YouMed

Cùng dược sĩ giải đáp những điều cần biết về bệnh giang mai

Dược sĩ PHẠM THỊ THÚY DIỄM
Tác giả: Dược sĩ Phạm Thị Thúy Diễm
Chuyên khoa: Dược

Giang mai là một trong những bệnh hoa liễu lây truyền qua đường sinh dục. Bệnh lây lan qua những vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương khi quan hệ. Nếu không được chăm và điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.

Giang mai là bệnh như thế nào?

Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ qua các vết xước, tổn thương niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết tổn thương. Bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con từ tháng thứ tư thai kỳ trở đi qua dây rốn.

Giang mai là bệnh toàn thân do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra
Giang mai là bệnh toàn thân do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra

Dấu hiệu của bệnh giang mai

Sau khi ủ bệnh từ 2 đến 4 tuần, bệnh diễn biến theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn rất quan trọng để người bệnh kịp thời phát hiện và điều trị. Biểu hiện chính của giai đoạn này là vết loét giang mai (hay còn gọi là săng giang mai) tại bộ phận sinh dục. Các vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng. Đồng thời kèm theo các vết loét là hạch nổi hai bên vùng bẹn, cứng và không đau. Trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa. Vết loét thường biến mất sau 6 đến 8 tuần dù không điều trị. Điều này làm nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự không phải như vậy. Lúc này vi khuẩn đã vào máu, bệnh chuyển sang giai đoạn thứ hai với các biểu hiện khác.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này thường bắt đầu sau khi có vết loét từ 6-9 tháng có khi kéo dài tới 2 – 3 năm. Biều hiện chủ yếu là các tổn thương trên da với các nốt ban màu hồng như hoa đào (đào ban), vết sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc.
Dấu hiệu của bệnh giang mai
Diễn tiến của giang mai rất khó lường và có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác
  • Giai đoạn 3: Xuất hiện từ 5, 10, 15 năm sau khi có săng. Vi khuẩn giang mai lúc này phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch …, gây nên các triệu chứng khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm. Ở giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho người khác vì vi khuẩn giang mai không còn ở da và niêm mạc nữa.

Riêng đối với phụ nữ mang thai, giang mai có thể gây sẩy thai, làm thai chết lưu, dị dạng. Khi sinh ra đời, trẻ có thể bị điếc, mắc các bệnh về khớp và bị giang mai bẩm sinh.

Lưu ý: Giữa các thời kỳ 1 đến 2, và 2 đến 3, bệnh không có các triệu chứng lâm sàng. Các giai đoạn này gọi là giang mai kín và chỉ được phát hiện nhờ xét nghiệm huyết thanh.

Con đường lây lan của bệnh?

Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoán khuẩn xâm nhập qua da – niêm mạc của bộ phận sinh dục bị xây xát khi quan hệ. Sau đó vi khuẩn vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ 1 và 2 khi vi khuẩn có nhiều trong các tổn thương da và niêm mạc.

Phòng ngừa bệnh bằng tình dục an toàn và điều trị sớm là cách tốt nhất để tránh giang mai

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ây lan là HIV/AIDS, bị các bệnh hay tổn thương ở các bộ phận sinh dục, quan hệ tình dục không bảo vệ.

Vi khuẩn giang mai còn có thể lây do truyền máu và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.

Điều trị bệnh như thế nào?

Hiện nay ở nước ta, cũng như các nước trên thế giới đã áp dụng rộng rãi phác đồ điều trị giang mai của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS).

  •  Điều trị sớm, đủ liều, đúng thời gian qui định. Điều trị cụ thể như sau:

* Giang mai sớm trong năm đầu (giang mai thời kỳ thứ nhất và năm đầu của giang mai thời kỳ thứ hai, giang mai kín sớm):

. Benzathin Penixilin G 2,4 triệu đơn vị: Tiêm mông liều duy nhất, mỗi bên mông 1,2 triệu đơn vị, hoặc:

. Procain Penixilin G tan trong nước: Tiêm bắp 1,2 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 10 ngày.

Nếu dị ứng với Penixilin và bệnh nhân không có thai, thay thế bằng:

. Tetracyclin 500 mg: uống 4 lần/ngày, trong 15 ngày, hoặc:

. Erythromycin 500 mg: uống 4 lần/ngày, trong 15 ngày.

* Giang mai muộn (giang mai đã tiến triển trên 1 năm, giang mai kín muộn)

. Benzathin Penixilin: Tiêm mông mỗi lần 2,4 triệu đơn vị, tổng liều: 4 lần (9,6 triệu đơn vị), mỗi lần cách nhau một tuần, hoặc:

. Procain Penixilin G tan trong nước: Tiêm bắp 1,2 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 3-4 tuần.

  • Điều trị cả bạn tình.

Xét nghiệm chẩn đoán giang mai và chi phí xét nghiệm

  • Tìm xoắn khuẩn giang mai: Lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn, hạch soi kinh hiển vi nền đen để tìm xoắn khuẩn. Hoặc có thể nhuộm Fontana Tribondeau thấy xoắn khuẩn dưới dạng lò xo. Sự có mặt của xoắn khuẩn đặc hiệu cho phép khẳng định chẩn đoán bệnh giang mai.
  • Phản ứng huyết thanh: Lấy máu, chiết lấy huyết thanh để thực hiện các phản ứng:

– Phản ứng cổ điển (không đặc hiệu). Bao gồm các phản ứng: kết hợp bổ thể (BW) phản ứng lên bông (Kahn Citochol,…).

– Các phản ứng dùng kháng nguyên cardiolipin: RPR, VDRL.

– Phản ứng đặc hiệu. Phản ứng bất động xoắn khuẩn (TPI), phản ứng miễn dịch huỳnh quang (FTA – Abs), phản ứng ngưng kết hồng cầu (TPHA hay MHA – TP)

Khi gặp bác sĩ, bạn sẽ được làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán giang mai

Chú ý. Nếu bị giang mai thần kinh hoặc tim mạch cần lấy thêm dịch não tủy để làm xét nghiệm trên.

Chi phí xét nghiệm khoảng 135,000 đồng.

Giang mai là một bệnh truyền nhiễm có biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Khi có các dấu hiệu bệnh bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán. Quan hệ tình dục an toàn là cách để bạn chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh này.

>> Hãy cùng YouMed tìm hiểu những câu hỏi cần thiết trước khi bạn đi khám bệnh và điều trị giang mai qua bài viết: Bệnh nhân Giang mai: Cần hỏi bác sĩ những gì?

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. http://www.pasteurhcm.gov.vn/news/benh-giang-mai-110.html

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người