Những loại thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa
Nội dung bài viết
Xin chúc mừng các mẹ bầu đã đi đến ba tháng giữa của thai kỳ. Thời gian này cả ốm nghén và nguy cơ sẩy thai đã giảm đáng kể nên việc ăn uống cũng cảm thấy ngon miệng hơn. Ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh, lúc này hệ xương phát triển mạnh, não bộ và các cơ quan cũng dần hoàn thiện chức năng. Vì vậy, hãy cùng bác sĩ YouMed tìm hiểu các loại thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa này nhé!
Những chất dinh dưỡng cần bổ sung trong 3 tháng giữa
Các bà bầu cần cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong quá trình mang thai giúp thai phụ tăng cân đều đặn. Với phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa sẽ cần năng lượng thêm 340 kcal/ngày (khoảng 2500 kcal/ngày). Để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ trong 3 tháng giữa thai kỳ, bà bầu cần uống đủ nước và ghi nhớ cung cấp đủ thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).
Một số chất dinh dưỡng quan trọng trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ được liệt kê dưới đây:
Chất đạm
Chất đạm rất cần thiết để hình thành bào thai, nhau thai và mô cơ thể bé. Phụ nữ mang thai nên tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Lượng protein khuyến nghị trong thai kỳ là 60 -70g/ngày, tăng từ 46g/ngày đối với phụ nữ không mang thai. Tương ứng với sự thay đổi từ 0,8g protein/kg/ngày đối với người không mang thai lên 1,1g protein/kg/ngày đối với người mang thai.
Sắt
Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin, một loại protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô. Trong khi mang thai, bà bầu cần gấp đôi lượng sắt mà phụ nữ bình thường cần. Việc tăng cường chất sắt này góp phần tạo ra nhiều máu hơn để cung cấp oxy cho em bé.
Lượng sắt cần mỗi ngày là 27 mg. Thịt nạc đỏ, thịt gia cầm và cá, đậu, ngũ cốc là những nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Phụ nữ mang thai nên dùng thêm viên uống bổ sung sắt, uống ngay từ khi phát hiện có thai.
Vitamin C
Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bông cải xanh và dâu tây, ổi giúp thúc đẩy sự phát triển xương ở thai nhi và tăng cường hấp thu sắt. Mẹ bầu cần 85mg vitamin C mỗi ngày.
Canxi
Canxi là thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa. Ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh, lúc này hệ xương phát triển mạnh. Vì vậy, bổ sung canxi giai đoạn này vô cùng quan trọng.
Mỗi thai phụ ở tuổi trưởng thành cần 1000 micrograms canxi mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Sữa và chế phẩm từ sữa là nguồn hấp thu tốt nhất canxi. Ngoài ra bông cải xanh và cải xoăn, một số trái cây và ngũ cốc cũng giúp bổ sung canxi.
Vitamin D
Vitamin D góp phần hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi và photpho tốt hơn để hình thành hệ xương. Thiếu vitamin D dẫn tới nhuyễn xương, hạ canxi máu,…
Mỗi thai phụ cần 600 IU (đơn vị quốc tế) mỗi ngày. Để có đủ lượng vitamin D cần thiết, bà bầu có thể lựa chọn các loại thực phẩm: cá béo như cá hồi, trứng, sữa và nước cam và không quên tắm nắng mỗi ngày.
Acid folic
Acid folic giúp giảm nguy cơ dị tất ống thần kinh và giảm nguy cơ sinh non. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai là 600 μg/ngày. Vì vậy, bà bầu cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu axit folic như ngũ cốc, rau xanh (rau chân vịt, bông cải xanh), trái cây họ cam quýt và các loại đậu
Ngoài thực phẩm, thai phụ nên bổ sung thêm axit folic bằng đường uống với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
DHA
DHA là một axit béo omega-3 rất quan trọng đối với phát triển thần kinh của thai nhi. Bà bầu có thể ăn cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá trống, cá trích và cá mòi,… để tăng cường DHA. Mẹ bầu có thể tham khảo thêm thông tin về DHA qua bài viết: https://youmed.vn/tin-tuc/bo-sung-dha-cho-ba-bau-nhung-dieu-ban-can-biet/
Những loại thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng giữa
Tháng thứ tư
Khoảng thời gian này, tình trạng ốm nghén hầu như chấm dứt, đây là lúc thai phụ bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn trong việc xây dựng chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Mẹ bầu cần bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt từ các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt, dễ hấp thụ sắt nhất, hoặc từ các sản phẩm thực vật như: ngũ cốc, đậu, rau chân vịt,… Để tăng cường sự hấp thụ sắt từ các nguồn thực vật và thuốc sắt tổng hợp, hãy kết hợp chúng với thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều vitamin C- chẳng hạn như nước cam, nước ép cà chua hoặc dâu tây.
