YouMed

Nhũ hoa của bạn có đang bị ngứa?

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Nếu bạn đã từng phải đối phó với những cơn ngứa kinh niên khó chịu ở nhũ hoa, thì đừng lo lắng vì đây là tình trạng phổ biến thường xảy ra ở mỗi người. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, hầu hết trong số đó đều không gây lo ngại. Nhưng đôi khi nhũ hoa ngứa là dấu hiệu của một tình trạng bệnh nghiêm trọng. Bài viết này sẽ chia sẽ cho bạn một số nguyên nhân phổ biến, phương pháp điều trị cho tình trạng này.

1. Thời tiết lạnh, khô

Thời tiết lạnh, khô có thể dẫn đến ngứa trên khắp cơ thể, bao gồm cả trên vú và nhũ hoa. Khi đó, nhũ hoa của bạn có thể trông khô hoặc bị nứt nẻ. Bạn không nên sử dụng nước nóng mà nên dùng nước ấm khi tắm, vì nước nóng sẽ rửa sạch lượng dầu và làm khô da của bạn hơn nữa. Sau đó, lau nhẹ làn da bằng một chiếc khăn cho đến khi khô và giữ ẩm bằng một loại kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ.

2. Tình trạng viêm da

Có một số nguyên nhân gây ra viêm da nhũ hoa hoặc quầng vú, bao gồm: chàm, viêm da dị ứng,…

Bệnh chàm là tình trạng phổ biến xảy ra ở phụ nữ cho con bú, đặc biệt là những người trước đây từng bị viêm da dị ứng. Đây là tình trạng da có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm cả vú và nhũ hoa. Một số loại bệnh chàm có thể do ma sát với quần áo, bị kích ứng bởi nước, xà phòng và một số chất tẩy rửa thông thường.

Các triệu chứng của bệnh chàm ở nhũ hoa hoặc quầng vú bao gồm:

  • Ngứa, rát và đau
  • Nổi mụn quanh núm vú, quầng vú
  • Tổn thương vú kèm chảy dịch
  • Tróc, khô da, nứt nẻ
Chàm da ở quầng vú và núm vú
Chàm da ở quầng vú và núm vú

Phương pháp điều trị bệnh chàm nhũ hoa hoặc quầng vú bao gồm:

  • Tránh gãi vì việc này có thể làm tình trạng nặng thêm và dẫn đến nhiễm trùng
  • Giữ độ ẩm cho da, sử dụng một loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ cho da
  • Sử dụng Steroid tại chỗ như Hydrocortison có thể giúp giảm sưng và ngứa, thuốc kháng Histamine và các loại thuốc theo toa hướng dẫn của bác sĩ
  • Nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự chảy dịch hoặc sưng, đỏ, đó có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Khi đó, bạn nên điều trị bằng kháng sinh.

3. Xà bông tắm

Xà phòng, kem dưỡng da hoặc bột giặt có thể là nguyên nhân đằng sau khiến nhũ hoa bị ngứa. Các hóa chất trong nhiều sản phẩm làm sạch có thể gây phát ban ở da. Đây gọi là viêm da tiếp xúc. Nó có thể xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ ngứa trên cơ thể. Nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân, bạn hãy chuyển sang xà phòng và chất tẩy rửa không gây dị ứng, không mùi và không có thuốc nhuộm.

4. Chất liệu áo ngực

Ngực và nhũ hoa của bạn có thể phản ứng với chất đàn hồi hoặc thuốc nhuộm được sử dụng để làm áo ngực. Viêm da tiếp xúc có thể gây đỏ và ngứa trên các khu vực của da khi tiếp xúc với vải. 

 
Chất liệu làm áo ngực có thể gây ra viêm da tiếp xúc cho nhũ hoa

5. Ma sát

Nhũ hoa của bạn có thể bị kích thích khi chúng cọ sát vào quần áo trong khi bạn tập thể dục hoặc vì áo ngực của bạn quá chật. Tình trạng này thường làm nhũ hoa đau hơn ngứa, nhưng một số phụ nữ nói rằng ma sát nhiều có thể khiến nhũ hoa cảm thấy ngứa hoặc rát. Hãy đảm bảo áo ngực của bạn vừa vặn và lựa chọn chất liệu mềm mại để giảm ma sát.

6. Thai kỳ

Tăng cân, ốm nghén, tình trạng thay đổi hormone, tăng lưu lượng máu trong thai kì, những điều này có thể là nguyên nhân khiến nhũ hoa bị ngứa. Thai phụ cũng có thể có cảm giác bị đau nhũ hoa, ngứa ran, nhạy cảm và nặng vú. Khi đó, dầu dừa hoặc thuốc mỡ thoa lên nhũ hoa có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng khó chịu khác.

Hình minh họa
Những thay đổi khi mang thai được cho là nguyên nhân khiến nhũ hoa bị ngứa

7. Quá trình cho con bú

Tình trạng dư lượng sữa, ống dẫn sữa bị tắt và các vấn đề với em bé lúc ngậm bú đều có thể làm cho nhũ hoa bị ngứa và đau. Điều quan trọng là phải giữ cho khu vực nhũ hoa sạch sẽ và khô ráo. Thuốc mỡ và miếng gel silicon làm mát trong tủ lạnh có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu này.

8. Nhiễm nấm ở vú

Đôi khi, phụ nữ có thể bị nhiễm nấm ở vú, thường gây ra bởi nấm Candida Albicans. Nếu khu vực xung quanh vú không chỉ ngứa mà còn bong tróc, cảm thấy đau nhói khi bé bú, bạn nên đi khám bác sĩ. Đó có thể là những dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm. 

