YouMed

Ráy tai: cách vệ sinh và lưu ý khi vệ sinh tai

Bác sĩ NGUYỄN QUANG HIẾU
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bất kì ai cũng có ráy tai. Việc lấy chất bẩn ấy ra và vệ sinh tai hằng ngày là việc rất đơn giản, nhưng bạn đã làm đúng cách chưa? Đôi khi chính vì chưa thực hiện đúng cách mà tai bị tổn thương, thậm chí nhiễm nấm và có khi còn nặng nề hơn. Vậy bạn cần biết những gì về ráy tai? Xin theo dõi bài viết bên dưới.

1. Ráy tai là gì?

Ráy tai được tạo ra bởi các tế bào lót trong ống tai và có tác dụng bảo vệ ống tai bằng cách giữ cho ống tai sạch sẽ và khỏe mạnh. Chúng chỉ trở thành vấn đề nếu nó gây suy giảm thính lực hoặc các triệu chứng liên quan đến tai khác.

2. Nguyên nhân tích tụ và cơ chế tự loại bỏ của cơ thể

Ráy tai thường tự đào thải ra ngoài. Cấu tạo của ống tai có chiều hướng xuống ở 1/3 trong, điều đó cho phép chúng được đào thải tự nhiên theo trọng lực. Ngoài ra, mỗi khi cơ thể chuyển động, độ rung lắc của cơ thể cũng giúp chúng tịnh tiến ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu có sự cản trở chuyển động bình thường của ráy tai, nó có thể tích tụ trong ống tai. Kể cả trường hợp một ráy tai hình thành trước đó bị mắc kẹt, tạo thành khối chặn, và ngày càng tích tụ thành khối to hơn.

Nút ráy tai
Nút ráy tai

Việc tích tụ ráy tai này có thể xảy ra vì nhiều lý do như:

2.1. Việc sản xuất quá mức ráy tai

Dù muốn hay không thì một số người gặp rắc rối, khi cơ thể họ tự sản xuất ráy tai nhiều hơn một số người khác. Một số yếu tố nghề nghiệp hay bệnh lý đặc biệt kích thích sản xuất chúng nhiều hơn. Việc không vệ sinh tai thường cũng khiến chúng tích tụ nhanh hơn.

2.2. Dụng cụ đặt vào tai

Máy trợ thính là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Máy trợ thính vô tình trở thành một nút cản trên đường tống xuất bình thường của ráy tai. Từ đó tạo nên các ráy tai ngày càng lớn. Thậm chí ráy tai lớn có thể gây giảm thính lực đáng kể ở người dùng lâu ngày.

Tai nghe, nhất là những loại tai nghe trong đặt trong vành tai và ống tai. Hoạt động của âm thanh cường độ lớn và việc cản trở của tai nghe cũng là nguyên nhân gây ráy tai. Nguyên nhân này ngày càng phổ biến hơn, nhất là ở bộ phận giới trẻ, thường thích đeo tai nghe để nghe nhạc thông qua các thiết bị điện tử.

Một tình trạng khác cũng phổ biến tại Việt Nam là nút tai và tục lệ kiêng sau sinh. Các sản phụ sau sinh thường có thói quen hay thậm chí bị bắt nhét một khối bông gòn vào hai bên tai. Đây là tục lệ cổ với quan niệm “tránh gió độc” sau sinh. Thực ra không có cơ gió độc nào cả mà các nhiễm trùng sau sinh ngày xưa là do tình trạng vệ sinh kém và phạm vô khuẩn khi thực hiện chuyển dạ. Ngày nay kĩ thuật đã tiên tiến và vệ sinh hơn, đã khắc phục điều đó. Việc nhét tai bằng bông gòn chỉ mang tính chất an tâm cho sản phụ (hoặc người nhà).

