Quả hồng: thức quà của mùa thu và những dinh dưỡng tuyệt vời
Nội dung bài viết
Quả hồng là thức quà của mùa thu mà thiên nhiên ban tặng. Có một số người còn dùng quả này kèm với cốm xanh làng Vòng. Trái hồng giàu chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu về loại quả này trong bài viết dưới đây của ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh.
Mô tả quả hồng
Hồng là một loại cây ăn quả có tên khoa học là Diospyros kaki thuộc họ Ebenaceae.
Quả hồng có màu vàng cam đến đỏ tùy theo giống; đường kính 1 – 9 cm. Dáng quả hình cầu, hình quả tim, hoặc dạng quả cà chua bẹp. Đài hoa thường dính với quả khi chín.
Phân bố, thu hái quả hồng
Cây hồng sau được trồng khắp miền Đông Á, Đông Nam Á đến thế kỷ 19 được du nhập vào châu Mỹ và châu Âu.
Ở nước ta, trái hồng được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.
Thời vụ trồng khoảng tháng 6 hàng năm, khoảng 3 năm cây sẽ cho quả. Cây thường ra hoa khoảng tháng 3 âm lịch và quả chín đến hết tháng 8 âm lịch.
Thành phần hóa học
Phần quả có các chất có hoạt tính sinh học bao gồm proanthocyanidins, flavonoid, tannin, phenolic, caroten, chất xơ,… Đường, Riboflavin (B2), Folate (B9), Vitamin C, Canxi, Sắt,…
Tác dụng dược lý
Ở một số nước châu Á, người dân nhận thức được lợi ích sức khỏe liên quan đến quả hồng.
Hỗ trợ giảm đường huyết
Tăng đường huyết và các biến chứng liên quan là những rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường. Đái tháo đường có thể do nhiều yếu tố gây ra; bao gồm tăng đường huyết, giảm nồng độ insulin hoặc độ nhạy của nó. Đôi khi, các tế bào beta của tuyến tụy bị hư hỏng do đó hạn chế sản xuất insulin.
Trái hồng nhờ giàu phytochemical có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Quả được cho là hỗ trợ ức chế alpha-amylase của tuyến tụy. Tuy nhiên, tác dụng chống đái tháo đường phụ thuộc vào nồng độ các chất trong quả hồng như proanthocyanidin, flavonoid.
Bên cạnh đó, tăng đường huyết, đái tháo đường dẫn đến stress oxy hóa, sinh gốc tự do, làm suy yếu hệ thống bảo vệ. Vì vậy, giảm stress oxy hóa là rất quan trọng để chữa khỏi tổn thương bệnh lý và các biến chứng của bệnh tiểu đường. Trái hồng rất giàu chất chống oxy hóa và có tác dụng loại bỏ mạnh các gốc tự do
Hơn nữa, quả hồng có thể cải thiện các phản ứng viêm do đái tháo đường nhờ khả năng loại bỏ các gốc tự do và nâng cao tỷ lệ glutathione đã bị oxy hóa.
Tóm lại, việc sử dụng quả hồng hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng chiết xuất từ quả hồng có thể có hiệu quả trong các chiến lược phòng ngừa bệnh đái tháo đường hoặc giảm mức độ biến chứng của bệnh đái tháo đường thông qua hạ huyết áp, lipid máu và điều chỉnh stress oxy hóa và phản ứng viêm.
Vai trò phòng ngừa của quả hồng trong ung thư và tổn thương DNA
Các phản ứng oxy hóa hoặc các gốc tự do có thể gây ra tổn thương DNA là chất trung gian quan trọng trong rối loạn quá trình lão hóa, cuối cùng có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư.
Quả hồng được thiên nhiên ban tặng các phân tử hoạt tính sinh học. Nó bao gồm các hợp chất phenol như proanthocyanidins, tannin, catechin, carotenoid, sinapine, leucoanthocyanidin, catechin, kaempferol, quercetin,…
Hầu hết các thành phần hoạt tính sinh học này có khả năng thu dọn các gốc tự do, liên kết kim loại và ức chế quá trình peroxy hóa lipid. Chất tanin và flavonoid góp phần vào khả năng chống oxy hóa của quả hồng. Hơn nữa, các chất phytochemical như polyphenol và anthocyanins có liên quan đến quan điểm chống ung thư của thực phẩm. Các thành phần hoạt tính sinh học này có thể làm giảm tổn thương DNA.
Tuy nhiên, hiệu quả của chúng đối với mục đích y học cần được nghiên cứu thêm.
Chăm sóc sức khỏe mạch vành
Trên thế giới, bệnh tim mạch vành là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong ở người. Một số nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định các yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh về sức khỏe tim mạch. Các bằng chứng tích lũy cho thấy rằng xơ vữa động mạch; mất cân bằng lipid, tăng huyết áp là những tác nhân gây bệnh chính.
Nhiều cuộc điều tra khoa học đã cung cấp bằng chứng cho thấy toàn bộ quả hồng hoặc các bộ phận của nó có tác dụng hạ lipid máu ở những con chuột bị tăng cholesterol máu.
Ngoài ra, giấm hồng là sản phẩm lên men truyền thống từ quả hồng; được sử dụng trong y học cổ truyền và ẩm thực. Giấm hồng (2 mL / kg trọng lượng cơ thể) có khả năng làm giảm đáng kể cholesterol trong huyết thanh và trong gan.
Ngoài ra, quả hồng còn giàu caroten hữu ích trong các bệnh lý thiếu hụt vitamin A như quáng gà, viêm da cơ địa,…
Cách sử dụng quả hồng
Quả hồng có thể ăn tươi hay phơi khô. Hồng khô cần hai đến ba tuần phơi ngoài trời rồi sấy thêm trước khi thành phẩm.
Có thể sử dụng từ 1 – 2 quả/ ngày.
Để làm quả hồng nhanh chín, ta thường được đem “giấu” trong thùng kín cùng với trấu, chuối chín, hay dùng etylen để ép chín. Hoặc là đem ngâm nước tro để quả hồng mất vị chát.
Ở Hàn Quốc, hồng khô được dùng cất rượu, làm giấm.
Lưu ý khi sử dụng quả hồng
- Trong quả hồng còn có chứa chất tanin gây vị chát và chất pectin; nhiều nhất trong lúc quả còn xanh hoặc chưa chín hoàn toàn. Tanin và pectin là những chất làm se niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn quá nhiều, đặc biệt là lúc đói thì các chất tanin, pectin khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí buồn nôn, nôn mửa… Hoặc gây táo bón, dễ dẫn đến tắc ruột.
- Nếu không cẩn thận những chất có trong quả hồng lại biến thành chất hại cơ thể. Vì vậy, chỉ nên ăn hồng vào lúc no và chỉ nên ăn trái chín, không ăn trái xanh.
- Đối với người thường táo bón, hệ tiêu hóa không tốt; trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ; hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng; người cao tuổi thì nên hạn chế ăn quả này. Nếu có nên ăn hồng chín sẽ tốt hơn.
Quả hồng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng quả hồng. Quý bạn đọc cần lưu ý các vấn đề sức khỏe mình đang có để sử dụng quả hồng sao cho phù hợp. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế khi muốn sử dụng loại quả này nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Persimmon (Diospyros kaki) fruit: hidden phytochemicals and health claimshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4817420/
Ngày tham khảo: 25/05/2021
-
Những điều lưu ý khi ăn quả hồng, quả thịhttps://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-luu-y-khi-an-qua-hong-qua-thi-n89921.html
Ngày tham khảo: 25/05/2021