Những điều bạn cần biết về viêm tĩnh mạch
Nội dung bài viết
Ngày nay, viêm tĩnh mạch là tình trạng khá phổ biến. Viêm tĩnh mạch thường xảy ra ở tĩnh mạch vùng chân và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Triệu chứng thường gặp là sưng và đau vùng tĩnh mạch đó. Nếu không được chữa trị đúng cách, viêm tĩnh mạch có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Hãy cùng Youmed tìm hiểu chi tiết hơn về viêm tĩnh mạch trong bài viết sau đây nhé!
1. Viêm tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch là các mạch máu trong cơ thể bạn có chức năng đưa máu từ các cơ quan và các chi trở về tim.
Xem thêm “Tĩnh mạch của cơ thể: Bạn đã biết về nó?”
Viêm tĩnh mạch được giải thích đơn giản là tình trạng viêm của tĩnh mạch.
Khi tình trạng viêm do cục máu đông hoặc huyết khối gây ra, nó được gọi là viêm tĩnh mạch huyết khối. Viêm tĩnh mạch huyết khối thường xảy ra ở tĩnh mạch chân, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến tĩnh mạch ở cánh tay.
Xem thêm “Thuyên tắc tĩnh mạch sâu: Bạn đã biết gì?”
2. Viêm tĩnh mạch có những loại nào?
Viêm tĩnh mạch có thể phân thành hai loại: viêm tĩnh mạch nông và viêm tĩnh mạch sâu.
Viêm tĩnh mạch nông
Liên quan đến tình trạng viêm những tĩnh mạch nằm gần bề mặt da của bạn. Loại viêm tĩnh mạch này có thể cần điều trị, nhưng thường không nghiêm trọng. Viêm tĩnh mạch nông có thể do cục máu đông hoặc do thứ gì đó gây kích ứng. Chẳng hạn như ống thông tĩnh mạch (intravenous – IV).
Viêm tĩnh mạch sâu
Đề cập đến tình trạng viêm tĩnh mạch nằm sâu hơn, lớn hơn, chẳng hạn như tĩnh mạch ở chân của bạn. Viêm tĩnh mạch sâu có nhiều khả năng là do cục máu đông, được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis – DVT). Tình trạng này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
Các cục máu đông (huyết khối) hình thành có thể tắc mạch hoặc vỡ ra và di chuyển đến phổi. Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng được gọi là thuyên tắc phổi. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu để bạn có thể được thăm khám và điều trị kịp thời của bác sĩ.
3. Nguyên nhân của viêm tĩnh mạch là gì?
Nhìn chung, viêm tĩnh mạch là do tổn thương hoặc kích ứng niêm mạc tĩnh mạch.
Trong trường hợp viêm tĩnh mạch nông, điều này có thể là do:
- đặt kim luồn, ống thông tĩnh mạch, đây là nguyên nhân phổ biến gây nên viêm tĩnh mạch nông
- sử dụng những loại thuốc kích thích vào tĩnh mạch của bạn
- một cục máu đông nhỏ
- nhiễm trùng
Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), các nguyên nhân có thể bao gồm:
- kích thích hoặc tổn thương tĩnh mạch sâu do chấn thương như phẫu thuật, gãy xương, chấn thương nghiêm trọng hoặc DVT trước đó
- máu chảy chậm do thiếu cử động. Điều này có thể xảy ra nếu bạn nằm trên giường trong thời gian dài để hồi phục sau phẫu thuật hoặc đi du lịch trong một thời gian dài.
- máu có nhiều khả năng đông hơn bình thường. Có thể do thuốc, ung thư, rối loạn mô liên kết hoặc tình trạng đông máu di truyền
4. Các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
- Tiền căn bị huyết khối tĩnh mạch sâu
- Bất động trong thời gian dài. Ví dụ: đi máy bay hoặc ô tô dài, bó bột hoặc nẹp ở chi, nằm liệt giường vì bệnh hoặc sau phẫu thuật, lối sống ít vận động, ít hoặc không tập thể dục)
- Béo phì
- Hút thuốc lá, đặc biệt khi kết hợp với liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai
- Khi mang thai, tử cung mở rộng cũng có thể chèn ép các tĩnh mạch lớn trong khung chậu làm tăng nguy cơ đông máu.
