YouMed

Rau ngót và công dụng đối với sức khỏe cùng những lưu ý khi dùng

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Rau ngót là một loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Rau ngót không chỉ dùng để ăn mà còn dùng làm thuốc chữa bệnh nếu sử dụng đúng cách. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về công dụng cũng như các lưu ý khi dùng loại rau này nhé.

Giới thiệu chung

Rau ngót còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần.

Tên khoa học: Sauropus androgynus (L) Merr. Họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

Mô tả cây

Cây nhỏ, có thể cao tới 1.5- 2m. Thân nhẵn, nhiều cành, mọc thẳng. Vỏ thân xanh, lục, rồi nâu nhạt.

Lá mọc so le, dài 4 – 5cm, cuống ngắn có 2 lá kèm nhỏ. Phiến lá hình trứng dài hoặc bầu dục, mép nguyên. Hoa đực mọc ở kẽ lá phía dưới, hoa cái ở trên.

Quả nang hình cầu, hạt có vân nhỏ.

Phân bố, thu hái

Rau ngót là cây mọc hoang, được trồng khắp nơi trên nước ta. Thu hái quanh năm.

Lá rau ngót
Rau ngót là loại rau thường dùng trong bữa ăn hàng ngày và được trồng phổ biến ở nước ta

Bộ phận dùng

Lá tươi hái xuống dùng ngay.

Khi làm thuốc thường chọn những cây rau ngót từ 2 năm trở lên.

Thành phần hóa học

Rau ngót chứa 5,3 % protid; 3,4 % glucid; 2,4 % tro. Trong đó chủ yếu là:

  • Canxi 169 mg%.
  • Phospho 64.5 mg%.
  • Vitamin C 185 mg%.

Ngoài ra còn có: Natri, kali, sắt, magiê, đồng, kẽm, mangan, coban, hợp chất phenolic, carotenoid.

Rau có nhiều acid amin cần thiết. Trong 100g rau có:

  • Lysin 0,16g.
  • Methionin 0,13g.
  • Tryptophan 0,05g.
  • Phenylanalin 0,25g.
  • Treonin 0,34g.
  • Valin 0,17g.
  • Leucin 0,24g.
  • Isoleucin 0,17g.

Công dụng của rau ngót

Ăn rau ngót giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Trong lá rau chứa hàm lượng phenolic cao có khả năng trung hòa các gốc tự do.

Gốc tự do là nguyên nhân gây ra rối loạn cân bằng của tế bào. Từ đó dẫn đến các bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh mãn tính khác.

Tác dụng giảm cân của rau ngót

Chất flavonoid tìm thấy trong rau ngót giúp ngừa tăng cân trên chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo. Nghiên cứu cho thấy chuột giảm cảm giác thèm ăn, giảm nồng độ triglycerid tự do trong huyết thanh.

Khi sử dụng lá tươi để giảm cân, ghi nhận tình trạng suy hô hấp, viêm phổi kẽ, viêm tiểu phế quản. Do đó, không khuyến khích dùng lá tươi hoặc nước ép từ lá để giảm cân. Nấu hoặc chần để ăn sẽ tốt hơn.

Rau ngót hỗ trợ giảm cân
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rau ngót có công dụng hỗ trợ giảm cân

Tác dụng kháng khuẩn của rau ngót

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy dịch chiết từ lá rau ngót có thể ức chế:

  • Vi khuẩn gram âm: Klebsiella pneumonia, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa.
  • Vi khuẩn gram dương: Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.

Khả năng kháng viêm và làm lành vết thương của rau ngót

Các nghiên cứu cho thấy rau ngót có tác dụng kháng viêm trên chuột được gây phù chân.

Ngoài ra, dịch chiết từ rau có tác dụng làm lành vết thương và tái tạo biểu mô ở chuột.

Kết quả của nghiên cứu bước đầu cho thấy tác dụng tích cực của loại rau này mở ra hướng nghiên cứu trên người trong tương lai.

