Nguyên nhân viêm loét dạ dày: Hiểu đúng để trị đúng
Nội dung bài viết
Tỷ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày ở các nước đang phát triển ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, bệnh này chiếm khoảng 26% và thường đứng hàng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa. Vậy nguyên nhân viêm loét dạ dày là gì và cách điều trị bệnh này ra sao. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên để có câu trả lời chính xác nhất cho những thắc mắc trên.
Tổng quan viêm loét dạ dày
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân viêm loét dạ dày, chúng ta cùng tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này như yếu tố dịch tễ, cơ chế sinh bệnh.
Dịch tễ học
Viêm dạ dày là hậu quả của sự kích thích niêm mạc dạ dày do các yếu tố ngoại sinh hoặc nội sinh như: nhiễm độc chất, nhiễm khuẩn, hoặc các rối loạn miễn dịch.
Trên thế giới, tỷ lệ viêm loét dạ dày là 11,5 – 15/1000 dân (khoảng 1,5%). Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ có xu hướng tăng hàng năm. Ở Việt Nam, bệnh viêm loét dạ dày chiếm khoảng 26% và đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa.
Viêm loét dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở người già chiếm 60% trong tổng số các trường hợp.
Khái quát giải phẫu học dạ dày
Dạ dày là cơ quan nằm giữa thực quản và ruột non. Đây là nơi thức ăn bắt đầu được tiêu hóa, cụ thể là protein.
Dạ dày có ba nhiệm vụ chính:
- Lưu trữ thức ăn.
- Trộn thức ăn với dịch vị (axit trong dạ dày).
- Đưa thức ăn đã được trộn với dịch vị xuống ruột non.
Cơ chế sinh bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tổn thương gây viêm và loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày cuối cùng bị bào mòn làm cho lớp mô bên dưới bị lộ ra.
Bệnh có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn. Bệnh nhân không được phát hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa kịp thời có thể tử vong do mất máu.
Cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày là do mất cân bằng giữa yếu tố hủy hoại niêm mạc dạ dày và yếu tố bảo vệ niêm mạc.
Yếu tố hủy hoại niêm mạc dạ dày:
- Axit HCl và pepsin trong dịch vị.
- Xoắn khuẩn Helicobactor pylori.
- Các thuốc trong điều trị một số bệnh như: aspirin, salixylat, corticoid.
- Nhóm máu O.
Yếu tố bảo vệ niêm mạc:
- Lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc: mucin, photpholipids, chất điện giải và nước.
- HCO3- : được tiết ra ở tế bào biểu mô thân vị và hang vị dạ dày.
Nguyên nhân viêm loét dạ dày
Như đã nói ở trên nguyên nhân viêm loét dạ dày là do sự mất cân bằng giữa các yếu tố hủy hoại và yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cụ thể về các yếu tố như sau:
Vi khuẩn H. pylori
H.pylori là một xoắn khuẩn, Gram âm, di chuyển được, sống kí sinh ở niêm mạc dạ dày. Chúng có lợi thế là tạo ra men urease có khả năng trung hòa axit tại khu vực trú ngụ.
Để thích ứng với tình trạng này, dạ dày sẽ tiết nhiều axit và một số chất ăn mòn khác. Kết quả là tăng tình trạng kích thích dạ dày.
Ở người bị viêm loét dạ dày, tỷ lệ nhiễm H.pylori khá cao từ 60 – 95%. Điều này có nghĩa là vẫn còn tỷ lệ người viêm loét dạ dày mà không nhiễm H.pylori.
Mặt khác người bình thường không mắc viêm loét dạ dày vẫn tìm thấy vi khuẩn H.pylori trong 10% trường hợp.
Vì vậy H.pylori có phải nguyên nhân viêm loét dạ dày vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên trong quá trình đó, quan niệm về bệnh viêm loét dạ dày đã có nhiều thay đổi.
NSAID
NSAID là thuốc kháng viêm không steroid. Thuốc NSAID dễ thấm qua chất nhầy của niêm mạc dà dày do tính axit yếu của nó. Tại đây nó bị pH dạ dày ion hóa và làm hủy hoại niêm mạc dạ dày.
Mặt khác nó cũng làm suy giảm hàng rào bảo vệ qua việc ức chế tổng hợp prostaglandin.
