Viêm dạ dày mạn tính có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Viêm dạ dày là một thuật ngữ để nói về một nhóm bệnh có đặc điểm chung là viêm lớp niêm mạc của dạ dày. Lớp niêm mạc dạ dày không chỉ có chức năng tiết acid để tiêu hoá thức ăn. Nó còn tạo ra một lớp chất nhờn để bảo vệ chính mình khỏi tác dụng của acid. Viêm dạ dày có thể xảy ra đột ngột hoặc xuất hiện từ từ theo thời gian. Hay còn được gọi là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. Trong nội dung bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên, hãy cùng tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày mạn tính.
Viêm dạ dày mạn tính là gì?
Viêm dạ dày mạn tính là một tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày diễn ra trong thời gian dài. Trong khoảng thời gian đó, niêm mạc của dạ dày bị viêm hoặc bị kích thích bởi nhiều yếu tố khác nhau. Niêm mạc dạ dày sẽ dần thay đổi và mất đi lớp chất nhày bảo vệ. Thời gian dài dẫn đến bào mòn lớp niêm mạc. Nó có thể gây chuyển sản hoặc loạn sản lớp tế nào niêm mạc. Có thể dẫn đến ung thư nếu không được điều trị.
Tuy nhiên, viêm dạ dày mạn tính nếu được điều trị sẽ thuyên giảm. Vì thế bạn không cần phải quá lo lắng. Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sẽ được đề cập ở phần bên dưới.
Các loại viêm dạ dày mạn tính
Có nhiều loại viêm dạ dày mạn tính khác nhau, ở đây được phân thành ba loại dưa trên nguyên nhân gây ra bệnh:
Loại A
Do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự phá huỷ các tế bào của lớp niêm mạc dạ dày. Việc này không chỉ làm mất lớp nhày bảo vệ niêm mạc. Nó còn có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu, thiếu vitamin cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Loại B
Đây là loại thường gặp nhất. Nguyên nhân do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Không giống các loại vi khuẩn khác không thể tồn tại được trong môi trường acid. Helicobacter pylori có thể tồn tại được trong môi trường acid khắc nghiệt của dạ dày. Nó trung hoà môi trường acid xung quanh để tồn tại. Xâm nhập làm tổn thương lớp niêm mạc của dạ dày. Dẫn đến lớp niêm mạc không thể tiết ra chất nhày để bảo vệ bản thân nó. Lâu dần sẽ dẫn dến viêm loét niêm mạc dạ dày do tác động của acid ở đó.
Loại C
Do tác động của các chất hoá học gây ra. Thường gặp là các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), rượu và mật. Những chất này nếu tác động một thời gian dài dễ gây xói mòn và chảy máu niêm mạc dạ dày.
Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính thường không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Nếu có thì các triệu chứng cũng không đặc hiệu cho bệnh này. Thường là các triệu chứng chung của đường tiêu hoá. Một số triệu chứng thường gặp đó là:
- Đau bụng vùng thượng vị.
- Khó tiêu.
- Cảm giác đầy hơi.
- Buồn nôn, nôn.
- Ợ hơi.
- Ăn mau no, ăn không ngon.
- Sụt cân.
Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mạn tính
Phần lớn các trường hợp viêm dạ dày mạn tính nguyên nhân là do vi khuẩn Helicobater pylori. Bên cạnh đó, việc sử dụng lặp đi lặp lại, hay sử dụng liều cao một số loại thuốc cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Ví dụ sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Một chất hoá học khác cũng gây viêm dạ dày mạn tính có mặt ngay trong cơ thể mỗi người đó là mật. Mật là chất lỏng được tạo ra để hỗ trợ tiêu hoá ở đoạn tá tràng. Nếu vì lí do nào đó mật bị trào ngược vào dạ dày một khoảng thời gian sẽ đến tình trạng viêm mạn tính của dạ dày. Một số ít trường hợp khác do phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ dẫn đến viêm dạ dày tăng lên nếu có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh. Thói quen ăn nhiều chất béo và nhiều muối hàng ngày. Hay việc hút thuốc lá và uống rượu bia trong khoảng thời gian dài. Đó là các yếu tố làm tăng khả năng viêm dạ dày mạn tính. Một lối sống thường xuyên gặp căng thẳng hoặc một trải nghiệm đau thương cũng làm giảm khả năng tự bảo vệ của dạ dày. Tiền căn mắc các bệnh tự miễn cũng là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này.
