Nhiễm trùng tai và những điều bác sĩ muốn bạn biết
Nội dung bài viết
Nhiễm trùng ở tai xảy ra do vi khuẩn hoặc vi rút ảnh hưởng đến tai ngoài, tai giữa, tai trong. Nhiễm trùng tai có thể gây đau đớn vì viêm và tích tụ chất lỏng trong tai. Tình trạng này có thể cấp tính hoặc mãn tính. Nhiễm trùng tai cấp tính gây đau đớn nhưng thời gian ngắn. Viêm tai mãn tính xảy ra trong thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần. Nhiễm trùng tai mãn tính có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho tai giữa và tai trong.
1. Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng tai?
Nhiễm trùng tai xảy ra khi một trong các ống vòi nhĩ của bạn bị sưng hoặc bị tắc nghẽn, khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa. Vòi nhĩ là những ống nhỏ chạy từ mỗi tai trực tiếp đến phía sau cổ họng.
Nguyên nhân của tắc nghẽn vòi nhĩ bao gồm:
- Dị ứng
- Cảm lạnh
- Viêm xoang
- Chất nhờn dư thừa
- Hút thuốc
- Adenoids bị nhiễm trùng hoặc sưng tấy (adenoids là mô gần amiđan, bẫy vi khuẩn và vi rút có hại)
- Thay đổi áp suất không khí
- Các triệu chứng có thể có của nhiễm trùng tai
5 nguyên nhân nhiễm trùng ở tai hàng đầu
a. Nước trong tai
Nhiễm trùng ở tai ngoài, thường được gọi là nhiễm trùng tai của vận động viên bơi lội, thường là do nước bị kẹt trong ống tai. Chất lỏng bị mắc kẹt có thể hoạt động như một nơi sinh sản của vi khuẩn, gây ra nhiễm trùng tai. Trẻ em, vận động viên và những người thường xuyên bơi lội có nhiều khả năng mắc bệnh.
b. Chèn các vật lạ vào tai
Một số bệnh nhiễm trùng ở tai phát triển từ các vết xước bên trong ống tai. Đưa bất kỳ loại dị vật nào vào tai có thể gây nhiễm trùng. Tránh nhét bất cứ thứ gì vào ống tai, kể cả tăm bông. Tăm bông có thể lấy đi ráy tai, tạo thành hàng rào bảo vệ trong ống tai của bạn. Giữ tai đặc biệt sạch có vẻ là một cách tốt để tránh nhiễm trùng, nhưng sử dụng tăm bông ngoáy tai thực sự có thể khiến tai bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
c. Bệnh lý đường hô hấp
Nhiều người bị nhiễm trùng ở tai sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Dị ứng, nhiễm trùng xoang và các tình trạng khác gây tắc nghẽn xoang cũng có thể gây ra nhiễm trùng tai. Khi các xoang hoặc tai của bạn bị tắc nghẽn, chất nhầy và các chất lỏng khác có thể không thoát tốt. Những chất lỏng bị mắc kẹt này đóng vai trò là nơi sinh sản của vi khuẩn và gây nhiễm trùng.
d. Nhiễm virus
Một loạt các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra nhiễm trùng tai. Vi rút là nguyên nhân đặc biệt phổ biến của bệnh nhiễm trùng tai trong. Nhiễm trùng nhẹ đôi khi khiến tai trong của bạn bị viêm, gây ra các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi-rút đều tự khỏi, nhưng một số bệnh cần dùng thuốc kháng vi-rút.
e. Nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra nhiều loại nhiễm trùng. Mặc dù nhiễm trùng do vi khuẩn thường tự khỏi, nhưng đôi khi cần dùng kháng sinh. Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bạn có thể bị sốt hoặc thấy chất lỏng chảy ra từ tai. Bác sĩ có thể nhận thấy mủ hoặc chất lỏng khác bị mắc kẹt bên trong ống tai của bạn.
2. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng ở tai xảy ra phổ biến nhất ở trẻ nhỏ vì chúng có ống tai ngắn và hẹp. Trẻ sơ sinh bú bình cũng có tỷ lệ mắc bệnh viêm tai cao hơn trẻ bú mẹ.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng ở tai là:
- Thay đổi độ cao
- Thay đổi khí hậu
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Sử dụng núm vú giả
3. Các triệu chứng của nhiễm trùng tai là gì?
Có ba loại nhiễm trùng ở tai chính: nhiễm trùng tai ngoài, nhiễm trùng tai giữa và nhiễm trùng ở tai trong.
Một số triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng ở tai bao gồm:
- Đau nhẹ hoặc khó chịu bên trong tai
- Cảm giác ù tai kéo dài
- Quấy khóc ở trẻ nhỏ
- Chảy mủ tai
- Mất thính lực
Các triệu chứng nhiễm trùng ở tai ngoài có thể bao gồm đau, đỏ, sưng, ngứa hoặc chảy mủ tai.
Người bị viêm tai giữa có thể gặp các triệu chứng như đau, sốt, khó nghe, ù tai, chảy mủ tai, nghẹt mũi, chán ăn, buồn nôn hoặc khó ngủ.
Các triệu chứng nhiễm trùng tai trong bao gồm chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn và nôn.
Những triệu chứng này có thể kéo dài hoặc đến rồi biến mất. Các triệu chứng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Đau thường nghiêm trọng hơn khi bị nhiễm trùng ở cả hai tai.
Các triệu chứng nhiễm trùng tai mãn tính có thể ít được chú ý hơn so với các triệu chứng nhiễm trùng tai cấp tính.
Trẻ em dưới 6 tháng nếu bị sốt hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng ở tai phải nên đi khám.
4. Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm trùng tai?
Các bác sĩ sẽ kiểm tra tai của bạn bằng một dụng cụ gọi là kính soi tai có ống kính phóng đại và ánh sáng. Kiểm tra có thể phát hiện:
- Ống tai bị đỏ, bong bóng khí hoặc chất lỏng giống như mủ bên trong tai
- Chất lỏng chảy ra từ tai giữa
- Thủng màng nhĩ
- Màng nhĩ căng phồng lên hoặc xẹp xuống
Nếu tình trạng nhiễm trùng của bạn đã chuyển sang giai đoạn nặng, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch bên trong tai và xét nghiệm để xác định xem có một số loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hay không. Họ cũng có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) đầu của bạn để xác định xem nhiễm trùng có lan ra ngoài tai hay không. Cuối cùng, bạn có thể cần kiểm tra thính giác, đặc biệt nếu bạn đang bị nhiễm trùng tai mãn tính.
5. Điều trị viêm tai như thế nào?
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng ở tai nhẹ đều tự khỏi mà không cần can thiệp. Một số phương pháp sau đây có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của nhiễm trùng ở tai nhẹ:
- Đắp một miếng vải ấm lên tai bị ảnh hưởng.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Sử dụng thuốc nhỏ tai theo toa để giảm đau.
Trong khoảng một nửa số trường hợp, nhiễm trùng ở tai tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, trẻ em cần dùng kháng sinh, thường là amoxicillin, trong một đợt 7-10 ngày. Thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng một ngày hoặc lâu hơn.
Đôi khi chất lỏng trong tai giữa không chảy ra được, làm tắc vòi nhĩ và gây mất thính lực tạm thời hoặc viêm tai giữa có tràn dịch. Điều này không phải là hiếm, và trong nhiều trường hợp, một đợt điều trị khác của amoxicillin hoặc một loại kháng sinh khác sẽ có tác dụng.
Nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại có thể là một vấn đề, vì chúng liên quan đến mất thính lực tạm thời kéo dài. Trong những năm đầu của thời thơ ấu, thính giác là cần thiết để phát triển lời nói. Và nếu trẻ bị mất thính lực đáng kể trong một thời gian dài, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ.
Nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ. Họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu tình trạng nhiễm trùng của bạn là mãn tính hoặc dường như không cải thiện.
Nếu một đứa trẻ dưới 2 tuổi có các triệu chứng nhiễm trùng tai, bác sĩ có thể sẽ cho chúng dùng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là bạn phải uống hết toàn bộ đợt thuốc kháng sinh nếu chúng được kê đơn.
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu tình trạng nhiễm trùng ở tai của bạn không được loại bỏ bằng các phương pháp điều trị y tế thông thường hoặc nếu bạn bị nhiễm trùng nhiều ở tai trong một thời gian ngắn. Thông thường, các ống được đặt trong tai để chất lỏng thoát ra ngoài.
Trong trường hợp liên quan đến các adenoids phì đại, phẫu thuật cắt bỏ các adenoids có thể là cần thiết.
6. Tiên lượng
Nhiễm trùng ở tai thường khỏi mà không cần can thiệp, nhưng chúng có thể tái phát. Các biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra sau nhiễm trùng tai:
- Mất thính lực
- Cậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em
- Viêm xương chũm (nhiễm trùng xương chũm trong hộp sọ)
- Viêm màng não (một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm màng bao phủ não và tủy sống)
- Màng nhĩ bị thủng
7. Làm thế nào có thể ngăn ngừa nhiễm trùng ở tai?
Các phương pháp sau có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở tai:
- Rửa tay thường xuyên
- Tránh những khu vực quá đông đúc
- Bỏ núm vú giả với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Cho trẻ bú mẹ
- Tránh khói thuốc
- Tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ
5 cách để ngăn ngừa nhiễm trùng ở tai
a. Giữ cho tai của bạn khô ráo
Khi bơi lội hoặc tham gia các môn thể thao dưới nước, hãy tránh để nước vào tai. Nếu bạn hoặc con bạn đặc biệt dễ bị nhiễm trùng, bạn nên đeo nút tai. Đảm bảo sử dụng nút tai mới hoặc đã được khử trùng mỗi lần để tránh đưa vi trùng vào tai. Rửa tay của bạn trước khi lắp chúng và không bao giờ dùng chung nút tai. Nút tai không vệ sinh có thể đưa vi trùng vào ống tai và dẫn đến nhiễm trùng.
b. Đừng xì mũi quá mạnh
Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng, bạn có thể muốn tiếp tục xì mũi để làm sạch xoang. Tuy nhiên, xì mũi quá mạnh có thể đẩy chất lỏng và vi khuẩn vào ống tai. Hỉ mũi nhẹ nhàng, từng lỗ mũi một.
c. Không nhét vật vào tai
Không bao giờ đưa bất kỳ vật lạ nào, kể cả tăm bông vào tai mà không có sự cho phép của bác sĩ. Đưa dị vật vào tai có thể làm xước ống tai và dẫn đến nhiễm trùng.
d. Giữ không khí trong nhà của bạn sạch sẽ
Các chất kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa và bụi có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng ở tai. Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Nếu người khác trong nhà hút thuốc, hãy yêu cầu họ hút ở bên ngoài. Hỏi bác sĩ về các thiết bị hoặc sản phẩm khác có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của bạn.
e. Hạn chế sử dụng bình sữa và núm vú giả
Trẻ em sử dụng núm vú giả hoặc bú bình trong khi nằm có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai mãn tính. Nếu con bạn thường xuyên bị nhiễm trùng tai, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nhi khoa. Họ có thể khuyên bạn nên đỡ bé khi sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả.
Bài viết trên hy vọng đã đem đến cho bạn một số kiến thức bổ ích về nhiễm trùng ở tai và các cách phòng tránh chúng hiệu quả. Đừng quên thường xuyên ghé thăm website của YouMed để cập nhật nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe nhé!
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.