Ợ nóng khi mang thai và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Ợ nóng vốn là một tình trạng thường gặp ở người bình thường. Khi mang thai, tình trạng này có xu hướng gia tăng về cả số lượng lẫn mức độ. Từ đó và gây ra nhiều phiền toái cho thai phụ. Vì sao lại có hiện tượng này? Nó có gây nguy hiểm gì cho mẹ và bé hay không? Hãy cùng Bác sĩ Trần Thế Minh tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Ợ nóng là gì?
Ợ nóng hay còn gọi là ợ chua là một tình trạng thường gặp ở đường tiêu hóa. Đó là cảm giác nóng rát ở vùng ngực khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Ợ nóng có thể là một sự khó chịu đơn thuần do dịch vị trào ngược. Đôi khi cũng có thể là một trong những triệu chứng của một bệnh lí khác. Bất kỳ nguyên nhân nào gây áp lực lên dạ dày hoặc làm yếu cơ ở thực quản đểu có thể gây ra ợ nóng. Để tìm hiểu chi tiết hơn, mời bạn tham khảo bài viết sau đây:
Ợ nóng (ợ chua) là một tình trạng thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đa phần ợ nóng không quá khó chịu và có thể dễ dàng kiểm soát được. Chính vì vậy mà mọi người thường bỏ qua, không mấy để tâm đến tình trạng này.
Vì sao dễ xảy ra ợ nóng khi mang thai?
Khi mang thai, cơ thể người mẹ có một số thay đổi đặc thù thuận lợi cho ợ nóng xảy ra.
Đầu tiên là sự gia tăng mạnh mẽ của các chất nội tiết (hormone) trong thai kỳ. Đặc biệt là progesterone. Bình thường, nồng độ progesterone tăng giảm trong cơ thể liên quan đến sự điều hòa kinh nguyệt. Sau khi thụ tinh, nó tiếp tục tăng lên để tham gia vào quá trình làm tổ của thai, kiểm soát sự co cơ tử cung,… Tuy nhiên, progesterone góp phần làm yếu vùng cơ nối giữa thực quản và dạ dày. Nó khiến cho dạ dày không còn được đóng kín như trước đây. Dịch vị từ dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản hơn.
Yếu tố thứ hai thúc đẩy hiện tượng ợ nóng là do sự to lên của tử cung khi mang thai. Tử cung tăng kích thước và khối lượng của em bé càng lúc càng lớn sẽ chèn ép lên các cơ quan trong bụng mẹ, trong đó có dạ dày. Khi em bé càng lớn, dạ dày bị chèn ép càng nhiều. Áp lực lên dạ dày tăng dần nên dịch vị dễ trào lên thực quản hơn.
Ai có nhiều nguy cơ ợ nóng khi mang thai?
Khoảng 50% thai phụ có sức khỏe bình thường gặp phải triệu chứng ợ nóng. Ợ nóng xảy ra dày đặc hơn với các thai phụ bước vào ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ.
Những người phụ nữ đã từng mang thai. Tần suất ợ nóng trong thai kỳ thường nhiều hơn trong những lần mang thai sau.
Những người có thói quen hút thuốc lá chủ động hoặc thường phải hút thuốc lá bị động. Hút thuốc lá bị động nghĩa là hít phải khói thuốc từ những người hút xung quanh. Vì vậy, dù thai phụ không hút nhưng sống cùng những người hay hút thuốc thì vẫn phải chịu những tác động xấu từ khói thuốc mang lại. Những chất có trong khói thuốc góp phần gây ra tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản. Đồng thời, chúng sẽ ảnh hưởng xấu lến sức khỏe thai nhi.
Nếu tình trạng ợ nóng, khó tiêu đã thường có từ trước thì sẽ có xu hướng tăng lên khi mang thai.
Ợ nóng khi mang thai có gì khác biệt?
Về cơ bản, triệu chứng ợ nóng ở thai phụ không khác biệt nhiều so với người bình thường. Đó thường là cảm giác nóng rát ở ngực, ngay sau xương ức. Thường kèm theo cảm giác chua hoặc đắng ở cổ họng. Ngoài ra còn có đầy hơi, khó tiêu sau mỗi bữa ăn. Khàn giọng, ho khan nhiều vào buổi sáng,… cũng là một số dấu hiệu thường gặp.
Đa phần ợ nóng là một triệu chứng hay gặp ở người bình thường nói chung cũng như thai phụ nói riêng. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng khi có triệu chứng này. Gần như ợ nóng và khó tiêu không gây nguy hiểm gì đặc biệt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xuất hiện trong thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh con. Vì khi đó nội tiết trở về bình thường và ổ bụng giảm đi áp lực. Biến chứng viêm loét thực quản cũng ít khi gặp.
Tuy nhiên, một số triệu chứng nguy hiểm khác có thể bị nhầm lẫn với ợ nóng. Chẳng hạn như một cơn đau ngực do vấn đề tim mạch. Hoặc khi ợ nóng không xảy ra đơn thuần mà có nguyên nhân bệnh lí khác. Những bệnh lí mạn tính hay ác tính của đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng trầm trọng lên sức khỏe của người mẹ. Mẹ ăn uống không đủ dưỡng chất, suy nhược không đủ sức cho cuộc chuyển dạ,…Từ đó gián tiếp tác động lên sự phát triển của thai nhi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Về nguyên tắc, những triệu chứng bất thường khi mang thai nên được lưu tâm cẩn thận. Khi có những tình trạng sau đây kèm theo ợ nóng, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn:
- Ợ nóng và các triệu chứng kèm theo xảy ra thường xuyên. Đặc biệt khi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.
