Niềng răng: Phương pháp chỉnh nha phổ biến hiện nay
Nội dung bài viết
Ngày nay, niềng răng dường như đã trở thành một phương pháp chỉnh nha phổ biến được nhiều người nhắc đến. Đi cùng với sự phát triển của đời sống, nhu cầu về làm đẹp cũng tăng cao. Nhiều người tìm đến chỉnh nha với mong muốn có được hàm răng đều đặn. Tuy nhiên, quan trọng là chỉnh nha còn giúp bạn có được hàm răng khỏe mạnh về mặt sinh lý, chức năng. Đó mới chính là giá trị cao nhất của phương pháp này. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về phương pháp điều trị này qua bài viết của bác sĩ Trương Mỹ Linh.
1. Niềng răng là gì?
Niềng răng là phương pháp điều trị chỉnh nha giúp di chuyển răng và xương ổ răng, làm răng đều đặn, thẳng hàng. Phương pháp này giúp cải thiện vẻ bên ngoài cũng như các chức năng của răng miệng. Việc điều trị này yêu cầu sự chăm sóc và can thiệp trong thời gian dài lên răng, nướu và cả khớp thái dương hàm.
2. Tại sao bạn nên điều trị chỉnh nha niềng răng?
Không phải ai trong chúng ta sinh ra cũng có một hàm răng đều đặn, khỏe mạnh. Một số người có thể có răng chen chúc hoặc thưa. Chỉnh nha giúp hàm răng trở nên thẳng hàng và các răng nằm ở vị trí tốt hơn. Điều này sẽ góp phần thay đổi ngoại hình cũng như khớp cắn của bạn. Ngoài ra, khi các răng thẳng hàng thì bạn cũng dễ dàng vệ sinh, chăm sóc.
Khi hai hàm cắn khớp không đúng, nó cũng sẽ gây áp lực lên cơ hàm, khiến xương hàm và khớp thái dương có thể bị đau. Điều trị chỉnh nha giúp hai hàm cắn khớp tốt hơn và làm giảm các triệu chứng đau mỏi.
Điều trị niềng răng giúp giải quyết được vấn đề sau:
- Răng chen chúc, xô lệch.
- Răng thưa.
- Cắn sâu (răng cửa hàm trên phủ hết răng cửa dưới).
- Cắn chìa (răng cửa hàm trên nhô ra trước so với hàm dưới).
- Răng cắn ngược (răng cửa trước nằm phía trong so với răng dưới).
- Các trường hợp sai lệch khớp cắn khác.
3. Các phương pháp niềng răng hiện nay
Chính nha bằng mắc cài:
- Kim loại.
- Sứ.
- Mặt lưỡi.
- Tự động.
Chỉnh nha bằng khay trong suốt.
4. Độ tuổi chỉnh nha niềng răng
Thời điểm tốt nhất để niềng răng là khi còn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ở những người lớn tuổi hơn, việc chỉnh nha vẫn thực hiện được. Độ tuổi chỉnh nha không quan trọng bằng số lượng răng vĩnh viễn hiện có. Ở trẻ em, cần phải đợi có đủ răng vĩnh viễn mới bắt đầu niềng răng được.
Đối với trẻ nhỏ, nếu có bất thường về răng miệng sẽ được tiến hành điều trị sớm từ 8 đến 14 tuổi. Việc điều trị chia làm 2 giai đoạn: điều trị can thiệp giai đoạn sớm và điều trị chỉnh nha cố định khi trẻ đã đầy đủ răng vĩnh viễn.
5. Ai sẽ là người thực hiện chỉnh nha?
Nha sĩ sẽ là người thực hiện chỉnh nha cho bạn. Hoặc các nha sĩ sẽ giới thiệu bạn đến nha sĩ chuyên chỉnh nha để có thể được điều trị tốt hơn.
6. Nguy cơ có thể có khi niềng răng
Mặc dù niềng răng là phương pháp an toàn, tuy nhiên sẽ có một số nguy cơ có thể xảy ra:
6.1. Nguy cơ trong thời gian ngắn
Khi niềng răng sẽ tạo thành những khoảng trống hẹp xung quang răng. Thức ăn có nguy cơ sẽ dắt vào, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu bạn không làm sạch được mảng bám và thức ăn có thể dẫn đến:
6.2. Nguy cơ lâu dài
- Tiêu chân răng: Trong quá trình răng di chuyển, xương ổ răng cũng sẽ xảy ra quá trình tiêu xương và tạo xương liên tục. Nếu sử dụng lực không hợp lý có khả năng dễ đến tiêu chân, răng di động.
- Tái phát: Sau khi tháo mắc cài, nếu bạn không tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nha sĩ thì có khả năng răng sẽ sai lệch lại. Sau khi tháo, bạn sẽ được mang một khí cụ gọi là hàm duy trì giúp ngăn tình trạng này xảy ra.
