bạn cần hiểu rõ tăng huyết áp là gì. Huyết áp cao (hay tăng huyết áp) là một tình trạng phổ biến, khi đó áp lực máu tác động vào thành mạch tăng cao.

Áp lực máu được xác định dựa vào lượng máu tim bạn bơm ra và kháng lực dòng máu chảy trong lòng mạch. Tim bạn bơm càng nhiều máu và mạch máu của bạn càng hẹp thì áp lực máu càng cao. Áp lực máu được tính bằng đơn vị milimét thủy ngân (ký hiệu là mmHg). Nó có hai trị số:

  • Trị số phía trên (huyết áp tâm thu): Số đo áp lực trong lòng mạch khi tim co bóp.
  • Trị số phía dưới (huyết áp tâm trương): Số đo áp lực trong lòng mạch giữa hai lần co bóp của tim.

Tăng huyết áp được định nghĩa khi chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên. Chẩn đoán tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp ít nhất 2 lần trong trạng thái nghỉ ngơi.

Bạn có thể bị tăng huyết áp trong nhiều năm và không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu huyết áp cao không được kiểm soát sẽ gia tăng nguy cơ xuất hiện những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ví dụ như bệnh tim hay đột quỵ. May mắn là tình trạng huyết áp cao có thể phát hiện được dễ dàng.

Trị số trên máy đo huyết áp điện tử
Trị số trên máy đo huyết áp điện tử

Nguyên nhân tăng huyết áp

Có hai loại tăng huyết áp cụ thể như sau:

Tăng huyết áp nguyên phát

Đa số tăng huyết áp ở người lớn không tìm thấy nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này gọi là tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát. Nó thường phát triển dần qua nhiều năm.

Tăng huyết áp thứ phát

Vài người bị tăng huyết áp gây ra bởi một nguyên nhân cụ thể. Loại tăng huyết áp này gọi là tăng huyết áp thứ phát. Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát có thể gồm nhiều loại khác nhau.  Bao gồm những tình trạng bệnh lý và các loại thuốc dưới đây:

  • Tình trạng ngưng thở khi ngủ.
  • Bệnh thận.
  • U tuyến thượng thận.
  • Bệnh lý tuyến giáp.
  • Bất thường mạch máu bẩm sinh.
  • Một số loại thuốc như là thuốc ngừa thai, thuốc giảm sung huyết mũi, một số thuốc giảm đau.
  • Các chất gây nghiện như cocaine hay amphetamine.
Một số loại thuốc có thể gây tăng huyết áp thứ phát
Một số loại thuốc có thể gây tăng huyết áp thứ phát

Yếu tố nguy cơ tăng huyết áp

Bên cạnh những nguyên nhân tăng huyết áp được liệt kê ở trên, có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau có thể góp phần làm tăng khả năng bị cao huyết áp. Bao gồm những yếu tố không thể tác động và những yếu tố có thể tác động được.

Yếu tố nguy cơ không thể tác động

  • Tuổi tác: Nguy cơ huyết áp tăng cao khi càng lớn tuổi.
  • Chủng tộc: Tăng huyết áp thường đặc biệt phổ biến ở những người gốc Phi. Thường xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng.
  • Tiền căn gia đình: Những người có bố mẹ bị tăng huyết áp cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp nhiều hơn.
  • Thai kỳ: Đôi khi phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ. Nguyên nhân tăng huyết áp trong thai kỳ khá phức tạp.

Yếu tố nguy cơ có thể tác động

  • Thừa cân hay béo phì: Cân nặng càng cao càng nhiều nguy cơ tăng huyết áp.
  • Ít hoạt động thể chất: Những người ít hoạt động thường có nhịp tim cao hơn. Khi đó tim phải co bóp mạnh và lực tác động vào thành mạch cũng nhiều hơn.
  • Hút thuốc lá: Hóa chất trong thuốc lá có thể làm tổn thương lớp lót bên trong thành mạch máu. Điều này có thể làm cho mạch máu bị hẹp lại và tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Hít khói thuốc lá bị động cũng có thể làm tăng nguy cơ này.
  • Chế độ ăn nhiều muối (nhiều Natri): Chế độ ăn quá mặn có thể khiến cho cơ thể giữ nước, làm tăng huyết áp.
  • Chế độ ăn ít Kali: Kali giúp cân bằng lượng Natri trong tế bào. Sự cân bằng Kali thích hợp cần thiết cho sức khỏe tim mạch.
  • Uống nhiều rượu bia: Uống nhiều thức uống có cồn theo thời gian có thể tổn thương tim mạch, làm tăng huyết áp.
  • Stress (căng thẳng): Stress nặng có thể dẫn đến tăng tạm thời huyết áp.
  • Một số bệnh lý mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp. Bao gồm bệnh thận, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ. Bệnh thận cũng có thể là nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát.
Thừa cân béo phì góp phần làm tăng nguy cơ cao huyết áp
Thừa cân béo phì góp phần làm tăng nguy cơ cao huyết áp

Phòng ngừa tăng huyết áp

Thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa tăng huyết áp. Bạn có thể thực hiện những điều dưới đây:

Ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn tốt cho tim mạch gồm nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và thực phẩm từ sữa ít béo, bổ sung đủ kali, ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

>>> Tham khảo chế độ ăn cho người tăng huyết áp tại đây: Huyết áp cao nên ăn gì 

Giảm lượng muối trong chế độ ăn

Ngoài giảm lượng muối trong nấu nướng, bạn cũng nên để ý đến lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn, như thực phẩm đóng hộp.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch
Chế độ ăn tốt cho tim mạch

Duy trì cân nặng hợp lý

Giữ cân nặng hợp lý hay giảm cân nếu bị thừa cân. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan. Bạn có thể giảm trị số huyết áp xuống 1 mmHg tương ứng với giảm mỗi kilogram cân nặng.

Tăng cường hoạt động thể chất

Thường xuyên hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm huyết áp. Ngoài ra còn giúp kiểm soát stress, giữ cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần hoạt động thể lực vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần hoạt động thể lực mạnh. Ví dụ có thể đi bộ nhanh khoảng 30 phút 5 ngày một tuần. Cố gắng thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp ít nhất hai ngày một tuần. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm hiểu những bài tập Yoga tốt cho người cao huyết áp.

Hạn chế rượu bia

Đừng hút thuốc lá

Thuốc lá có thể làm tổn thương thành mạch máu và thúc đẩy quá trình tạo nên xơ vữa động mạch. Nếu bạn đang hút thuốc, liên hệ bác sĩ để tìm phương pháp giúp bạn ngưng thuốc. Bên cạnh đó, nên tránh hít khói thuốc bị động từ người khác.

Giảm căng thẳng

Thực hành các kỹ năng giúp đối phó với áp lực một cách lành mạnh. Như là thư giãn cơ, hít thở sâu hoặc thiền. Hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng giúp giảm căng thẳng.

Tập thư giãn hoặc thở sâu

Tập hít thở sâu, chậm để giúp thư giãn. Vài nghiên cứu chỉ ra rằng thở chậm với khoảng 5 đến 7 nhịp thở sâu mỗi phút kết hợp với kỹ thuật thiền có thể giúp giảm huyết áp.

Tăng huyết áp có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát gồm các bệnh lý và loại thuốc khác nhau. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp có thể phòng ngừa được. Thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cường tập luyện thể chất và phòng ngừa stress góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó bạn cũng nên hạn chế rượu bia, ngưng hút thuốc lá.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. High blood pressure (Hypertension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20373417

    Ngày tham khảo: 27/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người