- Ung thư hoặc rối loạn máu làm tăng khả năng đông máu
- Bị thương ở tay hoặc chân
5. Các triệu chứng của viêm tĩnh mạch là gì?
Đối với viêm tĩnh mạch nông, các triệu chứng có thể là:
- Một vùng da đỏ dọc theo các tĩnh mạch nông trên da, thường khởi phát chậm. Một vùng màu đỏ mỏng và dài có thể được nhìn thấy do tình trạng viêm nhiễm theo đường đi của tĩnh mạch nông. Nó có thể lây lan theo hình nhện nếu các tĩnh mạch nhánh nhỏ hơn có liên quan.
- Vùng bị viêm này có thể cảm thấy cứng, ấm và nhạy cảm. Da xung quanh tĩnh mạch có thể bị ngứa và sưng tấy.
- Có thể cảm thấy đau nhói hoặc bỏng rát.
- Các triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi hạ chân xuống, đặc biệt là khi mới bước ra khỏi giường vào buổi sáng.
- Có thể bị sốt nhẹ.
- Đôi khi viêm tĩnh mạch có thể xảy ra tại vị trí đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi. Khu vực xung quanh có thể bị đau và nhạy cảm dọc theo tĩnh mạch.
- Nếu bị nhiễm trùng, các triệu chứng có thể bao gồm mẩn đỏ, sốt, đau, sưng tấy
Viêm tắc tĩnh mạch sâu
Các dấu hiệu và triệu chứng cổ điển bao gồm đỏ, nóng, sưng và đau ở chi bị ảnh hưởng. Thường thì một bên bị sưng nhiều hơn bên kia. Đôi khi sự đổi màu có thể hơi xanh hơn là đỏ.
Theo thống kê, chỉ khoảng một nửa trong số những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện các triệu chứng. Đây là lý do mà DVT có thể không được chẩn đoán cho đến khi một biến chứng nghiêm trọng xảy ra, chẳng hạn như thuyên tắc phổi (PE).
6. Biến chứng của viêm tĩnh mạch
Viêm tắc tĩnh mạch nông thường không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Nhưng nó có thể dẫn đến nhiễm trùng vùng da xung quanh, vết thương trên da, thậm chí nhiễm trùng đường máu. Nếu cục máu đông trong tĩnh mạch nông đủ rộng và liên quan đến khu vực mà tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu kết hợp với nhau, thì một DVT có thể xuất hiện.
Đôi khi mọi người không biết rằng họ bị DVT cho đến khi họ gặp phải một biến chứng đe dọa tính mạng. Biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của DVT là thuyên tắc phổi (PE). PE xảy ra khi một mảnh của cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi, làm tắc nghẽn dòng tuần hoàn máu.
Các triệu chứng của PE bao gồm:
- khó thở không giải thích được
- đau ngực
- ho ra máu
- đau khi thở sâu
- thở nhanh
- suy giảm nhận thức hoặc bất tỉnh
- nhịp tim nhanh
Đây là một trường hợp cấp cứu y tế cần được điều trị ngay lập tức.
Xem thêm “Thuyên tắc động mạch phổi: Cái chết bất ngờ”
7. Chẩn đoán viêm tĩnh mạch bằng cách nào?
Viêm tĩnh mạch có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn và việc thăm khám của bác sĩ. Bạn có thể không cần bất kỳ xét nghiệm đặc biệt nào.
Tuy nhiên, nếu cục máu đông được nghi ngờ là nguyên nhân gây viêm tĩnh mạch, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm thêm.
D-Dimer
D-Dimer là một chất hóa học được giải phóng bởi các cục máu đông khi chúng bắt đầu tan rã. Nếu kết quả xét nghiệm máu này bình thường, thì không có cục máu đông.