Để ngăn các nguy cơ xảy ra làm phá hủy răng, bạn nên:
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và chất dính có thể gây sâu răng.
- Đánh răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn với kem có chứa fluoride. Nếu không thể đánh răng ngay sau khi ăn, bạn nên cố gắng súc miệng thật sạch với nước.
- Luôn làm sạch những mảng bám thức ăn quanh mắc cài. Nhớ kiểm tra lại trước gương.
- Sử dụng nước súc miệng chứa fluoride theo khuyến cáo của nha sĩ.
- Dùng chỉ nha khoa hoặc các dụng cụ kẽ răng khác làm sạch khâu và mắc cài. Có thể sử dụng kết hợp với bàn chải một túm lông.
- Tránh thức ăn dính vì có thể làm rớt khâu, dây cung, mắc cài.
- Tránh thức ăn cứng vì có thể làm hỏng mắc cài.
- Tái khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe răng miệng.
- Luôn tuân thủ đúng hướng dẫn của nha sĩ.
Các loại thức ăn nào bệnh nên hạn chế để bảo vệ sức khỏe răng miệng? Tìm hiểu trong bài viết: Thực phẩm gây hại cho răng của bạn, đó là gì?
7. Khi niềng răng bạn cần chuẩn bị những gì?
Để chuẩn bị cho chỉnh nha, bạn cần:
- Khám kiểm tra toàn bộ ngoài mặt và trong miệng: Răng, miệng, xương hàm.
- Chụp phim: Bạn sẽ được chụp một vài phim để xác định vị trí của răng. Phổ biến nhất là phim toàn cảnh, giúp bạn thấy được các răng của 2 hàm cũng như các mầm răng nếu có. Tiếp đó, bạn có thể chụp phim sọ nghiêng để đánh giá kích thước, vị trí và mối liên hệ giữa răng và xương hàm. Phim 3D cũng được sử dụng để đánh giá đúng vị trí răng so với các cấu trúc khác.
- Mẫu hàm: Bạn sẽ được dùng một vật liệu nha khoa để lấy dấu lại 2 hàm răng. Dấu in này sẽ được đổ ra hàm thạch cao giúp nha sĩ phân tích, chẩn đoán. Ở một số nơi sử dụng máy scan để quét bề mặt răng và ghi lại hình ảnh.
- Nhổ răng (nếu có): Nếu răng bạn quá chen chúc, có quá ít hoặc không có khoảng trống để răng sắp xếp, thường nha sĩ sẽ đề nghị nhổ 1 hoặc một vài răng. Điều này giúp cho việc niềng răng dễ dàng đạt hiệu quả hơn.
- Một số tiến trình khác: Trong trường hợp việc niềng răng không đủ để chỉnh sửa, có thể cần phải kết hợp với phẫu thuật chỉnh hàm.
Sau khi đánh giá tất cả, nha sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể cho bạn.
8. Quá trình điều trị niềng răng như thế nào?
Quá trình điều trị gồm 3 giai đoạn:
- Gắn mắc cài (hoặc giao khay đối với chỉnh nha trong suốt).
- Điều chỉnh định kỳ.
- Điều trị duy trì.
8.1. Gắn mắc cài
Khi niềng răng, bạn sẽ sử dụng các thành phần sau:
- Mắc cài: Được gắn trên bề mặt ngoài hoặc trong của răng. Mắc cái có thể làm bằng kim loại, sứ (màu giống răng thật) hoặc vật liệu khác. Các mắc cài hiện đại thường nhỏ và ít gây chú ý hơn.
- Khâu: Bao quanh răng cối lớn. Trước khi đặt khâu, nha sĩ sẽ tạo khoảng trống trước bằng việc đặt thun nhỏ để tách kẽ răng (thun tách kẽ). Khâu làm bằng thép không rỉ hoặc titan. Khâu có ống phía má giúp giữ dây cung đúng vị trí.
- Dây cung: Giúp kết nối tất cả các mắc cài và khâu. Dây cung điều khiển sử chuyển động của răng.
- Thun cao su nhỏ giúp cố định dây cung vào mắc cài (tuy nhiên, hiện nay một số mắc cài có cơ chế trượt thay vì cố định bằng thun). Thun kéo có bản lớn hơn giúp kết giữa hàm trên và hàm dưới để tạo lực đúng hơn.
- Headgear (mũ đội đầu): được gắn vào mắc cài. Thường mang vào ban đêm, sử dụng trong trường hợp phức tạp. Headgear được gắn với ống nối headgear trong miệng giúp tăng lực hoặc giữ, di chuyển răng vào vị trí đúng hơn.
- Vật neo giữ tạm thời: Thay vì dùng headgear hay thun cao su, một số nha sĩ dùng các vít nhỏ gắn xuyên nướu vào xương hàm. Nó được coi như là một neo giữ khi tiếp tục tăng lực di chuyển răng.
