Quá kích buồng trứng: Nỗi lo khi điều trị hiếm muộn
Nội dung bài viết
Hội chứng quá kích buồng trứng được biết đến như một trong các biến chứng nguy hiểm của điều trị hiếm muộn. Quá kích buồng trứng nặng gây nhiều khó chịu cho phụ nữ và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân nào có thể gây nên tình trạng này, các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và dự phòng hội chứng quá kích buồng trứng sẽ được chia sẻ qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu.
Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
Đây là tình trạng buồng trứng phản hồi quá mức với các thuốc điều trị hiếm muộn. Quá trình này thường xảy ra trong giai đoạn phụ nữ được thực hiện kích thích buồng trứng và tiến hành chọc hút trứng để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
Quá kích buồng trứng được đặc trưng bởi sự to lên của buồng trứng, làm buồng trứng có dạng nang và có sự chuyển dịch nhanh chóng của dịch trong lòng mạch máu vào khoang thứ ba của cơ thể. Nói cách khác, máu trong lòng mạch bị rút bớt lượng dịch và đi vào những khoang trống của cơ thể như ổ bụng hay phổi và gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân
Tình trạng này được gây nên bởi sự có mặt của hormone hCG. Đây là một loại nội tiết có nguồn gốc từ nhau thai và thường được tiêm vào cơ thể khi kích thích buồng trứng làm thụ tinh ống nghiệm. hCG tác động lên các tế bào tại buồng trứng khiến chúng tiết những hoá chất trung gian làm thấm dịch ra khỏi lòng mạch máu.
Thiếu máu trong lòng mạch có thể dẫn tới shock – tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Hội chứng quá kích buồng trứng cũng có thể xuất hiện khi có thai sau thụ tinh ống nghiệm, do nhau thai tiết một lượng hCG làm buồng trứng bị kích thích.
Yếu tố nguy cơ của quá kích buồng trứng
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị quá kích buồng trứng:
Từng có tiền sử bị quá kích buồng trứng trong các đợt điều trị trước.
Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.
Các dấu chỉ sinh học trên xét nghiệm như trước khi kích thích buồng trứng gồm:
- Nồng độ anti-mullerian hormone (AMH) nền > 3.3 ng.dL.
- Đếm số nang noãn thứ cấp nhiều hơn 8 vào ngày thứ 2 chu kỳ kinh.
Một số nguy cơ xuất hiện khi theo dõi sau tiêm thuốc kích thích buồng trứng như:
- Số nang trứng nhiều (nguy cơ tăng khi có > 20 nang trứng với đường kính > 10 mm).
- Nồng độ hormone estradiol cao (hoặc tăng nhanh).
- Số lượng trứng thu được trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Nguy cơ quá kích buồng trứng tăng song song với số lượng trứng.
- Dùng hCG thay vì progesterone khi hỗ trợ hoàng thể sau chuyển phôi.
Có thai cũng làm tăng nguy cơ quá kích buồng trứng muộn. Khi có thai, một số bộ phận của thai tiết ra hCG nội sinh, làm tăng thời gian và mức độ trầm trọng của hội chứng này.
Các phụ nữ nhẹ cân và trẻ tuổi được báo cáo là có thể liên quan với hội chứng. Tuy nhiên, cả hai yếu tố trên không phải là chỉ báo đáng tin cậy về nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng của quá kích buồng trứng
Các triệu chứng thường gặp trong hội chứng quá kích buồng trứng ở phụ nữ điều trị hiếm muộn gồm:
- Đầy bụng (chướng hơi).
- Đau bụng.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Tiêu chảy.
- Ăn uống kém.
- Khó thở, bạn có thể khó thở nhiều đến mức không thể nằm hoặc nói hết câu.
- Tiểu ít.
- Phù chân.
- Phù âm hộ.
- Thấy bụng to dần.
Phân loại
Có 2 loại quá kích buồng trứng khi phân theo thời gian:
- Quá kích buồng trứng sớm. Tình trạng này xuất hiện sớm, ngay từ những ngày đầu sau chọc hút trứng (thường trong vòng 7 – 10 ngày). Dạng quá kích buồng trứng này có nguyên nhân trực tiếp là hCG từ thuốc tiêm kích thích buồng trứng.
