Răng sậm màu: Nguyên nhân và giải pháp!
Nội dung bài viết
Một nụ cười trắng sáng luôn là vũ khí lợi hại giúp thu hút ánh nhìn, sự thiện cảm của người đối diện. Do đó có thể nói nó là khởi đầu câu chuyện trong giao tiếp. Tuy nhiên, qua năm tháng, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, răng chúng ta trở nên xỉn màu và ố vàng hơn. Vậy nguyên nhân là gì và giải pháp như thế nào để cải thiện răng sậm màu? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Nguyên nhân gây sậm màu răng.
Màu răng bình thường do yếu tố di truyền quyết định. Răng vĩnh viễn bình thường có màu trắng trong. Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi màu răng. Có 2 nhóm nguyên nhân chính:
1.1 Răng sậm màu do các vết dính sậm màu bám trên bề mặt răng
Trường hợp này xảy ra khi các răng đã mọc. Các vết dính sậm màu có thể do thức ăn, nước uống, thuốc lá. Hay các loại thuốc ngậm, thuốc súc miệng gây ra. Ví dụ như trà, cà phê, nước ngọt, cà ri, màu thực phẩm, trầu, thuốc súc miệng chlorhexidine…
Các vết dính này bám ở hầu hết các bề mặt của răng. Như mặt ngoài, mặt trong và cả những trũng, rãnh ở mặt nhai. Những vết dính này có thể có nhiều màu khác nhau như vàng đậm, nâu nhạt đến nâu đậm. Hay thậm chí có màu đen.
1.2 Răng sậm màu do có các chất sẫm màu nằm bên trong cấu trúc răng
Thuốc kháng sinh: Tetracycline, Doxycycline, Minocycline… là các loại thuốc kháng sinh được dùng khá phổ biến. Nếu người mẹ uống các thuốc này khi đang mang thai hoặc trẻ uống các thuốc này trước 7-8 tuổi thì có thể làm răng đổi màu. Mức độ sậm màu răng tùy thuộc vào thời điểm, thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc. Màu răng có thể trở nên vàng, nâu hay xám xanh. Sự thay đổi màu này có thể xảy ra trên toàn bộ răng hay chỉ ở một vùng nào đó, làm răng có những dải màu khác nhau. Trong trường hợp nặng, răng còn có thể bị lỗ chỗ, khiếm khuyết, mất đi hình dạng bình thường.
Răng nhiễm Fluo: Fluo là một chất hóa học có thể có trong tự nhiên (ví dụ trong nước giếng), vì có khả năng chống sâu răng nên thường được cho thêm vào nước máy, sữa, kem đánh răng…Nếu phụ nữ mang thai hay trẻ em nuốt phải fluo quá nhiều từ các nguồn nói trên, răng sẽ có những vết nâu hay trắng đục. Trường hợp nặng có thể gây khiếm khuyết cấu trúc răng.
Các bệnh lý ở răng: Sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng, chết tủy, là những yếu tố tác động làm ngả màu răng. Sự hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh, cộng với chất cặn bã của thức ăn được lên men trong nước bọt sẽ làm cho men răng bị ảnh hưởng.
2. Làm thế nào để tự ngăn ngừa răng sậm màu?
Bằng cách thực hiện một vài thay đổi lối sống đơn giản, bạn có thể ngăn ngừa sậm màu răng. Ví dụ: cân nhắc cắt giảm, hạn chế hay loại bỏ việc uống cà phê hay hút thuốc. Ngoài ra, cải thiện vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng hàng ngày cũng giúp cải thiện răng sậm màu do các vết dính sậm màu bám trên bề mặt răng.
Nếu răng của bạn có màu sắc bất thường mà không có lời giải thích sẵn sàng, kèm theo các triệu chứng khác, hãy hẹn gặp bác sĩ nha khoa để được khám và tư vấn và điều trị.
