Polyp tử cung: Những điều cần biết!
Nội dung bài viết
Polyp tử cung hay polyp nội mạc tử cung là một bệnh lý khá thường gặp. Chúng có thể gây triệu chứng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng mang thai của chị em phụ nữ. Vậy polyp tử cung có nguy hiểm không? Làm cách nào để xử lý những khối polyp này? Cùng YouMed tìm hiểu thêm thông tin về polyp tử cung qua bài viết này nhé.
Polyp tử cung là gì?
Polyp tử cung là những khối u nhỏ, mềm phát triển trong lòng tử cung. Chúng được hình thành do sự phát triển quá mức của lớp tế bào lót mặt trong tử cung – lớp nội mạc tử cung. Do đó, polyp tử cung còn được gọi là polyp nội mạc tử cung.
Kích thước polyp tử cung cũng khá đa dạng: từ vài mi-li-mét – nhỏ như hạt đậu cho đến vài xăng-ti-mét – khoảng một quả bóng bàn hay to hơn. Chúng nối vào thành tử cung bằng một cuống nhỏ hay một chân rộng. Thường sẽ có mạch máu ở chính giữa cuống này để cung cấp máu cho polyp.
Một người có thể có một hay nhiều polyp. Trường hợp nhiều polyp còn được gọi là đa polyp. Polyp thường phát triển trong buồng tử cung, nhưng đôi khi chúng có thể trượt ra ngoài qua cổ tử cung và nhô vào âm đạo.
>> Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm: Nghi ngờ bị Ung thư cổ tử cung, bạn cần phải làm gì?
Polyp tử cung có nguy hiểm không?
Những polyp tử cung này hầu hết là khối u lành tính. Ở nhiều phụ nữ, chúng không gây bất kỳ triệu chứng nào. Những trường hợp này có thể không cần điều trị gì thêm. Nhưng khi khối polyp gây triệu chứng, bác sĩ sẽ có nhiều cách khác nhau để chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hiện nay, nguyên nhân chính xác tại sao người phụ nữ có polyp tử cung vẫn chưa giải thích được. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết liên quan đến vấn đề này. Nhìn chung, các nhà khoa học đều tin rằng có sự liên quan của kích thích của estrogen. Vì những khối polyp có nồng độ của các thụ thể estrogen tăng quá mức so với các tế bào nội mạc bình thường.
Những yếu tố nguy cơ được cho là liên quan đến sự phát triển của khối polyp:
- Độ tuổi quanh mãn kinh hoặc sau mãn kinh.
- Tăng huyết áp.
- Béo phì.
- Điều trị với tamoxifen, một loại thuốc trong điều trị ung thư vú.
Polyp tử cung có triệu chứng gì?
Triệu chứng và dấu hiệu của polyp tử cung bao gồm:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ như chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hay không đều.
>> Bạn có biết dấu hiệu khi kinh nguyệt của mình bất thường? Đừng bỏ qua bài viết Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có đang bất thường?
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu kinh nguyệt nặng: rong kinh (kéo dài số ngày hành kinh) hay cường kinh (lượng máu kinh nhiều hơn).
- Vô sinh – hiếm muộn.
- Chảy máu âm đạo sau mãn kinh.
Đôi khi, polyp tử cung chỉ gây thay đổi nhẹ đến chu kỳ kinh nguyệt, hoặc chảy máu chỉ dạng chấm máu – vết máu chứ không nặng nề. Cũng có nhiều trường hợp polyp không gây triệu chứng gì.
Polyp tử cung có nguy hiểm không?
Hầu hết polyp tử cung là lành tính và không phải ung thư. Nhưng một tỉ lệ rất nhỏ có thể liên quan đến ung thư sau đó. Nguy cơ dẫn đến ung thư cao hơn ở những phụ nữ quanh tuổi mãn kinh hoặc đã mãn kinh. Triệu chứng của polyp cũng tương tự như triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ để loại trừ các khả năng ác tính.
Polyp tử cung có thể gây những vấn đề liên quan đến hiếm muộn – vô sinh. Có thể lý giải do khối polyp này chiếm chỗ trong lòng tử cung khiến phôi thai không thể làm tổ. Vì vậy, bệnh nhân thường khó có thai hay dễ bị sảy thai. Có vài nghiên cứu chỉ ra là sau khi cắt những khối polyp chiếm chỗ này có thể giúp người phụ nữ mang thai bình thường trở lại. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và chưa có kết luận rõ ràng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ phụ khoa để được tư vấn nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau khi đã mãn kinh.
- Chảy máu âm đạo giữa 2 chu kỳ.
- Chu kì kinh nguyệt bất thường.
- Hiếm muộn.
Polyp tử cung được chẩn đoán bằng cách nào?