Các triệu chứng của nhiễm nấm nhũ hoa có thể bao gồm:

  • Đau vú hoặc nhũ hoa thường được mô tả là cảm giác đau sâu
  • Cảm thấy nóng rát, thường sau khi cho con bú
  • Nhũ hoa đỏ và quầng vú khô, phát ban trắng
  • Nhũ hoa bị nứt nẻ và chậm lành

Trong thời gian cho con bú, trẻ sơ sinh có thể cũng bị nhiễm nấm. Các triệu chứng như có lớp phủ màu trắng trong miệng, lưỡi của bé. Trẻ sơ sinh nhiễm nấm ở miệng cần điều trị cùng lúc với mẹ.

Điều trị có thể bao gồm:

  • Sử dụng kem chống nấm bôi tại chỗ và thuốc chống nấm đường uống
  • Tránh nhũ hoa bị ẩm ướt và luôn giữ cho nhũ hoa khô
  • Thay đổi miếng đệm vú thường xuyên 
  • Sử dụng nước nóng và xà phòng để giặt quần áo, khăn, áo lót, miếng lót và các sản phẩm may mặc khác.
  • Khử trùng tất cả các thiết bị bơm, tiếp xúc với nhũ hoa trong nước sôi trong 5 phút hoặc theo chỉ dẫn.

9. Mãn kinh

Giai đoạn này có thể làm cho làn da của bạn mỏng hơn, khô và dễ bị kích thích hơn. Tình trạng này được đổ lỗi cho sự thay đổi nồng độ hormone và mức estrogen thấp hơn. Khi đó, cơ thể bạn sẽ tạo ra ít dầu hơn và do đó, da của bạn sẽ khó giữ độ ẩm. Ngứa có thể tấn công bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả âm đạo và nhũ hoa. Chống khô da bằng cách sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ, giữ ẩm thường xuyên và tắm ít hơn.

Mãn kinh có thể gián tiếp gây ngứa nhũ hoa

10. Tia xạ

Nếu bạn đang điều trị ung thư vú với liệu pháp xạ trị, nhũ hoa của bạn có thể bị ngứa. Nó có thể dẫn đến ngứa dữ dội ở vú và nhũ hoa, thậm chí tình trạng ngứa sẽ tồn tại rất lâu sau khi đợt trị liệu kết thúc. 

Massage vùng này bằng một viên đá, mặc quần áo mềm, rộng và uống nhiều nước là những phương pháp làm giảm tình trạng ngứa nhũ hoa do tia xạ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng histamine đường uống, một loại thuốc corticosteroid để bôi lên da. Đồng thời, bạn cũng nên giữ cho da được giữ ẩm trong quá trình điều trị.  Điều này sẽ giúp giảm tác dụng phụ này từ bức xạ trong quá trình điều trị.

11. Bệnh Paget

Tình trạng này xảy ra ở núm vú hoặc vùng da sẫm màu xung quanh nó (quầng vú). Đây là dạng ung thư vú hiếm gặp bắt nguồn từ các ống dẫn, lan đến nhũ hoa và khu vực lân cận. Nó thường xuất hiện đầu tiên dưới dạng phát ban đỏ, có vảy trên da có thể trông giống như bệnh chàm, bong vảy và ngứa. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy máu hoặc dịch tiết màu vàng chảy ra từ nhũ hoa. 

Bệnh Paget thường được điều trị bằng phẫu thuật, sau đó là xạ trị.

12. Khối u lành tính ở vú

Đôi khi một khối u lành tính trong ống tuyến vú có thể gây ra tình trạng ngứa ở nhũ hoa. Bạn có thể cảm thấy một khối u nhỏ hoặc một chất dịch trong, có thể có hoặc không có máu chảy ra từ nhũ hoa. Để chẩn đoán, bác sĩ có thể chụp nhũ ảnh vú của bạn hoặc yêu cầu siêu âm hay sinh thiết. Việc điều trị tối ưu nhất cho khối u lành tính ở vú là phẫu thuật.

Một khối u lành tính có thể gây ra tình trạng ngứa ở nhũ hoa

13. Rối loạn chức năng tuyến giáp

Phụ nữ bị suy giáp rất dễ bị khô da, điều này có thể dẫn đến ngứa. Suy giáp là khi tuyến giáp của bạn không tạo ra đủ hormone để giữ cho cơ thể hoạt động tốt. Bạn nên giữ cho ngực của bạn được giữ ẩm để chống khô và ngứa. Đồng thời, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu ngứa nhũ hoa xuất hiện với các triệu chứng suy giáp sau:

  • Ăn không ngon miệng
  • Táo bón
  • Da tái xanh hoặc khô, dễ bị lạnh
  • Trí nhớ giảm sút, trầm cảm
  • Giọng khàn hoặc trầm hơn

Tóm lại, có rất nhiều lý do khiến bạn có thể cảm thấy ngứa ở nhũ hoa và hầu hết chúng đều vô hại. Trên đây là 13 nguyên nhân thường gặp khiến nhũ hoa bị ngứa và cách điều trị cũng như phòng ngừa tình trạng này. Bạn không nên quá lo lắng.

Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Newsletter, 2020, “Everything you need to know about itchy nipples”, 06/07/2020, https://www.medicalnewstoday.com/articles/319538#implications
  • WebMD, 2020, “Why Are My Nipples Itchy? 12 Possible Causes”, 06/07/2020, https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-women-itchy-nipples
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người