YouMed

Tiêu chảy cấp vẫn là bệnh phổ biến tại Việt Nam

Bác sĩ NGUYỄN QUANG HIẾU
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Tiêu chảy cấp đã từng là nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam. Bệnh tuy không mới nhưng vẫn đeo bám tại Việt Nam từ rất lâu về trước. Cứ tưởng mọi chuyện đã đi vào dĩ vãng thì năm 2010-2014 lại rộ lên thông tin trên các trang báo về bệnh tiêu chảy cấp lại gây chết người ở các tỉnh miền Trung với thói quen ăn uống không hợp vệ sinh. Vậy ta cần biết gì về bệnh nguy hiểm này?

1. Tiêu chảy là gì?

1.1 Định nghĩa

Tiêu chảy là tình trạng tiêu phân được đặc trưng bởi phân lỏng, nhiều nước và thường xuyên phải đi tiêu. Thường kéo dài một vài ngày và thường biến mất mà không cần bất kỳ điều trị nào. Tiêu chảy có thể cấp tính hoặc mãn tính.

Tiêu chảy cấp tính xảy ra khi tình trạng bệnh kéo dài từ một đến hai ngày. Bạn bị rối loạn chức năng tiêu hóa và có hiện tượng đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày (>3 lần/ngày). Tình trạng phân không cải thiện.

Bạn có thể bị tiêu chảy do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn hoặc do ngộ độc thực phẩm.

Trong dân gian, người ta dùng cụm từ “Tào Tháo rượt” hay “Tào Tháo đuổi”. Tào tháo là nhân vật có thực trong thời Tam Quốc của Trung Quốc. Ông là một nhà quân phiệt nổi tiếng với tài dụng binh, đánh quân cấp tốc. Người mắc bệnh tiêu chảy cấp không thể kiềm chế được việc đi tiêu, cho dù có “vận công lực” gồng cơ hậu môn để ém cũng không thể. Mà chỉ có cách chạy thục mạng vào nhà vệ sinh. Tương tự như hình ảnh ông Tào Tháo hô binh đánh trận cấp tốc và không thể dừng hay kiềm chế gì được. Một hình ảnh khá vui và thực tế hình ảnh của dân gian.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1.2 Trường hợp đặc biệt

Thậm chí còn có một tình trạng được gọi là tiêu chảy du lịch. Bệnh xảy ra khi bạn bị tiêu chảy sau khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khi đi nghỉ ở một quốc gia đang phát triển. Tiêu chảy cấp tính khá phổ biến. Chủng gây tiêu chảy cấp du lịch thường là các chủng của thương hàn, tả và E.coli.

2. Nguyên nhân

2.1 Nguyên nhân nội tại

Không dung nạp thực phẩm, chẳng hạn như hội chứng không dung nạp lactose. Bạn sẽ bị tiêu chảy khi sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa.

Dị ứng thực phẩm.

Tác dụng phụ của thuốc.

2.2 Do nguyên nhân nhiễm trùng

Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ em. Nhiễm khuẩn do salmonella hoặc E. coli, hay shagilla lại phổ biến hơn ở người lớn. Hội chứng suy giảm miễn dịch ở người cũng gây nên tiêu chảy nặng nề (Ví dụ như: những người nhiễm HIV, hay những người ghép tạng, người bị hội chứng Cushing,…).

Nhiễm ký sinh trùng.

Phẫu thuật túi mật hoặc dạ dày.

Hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm ruột ít khi gây tiêu chảy cấp mà thường gây tiêu chảy mạn tính.

Tại Việt Nam, tác nhân thường gặp gây tiêu chảy là vi khuẩn đường ruột
Tại Việt Nam, tác nhân thường gặp gây tiêu chảy là vi khuẩn đường ruột

3. Triệu chứng

Tiêu chảy cấp là một triệu chứng chung của nhiều bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có những triệu chứng đi kèm khác như:

  • Buồn nôn, đau bụng, đầy hơi. Mắc đi tiêu liên tục. Tiêu phân lỏng như nước hoặc đặc lợn cợn lúc đầu rồi dần diễn tiến thành lỏng. Tỉ lệ phân ra lỏng dần.
  • Sốt.
  • Mất nước.
  • Phân có máu.
  • Chuột rút, run cơ, mệt mỏi, uể oải, chán ăn.