Tháng thứ năm
Giai đoạn này bạn cần tiếp tục cung cấp thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa để duy trì sự phát triển não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể bé. Bổ sung các thức ăn chứa nhiều canxi rất tốt tại thời điểm này để đảm bảo hệ xương của trẻ được phát triển toàn diện.
Bảng hàm lượng canxi trong các thực phẩm:
Thực phẩm | Khối lượng | Lượng chứa canxi |
Ngũ cốc | 1 cup (20 đến 60 g) | 100 đến 1000 mg |
Sữa | 1 cup | 299 mg |
Sữa chua ít đường | 6 oz (170g) | 258 mg |
Phô mai | 1 oz (28g) | 181 mg |
Nước cam | 1 cup | 349 mg |
Rau chân vịt | ½ cup (95g) | 123 mg |
Nguồn: Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Hoa Kỳ
1 cup = 237ml
Tháng thứ sáu
Vào tháng thứ sáu của thai kỳ, rất nhiều bà bầu gặp tình trạng táo bón do hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại để tăng cường hấp thu các dưỡng chất cho mẹ và bé. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu cần ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và các loại đậu giàu chất xơ, cũng như uống đủ nước trong ngày. Đảm bảo lượng chất xơ tương ứng 25- 30g mỗi ngày.
- Thực phẩm giàu chất xơ cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ
Những thực phẩm mẹ bầu cần tránh
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa, bà bầu cần lưu ý tránh một số thực phẩm sẽ được liệt kê sau đây:
Hạn chế một số gia vị
Hạn chế ăn nhiều muối, bột ngọt (mì chính), vì tăng giữ nước gây phù trong quá trình mang thai. Lượng muối được Hiệp hội tim mạch khuyến cáo là < 5g ngày, đặc biệt ở các thai phụ có bệnh lý tim mạch cần tuân thủ kỹ điều này.
Các gia vị có tính nóng như ớt, tiêu cũng nên hạn chế sử dụng ở bà bầu vì dễ gây tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón.
Hạn chế thức ăn không tốt cho mẹ bầu
Các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn như pizza, thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng, các món chiên nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, sẽ làm tăng cảm giác khó tiêu, đầy bụng, tăng cân nhanh và gây ra một số bệnh tim mạch.
Gan là cơ quan tiếp nhận và đào thải độc tố nên thường chứa nhiều chất độc hại như kim loại nặng lẫn các loại virus, vi khuẩn và chứa hàm lượng vitamin A rất cao. Tuy nhiên vitamin A có trong gan là vitamin A ở dạng retinol, dư thừa loại vitamin A này có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Vì thế các mẹ bầu nên tránh ăn gan động vật, các viên uống có hàm lượng vitamin A cao và không dùng các chế phẩm có retinol.
Các thực phẩm không được chế biến sạch sẽ, còn tươi sống thì không nên ăn. Bởi vì chúng sẽ tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc cho cơ thể bà bầu. Ví dụ như trứng sống, sữa tươi chưa tiệt trùng rau sống, cá sống,… nên hạn chế ăn trong suốt thai kỳ.
Các loại cá có nhiều thủy ngân cũng có hại cho bà bầu, ảnh hưởng đến phát triển hệ thống thần kinh của bé. Vì thế các mẹ bầu không nên ăn cá nhiều thủy ngân như cá ngừ đóng hộp, cá kiếm, cá thu vua,..
Hạn chế đồ uống không tốt cho mẹ bầu
Các loại đồ uống chứa chất kích thích, chứa cồn nên tránh ở thai phụ. Bởi vì chúng sẽ tăng nguy cơ sinh non, sảy thai trong thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹ bầu không nên dùng quá nhiều caffein. Lượng caffein tối đa được khuyến cáo là bé hơn 200mg mỗi ngày
Các bác sĩ YouMed đã cung cấp thông tin về thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng giữa để mỗi mẹ bầu đều có thể tự xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân và bé. Hi vọng nội dung bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pregnancy diet: Focus on these essential nutrientshttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20045082
Ngày tham khảo: 30/01/2021
-
Pregnancy nutrition: Foods to avoid during pregnancyhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20043844
Ngày tham khảo: 30/01/2021
-
Eating Well in Your Second Trimesterhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/second-trimester-diet-nutrition#foods-to-eat
Ngày tham khảo: 30/01/2021
-
Pregnancy and Nutritionhttps://medlineplus.gov/pregnancyandnutrition.html
Ngày tham khảo: 30/01/2021
-
Foods to Avoid in Pregnancyhttps://www.webmd.com/baby/foods-avoid-pregnancy
Ngày tham khảo: 30/01/2021
-
Pregnancy nutrition: Foods to avoid during pregnancyhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20043844
Ngày tham khảo: 30/01/2021