- Một tình trạng đau ngực không rõ nguyên nhân. Chúng khiến bạn phân vân giữa ợ nóng và vấn đề tim mạch.
- Khó nuốt vì đau, nghẹn xảy ra thường xuyên.
- Tình trạng nghén xảy ra quá nhiều, nôn ói quá thường xuyên khiến thai phụ mệt mỏi. Đặc biệt nếu so với lần mang thai trước đây của bản thân thai phụ. Nôn ói, kén ăn khi nghén là tình trạng bình thường trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên khi nghén nặng và kéo dài, thậm chí khiến bạn không thể ăn uống được gì, rất có thể là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lí ác tính khác.
- Tăng cân chậm chạp, không đủ. Bình thường, trong cả thai kỳ người phụ nữ sẽ tăng khoảng 12-13kg khi mang đơn thai. Thai phụ và người nhà nên thường xuyên theo dõi thể trọng của người mẹ. Kết hợp với nghén và tình trạng ăn uống như đã đề cập, hãy đi khám ngay khi phát hiện bất thường.
- Ói ra máu, đi ngoài ra máu hoặc thấy phân chuyển thành màu đen, có mùi hôi. Tình trạng này báo hiệu đường tiêu hóa có tình trạng viêm loét nghiêm trọng.
Điều trị ợ nóng cho thai phụ
Nguyên tắc điều trị ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản nói chung là kết hợp cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó, không dùng thuốc tức điều chỉnh chế độ ăn và lối sống được cân nhắc đầu tiên và mang lại nhiều hiệu quả về lâu dài, không ảnh hưởng đến thai nhi.
Điều trị không dùng thuốc
Sau đây là những phương pháp điều chỉnh lối sống và chế độ ăn cho thai phụ. Như đã đề cập, nguy cơ xảy ra ợ nóng trong thai kỳ khá cao. Ngay từ lúc bắt đầu mang thai, hãy áp dụng những điều sau như những biện pháp phòng ngừa.
- Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính. Ăn quá no khiến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dễ xảy ra hơn.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Uống ít nước trong lúc ăn.
- Tránh khói thuốc và hạn chế rượu bia.
- Ngồi thẳng khi ăn. Đặc biệt không nằm ngay sau ăn. Nên ăn tối trước khi đi ngủ trên 3 tiếng đồng hồ.
- Kê đầu cao khi nằm bằng cách đặt gối dưới vai. Khoảng cách tốt nhất giữa đầu và giường là 15-30cm.
- Mặc quần áo rộng rãi thoáng mát. Quần áo bó sát tạo áp lực lên ổ bụng là điều kiện cho trào ngược dễ xảy ra hơn.
- Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước mỗi ngày.
- Hạn chế thực phẩm chua cay hay quá nóng, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, chocolate, soda,…
Điều trị dùng thuốc
Bất kỳ liệu pháp dùng thuốc nào trong thai kỳ đều nên được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích cho mẹ và tác hại lên thai. Vì vậy, hãy đến cơ sở y tế để nhận được điều trị chính xác, không tự ý dùng thuốc. Quan trọng nhất là tuân thủ đúng và đều đặn đơn thuốc. Vì đây là một tình trạng mạn tính dễ dàng tái đi tái lại.
Tình trạng trào ngược nói chung ở mức độ nhẹ sẽ được điều chỉnh trước với phương pháp điều chỉnh lối sống. Nhóm thuốc antacid và alginate có thể được cân nhắc sử dụng.
Nhóm thuốc PPIs đã được chứng minh có hiệu quả và an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra khi dùng lâu dài, trẻ sinh ra có nguy cơ phát triển bệnh hen về sau. Vì vậy chỉ nên được xem xét sử dụng với các trường hợp nặng.
Một số thuốc khác dùng điều trị ợ nóng, khó tiêu, trào ngược cho người bình thường có thể gây ảnh hưởng xấu lên mẹ và thai nhi. Trong quá trình sử dụng, nên tuân thủ điều trị. Khám thai định kỳ đầy đủ để được kiểm tra sức khỏe mẹ và thai thường xuyên. Không nên tự ý sử dụng thuốc lâu dài.
Ợ nóng nói riêng và tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nói chung là một phiền toái thường gặp trong thai kỳ. Đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ và sự tăng trưởng trong thai nhi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Thông thường, chúng sẽ tự lui sau khi sinh và không để lại biến chứng nguy hiểm. Thận trọng với thói quen ăn uống là biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa cũng như điều trị.
Trong kho tàng dược liệu y học cổ truyền, có hàng trăm ngàn vị thuốc. Mỗi vị đều có những nét đặc sắc riêng nếu chúng ta quan sát, nếm, ngửi kỹ càng. Một trong hàng trăm ngàn vị thuốc ấy là Tế tân, một thứ dược liệu được biết đến bởi mùi vị cay nồng không lẫn vào đâu được với những ai đã một lần ngửi qua, nếm thử.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Heartburn during pregnancyhttps://www.webmd.com/heartburn-gerd/heartburn-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 30/06/2020
-
Indigestion and heartburn in pregnancyhttps://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/indigestion-and-heartburn/
Ngày tham khảo: 30/06/2020
-
Heartburn during pregnancyhttps://www.healthline.com/health/gerd/pregnancy
Ngày tham khảo: 30/06/2020