YouMed

Phụ nữ mang thai đi máy bay: Những điều cần lưu ý

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai là thời điểm các mẹ cần được nghỉ ngơi và thư giãn nhiều nhất. Nhiều mẹ lựa chọn cách đi du lịch để giảm căng thẳng. Đây là điều hoàn toàn rất tốt. Tuy nhiên việc di chuyển bằng các phương tiện, nhất là máy bay khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Do đó, trước hết các mẹ phải nắm rõ tình trạng sức khỏe cũng như những nguy cơ, lưu ý nên thực hiện trước và trong khi bay. Thai phụ cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định thực hiện chuyến bay. Sau đây là những thông tin dành cho phụ nữ mang thai đi máy bay.

Đi máy bay có gây hại cho mẹ và em bé?

Nếu thai kỳ của bạn hoàn toàn khoẻ mạnh thì việc đi máy bay không hề gây hại cho cả mẹ và bé. Hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy việc thay đổi áp suất không khí hay giảm độ ẩm làm ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Đồng thời cũng không có bằng chứng về việc đi máy bay gây sảy thai, chuyển dạ sớm hay vỡ ối.

Bất cứ mọi người khi bay đều phải tiếp xúc với mức bức xạ nhẹ và hoàn toàn an toàn. Do đó bạn không cần phải quá lo lắng vì mức độ phơi nhiễm phóng xạ của chuyến bay. Việc đi lại bằng các chuyến bay thường xuyên cũng không gây bất cứ nguy cơ gì cho bạn hoặc em bé.

phụ nữ mang thai khi đi máy bay 2
Nếu bạn khỏe mạnh thì việc di chuyển bằng máy bay không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Khi nào là thời gian an toàn nhất để bay trong khi mang thai?

Khi bạn mang thai, thời gian bay an toàn nhất là:

Nếu bạn đang mang thai một bé: Trước 37 tuần

Từ 37 tuần, bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ không đi máy bay sau thời gian này. Đa số đều khuyên bạn không nên đi máy bay trước 12 tuần do ốm nghén và nguy cơ sảy thai tăng cao. Mặc dù nhiều phụ nữ mang thai không gặp khó khăn khi bay trong 3 tháng đầu. Nhưng tốt hơn hết là  nên tránh việc đi máy bay để đảm bảo an toàn.

Sau 28 tuần, khi nguy cơ chuyển dạ tăng lên, hầu hết các hãng hàng không sẽ yêu cầu giấy xác nhận được phép bay. Nếu bạn mang thai hơn 36 tuần, nhiều hãng hàng không sẽ không cho phép bạn bay do nguy cơ chuyển dạ tăng lên.

Thời gian tốt nhất để đi máy bay là trong 3 tháng giữa thai kỳ (giữa tuần 14 và 28), khi nguy cơ xảy ra các tình huống  (như sảy thai, sinh non ) là thấp nhất. Ngoài ra, sau 28 tuần bạn khó có thể ngồi yên trong một thời gian dài. Sau tuần 34 và 35, bạn nên ở nhà và gần khu vực bệnh viện dự định sinh.

Nếu bạn đang mang thai đôi và không có bất kỳ biến chứng hay vấn đề sức khỏe nào: Trước 32 tuần

Hầu hết các hãng hàng không sẽ không cho phép bạn bay sau 33 tuần. Điều quan trọng là bạn cần kiểm tra xác nhận với hãng trước khi bay. Nếu bay sau 33 tuần, bạn cũng sẽ khó mua bảo hiểm du lịch kèm theo.

Bạn đang mang thai và có triệu chứng ốm nghén? Tìm hiểu ngay các biện pháp cải thiện tình trạng ốm nghén của bạn ngay tại đây!

Các vấn đề, nguy cơ có thể gặp khi đi máy bay lúc mang thai?

Một số phụ nữ mang thai có thể gặp những vấn đề khó chịu trong khi bay, có thể kể đến như:

  • Sưng chân do giữ nước (phù).

  • Nghẹt mũi hoặc vấn đề với tai.