- Quá kích buồng trứng muộn. Loại này xuất hiện muộn, quanh thời điểm làm tổ thành công của phôi. Nguyên nhân thường thấy là do hCG nguồn gốc nội sinh từ hội bào nuôi (các tế bào tiền thân của nhau thai).
Khi dựa vào mức độ của các triệu chứng và kết quả xét nghiệm, hội chứng quá kích buồng trứng được phân thành các mức độ như sau:
- Nhẹ: chỉ có đầy bụng, đau bụng nhẹ, siêu âm thấy kích thước buồng trứng < 8 cm.
- Trung bình: đau bụng vừa phải, có kèm buồn nôn, nôn. Siêu âm thấy có dịch tự do trong ổ bụng, kích thước buồng trứng 8 – 12 cm.
- Nặng: đi tiểu ít (ít hơn 500 ml/ngày). Nôn ói, mệt mỏi do rối loạn điện giải như hạ natri máu, tăng kali máu. Giảm albumin huyết thanh, máu bị cô đặc nhiều. Khi siêu âm thấy dịch ổ bụng lượng trung bình, có thể kèm tràn dịch màng phổi lượng ít. Kích thước buồng trứng to >12 cm.
- Nguy kịch: dịch ổ bụng, dịch màng phổi lượng nhiều. Máu rất cô đặc (Hct > 55%) và tăng bạch cầu máu. Không còn nước tiểu. Thuyên tắc mạch do huyết khối. Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) có thể khiến bạn không thở được, gây thiếu oxy, ảnh hưởng đến tính mạng.
Biến chứng đặc biệt của quá kích buồng trứng
- Shock giảm thể tích. Tình trạng dịch trong lòng mạch máu thoát vào các khoang trống trong cơ thể gây thiếu máu nuôi trầm trọng.
- Xoắn buồng trứng. Buồng trứng càng to thêm thì nguy cơ bị xoắn bên trong ổ bụng càng cao. Biến chứng này biểu hiện bằng hình ảnh buồng trứng lớn thêm trên siêu âm, đau bụng, buồn nôn, nôn, tụt huyết áp, tăng bạch cầu tiến triển và thiếu máu. Xoắn buồng trứng có thể cần phẫu thuật để chỉnh sửa.
- Thuyên tắc mạch máu. Biến chứng này không thường xảy ra nhưng hay gặp trong những trường hợp nặng nhất. Các huyết khối làm nghẽn tắc các mạch máu (khoảng 25% gặp ở động mạch, còn lại 75% tắc ở tĩnh mạch) có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn và thậm chí tử vong.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán được hội chứng, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin về quá trình điều trị hiếm muộn của bạn. Bạn nên lưu ý các thông tin sau:
- Các triệu chứng và thời gian bắt đầu có triệu chứng.
- Xem lại toa thuốc đã dùng trong quá trình kích thích buồng trứng.
- Số trứng chọc hút được.
- Số lượng phôi đã chuyển và số phôi còn trữ lại (nếu có).
Sau đó, bạn sẽ được khám tổng quát các cơ quan, đo nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, cân nặng, kiểm tra phù (chân, âm hộ…), khám dấu mất nước.
Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng báng nước trong bụng của bạn, tìm điểm đau trên bụng, xác định mức độ căng, đo vòng bụng và kiểm tra hệ hô hấp để loại trừ tình trạng bị tràn dịch màng phổi, viêm phổi, phù phổi. Bác sĩ cũng có thể cho bạn thực hiện siêu âm phụ khoa để kiểm tra kích thước buồng trứng và sự phân bố dịch trong các cơ quan trên cơ thể.
Một số bất thường khác trong quá trình điều trị hiếm muộn có thể gây lầm lẫn với quá kích buồng trứng như đau bụng ra huyết do bị thai ngoài tử cung, hay chảy máu trong ổ bụng sau khi chọc hút trứng.
Các xét nghiệm cần làm
Để xác lập chẩn đoán và xác định mức độ nặng của tình trạng mà bạn đang gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như:
- Siêu âm phụ khoa, siêu âm bụng tổng quát.