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

4. Vấn đề tiêu chảy và mất nước

Mất nước và tiêu chảy có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không được điều trị tiêu chảy, có thể sẽ xuất hiện những ảnh hưởng và rối loạn rất nghiêm trọng. Các triệu chứng mất nước bao gồm:

  • Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.
  • Màng nhầy khô. Môi khô, giác mạc khô.
  • Cơn khát tăng dần, giảm đi tiểu.
  • Tăng nhịp tim. Đây là một dấu hiệu khá nguy hiểm cảnh báo bạn đã mất nước nặng, có nguy cơ vào shock do giảm dung tích máu và cô đặc máu.

Liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ rằng tiêu chảy của bạn đang làm cho bạn bị mất nước.

Bổ sung Oresol để ngăn chặn tình trạng mất nước khi tiêu chảy
Bổ sung Oresol để ngăn chặn tình trạng mất nước khi tiêu chảy

5. Xác định nguyên nhân

Tại Việt Nam, hai xét nghiệm phổ biến nhất hay được chỉ định là cấy phân/ hay soi phân và xét nghiệm tế bào máu tổng quát. Đa phần các trường hợp tiêu chảy cấp là nhiễm trùng nên phần lớn các trường hợp chỉ cần hai xét nghiệm trên là đủ.

  • Với kết quả phân tích máu tổng quát, bác sĩ có thể biết tình trạng mất nước, tình trạng cô đặc máu và liệu bạn có nhiễm trùng đường tiêu hóa hay không.
  • Với việc cấy phân/ soi phân sẽ cho biết chính xác bạn đang nhiễm vi trùng/kí sinh trùng loại nào. Từ đó sẽ áp dụng thuốc phù hợp để điều trị.

Trường hợp hiếm, đó là bệnh lý không do nhiễm trùng. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ có các chỉ định phù hợp khác. Ví dụ như:

  • Để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy có thể sẽ chỉ định: kiểm tra nhịn ăn để xác định xem nguyên nhân gây ra dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm. Ngoài ra còn một số test phức tạp khác về miễn dịch – dị ứng.
  • Xét nghiệm hình ảnh như Xquang hay siêu âm bụng có thể được chỉ định. Chúng nhằm kiểm tra tình trạng viêm và bất thường cấu trúc của ruột.
  • Nội soi trong một vài trường hợp cũng được chỉ định để kiểm tra toàn bộ đại tràng để tìm các dấu hiệu của bệnh đường ruột. Nội soi đại tràng sigma để kiểm tra trực tràng và đại tràng dưới để tìm các dấu hiệu của bệnh đường ruột. Nội soi ruột kết hoặc soi đại tràng đặc biệt hữu ích để xác định xem bạn có bị bệnh đường ruột hay không nếu bạn bị tiêu chảy nặng hoặc mãn tính.

6. Điều trị

Không nên tự ý dùng thuốc và điều trị tại nhà. Nguyên nhân là do tại Việt Nam, chủ yếu là tiêu chảy do nguyên nhân nhiễm trùng. Vì vậy nếu không được điều trị sớm, bệnh tình sẽ diễn tiến ngày càng nặng.

Khi bị tiêu chảy cấp nói riêng và tiêu chảy nói chung, vấn đề tiên quyết chính là bù nước. Việc này đơn giản là bạn cần uống thêm nước hoặc uống các chất có chứa điện giải thay thế. Trường hợp nghiêm trọng hơn, khi cơ thể đã suy kiệt và bạn chán ăn, mệt mỏi nhiều, không thể ăn uống được thì sẽ được truyền dịch đường tĩnh mạch.

Xem thêm: Bấm huyệt chữa tiêu chảy và những thông tin cần thiết

Khi đã xác định được nguyên nhân khuẩn gây ra tiêu chảy cấp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị.

