Nước ối: Chức năng và các rối loạn thể tích ối
Nội dung bài viết
Nước ối là một chất lỏng trong suốt xuất hiện trong 12 ngày đầu tiên sau khi thụ thai. Nước ối bao quanh em bé trong màng ối và có một số chức năng cần thiết cho sự phát triển bình thường và tăng trưởng của thai. Tuy nhiên, nếu lượng nước ối bên trong tử cung quá ít hoặc quá nhiều, các biến chứng có thể xảy ra ở cả mẹ và con. Bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ đề cập đến những chức năng của nước ối, đồng thời chia sẻ một số rối loạn về thể tích nước ối, các nguyên nhân ảnh hưởng.
Một số thông tin ngắn gọn về nước ối
Khi còn trong bụng mẹ, em bé nằm trong bọc túi ối. Túi ối được hình thành từ hai màng, màng ối và màng đệm. Em bé phát triển bên trong túi này và được bao quanh bởi nước ối.
Ban đầu, nước ối là nước từ cơ thể của mẹ. Tuy nhiên, đến khoảng 20 tuần thai, nước ối hoàn toàn được thay thế bằng nước tiểu của em bé. Điều này là do em bé trong bụng nuốt nước ối và đi tiểu ra ngoài.
Nước ối cũng chứa các chất dinh dưỡng, nội tiết tố và kháng thể quan trọng. Nhờ sự hỗ trợ mà nó giúp bảo vệ em bé bởi va chạm và chấn thương.
Nếu nước ối quá ít hoặc quá nhiều đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến em bé và cả mẹ.
Khi nước ối có màu xanh hoặc nâu cho thấy em bé đã tiêu ra phân su trước khi sinh ra. Phân su ám chỉ lượng phân em bé thải ra đầu tiên sau khi sinh.
Khi nước ối có phân su sẽ gây ra một số ảnh hưởng lên em bé. Tình trạng này có thể gây ra vấn đề về hô hấp được gọi là hội chứng hít phân su khi phân su đi vào phổi em bé. Trong một số trường hợp, em bé sẽ cần được điều trị sau khi sinh.
Chức năng của nước ối là gì?
Nước ối chịu trách nhiệm:
- Bảo vệ thai nhi: Chất lỏng đệm cho em bé khỏi áp lực bên ngoài. Nó hoạt động như một cái đệm giúp em bé hạn chế bị chấn động từ bên ngoài.
- Kiểm soát nhiệt độ: Chất lỏng cách nhiệt em bé, giữ ấm và duy trì nhiệt độ thường xuyên.
- Kiểm soát nhiễm trùng: Bởi vì trong nước ối có chứa kháng thể.
- Phát triển hệ thống phổi và tiêu hóa: Nhờ thở và nuốt nước ối, em bé thực hành sử dụng các hệ thống này khi lớn lên.
- Sự phát triển cơ bắp và xương: Khi em bé trôi nổi bên trong túi ối, nó có thể tự do di chuyển. Điều này giúp bé tạo cơ bắp và xương có cơ hội phát triển đúng cách.
- Bôi trơn: Nước ối ngăn các bộ phận của cơ thể như ngón tay và ngón chân phát triển cùng nhau. Vì thế, khi nước ối quá ít, sự phát triển này sẽ không toàn diện và có thể dính một số bộ phận hoặc các chi.
- Hỗ trợ dây rốn: Chất lỏng trong túi ối ngăn không cho dây rốn bị nén. Dây rốn có chức năng vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ nhau thai đến thai nhi.
Thông thường, mức nước ối ở mức cao nhất vào khoảng tuần 36 của thai kỳ, thường vào khoảng 1 lít. Lượng nước ối này có thể giảm khi gần sinh.
Khi ối vỡ, nước ối bắt đầu chảy ra qua cổ tử cung, âm đạo và ra bên ngoài.
Ối vỡ thường xuất hiện vào cuối giai đoạn đầu tiên của chuyển dạ, có nghĩa là sau khi cổ tử cung đã mở trọn. Theo Parent’s Today (Tạp chí tiêu dùng Canada), chỉ có khoảng 15% sản phụ bị vỡ ối trước khi bắt đầu có chuyển dạ – xuất hiện cơn gò tử cung đều đặn gây đau. Khi thấy ối vỡ, mẹ cần chuẩn bị đến trung tâm Sản phụ khoa uy tín gần nhất để theo dõi. Bởi vì ối vỡ là một dấu hiệu cho thấy rằng việc chuyển dạ sắp xảy ra.