- Tổng phân tích tế bào máu.
- Đo nồng độ albumin máu.
- Điện giải đồ.
- Chức năng gan, thận.
- Chức năng đông máu.
- Beta hCG (trong trường hợp quá kích buồng trứng muộn).
- Chụp phim X-quang phổi trong trường hợp khó thở nhiều, nghi ngờ tràn dịch màng phổi.
Điều trị tại nhà
Bạn có thể được cho về theo dõi tại nhà khi tình trạng chỉ ở mức độ nhẹ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện tại nhà một số hành động như:
- Tự theo dõi mức độ cải thiện của các triệu chứng.
- Ăn chế độ có nhiều đạm.
- Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày. Cần cung cấp thêm các điện giải cần thiết như uống Oresol.
- Nghỉ ngơi. Vận động nhẹ nhàng, không nằm bất động.
- Theo dõi cân nặng tại nhà nếu có thể.
- Đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng như chóng mặt, đau bụng dữ dội, bồn chồn, khó thở.
Điều trị tại bệnh viện
Bạn có thể phải nhập viện để chăm sóc và theo dõi khi có ít nhất một trong các vấn đề sau:
- Đau bụng nhiều hay khám bụng gồng cứng một vùng.
- Nôn ói nhiều, không thể ăn uống bằng miệng như bình thường.
- Đi tiểu rất ít hoặc không có nước tiểu.
- Bụng to nhiều, cảm giác căng tức đầy nước.
- Khó thở.
- Huyết áp thấp, chóng mặt, ngất.
- Mất cân bằng điện giải, cô đặc máu và một số bất thường trên xét nghiệm khác.
Bạn có thể xem thêm: Huyết áp thấp có nguy hiểm như cao huyết áp không?
Tại bệnh viện, bạn sẽ được:
- Theo dõi dấu sinh tồn: nhịp thở, mạch, huyết áp, nhiệt độ, độ bão hoà oxy máu (nếu khó thở).
- Kiểm tra cân nặng hằng ngày.
- Đo vòng bụng.
- Theo dõi nước nhập vào qua ăn uống và nước tiểu ra.
- Siêu âm đánh giá dịch báng, kích thước buồng trứng.
- X-quang phổi nếu nghi ngờ tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ sẽ có thể điều trị cho bạn với các phương pháp như:
- Truyền dịch để bồi hoàn lại lượng dịch đã mất trong lòng mạch.
- Chọc hút dịch báng trong bụng khi có biểu hiện căng chướng, chèn ép nhiều.
- Điều chỉnh các rối loạn điện giải, theo dõi sát chức năng gan thận.
- Dự phòng thuyên tắc mạch bằng thuốc kháng đông.
Dự phòng
Quá kích buồng trứng vẫn còn là một biến chứng phổ biến ở phụ nữ được hỗ trợ sinh sản. Việc dự phòng là điều vô cùng cần thiết khi điều trị hiếm muộn. Mục tiêu của dự phòng là ngăn cản sự xuất hiện của tăng tính thấm thành mạch bằng cách không để xảy ra các điều kiện có thể gây quá kích buồng trứng. Một số biện pháp dự phòng gồm (dành cho nhân viên y tế):
- Nhận diện các yếu tố nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng.
- Dùng phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp.
- Thực hiện kỹ thuật nuôi trứng non (hay trưởng thành noãn trong ống nghiệm – IVM).
- Điều trị ổn định hội chứng buồng trứng đa nang trước khi kích thích buồng trứng.
- Theo dõi sát các chỉ báo trên xét nghiệm máu và siêu âm.
- Hủy bỏ chọc hút khi xét nghiệm nghi ngờ nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng.
- Trữ phôi toàn bộ.
Hội chứng quá kích buồng trứng là một tình trạng thường gặp trong quá trình kích thích buồng trứng điều trị hiếm muộn. Có những hiểu biết cơ bản để thảo luận cùng bác sĩ và lựa chọn phương pháp điều trị hiếm muộn cũng như tự nhận diện sớm triệu chứng của bệnh có thể giúp bạn phòng ngừa được các biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.