Phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Các quy trình phẫu thuật cần thiết cho mỗi bệnh nhân sứt môi và hở hàm ếch sẽ khác nhau. Bởi vì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tuổi và sự xuất hiện của các dị tật bẩm sinh khác kèm theo. Thời gian lẫn phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc dựa trên mong muốn của từng bệnh nhân.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho cha mẹ về các quy trình khác nhau có thể được áp dụng trong phẫu thuật sửa sứt môi và hở hàm ếch.
1. Sứt môi và hở hàm ếch
Môi hình thành từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Khi em bé phát triển trong bụng mẹ, các tế bào đặc biệt từ mỗi bên của đầu phát triển về phía trung tâm của khuôn mặt và liên kết với nhau để tạo nên khuôn mặt. Sự kết hợp này tạo thành các đặc điểm trên khuôn mặt, như môi và miệng.
Sứt môi xảy ra nếu các mô tạo nên môi không kết hợp hoàn toàn trước khi sinh. Điều này dẫn đến một đường nứt ở môi trên. Có thể chỉ là một khe nhỏ hoặc là một đường nứt lớn đi qua môi vào mũi. Sứt môi có thể xảy ra ở một, cả hai bên hoặc ở giữa môi. Trường hợp cuối cùng là rất hiếm. Trẻ em bị sứt môi cũng có thể bị hở hàm ếch.
Phần vòm miệng được hình thành từ tuần thứ 6 đến thứ 9 của thai kỳ. Hở hàm ếch hay còn gọi là chẻ vòm xảy ra nếu các mô tạo nên vòm miệng không liên kết hoàn toàn với nhau trong lúc mẹ mang thai. Đối với một số trẻ sơ sinh, cả phần trước và sau của vòm miệng đều bị hở. Nhưng vài trường hợp khác, chỉ một phần của vòm miệng bị ảnh hưởng.
Thông tin trong bài viết “Dị tật khe hở môi vòm: Trẻ vẫn có cơ hội phát triển bình thường” sẽ giúp bạn hiểu thêm về hai bất thường này.
2. Thời điểm phẫu thuật
Phẫu thuật sửa tật sứt môi thường xảy ra trong vài tháng đầu đời. Đa số được đề nghị trong vòng 12 tháng tuổi. Nên phẫu thuật để sửa hở hàm ếch trong vòng 18 tháng đầu đời hoặc sớm hơn nếu có thể. Nhiều trẻ em sẽ cần các thủ tục phẫu thuật bổ sung khi chúng lớn hơn. Phẫu thuật cho cả sứt môi và hở hàm ếch đều cần gây mê toàn thân.
Sau khi điều trị với các phương pháp sửa chữa, diện mạo của khuôn mặt của một đứa trẻ có thể thay đổi rõ rệt. Ngoài ra, khả năng khứu giác, thính giác, phát triển lời nói và ngôn ngữ cũng được cải thiện. Trẻ em sinh ra với tật bẩm sinh này có thể cần thêm nhiều điều trị khác. Trong đó, chăm sóc răng miệng hoặc chỉnh hình răng hay vật lí trị liệu ngôn ngữ rất quan trọng.
Với phẫu thuật, hầu hết trẻ em bị sứt môi và hở hàm ếch đều có tiên lượng tốt và cuộc sống khỏe mạnh về sau. Một số trẻ em bị sứt môi có thể gặp vấn đề về tâm lí vì xấu hổ nếu chúng lo lắng về sự khác biệt có thể nhìn thấy giữa mình và những đứa trẻ khác.
3. Phẫu thuật sửa tật sứt môi
Phẫu thuật sửa môi thường được thực hiện khi bé được khoảng 3 tháng tuổi. Vết sứt môi sẽ được khâu lại và đóng lại sau khoảng từ 1 đến 2 giờ phẫu thuật. Hầu hết các bé đều nằm viện từ 1 đến 2 ngày. Chỉ vết khâu sẽ được cắt bỏ sau vài ngày hoặc có thể tự tiêu biến.
Con của bạn sẽ có một vết sẹo mỏng. Nhưng bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng tạo vết sẹo trùng với các đường tự nhiên của môi để làm cho nó ít bị chú ý hơn. Vết sẹo sẽ mờ dần theo thời gian.
Sau khi phẫu thuật khe hở môi:
- Con bạn có thể quấy khóc vì đau chỗ vết thương.
- Bạn cần chú ý đến tay của trẻ để tránh chạm hay cọ xát vào vị trí phẫu thuật.
- Sưng, bầm tím và chảy ít máu xung quanh các vị trí mũi khâu là bình thường.
- Các vết sẹo sẽ dần mờ đi nhưng không hoàn toàn biến mất.
- Một đường truyền tĩnh mạch sẽ được sử dụng để bổ dung dinh dưỡng cho con bạn đến khi trẻ có thể tự ăn uống đầy đủ.
4. Phẫu thuật sửa tật sứt môi hở hàm ếch
Mục tiêu của phẫu thuật hở hàm ếch là cố định vòm miệng để con bạn có thể ăn uống và nói chuyện bình thường. Sửa chữa hở hàm ếch là một phẫu thuật phức tạp hơn. Có kết quả tốt nhất khi trẻ lớn hơn một chút. Đó là lúc trẻ có khả năng chịu được cuộc phẫu thuật tốt hơn. Nhưng cần trước khi trẻ bắt đầu phát triển khả năng nói đáng kể.
