Những thay đổi âm đạo sau khi sinh không đáng sợ như bạn nghĩ
Nội dung bài viết
Mang thai là một trải nghiệm tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ. Cơ thể của bạn sẽ có rất nhiều thay đổi trong quá trình mang thai. Và sự thay đổi này có thể kéo dài sau sinh vì nó cần có thời gian để phục hồi. Sự thay đổi âm đạo sau khi sinh nhận được nhiều sự quan tâm của chị em. Tuy nhiên, có thể đây là một vấn đề tế nhị nên chị em hay ngại nói ra. Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng YouMed tìm hiểu những thay đổi về âm đạo sau khi sinh và cách vượt qua như thế nào nhé!
Sơ lược về âm đạo
Âm đạo là một bộ phận có hình ống kéo dài nối từ âm hộ đến cửa tử cung. Về vị trí, âm đạo nằm trong thành môi nhỏ, vị trí phía dưới lỗ niệu đạo và phía trên hậu môn. Cửa âm đạo được bảo vệ bởi màng trinh và các môi âm hộ.
Về kích thước, do khả năng giãn nở của âm đạo rất tốt nên bộ phận này hầu như không có kích thước cố định. Ở trạng thái bình thường kích cỡ chiều dài âm đạo phụ nữ vào khoảng 7 – 8cm, nhưng khi bị kích thích có thể sâu tới 11cm. Tùy vào mức độ kích thích, các giai đoạn phát triển của người phụ nữ mà âm đạo có những kích thước khác nhau.
Chức năng của âm đạo rất đa dạng, có vai trò quan trọng đối với hoạt động sinh sản, sinh lý của nữ giới.
Khi bạn sinh con, em bé đi qua cổ tử cung và ra ngoài qua ngả âm đạo. Lúc này, âm đạo được kéo dài để cho em bé đi qua. Đôi khi, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ cần cắt tầng sinh môn để hỗ trợ quá trình sinh được dễ dàng.
Sau khi sinh con, không có gì lạ khi người phụ nữ cảm thấy đau hoặc âm đạo bị lỏng lẻo hoặc khô hơn bình thường. Sau đây hãy cùng điểm qua những thay đổi của âm đạo sau khi sinh nhé!
Âm đạo trở nên lỏng lẻo hơn
Khi sinh qua ngả âm đạo, âm đạo của bạn sẽ được kéo dài trong khi sinh để cho em bé đi ra ngoài. Một nghiên cứu cho thấy, các cơ sàn chậu liên quan đến sinh nở có thể bị kéo dài gấp 3 lần so với kích thước bình thường của chúng. Sau khi sinh, các mô này sẽ dần co lại về lại trạng thái trước khi mang thai.
Âm đạo có thể trở nên lỏng lẻo hơn sau khi sinh con do các cơ sàn chậu xung quanh âm đạo bị kéo căng. Sự thay đổi này có thể rõ rệt hơn dựa vào một số yếu tố. Ví dụ như em bé của bạn lớn như thế nào, có biến chứng gì trong khi sinh không, số lần sinh của bạn.
Thông thường, bác sĩ của bạn sẽ khuyên bạn tập các bài tập sàn chậu như Kegels, để giúp làm mạnh thêm các cơ sàn chậu sau khi sinh. Từ đó, bạn có thể nhanh chóng trở lại tình trạng như trước khi mang thai. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra được hướng giải quyết phù hợp nhất.
Sưng nề và thay đổi màu sắc
Hầu hết những thay đổi về bề ngoài của âm hộ và âm đạo sau khi sinh chỉ là tạm thời. Quá trình mang thai và sinh con có thể gây sưng hoặc đổi màu âm đạo.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, thay đổi màu sắc hay sưng có thể xảy ra dù bạn sinh thường hay mổ bắt con. Bởi vì những sự thay đổi này là do thay đổi hoormon trong thai thai kì. Tùy thuộc vào số lần sinh nở mà bạn đã trải qua, quá trình sinh nở có thể tự nó dẫn đến tình trạng sưng.
Khô âm đạo
Bạn cũng thường cảm thấy âm đạo khô hơn sau khi sinh. Nếu gặp tình trạng này, bạn đừng quá lo lắng nhé. Tình trạng này cũng là điều bình thường bởi điều này được cho là liên quan đến sự sụt giảm nồng độ estrogen sau khi sinh.
Đối với các bà mẹ cho con bú, nồng độ estrogen thấp hơn so với những người không cho con bú. Vì vậy tình trạng khô âm đạo có thể rõ rệt hơn.
Khô âm đạo có thể dẫn đến giảm chất lượng đời sống tình dục. Lúc này chất bôi trơn có thể giúp bạn. Đời sống tình dục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Vì vậy hãy mạnh dạn chia sẻ những khó khăn mà bạn gặp phải.
Tổn thương tầng sinh môn
Sự kéo căng hoặc vết rách có thể xảy ra xung quanh vùng cửa âm đạo trong khi sinh. Những vết thương này cần một chút thời gian để chữa lành. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ cắt tầng sinh môn để giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn.
Thủ thuật cắt tầng sinh môn là khi bác sĩ hoặc nữ hộ sinh rạch một đường nhỏ ở đáy chậu (vùng da giữa hậu môn và cửa âm đạo) để tạo thêm không gian cho em bé đi qua.