Tuy nhiên, xét nghiệm không cho bác sĩ biết vị trí có thể có cục máu đông. Xét nghiệm dương tính thường yêu cầu một số xét nghiệm hình ảnh của cánh tay hoặc chân để tìm kiếm cục máu đông tiềm ẩn.
Siêu âm
Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm phần chi bị ảnh hưởng của bạn. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để hiển thị dòng chảy của máu qua tĩnh mạch và động mạch của bạn.
Siêu âm có thể phát hiện các cục máu đông hoặc sự tắc nghẽn dòng chảy của máu, đặc biệt là ở các tĩnh mạch lớn hơn, gần hơn. Một dụng cụ cầm tay nhỏ (đầu dò) được ấn vào da của bệnh nhân để giúp xác định cục máu đông và vị trí của nó. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, giá thành rẻ.
Nếu siêu âm không cung cấp câu trả lời rõ ràng, bác sĩ cũng có thể thực hiện chụp tĩnh mạch, chụp CT hoặc chụp MRI để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông.
Yếu tố đông máu
Nếu phát hiện ra cục máu đông, bác sĩ có thể muốn lấy một mẫu máu để xét nghiệm các rối loạn đông máu có thể gây ra DVT.
8. Điều trị viêm tĩnh mạch như thế nào?
Điều trị viêm tĩnh mạch nông
Điều trị viêm tĩnh mạch nông có thể bao gồm rút ống thông tĩnh mạch, băng ép ấm hoặc kháng sinh nếu nghi ngờ nhiễm trùng.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Để điều trị DVT, bạn có thể cần dùng thuốc chống đông máu, khiến máu khó đông hơn. Điều trị ban đầu có thể bắt đầu bằng enoxaparin (Lovenox), một loại thuốc tiêm để làm loãng máu ngay lập tức. Warfarin (Coumadin) cũng được bắt đầu ngay lập tức nhưng cần vài ngày để đạt được nồng độ điều trị trong máu. Vì vậy Lovenox được sử dụng như một cầu nối cho đến khi điều đó xảy ra. INR là một xét nghiệm máu đo chức năng đông máu và được sử dụng như một hướng dẫn để xác định liều lượng warfarin.
Nếu DVT rất rộng và gây ra các vấn đề đáng kể với sự hồi lưu của máu, bạn có thể cần đến các thủ thuật xâm lấn hơn. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn một dây dẫn và ống thông vào tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Sau đó loại bỏ cục máu đông hoặc làm tan cục máu đông bằng các loại thuốc làm tan cục máu đông, chẳng hạn như chất kích hoạt plasminogen mô hoặc thực hiện kết hợp cả hai.
Việc đưa lưới lọc vào một trong những tĩnh mạch chính, tĩnh mạch chủ, có thể được khuyến nghị nếu bạn bị DVT và có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi nhưng không thể dùng thuốc làm loãng máu. Bộ lưới lọc này sẽ không ngăn hình thành cục máu đông, nhưng nó sẽ ngăn các mảnh của cục máu đông di chuyển đến phổi của bạn.
Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ phát triển DVT trong tương lai cũng sẽ là một phần quan trọng của việc điều trị.
9. Làm gì đề ngăn ngừa viêm tĩnh mạch xảy ra?
Một số chiến lược phòng ngừa có thể mang lại hiệu quả cho bạn, bao gồm:
- thảo luận về các yếu tố nguy cơ của bạn với bác sĩ, đặc biệt là trước khi tiến hành phẫu thuật
- đứng dậy và đi lại càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật
- mang vớ áp lực
- co duỗi chân và uống nhiều nước khi đi du lịch
- dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể bao gồm thuốc làm loãng máu
Xem thêm “Tìm hiểu về bệnh giãn tĩnh mạch, nguyên nhân và cách điều trị”
Tóm lại, viêm tĩnh mạch là tình trạng khá phổ biến hiên nay. Viêm tĩnh mạch nông thường không gây ra những biến chứng trầm trọng. Song viêm tĩnh mạch sâu có thể gây nên những biến chứng đe dọa đến tính mạng. Nếu nghi ngờ bị viêm tĩnh mạch, bạn cần được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.