2.3. Sử dụng sai dụng cụ lấy ráy tai

Tăm bông cũng gây ráy tai. Chắc mọi người không ngờ đến điều này khi đọc đến đây. Tăm bông vẫn được bày bán phổ biến trên thị trường và người mua cũng dễ dàng mua được ở các tiệm tạp hóa bình thường. Tuy nhiên việc vệ sinh tai sai cách lại vô tình đẩy chúng vào sâu bên trong ống tai, tạo nên các ráy tai to hơn. Sai lầm trong việc vệ sinh tai là bạn thường dùng que tăm bông này đưa trực tiếp vào tai, rồi cứ thế mà ngoáy. Du cảm giác đem lại thích thú nhưng động tác đó đẩy những ráy tai từ bên ngoài vào sâu bên trong hơn. Rồi từ đó lại hình thành các ráy tai ở sâu bên trong ống tai.

2.4. Lông tai

Lông tai là điều khó chịu của một bộ phận dân số. Một số người hình thành lông tai khá nhiều và rậm rạp. Đó tuy là lớp bảo vệ tai tránh các dị vật từ bên ngoài nhưng lại cản trở việc đào thải tự nhiên. Đối với những cá nhân có lớp lông tai nhiều, việc vệ sinh và cắt tỉa thường xuyên sẽ tốt hơn cho thính giác của họ.

Lớp biểu lông và biểu bì trong tai là lớp lông mịn. Chúng góp phần đưa ráy tai ra ngoài. Nhưng nếu xảy ra sự bất thường của lớp biểu bì cũng khiến quá trình này bị đình trệ. Các bệnh viêm nhiễm vùng vai cũng khiến lớp biểu bì bị tổn thương.

2.5. Dị vật tai khác

Dị vật tai hiếm gặp hơn. Có thể là bụi hoặc côn trùng hoặc xác côn trùng mắc kẹt trong tai. Khi không được lấy ra sẽ gây nên ráy tai và viêm nhiễm khác. Tuy nhiên nếu có dị vật thường rất dễ nhận biết do gây khó chịu cho người mắc dị vật. Thậm chí một số dị vật gây viêm nhiễm và vi nấm. Thậm chí có thể gây đau đớn và rối loạn chức năng tiền đình nông.

2.6. Sau phẫu thuật vùng tai, ống tai rộng hoặc quá hẹp

Ống tai đã trải qua phẫu thuật hay ống tai rộng cũng dễ gây tích tụ. Các dị tật khác của ống tai cũng khiến quá trình loại bỏ ráy tai tự nhiên gặp trở ngại.

>> Xem thêm: Nút ráy tai : Có thể gây ra những khó chịu gì?

3. Tại sao phải loại bỏ ráy tai

Ráy tai tuy được cơ thể tạo ra như là một sản phẩm để bảo vệ tai nhưng nó cũng là nguyên nhân gây nhiều vấn đề cho sức khỏe con người.

  • Chúng có nhiều khả năng tích tụ và gây suy giảm thính lực khi bị ngăn chặn. Đôi khi nó gây chèn ép và các khó chịu về tai khác. Mất thính lực do tác động của ráy tai có thể gây khó chịu và căng thẳng, nếu không được điều trị, có thể góp phần vào sự cô lập xã hội và trầm cảm.
  • Chúng có thể che khuất lỗ tai một cách trực quan và có thể cần phải lấy ra để chẩn đoán trong các cuộc kiểm tra thính lực. Ráy tai khi đó sẽ được kiểm tra và loại bỏ để test được chính xác. Ráy trong ống tai cũng có thể ngăn cản việc khám lâm sàng đầy đủ của tai, làm chậm trễ việc đánh giá và xử trí. Ví dụ, bác sĩ thính học không thể kiểm tra thính lực hoặc kê đơn và lắp máy trợ thính. Lẽ dĩ nhiên, bác sĩ không thể kiểm tra màng nhĩ nếu ống tai bị tắc nghẽn bằng ráy tai.
  • Nó cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tai ngoài (viêm tai ngoài).

