Nhiễm giun móc: Làm cách nào để nhận biết và phòng ngừa?
Nội dung bài viết
Việt Nam là một xứ sở nhiệt đới. Là một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài ký sinh trùng. Mặt khác với điều kiện vệ sinh, dân cư đông đúc càng làm chúng ta là những đối tượng luôn có nguy cơ mắc bệnh. Vậy làm cách nào để nhận biết tình trạng nhiễm giun móc, phòng ngừa nó ra sao, hãy cùng theo dõi bài viết này nhé.
1. Giun móc là con gì, có đặc điểm ra sao?
Giun móc là một loài kí sinh trùng, tức là sống dựa dẫm vào kí chủ. Nó thuộc một ngành được gọi chung là giun tròn, ngành này có nhiều loài ký sinh trùng gây bệnh cho người.
Gọi chung là giun móc, nhưng có hai loài phổ biến gây bệnh cho người. Tên khoa học của chúng là: Ancylostoma duodenale (Giun móc) và Necator americanus (Giun mỏ). Chúng có đặc điểm tương đối giống nhau, nên về mặt ý nghĩa trong điều trị thì quen được gọi chung là giun móc.
2. Bị nhiễm giun móc ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Ấu trùng giun móc trong quá trình phát triển theo mạch máu đi về tim, đến phổi, đến thực quản và khí quản. Cuối cùng “định cư” ở ruột non và gây bệnh cho người.
Gọi là giun móc, vì chúng có các “răng”. Sống bằng cách “ngoạm” vào niêm mạc ruột của người, hút máu và phát triển. Các niêm mạc ruột này sẽ bị viêm, loét, gây chảy máu rỉ rả. Mặt khác, giun móc còn tiết ra các chất chống đông và ức chế sinh trưởng hồng cầu gây nên tình trạng mất máu rỉ rả kéo dài và có ý nghĩa hơn.
3. Làm cách nào để nhận biết bị nhiễm giun móc?
Nhiễm giun móc thật ra không có nhiều biểu hiện rõ rệt. Nhiều trường hợp tiến triển âm thầm, mất máu cũng là mạn tính nên cơ thể dần thích nghi theo thời gian. Nếu không để ý kĩ, rất khó nhận biết bệnh trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, vẫn có một số biểu hiện gợi ý tình trạng nhiễm giun, nhiễm ký sinh trùng, mà giun móc là một trong những nguyên nhân không thể loại trừ:
3.1 Dấu hiệu thiếu máu
- Xanh xao, mệt mỏi,
- Trẻ em chậm lớn…
- Đôi khi tình trạng thiếu máu này có thể nặng nề. Gây ảnh hưởng rõ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
>> Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể cần đến các bác sĩ chuyên khoa Máu và Miễn dịch. Thế nhưng bạn đã biết những điều cần chuẩn bị trước khi đến gặp bác sĩ chưa? YouMed xin được chia sẻ với bạn qua bài viết sau: Bệnh nhân Thiếu máu thiếu sắt cần chuẩn bị gì trước khi gặp bác sĩ?
3.2 Suy dinh dưỡng
Ngoài mất máu, giun móc cũng gây mất protein qua nhiều cơ chế khác nhau. Việc này có thể gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ em.
3.3 Triệu chứng tai mũi họng
Khi giun đi qua khu vực này có thể gây các biểu hiện:
- Ho khan, khàn tiếng.
- Đau họng, nuốt vướng.
- Ngứa tai, ù tai.
3.4 Đau bụng
Là một dấu hiệu có thể gặp trong nhiễm giun nói chung, và nhiễm giun móc nói riêng. Vị trí đau thường gặp là trên rốn, quanh rốn hoặc âm ỉ bụng dưới cũng có thể trong một số trường hợp,…
3.5 Rối loạn tiêu hoá
Một đấu hiệu không điển hình cho một bệnh lý cụ thể nào. Nhưng rối loạn tiêu hoá với biểu hiện ăn không ngon, khó tiêu,… kèm với một số dấu hiệu gợi ý khác thì càng ủng hộ cho nguy cơ nhiễm giun ở bệnh nhân.
Tuy ít gặp, nhưng tình trạng nặng có thể biểu hiện kích thích đường ruột. Gây buồn nôn, nôn ói, tiêu lỏng, có thể có kèm theo máu,…
3.6 Ngứa ngáy, nổi mẩn không rõ nguyên nhân
Do da là một đường lây truyền của giun móc. Mặt khác nhiễm giun có thể gây ra một số biểu hiện dạng dị ứng, nên biểu hiện ngứa ngáy nổi mẩn lạ thường có thể gợi ý cho tình trạng này.
4. Giun móc lây truyền như thế nào.
- Đường ăn uống: Ăn thực phẩm, sử dụng nguồn nước có nhiễm ấu trùng giun móc.
- Đường da, niêm mạc: Tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn đều có nguy cơ nhiễm. Do đó, hầu như chúng ta ai cũng là đối tượng có nguy cơ. Đặc biệt là những người sống trong khu vực đông đúc, kém vệ sinh, quản lý nước thải kém và phân kém.
5. Chẩn đoán và điều trị nhiễm giun móc như thế nào?
Khi có những dấu hiệu khác thường kể trên đặc biệt là thiếu máu, hãy tìm đến bác sĩ. Một số xét nghiệm để khảo sát bạn có nhiễm giun không sẽ được đưa ra, trong đó có xét nghiệm phân là không thể thiếu. Trứng giun móc có thể nhận biết được qua xét nghiệm.
Bác sĩ sau khi chẩn đoán chính xác bạn bị nhiễm, thuốc kháng ký sinh trùng sẽ được sử dụng. Các thuốc kháng ký sinh trùng ngày càng tỏ ra có hiệu quả trong kiểm soát giun sán.
6. Phòng ngừa nhiễm giun móc như thế nào?
Đường tiêu hoá và qua da là con đường lây nhiễm của giun móc. Để phòng ngừa nói chung, cần có thói quen vệ sinh cơ thể và môi trường sống tích cực:
- Ăn chín, uống sôi.
- Hạn chế các thực phẩm tái, chín, sống.
- Sử dụng nguồn nước vệ sinh.
- Kiểm soát nước thải, hệ thống xử lý phân cần xây dựng hợp lí.
- Xử lý phân đúng, không dùng phân tươi để bón cho cây trồng.
- Vệ sinh cơ thể, rửa tay khi chế biến thực phẩm, khi ăn uống vô cùng đơn giản nhưng tỏ ra rất có hiệu quả.
- Tẩy xổ giun định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.
Nhiễm giun móc là một phần trong tình trạng nhiễm kí sinh trùng. Biểu hiện nổi bật của nó là thiếu máu ẩm ỉ mạn tính. Nguồn lây và điều kiện lý tưởng cho loài “hút máu” này dựa vào sự “kém vệ sinh” của môi trường . Vì vậy, kiểm soát vệ sinh và xổ giun định kỳ sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ phải “nuôi” những người bạn không thân thiện này nhé.
>> Khi bạn có các triệu chứng hay lo lắng mình mắc Giun tóc, trước tiên hãy đến gặp bác sĩ gia đình, hoặc bác sĩ đa khoa để trao đổi rõ về tình trạng sức khỏe của bạn. Trong nhiều trường hợp, bạn cũng có thể được giới thiệu đến gặp bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm. Cùng YouMed xem và tìm hiểu thêm: Những điều cần lưu ý khi đến khám bệnh Giun tóc
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.