Rau ngót giúp tăng tạo sữa mẹ ở phụ nữ cho con bú

Tiêu thụ rau ngót có thể có lợi cho phụ nữ đang cho con bú. Trong một nghiên cứu trên người, chiết xuất từ rau được chứng minh là giúp tăng sản xuất sữa mẹ.

Một nghiên cứu ở Indonesia cho thấy: chiết xuất từ lá rau làm tăng sản xuất sữa mẹ lên đến 50,7% so với giả dược. Hơn nữa, việc tiêu thụ rau còn làm tăng đáng kể hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ.

rau giúp tăng sữa mẹ
Loại rau này được xem là tốt cho phụ nữ sau sinh

Kiêng kị, lưu ý khi dùng

Nhìn chung, rau ngót không độc đối với cơ thể nếu tiêu thụ vừa phải.

Trong lá rau tươi chứa một số chất không có lợi về mặt dinh dưỡng. Trong đó, có các kim loại nặng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, để tránh tác hại này, bạn hãy nấu chín rau và không nên sử dụng nhiều.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, lượng rau tiêu thụ khoảng 50 g/ngày là hợp lý. Do đó, bạn không nên dùng liên tục trong thời gian dài mà nên xen kẽ với các loại rau khác để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

Với phụ nữ mang thai cần lưu ý, rau chứa lượng papaverin – là chất gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, có thể gây sảy thai. Do vậy, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn để tránh tác dụng không mong muốn.

Để tận dụng giá trị dinh dưỡng của rau ngót, bạn cần:

  • Chọn cây có lá mỏng thay vì lá dày mềm hoặc lá xoăn vì có thể phun thuốc trừ sâu trong rau.
  • Trước khi chế biến, cần rửa sạch rau nhiều lần với nước, ngâm với nước muối loãng 15- 20 phút để hạn chế chất độc hại và sâu bệnh.
  • Không nên vò nát rau trước khi nấu vì sẽ làm mất vitamin và khoáng chất trong rau, nên để nguyên lá nấu chín.

Các món ăn, bài thuốc chứa rau ngót

Chữa nứt núm vú

Phụ nữ cho con bú nhất là phụ nữ sinh con lần đầu, da vú chưa đàn hồi tốt nên thường hay bị nứt núm vú gây đau mỗi khi trẻ bú.

Lấy lá rau ngót tươi giã nát vắt lấy nước thấm vào vết nứt sau mỗi lần trẻ bú, có tác dụng dịu mát chỗ nứt và chống nhiễm khuẩn.

Chữa tưa lưỡi

Lá rau ngót tươi rửa sạch giã nát, vắt lấy nước trộn với mật ong.

Lấy gạc chấm vào hỗn hợp trên rồi bôi đều lên lưỡi ngày 3- 4 lần.

Chữa sót nhau thai

Bà mẹ sau sinh con, phụ nữ nạo phá thai, vì nguyên nhân nào đó mà nhau thai còn sót lại trong tử cung và gây nên nhiễm trùng. Trong nước ép rau ngót có nhiều vitamin K có tác dụng cầm máu và vitamin C có tác dụng bền vững thành mạch.

Phụ nữ có thể dùng lá rau ngót tươi, rửa sạch, giã nát, thêm 1 chén nước sôi để nguội. Vắt nước uống 2 lần cách nhau 10 phút. Lưu ý chỉ dùng trong thời gian ngắn. Những trường nặng cần đến khám bác sĩ chuyên khoa sản, không nên tự ý điều trị.

Rau ngót vừa có giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và chữa một số bệnh. Vì thế, đây là một loại thực phẩm quý và là một vị thuốc hiệu nghiệm, bạn có thể bổ sung cho bữa ăn gia đình thêm bổ dưỡng và thanh mát nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Tài liệu tham khảo

Đỗ Tất Lợi, (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học.

Eng Khoo H, Azlan A, Ismaila A, (2015), “Sauropus androgynus leaves for health benefits: Hype and the science“, The Natural Products Journal, 5 (2), pp. 115-123.

Padmavathi P, Rao M P, (1990), “Nutritive value of Sauropus androgynus leaves“, Plant Foods for Human Nutrition, 40 (2), pp. 107-113.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người