YouMed

Sự thật về nước tiểu của bạn

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Nước tiểu là sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất ở người và nhiều động vật. Thận tạo ra nước tiểu bằng cách lọc chất thải và thêm nước từ máu của bạn. Từ thận, nước tiểu đi xuống hai ống niệu quản đến bàng quang. Bàng quang lưu trữ nước tiểu cho đến khi bạn sẵn sàng đi tiểu. Nó phình to khi đầy và nhỏ hơn khi được làm trống. Các chi tiết cơ bản của nước tiểu như màu sắc, mùi và tần suất đi tiểu có thể gợi ý cho bạn về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể.

Thông tin chung

Nước tiểu là chất thải lỏng của cơ thể. Chủ yếu gồm nước, muối, chất điện giải như kali, phốt pho, và các hóa chất gọi là urê và axit uric. Chuyển hóa tế bào tạo ra nhiều sản phẩm phụ giàu nitơ và được loại bỏ khỏi máu, chẳng hạn như urê, axit uric và creatinine Thận tạo ra nước tiểu khi chúng lọc độc tố và những thứ xấu khác từ máu của bạn. Những sản phẩm phụ này được thải ra khỏi cơ thể trong khi đi tiểu. Hàng loạt những thứ trong cơ thể bạn, như thuốc, thực phẩm và bệnh tật, có thể ảnh hưởng đến nước tiểu.

Màu sắc

Nếu mọi thứ đều bình thường và bạn khỏe mạnh, màu sắc của nước tiểu là màu vàng nhạt đến vàng sậm. Màu sắc đó đến từ một sắc tố mà cơ thể bạn tạo ra được gọi là urochrom.

Nếu nước tiểu không có màu gì cả có thể là do bạn đã uống nhiều nước hoặc uống thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể loại khỏi chất lỏng. Nếu có màu màu vàng rất đậm có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị mất nước và cần uống nhiều nước hơn. Nó cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về gan, vì vậy hãy gặp bác sĩ nếu điều đó không tốt hơn sau một ngày uống nhiều nước.

Các màu sắc khác thường có thể xuất hiện:

Màu hồng hoặc đỏ

Một số thực phẩm như cà rốt, quả mâm xôi, củ cải đường và đại hoàng có thể biến nước tiểu của bạn thành màu đỏ hồng. Đây cũng có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc như kháng sinh rifampin hoặc thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu như phenazopyridine.

Màu sắc của thực phẩm có thể ảnh hưởng đến màu nước tiểu
Màu sắc của thực phẩm có thể ảnh hưởng đến màu nước tiểu

Luôn luôn đến khám bác sĩ nếu nước tiểu của bạn có màu hồng hoặc đỏ. Bạn có thể có máu trong nước tiểu. Điều này không phải là luôn có vấn đề, nhưng đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận, nhiễm trùng đường tiểu, vấn đề tuyến tiền liệt hoặc khối u trong hệ tiết niệu của bạn.

Màu cam

Khi nước tiểu của bạn có màu cam, nó có thể là do các loại thuốc như vitamin B2 liều cao, thuốc phenazopyridine điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc kháng sinh isoniazid. Tùy thuộc vào màu sắc, đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị mất nước hoặc có vấn đề với gan hoặc ống mật. Bạn nên hỏi bác sĩ về nó.

Nước tiểu màu cam có thể do ảnh hưởng của các loại thuốc
Nước tiểu màu cam có thể do ảnh hưởng của các loại thuốc

Màu xanh da trời hoặc màu xanh lá cây

Những màu nước tiểu này có thể là do thuốc nhuộm trong thực phẩm hoặc thuốc bạn đã uống, như thuốc promethazine điều trị dị ứng. Một vài bệnh lý hiếm gặp cũng có thể chuyển màu sắc nước tiểu sang màu xanh lục hoặc xanh lam. Vì vậy, hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu màu nước tiểu khác thường này không biến mất sau một thời gian ngắn.

Bọt

Cho dù đó là màu gì, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nước tiểu luôn có bọt. Nó có thể là dấu hiệu bạn có protein trong nước tiểu, nghĩa là bạn có vấn đề về thận.

Nước tiểu có bọt có thể do vấn đề về thận
Nước tiểu có bọt có thể do vấn đề về thận

Độ pH

Độ pH thông thường của nước tiểu nằm trong khoảng 5,5 đến 7 với trung bình là 6,2. Ở những người bị tăng axit uric, nước tiểu có tính axit có thể góp phần vào sự hình thành sỏi axit uric ở thận, niệu quản hoặc bàng quang. Độ pH có thể được theo dõi bởi bác sĩ hoặc tại nhà.

Một chế độ ăn giàu protein từ thịt và sữa, cũng như tiêu thụ rượu có thể làm giảm pH nước tiểu. Trong khi kali và axit hữu cơ từ chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể làm tăng độ pH và làm cho nước tiểu kiềm hơn. Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng độ pH, bao gồm acetazolamide, kali citrate và natri bicarbonate.

