YouMed

Quả mận: Hương vị thơm ngon khó quên

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mùa hè đến, không chỉ có tiếng ve kêu, hoa phượng nở đỏ rực mà còn là mùa của các loại trái cây giải khát, thanh nhiệt tuyệt vời. Trong đó, mận là một loại cây ăn quả được ưa chuộng và quen thuộc của nhiều người dân. Đặc biệt, quả mận vừa tươi ngon, bổ dưỡng vừa có nhiều công dụng trị bệnh quý báu. Bài viết của YouMed hi vọng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những điều kỳ diệu từ loài thực vật này nhé.

Quả mận là gì?

  • Tên gọi khác: Lý tử, mác măn (Tày)…
  • Tên khoa học: Prunus salicina Lindl. var. salicina.
  • Họ khoa học: Chi Prunus, thuộc họ Hoa hồng – Rosaceae.
  • Bộ phận dùng của cây: Quả, hạt, rễ, hoa, lá nhựa vỏ – Fructus, Semen, Radix, Flos, Folium Gummis et Cortex Pruni Salicinae.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái quả mận

Đặc điểm sinh trưởng

Theo nhiều tài liệu, mận là thực vật có nguồn gốc ở Trung Quốc. Từ lâu, cây phân bố khắp các nơi trên trái đất như Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Lào… Tại Việt Nam, loài được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía bắc, trung du và cả đồng bằng Bắc Bộ như Lào Cai, Hà Nội, Lạng Sơn… Hiện nay, có khá nhiều giống khác nhau tùy thuộc vào khí hậu, địa lý, mà thành phẩm cũng có đôi chút khác biệt như mận gai, mận anh đào… Tuy nhiên, chúng vẫn có vài đặc điểm chung như:

  • Đất trồng phù hợp là đất thịt, giàu dinh dưỡng và thoát nước.
  • Ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi cao, chịu được sương mù và lạnh giá.
  • Nhiệt độ để sinh trưởng tốt là khoảng 15-22 độ C, còn lượng mưa trung bình sẽ từ 1800mm/năm trở lên. Cây rụng lá vào mùa đông.

Cây thụ phấn chéo bằng côn trùng, hoặc có thể tự thụ phấn. Dân gian cũng có thể nhân giống bằng rễ, gieo hạt, ghép mắt hoặc cành, …Điểm thú vị là rễ mận bám vào đất khá nông, khi bị đứt dễ nảy mầm, mọc thành cây con. Thời điểm thích hợp trồng cây vào khoảng tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Nên dùng rơm phủ quanh gốc mận, vừa giúp giữ được độ ẩm vừa phòng ngừa cỏ dại.

Ngoài ra, để ngừa gãy cành và để quả chín đều, to, đẹp hơn, nhà vườn còn áp dụng phương pháp tỉa quả.

Một số sâu hại và bệnh có thể gây hại cho cây như bệnh chảy gôm, nấm đỏ, mối, sâu đục nõn…

Thu hoạch quả mận

Ra hoa trước hoặc sau tết âm lịch, trước khi ra lá. Mận là loài thực vật cho rất nhiều hoa và sai quả.

Thời gian cho quả có thể kéo dài đến 6 tháng, thường vào thời điểm tháng 6-7. Lúc này, quả mận sẽ chuyển từ xanh sang màu đỏ, vàng, tía…tùy vào giống. Sau khi thu hoạch, cần đốn bỏ cành già, khô héo, để tạo điều kiện cho các nhánh non phát triển.

Thu hoạch quả lúc còn xanh hay đã chín tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Quả để càng lâu trên cây thì hàm lượng đường cũng như khối lượng của nó cũng sẽ tăng theo.

Đối với mục đích phơi khô thì nên hái lúc chín vì lúc này hàm lượng đường cao nhất. Sau đó, đem phơi dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc sấy. Nhiệt độ khoảng 50 độ C, chú ý không nên vượt quá 70 độ C, trong vòng khoảng 36 giờ, độ ẩm còn khoảng 20%. Thông thường, 100kg mận tươi chỉ còn khoảng 30kg mận khô.

Quả mận có vị ngọt, chua nhẹ, mùi thơm đặc trưng.
Quả mận có vị ngọt, chua nhẹ, mùi thơm đặc trưng.

Mô tả toàn cây mận

Thuộc loại thực vật thân gỗ, nhỡ, có cành ngắn, nhẵn, màu nâu đỏ, có thể cao tới 15m. Thân cây xù xì, có gai, mọc thẳng, phân thành nhiều nhánh ở trên.

Lá hình mũi mác, mọc so le, kích thước dài 6-8cm, rộng khoảng 3cm. Phiến lá có gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép có răng cưa, gân nổi rõ… Mặt trên nhẵn, mặt dưới có chút lông mịn ở gân. Lá kèm mảnh, sớm rụng.