Những rối loạn về nước ối có thể xảy ra?
Một số điều kiện ở mẹ và thai nhi có thể làm cho lượng nước ối ít hoặc nhiều hơn so với mức bình thường. Có 2 thuật ngữ thường dùng:
- Thiểu ối là khi có quá ít nước ối.
- Đa ối là khi có quá nhiều nước ối.
Thiểu ối là gì?
Khi nồng độ nước ối quá thấp được gọi là thiểu ối. Tình trạng này xảy ra khoảng 4% ở tất cả các trường hợp mang thai.
Được gọi là thiểu ối khi chỉ số nước ối (AFI) ≤ 5 cm hay xoang ối lớn nhất ≤ 2 cm. Bình thường chỉ số ối sẽ ở 5 – 25 cm. Những con ố này được đo khi qua siêu âm thai.
Tuy nhiên, trước khi được đánh giá là thiểu ối, bác sĩ sẽ kiểm tra và thăm khám âm đạo người mẹ để loại trừ việc ít nước ối này có phải do bị rỉ ối ra bên ngoài hay không.
Những người mẹ có các vấn đề sức khỏe sau đây sẽ là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra thiểu ối:
- Thai chậm phát triển tăng trưởng.
- Tăng huyết áp mạn tính.
- Tiền sản giật.
- Đái tháo đường có sẵn hoặc đái tháo đường thai kỳ.
- Lupus hệ thống.
- Đa thai, ví dụ sinh đôi hoặc sinh ba.
- Dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như bất thường nhu mô thận.
- Mang thai quá ngày dự sinh.
- Không tìm được nguyên do rõ ràng, còn được gọi là vô căn.
Tình trạng thiểu ối có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào cua thai kỳ. Tuy nhiên, nó đa phần xảy ra nhiều hơn ở 6 tháng đầu thai kỳ. Trong khoảng thời gian này, tình trạng thiểu ối thường sẽ đi kèm với thai có dị tật bẩm sinh. Tỉ lệ mất thai hoặc mất sau sinh cũng xảy ra cao hơn so với bình thường.
Nếu tình trạng thiểu ối trong 3 tháng cuối, nguy cơ có thể bao gồm:
- Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung.
- Rối loạn cơn gò tử cung.
- Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sẽ đề nghị mổ lấy thai.
Khi phát hiện thiểu ối, giai đoạn sau của thai kỳ sẽ cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển bình thường của em bé.
Các bác sĩ có thể đề nghị thêm:
- Xét nghiệm Non stress test: Đây là loại xét nghiệm kiểm tra nhịp tim của em bé khi em bé nghỉ ngơi và khi có cử động thai.
- Siêu âm thai định kỳ: Siêu âm có thể phát hiện cử động, trương lực cơ, nhịp thở và lượng nước ối của em bé.
- Kiểm tra thai máy: Cử động thai là biểu hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Khi số lần thai cử động giảm là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe kém của thai nhi. Thai máy là biện pháp giúp mẹ tự theo dõi em bé trong bụng.
- Siêu âm màu doppler: Giúp quan sát động mạc thận. Khảo sát dòng máu tới thai: Giúp củng cố chẩn đoán thai chậm tăng trưởng trong tử cung và đánh giá sức khỏe của thai.
Một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định chuyển dạ sớm hoặc sinh mổ để bảo vệ mẹ và đứa trẻ.
Các phương pháp làm tăng lượng nước ối như truyền ối, khuyên mẹ uống nhiều nước để hỗ trợ cho sự phát triển của phổi em bé khi thiểu ối vào 3 tháng giữa thai kỳ.
Đa ối là gì?
Khi có quá nhiều nước ối, tình trạng này được gọi là đa ối. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, đa ối xảy ra khoảng 1% các trường hợp mang thai.
Tình trạng được gọi là đa ối khi chỉ số ối (AFI) ≥ 25 cm hoặc xoang ối lớn nhất (MVP) ≥ 8cm.
Những bất thường ở thai nhi có thể dẫn đến tình trạng đa ối, bao gồm:
- Truyền máu khi có song thai, đặc biệt song thai cùng trứng.
- Dị tật bẩm sinh như hẹp thực quản, bất thường hệ thần kinh trung ương (thai vô sọ).