Khi mang thai, bạn có khả năng bị nghẹt mũi và kết hợp với ù tai. Nguyên nhân là do sự thay đổi áp suất không khí trong máy bay

  • Ốm nghén khi mang thai

Nếu bạn bị say tàu xe có thể làm cho tình trạng ốm nghén của bạn nặng hơn khi đi máy bay.

Mẹ bầu có thể uống thuốc say tàu xe được không? Tìm hiểu ngay!

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu 

Huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông hình thành ở chân hoặc xương chậu. Nếu cục máu đông đi đến phổi gây thuyên tắc phổi  có thể đe dọa tính mạng của bạn. Khi bạn mang thai và đến sáu tuần sau khi sinh em bé, bạn có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn so với những phụ nữ không mang thai.

Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu cũng tăng khi bay do ngồi trong một thời gian dài. Nguy cơ tăng theo chiều dài của chuyến bay và nếu có thêm các yếu tố rủi ro như: từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó hoặc thừa cân. Bạn cần thăm khám bác sĩ để xác định nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu trước khi bay. Nếu bạn thực hiện chuyến bay ngắn (dưới bốn giờ), có thể không cần phải thực hiện bất kỳ biện pháp đặc biệt nào.

Cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

Để giảm thiểu rủi ro huyết khối tĩnh mạch sâu trên chuyến bay trung bình hoặc dài (hơn bốn giờ), bạn nên:

  • Mặc quần áo rộng và đi giày thoải mái
  • Cố gắng ngồi ở lối đi và đi bộ thường xuyên quanh máy bay
  • Ngồi tại ghế tập thể dục cứ sau 30 phút hoặc lâu hơn
  • Uống nước đều đặn trong suốt chuyến bay của bạn
  • Giảm đồ uống có chứa cồn hoặc caffeine (cà phê, đồ uống có ga)
  • Mang vớ nén đàn hồi tiêu chuẩn.
  • Nếu bạn có các yếu tố rủi ro khác đối với huyết khối tĩnh mạch sâu, bất kể thời gian của chuyến bay của bạn là dài hay ngắn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiêm heparin. Heparin giúp làm loãng máu, ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Nên tiêm heparin vào ngày bay và mỗi ngày trong vài ngày sau đó. Bạn cần phải có giấy cho phép của bác sĩ để được mang các loại thuốc tiêm này lên máy bay.
  • Aspirin liều thấp dường như không làm giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Nhưng bạn nên tiếp tục dùng nếu được kê đơn do lý do khác.
phụ nữ mang thai khi đi máy bay 3
Mẹ bầu nên đảm bảo trang phục và tư thế ngồi thoải mái khi đi máy bay

Các trường hợp nào được khuyên không nên đi máy bay khi mang thai

Các vấn đề về sức khỏe có thể khiến bạn và em bé gặp nguy hiểm. Vì lý do này, nếu gặp bất cứ vấn đề nào sau đây, bạn không thể đi máy bay khi đang mang thai:

  • Nguy cơ chuyển dạ sớm trước ngày sinh.
  • Bạn bị thiếu máu nặng. Mức độ hồng cầu trong máu của bạn thấp hơn bình thường.
  • Bạn bị bệnh hồng cầu hình liềm và gần đây có cơn huyết tán nặng.
  • Gần đây bạn bị chảy máu âm đạo
  • Có tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến phổi hoặc tim khiến bạn khó thở. 

Điều quan trọng là cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình trước khi bay. Nếu có nguy cơ sảy thai hay thai ngoài tử cung, bạn có thể siêu âm kiểm tra trước. Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong quá trình di chuyển.

Một số hãng hàng không có thể không cho phép bạn tham gia chuyến bay nếu bạn bị gãy xương, viêm tai giữa hoặc nhiễm trùng xoang. Trong trường hợp gần đây bạn có thực hiện các phẫu thuật vùng bụng như cắt ruột thừa, cũng được từ chối bay. Trước khi bay, chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận, đánh giá kĩ các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra để quyết định thực hiện chuyến đi.

Những điều cần lưu ý khi đi máy bay lúc mang thai

Để quyết định bạn có thể đặt những câu hỏi sau để suy xét:

  • Tại sao bạn muốn bay vào thời điểm đặc biệt này?
  • Chuyến bay của bạn có cần thiết không?
  • Chuyến bay của bạn dài bao nhiêu?
  • Điều này sẽ làm tăng nguy cơ của bạn về các vấn đề sức khỏe ?
  • Bạn sẽ mang thai ở tuần bao nhiêu khi đi và lúc về?

