Đái tháo đường thai kỳ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm do ảnh hưởng lên cả mẹ và bé. Để khắc phục tình trạng này, việc hiệu rõ nguyên nhân tiểu đường thai kỳ cũng như các cách phòng tránh là vô cùng cần thiết. Hãy cùng ThS.BS Phan Lê Nam tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Tiểu đường thai kỳ là bệnh gì?
Tiểu đường thai kỳ là hiện tượng lượng đường trong máu mẹ bầu tăng cao. Bệnh xảy ra chủ yếu trong 3 tháng cuối hoặc 3 tháng giữa thai kỳ. Thai phụ thường không có bằng chứng đái tháo đường trước đó.
Nồng độ đường huyết của đa số phụ nữ sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến thành đái tháo đường type 2 và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Theo các bác sĩ, tiểu đường thai kỳ có thể được khắc phục bằng phương pháp thay đổi lối sống. 80 – 85% thai phụ đã điều chỉnh đường huyết trở về mức ban đầu khi duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp. Tuy nhiên, nếu phụ nữ vẫn không kiểm soát được nồng độ đường huyết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc.
Dấu hiệu nhận biết
Đái tháo đường thai kỳ thường không có các triệu chứng điển hình. Do đó, mẹ bầu và người thân cần theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời thông báo cho cơ sở y tế. Một số biểu hiện phổ biến ở người bệnh như sau:
- Thường khát nước.
- Thường đói và ăn nhiều hơn.
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu có mùi lạ và thường bị kiến bu.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Các vết thương khó lành.
- Vùng âm đạo thường cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy.
Một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ khá giống với biểu hiện của phụ nữ khi mang thai. Do đó, để có kết quả chính xác, mẹ nên liên hệ bác sĩ để được xét nghiệm và chẩn đoán cụ thể.
Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ
Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ chủ yếu là do sự thiếu hụt insulin để điều hòa glucose huyết.
Sau khi ăn, nồng độ đường huyết thường tăng cao. Ở người bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để vận chuyển lượng đường này đến các tế bào khác. Cơ chế này giúp giảm nồng độ đường trong máu, đồng thời giúp tạo ra năng lượng cho cơ thể.
Khi mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormone để giúp thai nhi phát triển. Song, đây cũng là tác nhân làm tích tụ glucose trong máu. Ở đa số các mẹ bầu, tuyến tụy thường ngưng sản xuất hoặc không cung cấp đủ insulin để xử lý tình trạng này. Sự thiếu hụt insulin làm nồng độ glucose huyết tăng cao và gây hiện tượng tiểu đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, khi có em bé, cơ thể mẹ bầu thường có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường. Do đó, nhu cầu về lượng đường cũng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, insulin sản sinh lại không đủ để điều hòa lượng đường này.
Một số nội tiết tố được thai nhi tạo ra cũng tác động tiêu cực đến insulin, gây tình trạng đề kháng insulin ở nhiều thai phụ.
Đây cũng là những nguyên nhân tiểu đường thai kỳ thường gặp.
Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ.
- Thừa cân hoặc béo phì khi đang mang thai (BMI từ 30 trở lên).
- Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Mắc hội chứng đa nang buồng trứng.
- Có ba hoặc mẹ bị tiểu đường.
- Từng sinh con có trọng lượng lớn hơn 4 kg.
- Đã từng sinh bé bị dị tật bẩm sinh hoặc thai lưu không rõ nguyên nhân.
- Thai phụ trên 25 tuổi.
- Là người châu Á.
Nếu có những yếu tố trên, mẹ nên tầm soát tiểu đường thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên.
Chẩn đoán và điều trị tiểu đường thai kỳ
Theo các chuyên gia y tế, mẹ bầu có thể kiểm soát tiểu đường thai kỳ nếu bệnh được phát hiện và chẩn đoán sớm.
Cách chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra khi thai từ 24 – 28 tuần tuổi. Đây là thời điểm tốt nhất để phát hiện các bất thường trong quá trình chuyển hóa carbonhydrate của thai phụ.
Với nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ khuyên mẹ nên tầm soát tiểu đường từ lần khám thai đầu tiên. Mẹ nên xét nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ và lặp lại khi tuổi thai từ 24 – 28 tuần.
Phương pháp xét nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới tin dùng là nghiệm pháp dung nạp glucose. Phụ nữ sẽ uống 50 gram glucose pha với nước và đo nồng độ đường huyết 1 giờ sau khi uống. Thang kết quả được phân loại như sau:
- Mức đường huyết dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) được coi là tiêu chuẩn.
- Mức đường huyết từ 140 mg/dL đến dưới 190 mg/dL (10,6 mmol/L) cho thấy cần phải làm xét nghiệm dung nạp glucose trong ba giờ để chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Mức đường huyết từ 190 (10,6 mmol/L) trở lên cho thấy bệnh tiểu đường thai kỳ.
Kế hoạch điều trị
Để điều trị tiểu đường thai kỳ hiệu quả, thai phụ nên tự nâng cao kiến thức bản thân về nguyên nhân tiểu đường thai kỳ và xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp.
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Mẹ bầu có thể tham vấn các chuyên gia y tế để có kế hoạch ăn uống hợp lý. Một số nguyên tắc cụ thể như sau:
- Chia nhỏ bữa ăn.
- Bổ sung các chất xơ đến từ rau xanh, trái cây, gạo nâu, bánh mì nguyên hạt,…
- Hạn chế đồ ngọt, chất béo bão hòa, rượu bia hoặc chất kích thích.
- Đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất. Mẹ có thể dùng thêm các loại thực phẩm chức năng khi được sự cho phép của bác sĩ.
Hoạt động thể chất
Các chuyên gia y tế khuyến nghị thai phụ nên cố gắng tập luyện 30 phút mỗi ngày. Một số bài tập nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đi bộ sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu không thể dành đủ thời gian để luyện tập, bạn có thể thay bằng các hoạt động thường ngày như leo cầu thang hoặc chơi với con trẻ.
Điều trị bằng thuốc
Nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Hiện nay, thuốc duy nhất được bộ Y tế chấp thuận cho bệnh nhân tiểu đường thai kỳ là insulin.
Mẹ bầu có thể tự tiêm insulin tại nhà sau khi được các nhân viên y tế hướng dẫn. Tùy theo tình trạng người bệnh mà số mũi tiêm insulin sẽ khác nhau, dao động từ 4 – 5 mũi.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, mẹ bầu vẫn nên duy trì lối sống khoa học trong quá trình dùng thuốc.
Kết luận
Tiểu đường thai kỳ là mối quan ngại của rất nhiều chị em phụ nữ. Do vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân tiểu đường thai kỳ cũng như cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ là vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết dưới đây đã phần nào giúp các mẹ bầu hiểu rõ hơn về vấn đề này và biết cách xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp để kiểm soát tình trạng bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gestational Diabetes and Pregnancyhttps://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Stational diabetes Savefor later what is gestational diabetes?https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/gestational-diabetes
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Glucose challenge testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/glucose-challenge-test/about/pac-20394277
Ngày tham khảo: 02/10/2022