Nhìn chung, việc cắt tầng sinh môn này cần khoảng ba đến sáu tuần để lành. Trong một số trường hợp có thể để lại sẹo. Mô sẹo này thường không đáng chú ý và không ảnh hưởng đến bề ngoài hay chức năng của âm đạo.
Forceps là một dụng cụ trợ giúp trong khi sinh. Việc sử dụng forceps có thể gây tổn thương cho mô âm đạo. Hầu hết các bác sĩ không còn sử dụng forceps. Tuy nhiên một số trường hợp sinh khó thì cũng cần sự trợ giúp của forceps để đưa em bé ra ngoài. Nếu bạn vẫn còn đau âm đạo trong lần khám sau sinh đầu tiên, hãy báo với bác sĩ của bạn.
Thay đổi chức năng
Nói chung, chức năng âm đạo của bạn sẽ không thay đổi do mang thai hoặc do quá trình sinh nở. Tuy nhiên, đôi khi các cơ sàn chậu kiểm soát âm đạo bị ảnh hưởng.
Những cơ sàn chậu này bao quanh và hỗ trợ bàng quang và âm đạo. Vì vậy, những cơ này có thể bị tổn thương hoặc suy yếu trong khi sinh hoặc do áp lực của thai kì. Trong một số trường hợp, tổn thương cơ sàn chậu có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn chức năng bàng quang hoặc sa tử cung.
Tiểu không tự chủ
Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà phụ nữ phải đối mặt sau khi sinh đó là tiểu không tự chủ. Một số phụ nữ nói rằng họ bị rò rỉ nước tiểu. Đặc biệt là liên quan đến những hoạt động gắng sức, như nhảy, ho hoặc hắt xì. Điều này là phổ biến nhưng nó không bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về những vấn đề này. Có thể cải thiện nhờ những biện pháp tăng cường cơ sàn chậu để ngăn chặn tình trạng tiểu không tự chủ.
Chức năng tình dục
Một nghiên cứu cho thấy rằng 91,3% phụ nữ báo cáo một số vấn đề tình dục sau khi sinh con. Những lí do có thể do sự gián đoạn giấc ngủ đến cách mà người phụ nữ cảm nhận về âm đạo của mình. Các dây thần kinh trong khung chậu cũng có thể bị tổn thương hoặc thay đổi trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.
Các cơ sàn chậu đóng vai trò quan trọng trong chức năng tình dục và cực khoái. Một số phụ nữ cảm thấy thiếu sự thỏa mãn tình dục hoặc cảm giác như âm đạo không hoàn toàn “làm việc” giống như trước đây do các cơ sàn chậu bị yếu.
Cảm giác đau khi quan hệ tình dục cũng có thể do tình trạng khô âm đạo gây ra. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố của thai kì và cho con bú. Đừng lo lắng quá, bởi vì tình trạng khô này là tạm thời và có thể được điều trị bằng các chất bôi trơn.
Nếu quan hệ tình dục rất đau đớn đối với bạn sau khi sinh, hay cởi mở và trao đổi với chống của bạn. Đồng thời hãy thảo luận cùng với bác sĩ của bạn. Bác sĩ cần xem xét liệu có biến chứng hay nhiễm trùng nào hay không. Sau đó sẽ cùng bạn thảo luận và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Bằng cách đó, bạn sẽ được mọi người chia sẻ để vượt qua thay vì tự lo về nó.
Điều trị những thay đổi âm đạo sau sinh như thế nào?
Bài tập Kegels
May mắn thay, một số bài tập có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu. Điển hình là bài tập Kegels. Bài tập giúp cải thiện sức mạnh cơ sàn chậu, săn chắc âm đạo hơn, góp phần cải thiện sự tiểu không tự chủ, cải thiện chức năng tình dục hơn.
Bài tập Kegel ra đời từ năm 1948, do bác sĩ phụ khoa tên là Arnold Kegel Henry sáng tạo nên. Đây là bài tập thể dục dành cho vùng sàn chậu – khu vực bảo vệ cơ quan sinh dục của chúng ta. Bài tập Kegel giúp kích hoạt cơ xương chậu và giúp cơ quan sinh dục của cả phụ nữ và nam giới được săn chắc hơn.
Xem thêm bài “Những điều cần biết về Kegel: Bài tập luyện cơ vùng chậu cải thiện tiểu không kiểm soát” để biết thêm chi tiết bài tập Kegel nhé!
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần đến phẫu thuật để sữa chữa sàn chậu, hỗ trợ những cấu trúc bị sa, chẳng hạn như sa tử cung hoặc bàng quang.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc hay những vấn đề về sức khỏe, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn.
Tóm lại, sau khi sinh, phụ nữ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi trong cơ thể. Những thay đỏi về âm đạo có lẽ sẽ gây nhiều thắc mắc và lo âu cho người phụ nữ. Bạn hãy mạnh dạn chia sẻ cùng người thân và thảo luận với bác sĩ về vấn đề này nhé!
Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về những thay đổi của âm đạo sau khi sinh. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Happens to Your Vagina After Pregnancy?https://www.verywellfamily.com/what-happens-to-your-vagina-after-pregnancy-4156275
Ngày tham khảo: 29/05/2020