Phòng ngừa bệnh thận dễ dàng qua các thói quen hằng ngày
Nội dung bài viết
Thận có rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể chúng ta. Chính vì vậy mà khi xảy ra bất kì rối loạn nào liên quan đến thận sẽ gây ra nhiều khó chịu cho cơ thể. Vậy bạn đã biết cách để phòng ngừa bệnh thận chưa? Hãy theo dõi bài viết bên dưới của ThS.BS Trần Quốc Phong để tìm hiểu cách phòng ngừa bệnh thận hiệu quả nhé.
Tổng quát bệnh thận
Thận là cơ quan quan trọng của hệ Thận – Tiết niệu. Nó giữ nhiều vai trò quan trọng trong việc lọc máu cho cơ thể chúng ta.
Bình thường mỗi người sẽ có hai quả thận nằm ở hai bên. Tuy nhiên sẽ có những bất thường hay gặp như có 3 quả thận, thận đôi, thận lạc chỗ…
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng cho đến khi đã tiến triển. Một số bệnh về thận như:
- Sỏi thận
- Bệnh thận mạn
- Suy thận
- Viêm cầu thận cấp
- Bệnh thận đa nang
- Bệnh ống kẽ thận
- U thận
- Đái tháo nhạt do thận
- Nhiễm toan ống thận
- Teo thận không rõ nguyên nhân
- Nhồi máu thận
- Nang thận
9 cách phòng ngừa bệnh thận đơn giản mà hiệu quả
Phòng ngừa bệnh thận bằng chế độ ăn uống lành mạnh
- Hãy chọn thực phẩm có lợi cho tim và toàn bộ cơ thể
- Ăn ít thực phẩm giàu oxalat. Ví dụ như đại hoàng, củ cải đường, đậu bắp, rau bina, củ cải Thụy Sĩ, khoai tây ngọt, trà, sô cô la và các sản phẩm đậu nành,…
- Xây dựng bữa ăn lành mạnh. Chế độ ăn giảm muối, chất béo và protein động vật. Sử dụng nguồn protein không động vật như các loại hạt và đậu. Trái cây và rau quả chưa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng góp phần nâng cao sức khỏe. Đồng thời những món ăn này sẽ giúp ngăn ngừa tăng cân.
- Ăn quá nhiều muối sẽ gây huyết áp cao. Từ đó có thể gây ra các bệnh thận nguyên nhân do cao huyết áp. Vì vậy có thể nấu ăn với hỗn hợp gia vị thay vì muối
- Cố gắng chọn thực phẩm ít hoặc không có đường
- Ăn chậm vào giờ ăn nhẹ
- Mất nước làm giảm lưu lượng máu đến thận. Từ đó có thể làm tổn thương thận. Vì vậy hãy uống đủ nước trong mỗi ngày.
Phòng ngừa bệnh thận bằng cách tập luyện thể dục thể thao
Biến hoạt động thể dục thể thao thành một phần thói quen của bạn. Hãy hoạt động thể chất từ 30 phút trở lên trong hầu hết các ngày. Ví dụ như đi bộ, đạp xe để nâng cao sức khỏe, giúp loại trừ các nguy cơ gây bệnh. Việc thêm nhiều hoạt động thể chất vào cuộc sống của bạn sẽ giúp bạn trở nên năng động hơn.
Học cách quản lý căng thẳng, thư giãn và đối phó với các vấn đề sức khỏe sẽ giúp cải thiện sức khỏe cảm xúc và thể chất. Một số hoạt động thể chất có thể giúp giảm căng thẳng. Ví dụ như thiền, yoga, thái cực quyền…
Duy trì cân nặng hợp lý
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến suy thận. Ví dụ như tiểu đường và huyết áp cao.
Nếu cân nặng hiện tại hợp lý, hãy tiếp tục duy trì các thói quen đều đặn. Nếu cần phải giảm cân, thực hiện giảm bớt số calo ăn mỗi ngày và tập thể dục nhiều hơn. Đồng thời, tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ để tạo ra một kế hoạch giảm cân lành mạnh.
Luôn ngủ đủ giấc
Cố gắng xây dựng thói quen ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Nếu bạn khó ngủ, hãy thực hiện các biện pháp để cải thiện thói quen ngủ.
Không nên hút thuốc lá, chất kích thích
Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến thận. Từ đó nó sẽ làm tổn thương chức năng thận ở những người có hoặc chưa mắc bệnh thận.
Nếu bạn đang hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm kích thích. Hãy dừng lại ngay!.
Phòng ngừa bệnh thận bằng cách hạn chế rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp. Lượng calo dư thừa trong đó cũng có thể khiến bạn tăng cân. Nếu bạn đang uống rượu, hãy giới hạn bản thân uống một ly mỗi ngày nếu bạn là phụ nữ và hai ly nếu bạn là nam giới.
Uống đủ nước
Nên uống nước đủ mỗi ngày (2-3 lít nước/ngày). Tránh sử dụng các chất có chứa caffein.
Quản lý lượng đường trong máu
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy thận. Đó chính là lý do tại sao phải quản lý lượng đường trong máu.
Hãy kiểm tra mức đường huyết hoặc lượng đường trong máu thường xuyên. Đây chính là một cách quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn. Bạn có thể kiểm tra đường huyết một hoặc nhiều lần mỗi ngày.
Duy trì huyết áp ở mức phù hợp
Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng như suy thận. Vì vậy hãy duy trì huyết áp ở mức phù hợp. Để biết duy trì huyết áp ở mức nào là phù hợp, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể nhất cho từng cá nhân. Mục tiêu huyết áp của hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường là dưới 140/90 mmHg
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh thận, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được tư vấn những biện pháp để phòng ngừa bệnh thận phù hợp. Nếu bạn biết mình đang mắc bệnh thận, hãy thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi chức năng thận. Mặc dù bệnh thận mạn tính không thể chữa khỏi, nhưng sự tiến triển của nó có thể được làm chậm lại bằng những phương pháp điều trị thích hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to Prevent Kidney Failurehttps://www.healthline.com/health/kidney-health/how-to-prevent-kidney-failure#what-it-is
Ngày tham khảo: 24/07/2021