Cách điều trị
Khi đến khám bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp với bạn. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Có hai cách phổ biến và dễ dùng nhất để điều trị viêm dạ dày mạn tính. Đó là điều trị bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
Nếu bạn mắc viêm dạ dày mạn tính loại A, bác sĩ sẽ giải quyết vấn đề các chất dinh dưỡng bạn thiếu. Nếu là loại B, sẽ dùng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn H.pylori. Trường hợp loại C, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngưng các tác nhân dẫn đến tình trạng kích thích dạ dày quá mức.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ đưa ra toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Thường sẽ là các thuốc giúp giảm acid dạ dày. Thuốc phổ biến để giảm acid dạ dày đó là:
- Thuốc kháng acid
- Thuốc ức chế bơm proton
- Và nhiều nhóm thuốc khác
Đồng thời giảm bớt hoặc ngưng hẳn các thuốc nhóm NSAID đang sử dụng để giảm kích ứng dạ dày.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Bác sĩ sẽ có đề nghị thay đổi chế độ ăn uống của bạn để giảm kích thích dạ dày. Từ đó giúp giảm tiết acid, hạn chế gây tổn thương lớp niêm mạc. Những việc cần thay đổi bao gồm:
- Giảm chế độ ăn nhiều muối
- Giảm các thức ăn nhiều chất béo
- Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ và thịt bảo quản
- Hạn chế rượu bao gồm bia, rượu vang, rượu mạnh
Không chỉ thay đổi giảm bớt các thói quen không tốt. Việc tích cực bổ sung các thực phẩm được khuyến cáo cũng rất cần thiết, bao gồm:
- Tất cả các loại trái cây và rau củ
- Các loại thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotics) ví dụ như sữa chua, kefir…
- Thịt nạc chẳng hạn như thịt gà, cá,…
- Protein thực vật có trong đậu, đậu phụ,…
- Gạo, bánh mì,…
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống để giảm kích thích dạ dày. Những thay đổi về lối sống cũng sẽ góp phần giảm bớt tổn thương. Kể đến ở đây là chia nhỏ các bữa ăn, thay vì một bữa ăn lớn như thường ngày. Có nghĩ là trong mỗi bữa chính, có thể bạn không cần ăn quá nhiều mà hãy ăn vừa đủ thôi. Và có thêm các bữa ăn nhỏ xen kẽ giữa các bữa ăn chính. Việc duy trì cân nặng ổn định và phù hợp với cơ thể mỗi người cũng quan trọng. Đồng thời, quản lý giảm bớt các căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày sẽ giúp giảm ảnh hưởng không tốt đến dạ dày.
Viêm dạ dày mãn tính có chữa khỏi được không?
Viêm dạ dày mạn tính có thể chữa khỏi trong trường hợp nguyên nhân do vi khuẩn H.pylori, sử dụng thuốc NSAID hoặc dùng rượu. Bằng cách loại bỏ các tác nhân gây bệnh, bạn sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, trường hợp bị tình trạng viêm dạ dày này xảy ra trong thời gian quá dài, tổn thương lớp niêm mạc có thể là vĩnh viễn.
Cách phòng bệnh viêm dạ dày mãn tính
Cách đơn giản nhất để phòng bệnh đó là duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế các loại thực phẩm gây kích thích dạ dày. Cân bằng công việc trong cuộc sống, giảm bớt các tình trạng căng thẳng. Bổ sung thức ăn tốt do đường tiêu hoá và dạ dày. Nếu cảm thấy có bất thường hãy đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên và điều trị tốt nhất.
Tóm lại viêm dạ dày mạn tính là một căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Vì thế để đảm bảo chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình hãy duy trì những thói quen tốt và lan toả cho mọi người xung quanh!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chronic Gastritishttps://www.healthline.com/health/gastritis-chronic
Ngày tham khảo: 09/07/2021
-
Chronic Gastritishttps://ada.com/conditions/chronic-gastritis/#treatment
Ngày tham khảo: 09/07/2021
-
Gastritishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/symptoms-causes/syc-20355807
Ngày tham khảo: 09/07/2021
-
H. pylori Infectionhttps://www.healthline.com/health/helicobacter-pylori
Ngày tham khảo: 09/07/2021