Với những triệu chứng gợi ý, bác sĩ sẽ đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để chẩn đoán và phân biệt các nguyên nhân khác:
- Siêu âm qua ngã âm đạo. Một đầu dò phát sóng siêu âm mảnh và dài sẽ được đưa vào âm đạo và tạo hình ảnh của tử cung và buồng tử cung. Qua hình ảnh này, bác sĩ sẽ thấy khối polyp với cuống rất rõ ràng hoặc nghi ngờ khi thấy lớp nội mạc tử cung dày bất thường.
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung. Phương pháp này sử dụng nước muối bơm vào trong lòng tử cung, làm căng buồng tử cung. Sau đó dùng siêu âm để dựng lại hình ảnh và quan sát các cấu trúc bất thường trong lòng cũng như thành tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là lớp tế bào lót mặt trong tử cung. Lớp tế bào này liên quan đến kinh nguyệt mỗi tháng và là nơi phôi làm tổ trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy một hay nhiều mẫu mô tế bào này để tìm các bệnh viêm nhiễm hay ung thư tử cung. Xét nghiệm này thường được làm để loại trừ các nguyên nhân ác tính.
- Nội soi buồng tử cung. Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một ống nội soi nhỏ qua âm đạo và cổ tử cung vào buồng tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm nước muối sinh lý hoặc khí CO2 làm căng buồng tử cung để dễ dàng quan sát. Nếu thuận lợi, bác sĩ cũng có thể đưa dụng cụ để cắt bóc polyp trong lúc nội soi.
Hầu hết polyp tử cung là lành tính. Tuy nhiên, có những tổn thương tiền ung thư hay ung thư nội mạc tử cung có hình ảnh tương tự như một khối polyp. Do vậy, sau khi cắt bỏ khối polyp, bác sĩ sẽ gửi phải mẫu mô để phân tích xem liệu tổn thương này là lành tính hay ung thư.
Điều trị polyp tử cung như thế nào?
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ đề nghị những cách điều trị sau:
- Theo dõi. Khối polyp nhỏ và không có triệu chứng có thể không cần phải điều trị gì. Vấn đề điều trị cho những khối polyp nhỏ chỉ nên đặt ra khi có tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Thuốc. Vài loại thuốc hóc môn, như progestin (một chất tương tự hóc môn progesteron) và những hóc môn khác có thể được dùng để giảm triệu chứng. Nhưng tốt nhất chỉ nên sử dụng những thuốc này trong thời gian ngắn và triệu chứng sẽ tái phát khi bạn ngừng thuốc.
- Phẫu thuật cắt polyp. Trong khi nội soi buồng tử cung, dụng cụ sẽ được đưa vào buồng tử cung để cắt bỏ khối polyp. Sau đó, khối polyp sẽ được lấy ra ngoài qua âm đạo và đem đi gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh – xem bản chất tế bào và mô của khối polyp này là gì.
Nếu kết quả giải phẫu bệnh là ung thư hay các tổn thương tiền ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị thêm các điều trị khác. Dù ít xảy ra nhưng nếu polyp tử cung tái phát và gây triệu chứng, bệnh nhân có thể cần phải điều trị lại.
Cần cung cấp thông tin gì cho bác sĩ?
Khi đến khám vì bất cứ triệu chứng nào của polyp hay bệnh phụ khoa, việc cung cấp thông tin càng chi tiết sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh.
Những vấn đề thường được quan tâm là:
- Tiền sử sản khoa: đã có bao nhiêu con, phương pháp sinh.
- Tiền sử các bệnh phụ khoa từng mắc. Hãy đem những giấy tờ khám phụ khoa, xét nghiệm và đơn thuốc cũ khi đi khám.
- Tiền sử các bệnh khác, các thuốc đang sử dụng.
- Tính chất chu kỳ kinh nguyệt.
- Tính chất của các triệu chứng: xuất hiện từ bao giờ, mức độ các triệu chứng, diễn tiến nặng hơn như thế nào, các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân như thế nào?
- Tiền sử gia đình: các bệnh phụ khoa của mẹ và chị em gái (nếu có).
Ngoài ra, bạn cũng cần được cung cấp những thông tin về bệnh. Hãy chủ động hỏi bác sĩ về vị trí, kích thước của polyp tử cung và những ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của bạn. Trao đổi với bác sĩ về dự định mang thai trong tương lai và cùng họ thảo luận về lợi ích, nguy cơ của những phương pháp điều trị.
Polyp tử cung hay còn gọi là polyp nội mạc tử cung là một trong những bệnh lý khá phổ biến. Đa số polyp lòng tử cung là bệnh lành tính và thường gây xuất huyết tử cung bất thường ở phụ nữ. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu polyp tử cung gây triệu chứng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Mayo Clinic (2018) Uterine Polyps
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/uterine-polyps/diagnosis-treatment/drc-20378713 , accessed in October 14th, 2019.
Web MD (2018) Uterine Polyps
https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/uterine-polyps, accessed in October 24th, 2019.