Hoa mọc ở kẽ lá, từng nhóm khoảng 3-5 cái, sắc trắng. Cánh hoa hình trứng ngược, gồm 5 cánh. Có 5 răng hình mũi mác, tràng 5 cánh hình trứng nhẵn. Nhị khoảng 30, xếp thành 2 vòng, phần bên ngoài dài hơn bên trong. Chỉ nhị mảnh và hơi phình ở gốc, bầu thượng.

Quả mận hình cầu, dạng hạch, đường kính khoảng 5cm. Vỏ ngoài nhẵn bóng, sắc tím, đỏ, tía, vàng lục…Bên trong có chứa hạt cứng.

Một số loại mận hiện có ở nước ta:

  • Mận Hà Nội: Loại này có lớp thịt dày, hạt nhỏ, ăn vào sẽ có vị giòn rõ.
  • Mận Tả Van: Có kích thước nhỏ hơn các loại khác nhưng màu sắc thịt đỏ đậm, độ giòn vừa phải.
  • Mận cơm: Trồng nhiều tại Lạng Sơn, thường được nhập vào các tỉnh phía Nam, to vừa phải. Khi chín có màu xanh hơi nghiêng vàng. Bên trong, phần thịt trái có màu vàng, vị chua thanh, giòn.
  • Mận Tam Hoa: Quả khi chín sẽ có màu đỏ đậm, hơi tím, vị ngon, ngọt.
  • Mận miền Nam (quả roi): Dạng hình chuông, một đầu nhọt, đầu còn lại có lỗ rốn. Vỏ có nhiều màu sắc như đỏ, trắc… khi ăn giòn, ngọt mát, mọng nước. Bên trong, có hạt màu nâu, khá to.

Bảo quản quả mận

Mận tươi, sau khi thu hái, nên rửa sạch bụi bẩn rồi cho vào bọc kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Đặc biệt, nên đậy kín bao bì sau khi sử dụng, tránh ánh nắng trực tiếp. Riêng mận khô, sẽ sử dụng được lâu hơn.

Giá trị dinh dưỡng của quả mận

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam, trong 100g quả mận chứa:

  • Năng lượng: 20 kcalo
  • Nước 94.1g, chất béo 0.2g, protein 0.6g, glucid 3.9g, chất xơ 0.7g,…
  • Đường 9.92g gồm galactoza, glucoza, fructoza, sacarcoza…
  • Các khoáng chất cần thiết: Canxi 28mg, sắt 0.4mg, magie 7mg, kali 157mg, mangan, kẽm, đồng…
  • Vitamin đa dạng như vitamin C, các loại vitamin nhóm B, E, K…
  • Ngoài ra còn nhiều chất bổ dưỡng khác như betacaroten 96 mcg, purin 24 mg, acid béo no, không no, lysin, phenylalanin, alanin, glutamic, leucin, valin, acid aspartic…

Nhân hạt có chứa amygdalin. Chất này sau khi ăn vào, bị acid dịch vị và men amygdalinase phân hủy thành acid cyanhydric có tác dụng ức chế men cytochrome oxydase. Vì vậy, ăn nhân hạt quá nhiều sẽ gây rối loạn về hô hấp như khó thở, khò khè…

Tác dụng của quả mận

Phù hợp với người bệnh đái tháo đường, béo phì

Qua bảng thành phần, có thể thấy mận thuộc loại trái cây, có lượng calo thấp, giàu chất xơ. Từ đó, làm chậm quá trình hấp thu các chất đường và chất béo trong cơ thể, tăng tiết insulin. Bên cạnh đó, quá trình này cũng sẽ giữ cho đường huyết ổn định hơn, phù hợp với người có các tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân…

Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu

Mận là loại thực phẩm giàu kali (157mg), ion này có tác dụng ổn định nhịp tim, bảo vệ sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, chất béo thấp cũng như chất xơ dồi dào cũng góp phần làm giảm các cholesterol có hại và các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch khác như nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim…

Mận là loại trái cây bổ dưỡng, hỗ trợ hệ tim mạch, tiêu hóa khá tốt...
Mận là loại trái cây bổ dưỡng, hỗ trợ hệ tim mạch, tiêu hóa khá tốt…

Hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngừa táo bón

Chất xơ, đặc biệt là loại không hòa tan, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trước những tác động xấu của acid, các vi khuẩn có hại và làm chúng ta có cảm giác nhanh no, no lâu hơn. Chính vì vậy, mà cảm giác thèm ăn sẽ giảm đi, thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.

Quả mận giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hóa

Một quả mận có thể cung cấp 8% lượng vitamin A, 7% lượng vitamin C… cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Đây đều là những thành phần chống oxy hóa cao, nâng cao sức đề kháng, tạo collagen, chắc mô liên kết. Từ đó mà đẩy lùi quá trình lão hóa, tăng độ đàn hồi cho da, trẻ đẹp lâu dài, giảm cảm cúm.