Do đó, NSAID được biết đến là nguyên nhân viêm loét dạ dày phổ biến đứng hàng thứ hai sau nhiễm H.pylori.
Yếu tố lối sống
Căng thẳng, buồn phiền, tức giận khiến mất cân bằng chức năng dạ dày vì làm dịch vị dạ dày tăng tiết. Đồng thời lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương – nguyên nhân viêm loét dạ dày.
Việc ăn uống không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói cũng ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của dạ dày.
Một số tác nguyên nhân khác như tự miễn, hóa chất …
Cách phòng bệnh viêm loét dạ dày
Một số cách sau có liên quan đến việc giảm nguy cơ viêm dạ dày hoặc loét dạ dày:
Xây dựng chế độ ăn nhiều chất xơ
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển viêm loét dạ dày.
Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như:
- Yến mạch.
- Các loại đậu.
- Lúa mạch.
- Một số loại trái cây và rau quả tươi.
Tuy nhiên, chế độ ăn giàu chất xơ không làm tăng tỷ lệ chữa lành vết loét so với chế độ ăn ít chất xơ.
Chế độ ăn giàu vitamin A
Trong cùng một nghiên cứu, tổng lượng vitamin A từ thực phẩm và chất bổ sung có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày.
Nguy cơ thấp hơn 54% ở những người tiêu thụ nhiều vitamin A so với những người tiêu thụ ít hơn.
Trà
Một số nghiên cứu cho thấy uống trà xanh thường xuyên có thể giảm 40 – 50% nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày.
Các xét nghiệm tế bào cho thấy catechin trong một số giống trà có thể ngăn chặn viêm dạ dày do H. Pylori gây ra thông qua các hoạt động chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Tuy nhiên, bằng chứng hiện tại vẫn chưa đủ để đề xuất trà là thực phẩm ngăn ngừa viêm loét dạ dày.
Hạn chế uống rượu
Mối liên quan giữa rượu và viêm loét dạ dày tá tràng rất phức tạp. Tuy nhiên có thể chắc chắn rằng, việc lạm dụng rượu mãn tính sẽ tạo điều kiện cho sự nhiễm H. pylori.
Rượu cũng có thể làm chậm tốc độ chữa lành vết loét đã hình thành. Nếu kết hợp với hút thuốc, rượu làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
Hạn chế sử dụng cà phê
Cà phê ở dạng có chứa caffein hoặc không chứa caffein đều kích thích tiết axit. Tiêu thụ cà phê cũng có thể làm trung gian cho mối quan hệ giữa nhiễm H. pylori và viêm loét dạ dày.
Nhìn chung, Không có bằng chứng hiện tại nào liên quan đến việc uống cà phê trong khả năng mẫn cảm, điều trị hoặc phục hồi sau bệnh viêm dạ dày. Tuy nhiên, khi điều trị bác sĩ sẽ phải cân nhắc đến khả năng dung nạp của từng cá nhân đối với các thực phẩm như cà phê.
Sử sụng probiotic
Probiotic ví dụ như Lactobacillus casei có thể can thiệp vào sự bám dính của H. pylori vào tế bào biểu mô, làm giảm viêm dạ dày do H. pylori gây ra. Ngoài ra chúng cũng có thể ức chế sự phát triển của H. pylori.
Kết hợp điều trị bằng probiotic với omeprazole, amoxicillin và clarithromycin ở trẻ nhiễm H. pylori đã cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị so với điều trị bằng thuốc đơn thuần.
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu đúng về nguyên nhân viêm loét dạ dày cũng như một số biện pháp khắc phục. Đây là bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất. Nhưng cũng không nên chủ quan vì có thể có biến chứng nguy hiểm tính mạng. Do vậy khi cảm thấy bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastritis and Peptic Ulcer Diseasehttps://nutritionguide.pcrm.org/nutritionguide/view/Nutrition_Guide_for_Clinicians/1342027/all/Gastritis_and_Peptic_Ulcer_Disease#:~:text=Gastritis%20is%20a%20superficial%20erosion%20and%20inflammation%20of,muscularis%20layer%20of%20the%20gastric%20or%20duodenal%20mucosa.
Ngày tham khảo: 07/07/2021