Khay chỉnh nha trong suốt
Thay vì sử dụng mắc cài cố định, hiện nay việc chỉnh sửa răng trong trường hợp sai lệch ít trở nên tiện lợi hơn với khay chỉnh nha trong suốt. Bệnh nhân sẽ được thiết kế một bộ khay cá nhân riêng cho việc điều trị. Thông thường, mỗi khay sẽ mang từ 1 đến 3 tuần, mang gần như 24 tiếng mỗi ngày ngoại trừ khi ăn, chải răng. Tiếp theo, bạn sẽ phải đổi sang khay khác. Toàn bộ quá trình mang hết bộ khay có thể mất khoảng 9 tháng hoặc hơn cho đến khi đạt mục tiêu điều trị.
Khi mang khay, bạn chỉ được uống nước lọc thường. Sau khi tháo khay để ăn uống, bạn phải vệ sinh răng sạch trước khi mang lại khay. Phải thường xuyên làm sạch kẽ răng.
8.2. Điều chỉnh định kỳ
Sau khi gắn mắc cài, nha sĩ sẽ điều chỉnh mắc cài định kỳ bằng cách thắt chặt hoặc uốn dây cung. Điều này giúp tạo lực nhẹ lên răng làm răng di chuyển đến vị trí mới. Xương phản ứng bằng cách tiêu xương và tạo xương trên con đường răng di chuyển. Đôi khi, nha sĩ sẽ dùng lực căng giữa hai hàm bằng cách kéo thun vào các răng đối diện nhau. Răng và xương có thể thấy đau nhẹ trong một vài ngày sau điều chỉnh. Có thể dùng thuốc giảm đau hoặc báo với nha sĩ khi đau quá mức.
8.3. Điều trị duy trì
Sau khi được tháo mắc cài, lúc này răng đã sắp xếp thẳng hàng vào vị trí mới nhưng cần ổn định duy trì trong một thời gian. Mục đích là ngăn sự di chuyển trở lại của răng về vị trí ban đầu. Do đó, bạn phải sử dụng hàm duy trì làm bằng nhựa hoặc nhựa kết hợp với cung kim loại để giữ răng duy trì đúng vị trí. Hàm duy trì có thể tháo lắp được hoặc cố định hoặc kết hợp cả hai.
9. Điều trị niềng răng kéo dài bao lâu?
Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của từng trường hợp. Có thể từ vài tháng đến 2 hoặc 3 năm. Phần lớn mọi người điều trị từ 1 đến 2 năm.
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp nâng cao hiệu quả niềng răng. Đọc thêm bài viết: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
10. Niềng răng có đau không?
Khi mang mắc cài trong miệng, đầu tiên lúc nào bạn cũng sẽ cảm giác lạ và không thoải mái. Tuy nhiên, bạn sẽ dần quen với nó. Nếu bạn vẫn thấy khó chịu, nha sĩ sẽ điều chỉnh lại mắc cài. Thường bạn sẽ không thấy đau hay khó chịu ngay khi mang mắc cài. Có thể sau vài giờ, vài ngày bạn mới cảm nhận được. Đừng lo lắng, mọi khó chịu sẽ dần biến mất.
11. Bao lâu phải tái khám một lần?
Thường mắc cài cần điều chỉnh mỗi 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, tùy trường hợp, nha sĩ sẽ dặn dò bạn về thời gian tái khám cần thiết.
12. Liệu chỉnh nha có hoàn toàn thành công không?
Việc thành công phụ thuộc vào trình độ của nha sĩ, niềm tin và sự kiên trì của bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ đúng hướng dẫn của nha sĩ và tái khám đầy đủ theo đúng hẹn. Thành công của việc điều trị phụ thuộc vào cam kết của bệnh nhân. Đối với điều trị chỉnh nha trẻ em, quan trọng là trẻ cũng có mong muốn được điều trị như cha mẹ.
13. Phí điều trị
Phí điều trị niềng răng thay đổi theo từng trường hợp, phụ thuộc: tình trạng ban đầu, vấn đề sức khỏe và loại chỉnh nha bạn lựa chọn. Thông thường, mức giá dao động từ 30 đến 100 triệu.
Niềng răng đem lại cho mọi người một nụ cười khỏe mạnh và diện mạo cuốn hút hơn. Hầu hết mọi người thường mất 1 – 3 năm để điều trị. Tuy thời gian kéo dài hơn so với các điều trị khác nhưng kết quả thu được là lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn. Quan trọng nhất là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, nhất là trong giai đoạn duy trì. Nếu bạn không nghiêm túc thực hiện thì sẽ dễ đánh mất công sức của quá trình điều trị. Lựa chọn niềng răng cũng là một giải pháp an toàn để có được vẻ đẹp hoàn mỹ hơn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Braces in Adultshttps://www.healthline.com/health/dental-health/adult-braces
Ngày tham khảo: 20/05/2020
-
Orthodontic treatmenthttps://www.dentalhealth.org/orthodontic-treatment
Ngày tham khảo: 20/05/2020