YouMed

Những điều nên biết trước khi sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt

bác sĩ trần thế minh
Tác giả: BS.CKI Trần Thế Minh
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Rối loạn kinh nguyệt chiếm 12% trong số tất cả các bệnh nhân đến khám phụ khoa. Ước tính cứ 20 phụ nữ thì có 1 người bị rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên không phải bất kỳ ca bệnh nào cũng cần uống thuốc điều hòa kinh nguyệt. Trước khi quyết định dùng thuốc bạn có thể tự điều chỉnh kinh nguyệt của mình bằng cách thay đổi lối sống hay dinh dưỡng.

Thế nào là kinh nguyệt bất thường?

Một chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài từ  24 đến 38 ngày. Một kỳ kinh thường kéo dài khoảng 2 đến 8 ngày. Việc âm đạo chảy máu trước tuổi dậy thì hoặc sau mãn kinh đều được coi là bất thường trừ khi có các chuẩn đoán loại trừ khác.

Một số các dấu hiệu gợi ý kinh nguyệt của bạn đang bất thường và có thể cần dùng đến thuốc điều hòa kinh nguyệt:

  • Kinh nguyệt của bạn trước đây đều đặn, nhưng chúng trở nên không đều
  • Chu kỳ kinh nguyệt quá dài hay quá ngắn (ít hơn 21 ngày , hoặc dài hơn 35 ngày)
  • Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày
  • Bạn đã ngưng hành kinh trong 12 tháng liên tục (mãn kinh) và hiện đang bị ra máu trở lại
  • Kinh nguyệt ra nhiều cần phải sử dụng vài miếng băng vệ sinh cho 1 giờ
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh
  • Rất đau ở vùng bụng, xương chậu khi có kinh
    Khi nào nên dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt

Những ai chưa cần sử dụng đến thuốc điều hòa kinh nguyệt

May mắn là hầu hết các nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường đều không nghiêm trọng. Một số nguyên nhân ngoài bệnh lý có thể được cải thiện mà chưa cần các biện pháp can thiệp bằng thuốc điều hòa kinh nguyệt.

Bạn đang trong giai đoạn tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh

Ở phụ nữ tiền mãn kinh  buồng trứng sẽ giảm tiết estrogen chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngắn hơn, hoặc ra ít hơn cho đến lúc ngừng hẳn ( vô kinh).  Ở giai đoạn dậy thì hoạt động của buồng trứng chưa ổn định kéo theo các rối loạn về kinh nguyệt. Tình trạng trên sẽ ổn định trong khoảng 1 đến 3 năm từ lúc bắt đầu có kinh.

Bạn đang căng thẳng, lo âu quá độ

Các vấn đề tâm lý, stress có thể dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và ngăn cản quá trình rụng trứng. Theo thời gian, căng thẳng có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tăng hoặc giảm cân đột ngột, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của bạn.

Bạn quá gầy hay béo phì hoặc thay đổi căn nặng đột ngột

Việc thiếu hụt calo có thể ngăn chặn cơ thể tiết ra các hormone mà cơ thể cần cho quá trình rụng trứng. Những thay đổi lớn về cân nặng cũng  có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Tăng cân có thể làm bạn khó rụng trứng hơn khi đó giảm cân là cần thiết . Nhưng giảm cân đột ngột quá mức cũng có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc không thường xuyên.

Bạn đang tập luyện thể lực cường độ cao

Một nguyên nhân khác có thể gây ra trễ kinh là do tập thể dục quá nhiều . Được gọi là vô kinh do tập thể dục. Từ 5-25% phụ nữ tập thể dục tập luyện quá sức  dẫn đến không có kinh.  Hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở các vũ công ba lê và vận động viên chạy bộ. Do nó ảnh hưởng  đến việc sản xuất và điều hòa các hormone sinh sản liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn đang sử dụng thuốc tránh thai

Các thuốc tránh thai chứa estrogen và progestin có thể gây rối loạn kinh nguyệt ở những tháng đầu dùng thuốc.  Nếu tình trạng này không hết trong 3 tháng, việc sử dụng các biện pháp tránh thai khác là cần thiết. Ngưng thuốc tránh thai cũng có thể gây trễ kinh sau đó.  Phụ nữ dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có thể dẫn đến chảy máu giữa các kỳ kinh.

Bạn đang mang thai

Mặc dù bạn đang sử dụng các biện pháp bảo vệ tuy nhiên không thể loại trừ  khả năng bạn đang có thai. Nếu có quan hệ tình dục trước đó và kinh nguyệt bạn đang trễ hãy sử dụng que thử thai hoặc đến bác sĩ để thăm khám.

Nếu bạn đang không thuộc những trường hợp trên việc thăm khám bác sĩ là cần thiết vì bạn có thể mắc các bệnh lý về tuyến giáp, hội chứng buồn trứng đa nang, suy buồng trứng hoặc viêm nhiễm vùng chậu,…

Khi nào nên dùng thuốc

Ưu nhược điểm các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt trên thị trường

Thuốc điều hòa kinh nguyệt là những loại thuốc giúp điều chỉnh lại số ngày của chu kỳ kinh nếu nó kéo dài quá lâu hoặc quá ngắn và điều chỉnh lại lượng máu kinh thích hợp, cũng như giảm bớt các triệu chứng khó chịu khi đến kỳ.

Trên thị trường có 2 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến là thuốc có nguồn gốc dược liệu và các thuốc hormon.

Thuốc có nguồn gốc dược liệu

Các dược liệu như ích mẫu, ngải cứu, gừng, hương phụ, diếp cá, nghệ,… được bào chế dưới dạng siro hay viên nang, viên nén.

Ưu điểm của những loại thuốc này là giá thành khá rẻ. Vì có nguồn gốc từ  dược liệu nên ít gây phản ứng có hại đến cơ thể. Tuy nhiên bạn phải sử dụng một thời gian nhất định mới cảm thấy được đầy đủ hiệu quả  của thuốc. Hơn nữa nếu nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt của bạn là những bệnh lý nghiêm trọng như lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm vùng chậu, suy giảm chức năng buồng trứng,… thì việc sử dụng các thuốc này là không thích hợp.

Thuốc chứa hormone

Các thuốc tránh thai phối hợp chứa estrogen, progestin hay loại chỉ chứa progestin có thể được bác sĩ kê toa nếu bạn bị rối loạn nội tiết tố hoặc mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (POS). Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt do tuyến giáp, các hormon giáp có thể cải thiện tình trạng bệnh.

Ưu điểm của các thuốc này là tình trạng bệnh của bạn có thể được cải thiện một cách nhanh chóng. Mặt khác nó cũng có thể khiến bạn bị bốc hỏa, dễ cáu gắt, tăng cân hay ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vô cùng nghiêm trọng.

Nhận biết các dấu hiệu trong kỳ kinh nguyệt giúp bạn đánh giá liệu bạn đang gặp các triệu chứng bất thường hay không? Từ đó có thể sử dụng các biện pháp can thiệp hoặc gặp bác sĩ. Lưu ý không tự ý sử dụng thuốc khi không có sự tư vấn, hướng dẫn từ nhân viên y tế.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/menstrual-problems#pms
  2. https://www.webmd.com/women/features/when-your-period-signals-problem
  3. https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late
  4. https://suckhoedoisong.vn/5-loai-thao-duoc-cai-thien-kinh-khong-deu-tai-nha--n181470.html

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người