Nên nhớ rằng nguy cơ chuyển dạ của bạn càng cao khi thai kỳ càng lớn. Điều quan trọng là nguy cơ sảy thai có thể xảy ra dù bạn không đi máy bay trong ba tháng đầu của thai kỳ.

  • Các cơ sở y tế tại nơi bạn đến có thể giải quyết những biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ?
  • Bạn đã chủng ngừa và / hoặc chuẩn bị thuốc có liên quan với địa phương nơi bạn đang đi du lịch chưa?
  • Bạn đã kiểm tra với bác sĩ những ảnh hưởng nào có thể xảy ra với thai kỳ?

Việc đi qua máy quét an ninh khi mang thai có an toàn không?

Bạn sẽ phải trải qua kiểm tra an ninh bình thường trước khi bay. Điều này không coi là nguy cơ cho bạn và bé.

Mang thai có thể thắt dây an toàn khi bay không?

Khi đi máy bay bạn bắt buộc phải thắt dây an toàn. Bạn nên đảm bảo dây đai an toàn của bạn được buộc một cách hợp lý trên đầu đùi và dưới bụng. Bạn có thể xin nhân viên thêm dụng cụ để nới rộng dây .

Điều gì xảy ra nếu bạn chuyển dạ trên chuyến bay?

Bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc vỡ ối sớm. Nếu điều này xảy ra với bạn trên chuyến bay, không có gì đảm bảo rằng các hành khách hoặc phi hành đoàn khác sẽ được đào tạo và có kinh nghiệm để giúp bạn sinh bé an toàn. Do đó, phi công có thể phải chuyển hướng chuyến bay để hạ cánh và nhận sự giúp đỡ từ phía mặt đất.

Một số lời khuyên dành cho mẹ bầu khi đi máy bay

Trước chuyến bay 

Lên lịch trình du lịch một cách cẩn thận

Thời gian tốt nhất để đi du là trong 3 tháng giữa thai kỳ (giữa tuần 14 và 28). Nói chung, các chuyên gia khuyên nên tránh đi du lịch trong tháng cuối cùng của thai kỳ ( trước 37 tuần)  cũng như trong 7 ngày đầu sau khi sinh. Do đó, bạn nên lên lịch đi du lịch vào những khoảng thời gian an toàn nhất cho việc mang thai.

Lưu ý: Một số quốc gia đặt ra những hạn chế đối với sự nhập cảnh của phụ nữ mang thai ngoài quốc gia. Do đó bạn phải kiểm tra với lãnh sự quán địa phương để xác nhận các yêu cầu cụ thể của quốc gia.

Gặp bác sĩ để khám và tư vấn

Trước khi đi du lịch, bạn nên kiểm tra sức khỏe để đảm bảo có thể thực hiện chuyến bay. Một số hãng hàng không yêu cầu hành khách mang thai phải có giấy chứng nhận y tế về tình trạng sức khỏe có chữ ký của bác sĩ và xác nhận về ngày dự kiến sinh. Bạn nên mang theo một bản sao hồ sơ y tế và siêu âm, đóng gói chúng cùng hành lý xách tay để đề phòng trường hợp có xảy ra chuyển dạ sớm.

Giữ sức khỏe

Trước khi bay bạn cần duy trì một sức khỏe thật tốt để có thể đảm bảo hoàn thành hành trình bay. Việc duy trì sức khỏe tốt, cũng giúp bạn tránh được những mệt mỏi hay cảm giác say, chóng mặt, nôn ói có thể xảy ra khi bay.

phụ nữ mang thai khi đi máy bay 3
Mẹ bầu cần chuẩn bị cẩn thận và đảm bảo sức khỏe trước khi lên máy bay

Lập kế hoạch bay

Bạn nên đi cùng với ít nhất một người bạn đồng hành để có thể phụ giúp bạn khi thực hiện việc vận chuyển cũng như sẽ nắm vững thông tin liên lạc khẩn cấp của bạn.