Phẫu thuật này thường được thực hiện khi trẻ khoảng 1 tuổi. Sau khi trẻ sửa thành công khe hở môi nếu có. Một khi môi và vòm miệng đã được sửa chữa, thường không cần phẫu thuật thêm trong vài năm. Một phần của vòm miệng thường để hở. Việc này giúp tạo khoảng trống cho các bộ phận trong miệng phát triển.
Sau khi phẫu thuật hở hàm ếch:
- Con bạn có thể cảm thấy khó chịu và đau nhiều hơn so với khi sửa môi.
- Nghẹt mũi thường xuất hiện sau đó. Điều này có thể thuyên giảm khi dùng thuốc.
- Trẻ sẽ được dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Con bạn sẽ được khâu phía trên vòm miệng. Các mũi chỉ khâu sẽ tự tan sau vài ngày.
- Có thể có máu chảy ra từ mũi và miệng. Sưng, bầm tím và chảy máu chỉ là tạm thời tại vị trí phẫu thuật. Bạn không cần lo ngại về vấn đề này.
- Một đường truyền tĩnh mạch sẽ được sử dụng để giúp cung cấp cho con bạn chất dinh dưỡng đến khi trẻ có thể tự ăn uống hoàn toàn.
5. Phẫu thuật hỗ trợ
5.1 Tạo hình mũi
Nếu khi trưởng thành, trẻ có biến dạng mũi đáng kể, phẫu thuật tạo hình mũi có thể được thực hiện. Đây là một phẫu thuật trong đó sụn mũi được sắp xếp lại để cải thiện hình dáng mũi. Hơn nữa, cũng giúp trẻ hít thở dễ dàng.
Trong trường hợp biến dạng mũi ít nghiêm trọng hơn, bác sĩ thẩm mỹ có thể thực hiện phẫu thuật giải quyết phần đầu mũi. Nó mang lại sự cân xứng hơn và cải thiện đường dẫn khí ở mũi.
5.2 Chỉnh nha
Điều trị chỉnh nha có thể bao gồm nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn kéo dài vài năm. Chỉnh nha giai đoạn I thường xảy ra trong giai đoạn mọc răng hỗn hợp. Hay là khi trẻ bắt đầu mất răng sữa. Ở những trẻ sứt môi và hở hàm ếch, răng vĩnh viễn thường mọc ở những vị trí không bình thường. Do đó có thể phải tiến hành chỉnh nha để sắp xếp lại răng.
Kế hoạch điều trị chỉnh nha thường được đánh giá sau 6 tháng kể từ khi cấy ghép xương được thực hiện. Bạn có thể đọc thêm thông tin tại bài viết “Cấy ghép implant: Quy trình và những điều cần biết“.
Giai đoạn II của quá trình chỉnh nha thường bắt đầu khi trẻ đến tuổi vị thành niên. Lúc này, các răng sẽ được chỉnh thẳng hàng. Những răng bị mất có thể được thay thế. Nếu răng mọc lệch có thể được phục hình lại hoặc nhổ bỏ. Giai đoạn này của chỉnh nha bao gồm điều trị răng mọc lệch và các biến chứng tiềm ẩn khác xuất hiện do cấy ghép xương.
5.3 Phẫu thuật chỉnh hàm
Khi đến 14 – 18 tuổi, trẻ có tật hở hàm ếch thường có hàm trên kém phát triển. Do đó nên hàm trên được tái tạo lại. Trong những trường hợp này, hàm trên nằm phía sau hàm dưới. Đó là sự đảo ngược của vị trí hai hàm theo bình thường.
Trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn nếu nghiêm trọng có thể trải qua giai đoạn trung gian gọi là quá trình tạo kéo dài xương.
Kéo giãn xương hàm trên đối với các trường hợp nặng bao gồm cắt xương hàm, đặt dụng cụ kéo giãn xương giúp kéo dần hàm về phía trước trong khoảng thời gian vài tuần. Sau đó, hàm được giữ ở vị trí này trong 6 đến 8 tuần. Thời gian này, xương mới sẽ được tạo ra.
Mục tiêu của điều trị là hoàn thành tất cả các phẫu thuật vào thời điểm bệnh nhân đạt đến độ trưởng thành về xương. Thường là khoảng 18 tuổi. Quá trình này đôi khi kéo dài đến cuối thời kì thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi. Do sự phức tạp của các ca bệnh khác nhau.
6. Điều trị các vấn đề về thính giác
7. Chăm sóc răng miệng
Nếu khe hở liên quan đến vùng nướu, các răng ở hai bên khe hở thường bị nghiêng hoặc lệch khỏi vị trí. Nha sĩ nhi khoa sẽ theo dõi sức khỏe răng miệng của con bạn và đề nghị điều trị khi cần thiết. Ngoài điều trị chỉnh nha, trẻ em bị những tật này cũng dễ bị sâu răng hơn. Vì vậy điều quan trọng là phải khuyến khích trẻ thực hành vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên.
8. Liệu pháp ngôn ngữ
Sứt môi, có hoặc không kèm theo hở hàm ếch, có thể được chẩn đoán trong quá trình mang thai bằng siêu âm định kỳ. Chúng cũng có thể được chẩn đoán ngay sau khi đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, đôi khi một số kiểu hở hàm ếch có thể không được chẩn đoán cho đến khi trẻ lớn hơn. Để biết thêm chi tiết về quy trình cụ thể và cách chăm sóc theo dõi của con bạn, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.