Các loại thuốc có thể làm giảm pH nước tiểu bao gồm amoni clorua, thuốc lợi tiểu chlorothiazide và methenamine mandelate.

Nước tiểu có mùi như thế nào?

Nước tiểu thường không có mùi nồng. Nhưng một số thực phẩm – đặc biệt là măng tây, có hợp chất lưu huỳnh có mùi – có thể thay đổi mùi của nó. Khi bạn bị mất nước, nước tiểu của bạn rất cô đặc. Nó có thể có mùi khai mạnh.

Mùi sẽ thay đổi, đặc biệt khi bạn mất nước
Mùi sẽ thay đổi, đặc biệt khi bạn mất nước

Nếu nước tiểu có mùi quá mạnh cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu, tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang hoặc các bệnh chuyển hóa.

Bạn có nên đi tiểu thường xuyên không?

Mỗi người thì khác nhau, nhưng hầu hết chúng ta cần làm trống bàng quang lên đến 8 lần một ngày. Điều đó có thể thay đổi tùy thuộc vào số lượng thức ăn mà bạn ăn và lượng nước bạn uống, đặc biệt là caffeine và rượu bia. Đi tiểu nhiều cũng có thể là một tác dụng phụ của thuốc. Phụ nữ có thai và người già thường phải đi tiểu thường xuyên hơn những người khác.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mình đột nhiên phải đi tiểu nhiều hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng tiểu, bệnh thận, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, viêm âm đạo ở phụ nữ hoặc vấn đề với bàng quang như viêm bàng quang mô kẽ.

Nếu thường xuyên cảm thấy mình đột ngột cần phải đi tiểu gấp và đôi khi không thể vào phòng vệ sinh kịp, bạn có thể bị chứng bàng quang hoạt động quá mức. Đây là một tình trạng phổ biến đối với đàn ông và phụ nữ lớn tuổi, mặc dù nó không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Bác sĩ có thể cho bạn biết làm thế nào để điều trị bằng cách thay đổi lối sống và có thể cần dùng thuốc điều trị.

Xem thêm: Tiểu đêm nhiều lần ở người lớn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến khám bác sĩ khi thấy một sự thay đổi trong nước tiểu và tần suất đi tiểu nếu nó không liên quan đến các loại thuốc mới hoặc một bữa ăn gần đây. Đặc biệt là nếu sự thay đổi kéo dài hơn một ngày hoặc lâu hơn. Nếu triệu chứng xuất hiện kèm với sốt hoặc đau một bên hông, nôn mửa, cảm thấy rất khát nước, bạn cần gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể kiểm tra nước tiểu để xem những gì đang xảy ra đối với cơ thể bạn.

Nên đi khám nếu có các biểu hiện như đau hông
Nên đi khám nếu có các biểu hiện như đau hông

Nước tiểu có thể dùng làm phân bón

Nước tiểu chứa một lượng lớn nitơ (chủ yếu là urê), cũng như lượng kali hòa tan hợp lý. Thành phần của các chất dinh dưỡng trong đó thay đổi theo chế độ ăn uống. Đặc biệt là hàm lượng nitơ có liên quan đến lượng protein trong chế độ ăn. Một chế độ ăn giàu protein dẫn đến nồng độ urê cao trong nước tiểu.

Nước tiểu có hàm lượng nitơ rất cao (có thể trên 10% trong chế độ ăn giàu protein), ít phốt pho (1%) và kali vừa phải (2 – 3%). Nó thường đóng góp 70% nitơ và hơn một nửa lượng kali có trong dòng nước thải đô thị, trong khi chỉ chiếm chưa đến 1% tổng khối lượng.

Nước tiểu không pha loãng có thể đốt cháy lá hoặc rễ của một số loại cây, đặc biệt nếu độ ẩm của đất thấp, do đó nó thường được pha loãng với nước. Khi pha loãng với nước, nó có thể được sử dụng trực tiếp vào đất làm phân bón. Hiệu quả làm cho cây trồng đơm bông kết trái của nó đã được tìm thấy tương đương với phân bón nitơ thương mại.

Nước tiểu cũng có thể được sử dụng an toàn như một nguồn nitơ trong phân hữu cơ giàu carbon. Rủi ro sức khỏe của việc sử dụng nước tiểu làm nguồn phân bón nông nghiệp tự nhiên thường được coi là không đáng kể, đặc biệt là khi phân tán trong đất chứ không phải trên một phần của cây được tiêu thụ.

Bài viết trên hy vọng cung cấp cho bạn một số kiến thức cần thiết về các vấn đề của nước tiểu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The Truth About Urinehttps://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/truth-about-urine

    Ngày tham khảo: 29/07/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người