Lợi cho mắt và thị lực

Các khoáng chất, vitamin như C, A, B, beta carotene… đều là những dưỡng chất tuyệt vời đối với “cửa sổ tâm hồn”. Không chỉ tăng cường thị lực mà con phòng ngừa các bệnh lý của mắt như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể…

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Anthocyanin, một loại sắc tố màu sắc được tìm thấy trong loại trái cây này, vừa giàu khả năng chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do xấu. Từ đó, chúng có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…

Quả mận thân thiện với phụ nữ có thai

Nhờ chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào mà đây là loại thực phẩm khá thân thiện với sản phụ, cho con bú… Bởi chúng sẽ làm giảm tình trạng co thắt tử cung, nguy cơ sinh non, thiếu máu, mạnh xương cốt, giảm stress… Chính nhờ vậy mà bảo đảm được sức khỏe của mẹ, cũng như hạn chế các dị tật bẩm sinh, tăng cường phát triển thể chất lẫn trí tuệ cho thai nhi.

Mận trong Y học cổ truyền

Tính vị:

  • Quả: Vị ngọt chua, tính bình.
  • Nhân hạt: Vị đắng, tính bình
  • Hoa: Vị đắng.
  • Lá: Vị ngọt, chua, tính bình.
  • Rễ: Vị đắng, chát, tính hàn.

Quy kinh: Kinh Can, Thận.

Công dụng:

  • Quả: Thanh nhiệt, giải khát, kích thích tiêu hóa, giảm đau khớp, lợi mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng trong xương,…
  • Nhân hạt: Giảm viêm, hoạt huyết, lợi tiểu, nhuận tràng…
  • Lá: giảm sốt, giảm co giật, giảm sưng…
  • Rễ: Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm tiểu lắt nhắt, tiểu buốt…
Cây mận, đặc biệt là phần quả chứa dồi dào vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
Cây mận, đặc biệt là phần quả chứa dồi dào vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể

Một số lưu ý khi sử dụng quả mận

Là loại trái cây bổ dưỡng, mận có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Tùy theo mục đích như ăn tươi, làm mứt, sấy dẻo, sốt, nước giải khát… Tuy nhiên, khi dùng quá nhiều, với một số cơ địa đặc biệt, loại quả này cũng có thể gây ra vài tác dụng không mong muốn như:

  • Tạo sỏi thận: Do chứa nhiều oxalate, một chất cản trở quá trình hấp thu canxi, gây kết tủa chúng tại thận. Đây chính là nguyên nhân gây ra sỏi đường tiết niệu, sỏi thận. Vì vậy, khi có tiền sử hoặc đang bị sỏi thận, ta nên hạn chế hoặc không ăn quả này.
  • Mỗi ngày, ta không nên ăn quả 10 trái, trung bình khoảng 200g. Bởi khi sử dụng quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, nóng trong người, dễ sinh ra mụn nhọt…
  • Trước khi sử dụng, nên rửa sạch quả dưới vòi nước, ngâm nước muỗi pha loãng khoảng 30 phút. Cách làm này sẽ loại bỏ đi những chất độc, thuốc trừ sâu… còn sót lại.

Một số bài thuốc từ mận

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Quả mận tươi 500g, đem rửa sạch, bỏ hạt, rồi ép lấy nước uống, khoảng 2-3 lần uống/ngày.

Dùng ngoài các vết thương do côn trùng cắn

Hạt mận rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương trong khoảng 5 phút, rồi rửa lại với nước.

Chữa ho, giảm sốt

Lá mận khô 10g, đem sắc uống 2-3 lần/ngày.

Nhuận tràng

Nhân hạt mận, hạnh nhân, đào nhân mỗi loại khoảng 10g, sắc với 600ml còn 200ml, chia 2-3 lần uống/ngày, trong vòng 10 ngày.

Quả mận có thể được chế biến đa dạng như làm mứt, sấy dẻo,...
Quả mận có thể được chế biến đa dạng như làm mứt, sấy dẻo,…

Không chỉ là loại cây ăn quả quen thuộc, gần gũi với chúng ta, quả mận còn là một vị thuốc quý. Với những giá trị dinh dưỡng cao, mận vừa bổ dưỡng, vừa có nhiều công dụng điều trị bệnh hiệu quả. Để phát huy hết các lợi ích, cũng như hạn chế những tác dụng không mong muốn của loại trái cây này, chúng ta nên tham khảo thêm những ý kiến của các bác sĩ, người có chuyên môn y tế…

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.

  2. Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.

  3. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ.

  4. Cây Mận – Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc

    https://baokhuyennong.com/cay-man/

    Ngày tham khảo: 03/06/2021

  5. Quả mận và 15 tác dụng ít người biết

    https://caythuocdangian.com/qua-man/

    Ngày tham khảo: 03/06/2021

  6. The nutritional benefits of eating plumshttp://www.livestrong.com/article/486680-the-nutritional-benefits-of-eating-plums/.

    Ngày tham khảo: 03/06/2021

  7. Health Benefits of Plums During Pregnancyhttps://www.epainassist.com/diet-and-nutrition/health-benefits-of-plums-during-pregnancy

    Ngày tham khảo: 03/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người