3. Lựa chọn điều trị nào để khắc phục tình trạng răng sậm màu?
3.1 Lấy vôi (cao răng)
Thường gọi là lấy cao răng, lấy vôi răng hay làm sạch răng. Đây là phương pháp lấy đi các vết dính sậm màu trên răng bằng dụng cụ cạo vôi và đánh bóng răng. Việc này được thực hiện bởi nha sĩ. Để giữ cho răng được sạch và hạn chế các bệnh viêm nướu, nha sĩ khuyên nên đi lấy vôi răng 6 tháng 1 lần.
3.2 Tẩy trắng răng
Tẩy trắng răng là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng mang lại sự thẩm mỹ toàn diện cho hàm răng bị sậm màu do các vết dính sậm màu bám vào bề mặt răng.
Thời gian điều trị chỉ cần 2 giờ tại phòng khám hoặc 7 ngày tại nhà. Kết quả răng bị vàng cho kết quả tốt hơn răng bị nhiễm màu xám. Hiệu quả từ 2 đến 3 năm. Ưu điểm là an toàn, nhanh chóng, không phải mài răng. Khuyết điểm có thể không đạt độ sáng mong muốn và trong một số trường hợp cần tẩy thêm. Chế độ chăm sóc như bình thường, chỉ hạn chế thực phẩm có màu.
3.3 Trám Composite mặt ngoài.
Thời gian thực hiện 40 phút mỗi răng. Kết quả răng có màu trắng hơn ngay lập tức. Hiệu quả: 5-7 năm. Ưu điểm của phương pháp chỉ cần thăm khám một lần, không đau, mài ít mô, dễ sửa chữa, cảm giác ăn nhai bình thường, chi phí thấp. Khuyết điểm có thể bị mòn và đổi màu sau một thời gian sử dụng, không áp dụng được cho răng bị nhiễm màu trầm trọng, có cảm giác răng dày hơn. Hạn chế thực phẩm có màu, đến nha sĩ vệ sinh định kỳ 3-4 lần mỗi năm.
3.4 Veneer sứ
Thời gian điều trị từ 4 đến 6 ngày (2-4 lần hẹn). Kết quả cho màu răng trắng sáng đẹp tự nhiên. Thời gian sử dụng: 7-12 năm. Ưu điểm bảo tồn hoặc mài rất ít mô răng( để đảm bảo đủ khoảng làm veneer mà không gây hô cho bệnh nhân). Màu răng tự nhiên như răng thật. Khuyết điểm thường điều trị được cho vùng răng cửa, có thể gãy, vỡ khi cắn vật rắn, chi phí cao.
3.5 Răng sứ thẩm mỹ
Thời gian điều trị từ 4 đến 6 ngày (2-4 lần hẹn). Kết quả cho màu răng sáng đẹp tự nhiên, kết hợp chỉnh sửa được hình dạng, trục của răng. Hiệu quả: 10-15 năm. Ưu điểm răng màu tự nhiên, răng cứng chắc giúp ăn nhai tốt, có thể thay đổi hình dạng răng, chỉnh được trục những răng lệch lạc. Khuyết điểm cần mài một phần mô răng và có thể phải điều trị tủy.
4. Kết luận
Mọi người đều xứng đáng có một nụ cười không răng sậm màu, trắng sáng tự nhiên. Hiểu được nguyên nhân, chúng ta đều có thể phòng ngừa và hạn chế các chất gây sậm màu răng. Hoặc hoàn toàn có thể được điều trị để có hàm răng trắng sáng như mong muốn. Vì vậy, việc của chúng ta là lựa chọn phương pháp phù hợp với mình và tự tin tỏa sáng.
Kĩ thuật viên Nguyễn Thị Mên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Dr. Silverman( 22-08-2019), “ Fix Discolored Teeth: Causes, Types, and Most Effective Treatment Options!”, đăng nhập ngày 04-04-2020 tại website https://www.saveteeth.com. 2. DDS.Michael Friedman(09-10-2019), “ Dental Health and Tooth Discoloration”, đăng nhập ngày 04-04-2020 tại website https://www.webmd.com.