- Bất thường gây ra quá tải tuần hoàn máu như: Bướu ở bánh nhau, u mạch máu ở thai…
- Không tìm được nguyên do rõ ràng (vô căn): chiếm 60% nguyên nhân đa ối.
Những bệnh lý ở mẹ có thể dẫn đến tình trạng đa ối bao gồm:
- Các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu nặng.
- Mắc bệnh nhiễm trùng như giang mai, nhiễm Toxoplasma, rubella…
- Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.
Các triệu chứng của mẹ có thể bao gồm: Đau bụng và khó thở do tử cung quá căng.
Các biến chứng có thể xảy ra khi có tình trạng đa ối, bao gồm:
- Sinh non.
- Vỡ ối sớm.
- Nhau bong non.
- Thai lưu (thai mất trong bụng mẹ).
- Xuất huyết sau sinh (băng huyết sau sinh).
- Dị tật thai nhi.
- Quấn dây rốn.
Khi có tình trạng đa ối, mẹ sẽ được đề nghị kiểm tra đường huyết và siêu âm thường xuyên để theo dõi mức độ nước ối trong tử cung. Các trường hợp nhẹ của đa ối thường không cần điều trị và theo dõi thêm.
Trong trường hợp gây khó thở cho mẹ, cần phải giảm lượng nước ối bằng cách chọc ối.
Rò rỉ nước ối
Trong một số trường hợp, nước ối có thể rỉ ra mà không gây vỡ ối ồ ạt. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, 1/10 phụ nữ mang thai đủ tháng có vỡ ối ồ ạt ra ngoài. Tuy nhiên, đa số phụ nữ sẽ có cảm giác rò rỉ hoặc tia ối nhỏ ra bên ngoài.
Ở một vài trường hợp, rò rỉ nước tiểu được hiểu nhầm là do rỉ ối. Việc rò rỉ nước tiểu (són tiểu) là một triệu chứng bình thường khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn gần sinh. Vì lúc này tử cung lớn và đầu em bé lọt xuống dưới vùng chậu đè lên bàng quang và gây rỉ nước tiểu ra ngoài.
>> Đừng hoang mang vì tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai. Mẹ hãy bổ sung kiến thức qua bài viết sau: Đi tiểu nhiều lần khi mang thai: Một số điều lưu ý dành cho mẹ.
Nếu mẹ thấy dịch nước không màu hoặc màu hơi đục, không mùi hoặc mùi chỉ tanh nhẹ thì đó có thể là nước ối. Lúc này, cần đến trung tâm Sản phụ khoa càng sớm càng tốt. Bởi vì quá trình vào chuyển dạ sẽ bắt đầu xảy ra sớm.
Nếu nước ối có màu khác lạ như màu xanh hoặc xanh nâu hoặc có mùi hôi thì có thể là do sự hiện diện phân su trong nước ối hoặc do bị nhiễm trùng ối. Lúc này, bác sĩ sẽ khám, kiểm tra và tư vấn kỹ hơn cho người mẹ.
Vỡ ối sớm/Ối vỡ non
Nếu ối vỡ trong lúc chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở trọn được gọi là ối vỡ sớm.
Trường hợp ối vỡ non là khi ối vỡ trước khi có chuyển dạ. Nếu 1 giờ sau khi ối vỡ mà chuyển dạ – cơn gò tử cung xuất hiện đều đặn và gây đau – vẫn chưa xuất hiện được gọi là ối vỡ non.
Ối vỡ non xảy ra ở khoảng 2% trong tổng số thai kỳ. Màng ối có thể vỡ rất sớm, vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ. Thường thấy hơn là màng ối vỡ vào 1 – 2 tháng cuối thai kỳ.
Tùy vào thời gian ối vỡ lúc thai đủ tháng hay non tháng, thai đang ở tuần thứ mấy, ối đã vỡ bao lâu, có dấu hiệu nhiễm trùng ối hay chưa mà sẽ có hướng xử trí khác nhau cho sản phụ.
Như vậy, nước ối có rất nhiều vai trò trong thai kỳ. Chỉ với thể tích nước ối đã cho một số thông tin hữu ích trong việc chăm sóc thai kỳ. Vì thế, khám thai định kỳ giúp bác sĩ và người mẹ xác định bất thường thể tích nước ối nếu có. Điều này giúp đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của nó lên thai kỳ. Từ đó, mẹ có thể lên kế hoạch quản lý để có được một thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.