Nếu phải bay đường dài, bạn nên chọn chia thành 2 chuyến bay ngắn có thể tốt hơn. Bằng cách đó, bạn có thể nghỉ ngơi và có thời gian ăn uống, nạp lại năng lượng.

Đọc trước các quy định

Mỗi hãng hàng không có quy tắc riêng dành cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn đặt vé máy bay với đại lý, hãy cho biết bạn đang mang thai khi đặt chuyến bay và yêu cầu họ kiểm tra xem bạn có được phép bay không. Nếu đặt chuyến bay trực tuyến, hãy nhớ kiểm tra trang web của hãng hàng không. Bạn có thể gọi điện với hãng để đảm bảo xác nhận có thể bay không. Ngoài việc xác nhận có thể bay, bạn còn có thể đảm bảo nhận được dịch vụ đặc biệt dành cho thai phụ giúp thoải mái hơn trong chuyến đi.

Nên tránh những chiếc máy bay nhỏ hơn bay dưới 7.000 feet và chọn những máy bay lớn hơn có cabin điều áp. Các chi phí thay đổi vé hay các phí phạt không được miễn phí khi bạn mang thai. Nếu bạn đi du lịch sau tháng thứ 8, bạn nên kiểm tra với bác sĩ để chắc chắn rằng việc đi lại không bị hạn chế.

Các yêu cầu về giấy chứng nhận thai sản theo thời điểm mang thai:

  • 0-28 tuần (Cuối tuần thứ 28): Không yêu cầu
  • 29-36 tuần (Bắt đầu từ tuần thứ 29 -36): Yêu cầu chứng nhận y tế
  • 37 tuần trở đi (Bắt đầu từ tuần thứ 37): Không được phép đi máy bay
  • Đối với người mang đa thai, từ 33 tuần trở đi: không được phép đi máy bay

Giấy chứng nhận y tế cần thiết cho phụ nữ đi máy bay trong khi mang thai phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Phải có chữ ký của bác sĩ phòng khám hoặc bệnh viện đã đăng ký.
  • Phải được cấp trong vòng 7 ngày kể từ ngày đi
  • Nói rõ đơn thai hay đa thai
  • Nêu rõ số tuần mang thai và / hoặc ngày dự kiến ​​sinh
  • Nói rõ rằng hành khách phù hợp để bay
  • Phải dễ hiểu và viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt

Đóng gói hành lý cẩn thận và đủ dùng

Bất kể thói quen mang hành lý trước đây của bạn như thế nào, nếu như đang mang thai bạn nên làm theo những lời khuyên sau đây để việc đi lại nhẹ nhàng hơn:

  • Đóng gói mọi thứ quan trọng và cần thiết trong hành lý của bạn bao gồm : hộ chiếu, ID, ví, tất cả vé, tài liệu du lịch, thuốc ..
  • Không nên mang theo túi xách vì bạn không nên mang vác nặng trong khi mang thai. Kiểm tra các dịch vụ mà hãng hàng không của bạn cung cấp miễn phí.
  • Mặc quần áo nhiều lớp, rộng và thoải mái. Vì bàn chân có thể sưng lên, hãy mang vớ nén để thúc đẩy lưu thông máu.
  • Mang theo một chiếc gối nhỏ giúp lưng được thoải mái.
  • Đồ ăn nhẹ mang theo bên mình. Mặc dù các hãng hàng không thường có sẵn thực phẩm để mua, nhưng không có gì đảm bảo nó hoàn toàn tốt với bạn.
  • Thuốc chống buồn nôn. Vì thường phụ nữ mang thai nhạy cảm hơn với mọi thứ. Do vậy bạn có thể nhạy cảm hơn với các chuyển động của máy bay dẫn đến say.

Đến sớm trước thời gian bay để tránh gấp gáp

Việc đi sớm giúp bạn chủ động được mọi việc. Có thể bạn phải làm nhiều thủ tục kiểm tra và xác minh do đó việc đi sớm tránh được gấp gáp sẽ giúp bạn thoải mái hơn và có thời gian nghỉ ngơi trước khi thực hiện chuyến bay

Không nâng vật nặng

Việc nâng hành lý hay vật nặng cần tránh trong thai kỳ. Bạn nên nhờ nhân viên hoặc người đi cùng phụ giúp việc nâng đỡ và sắp xếp hành lý. Tránh tự ý đưa hành lý lên cao để cất vào ngăn tủ.