Vi khuẩn Vibrio cholerae dưới kính hiển vi
Vi khuẩn Vibrio cholerae dưới kính hiển vi

Các vấn đề liên quan đến sức khỏe của bạn sẽ được bác sĩ xem xét tổng thể và quyết định. Các vấn đề đó bao gồm:

  • Mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy và tình trạng liên quan.
  • Tần suất tiêu chảy và tình trạng liên quan.
  • Mức độ tình trạng mất nước của bạn.
  • Sức khỏe của bạn và tình trạng hiện tại.
  • Tiền sử bệnh của bạn và các bệnh nền đi kèm.
  • Tuổi của bạn.
  • Khả năng của bạn để dung nạp các thủ thuật hoặc thuốc khác nhau.
  • Kỳ vọng cải thiện tình trạng của bạn. Đây là điều mới được đưa vào trong quá trình điều trị gần đây. Chẳng hạn như đối với những người suy giảm miễn dịch, đôi khi họ không thiết tha sống nữa và mong muốn chấm dứt điều trị.

7. Biện pháp phòng ngừa

7.1 Về món ăn

  • Rửa sạch rau củ quả trước khi dùng. Cắt bỏ các phần đã hư hỏng hoặc quăng bỏ. Lụa chọn thịt, trứng và các sản phẩm động vật được kiểm dịch.
  • Loại dao và thớt, rổ sử dụng để đựng thức ăn, nếu có điều kiện, nên phân làm hai hoặc ba loại: Loại đựng rau, loại đựng các thực phẩm từ thịt và loại dùng các thức ăn đã nấu chín.
  • Nấu chín đồ ăn, tránh ăn các thức ăn sống. Một số món ăn sống như món gỏi cá (được chế biến phổ biến ở miền Trung Việt Nam) hay hàu sống, chứa rất nhiều kí sinh trùng.
  • Sử dụng các thực phẩm đóng họp cần xem kĩ thời gian sử dụng trên nhãn mác.
  • Các món ăn sau khi chế biến xong, nếu không sử dụng hết phải có biện pháp che đậy, bảo quản, hoặc làm lạnh, giữ lạnh đúng nhiệt độ.
  • Nước sử dụng ít nhất cũng cần được đun sôi để nguội.

7.2 Vệ sinh khu vực sống

  • Vệ sinh tay trước khi ăn, hạn chế đưa tay lên miệng.
  • Những món ăn đã chế biến phải để riêng, tránh tiếp xúc với các món chưa chế biến.
  • Khu vực nhà vệ sinh cần được quét dọn và tẩy trùng thường xuyên.
  • Khu vực vệ sinh và khu vực chế biến thức ăn cần ở cách xa nhau, hoặc ít nhất phân cách nhau một khoảng đủ xa để tránh xu uế lây nhiễm vào khu vực chế biến thức ăn.
Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong phòng ngừa tiêu chảy
Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong phòng ngừa tiêu chảy

7.3 Đối với người bệnh

  • Tránh tiếp xúc với dịch tiết, phân của người bệnh. Có biện pháp bảo hộ như găng tay, khẩu trang khi cần phải dọn dẹp và vệ sinh.
  • Người bệnh cũng cần được vệ sinh cá nhân kĩ.
  • Thực hiện đúng các y lệnh và hướng dẫn của bác sĩ khi bị bệnh.

Vấn đề bệnh tiêu chảy cấp vẫn còn tồn đọng trong xã hội Việt Nam ngày nay. Một bệnh tuy có từ xa xưa nhưng tính lây nhiễm vẫn cao và thỉnh thoảng lại bùng phát dịch ở vài địa phương kèm các báo cáo có cả tử vong. Vì vậy, không được xem nhẹ vấn đề bệnh tiêu chảy cấp. Khi có vấn đề tiêu chảy hay có triệu chứng tiêu hóa, bạn cần liên hệ và đi khám bác sĩ để được hướng dẫn và điều trị tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Causes of Diarrhea and Tips for Preventionhttps://www.healthline.com/health/diarrhea

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  2. Diarrheahttps://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-diarrhea#1

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người