Trong chuyến bay

Chọn chỗ ngồi thuận tiện

Bạn nên chọn chỗ ngồi phía ngoài gần lối đi. Vị trí này giúp bạn thuận tiện đi lại vệ sinh hay tập thể dục trong chuyến bay dài. Một số hãng hàng không sẽ không cho phép hành khách mang thai ngồi ở hàng lối thoát hiểm. Bạn có thể chọn vị trí rộng rãi hơn để có thêm chỗ để chân. Nếu có thể nên lựa chọn vị trí ngồi có không gian thư giãn hoặc ghế trống bên cạnh. Đừng ngại ngần thông báo với nhân viên để giúp bạn lựa chọn được chỗ ngồi thích hợp.

Nên dậy và đi lại trong chuyến bay

Đi bộ xung quanh trong các chuyến bay kéo dài. Giữ chân trên sàn nhà và tránh bắt chéo chân hoặc bàn chân của bạn. Phụ nữ mang thai có thể dễ bị cảm lạnh. Việc ngồi yên một chỗ với hệ thống thông khí hướng thẳng vào mặt có thể khiến bạn khó chịu, dễ bị lạnh. Đi lại sẽ giúp bạn thay đổi không khí. Ngoài ra đi lại cũng giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra.

Nếu bạn phải ngồi yên nên tập uốn cong và mở rộng chân thường xuyên. Ngoài ra, tránh mặc quần áo quá bó. Sử dụng vớ nén có thể giúp ngăn ngừa được cục máu đông.

Uống nhiều nước liên tục

Giữ nước bằng cách uống nước trước, trong và sau chuyến bay. Tránh đồ uống có ga.

Ăn uống điều độ

Tránh ăn quá nhiều vào bữa ăn và sử dụng thức ăn quá mặn. Chọn lựa trái cây tươi giàu vitamin để ăn nhẹ trong suốt chuyến bay của bạn.

Chuẩn bị cách để chống buồn nôn

Mặc dù bạn có thể không bị ốm nghén, nhưng chuyển động rung có thể gây cảm giác buồn nôn. Bạn có thể nhâm nhi kẹo bạc hà, kẹo gừng hoặc các chất bổ sung giúp giải quyết sự khó chịu của dạ dày.

Phải cài dây an toàn trong chuyến bay

Đeo dây an toàn liên tục để giảm thiểu rủi ro chấn thương có thể xảy ra do nhiễu loạn. Gắn dây an toàn của bạn dưới bụng, trên xương chậu. Không nên thắt dây quá chặt, có thể gây khó chịu và tức bụng.

Chăm sóc da

Da nhạy cảm hơn khi mang thai và tia UV mạnh hơn khi ở độ cao cao hơn. Do vậy bạn nên sử dụng kem chống nắng có độ cản tia UV cao.

Thư giãn

Thư giãn và tận hưởng là những gì bạn nên làm trong chuyến bay. Việc thư giãn sẽ giúp bạn giảm bớt những khó chịu của thai kỳ cũng như chuyến bay.

Để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi trong suốt chuyến bay, bạn nên áp dụng những lưu ý trên đây. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng việc thực hiện chuyến bay sẽ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái. Hãy đảm bảo rằng: Mọi chuyến đi của bạn đã có sự kiểm tra và cho phép của bác sĩ trước khi thực hiện. Chúc bạn sẽ có những chuyến đi vui vẻ và thư giãn trong quá trình mang thai!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Air travel and pregnancyhttps://www-temp.rcog.org.uk/guidance/browse-all-guidance/scientific-impact-papers/air-travel-and-pregnancy-scientific-impact-paper-no-1/

    Ngày tham khảo: 08/06/2020

  2. Air travel and pregnancyhttps://www.cheapflights.com/news/air-travel-and-pregnancy

    Ngày tham khảo: 08/06/2020

  3. Is it safe to fly during pregnancy?https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/air-travel-during-pregnancy/faq-20058087

    Ngày tham khảo: 08/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người