4. Cách loại bỏ ráy tai

Dùng tăm bông không đúng cách có thể gây hại hơn bạn tưởng
Dùng tăm bông không đúng cách có thể gây hại hơn bạn tưởng

4.1. Làm mềm sáp

Đây được xem là bước quan trọng nhất. Thông thường ta hay quên mất bước này. Đối với vài người thì việc này cũng có một chút khó chịu.

Bản chất của chúng là chất sáp, một loại chất béo nên có nhiều cách làm mềm ráy tai. Bạn có thể nằm nghiêng một bên, nhỏ vào ống tai mình vài giọt nước, hydrogen peroxide (quen gọi với tên thương mại oxy già), chất dầu khoáng, dầu em bé hay glycerin. Thông thường ở Việt Nam, bạn có thể dễ dàng mua và sử dụng dung dịch oxy già. Nước muối sinh lý cũng là một lựa chọn.

Sau khi nhỏ vào một bên ống tai, nghiêng đầu, nằm yên khoảng 1-3 phút rồi bắt đầu dùng dụng cụ lấy ráy tai. Theo tính chất hóa học thì các chất gốc dầu sẽ làm mềm và hòa tan chúng nhanh hơn. Tuy nhiên không có khuyến cáo cụ thể về các dung dịch làm mềm tai.

Một cách đơn giản và thậm chí dân gian hơn, tuy không đảm bảo nhưng độ hiệu quả không nhỏ. Đó là dùng nước ấm hoặc lấy rái tai sau khi tắm xong.

4.2. Dùng dụng cụ lấy ráy tai

Ở nước ngoài, có dụng cụ làm sạch tai dạng ống bơm có bầu cao su. Dùng nước ấm để rửa liên tục bên tai và sau đó để nước ấm vào ống tai của bạn vài lần.

Trong khi ở Việt Nam, hiếm có dụng cụ này. Thường chỉ có mặt ở các phòng khám tai mũi họng. Bạn có thể dùng ống ống tiêm 5mm đã loại bỏ kim tiêm để sử dụng như giải pháp thay thế.

Tại một số nơi có dụng cụ rửa tai bằng máy phun. Việc dùng máy phun cũng không được khuyến cáo. Lý do là áp lực của máy phun khi bơm rửa có thể khó điều chỉnh. Việc sử dụng máy phun để bơm rửa thường chỉ có mặt tại các phòng khám tai mũi họng.

Lấy ráy tai với dụng cụ đã qua sử dụng tiềm ẩn mối nguy hiểm
Lấy ráy tai với dụng cụ đã qua sử dụng tiềm ẩn mối nguy hiểm

4.3. Làm khô ống tai

Làm khô ống tai của bạn sau khi thực hiện. Dùng bông gòn hoặc khăn mềm lau nhẹ vành tai. Sau đó nghiêng tai về một bên, để khăn bên tai đó. Chờ sau khoảng 1-3 phút để ống tai khô ráo.

Các cách làm khô khác như máy sấy hay máy thổi không được khuyến cáo sử dụng.

V. Một vài lưu ý khi loại bỏ ráy tai

Tại Việt Nam có các dụng cụ lấy ráy tai có hình dáng như đầu móc, bằng kim loại hoặc bằng nhựa. Các dụng cụ này thường có bề mặt tiếp xúc không được đảm bảo vệ sinh. Có thể làm trầy xướt vùng da trong ống tai hoặc thậm chí tổn thương màng nhĩ. Các dụng cụ này cũng được sử dụng lại nhiều lần, do đó dễ gây viêm nhiễm giữa những người dùng chung dụng cụ với nhau.

Ở một số cơ sở hớt tóc tại Việt Nam, đôi lúc có cả dịch vụ lấy ráy tai. Có thể đem lại cảm giác thoải mái nhưng cần đảm bảo dụng cụ đó chỉ được sử dụng 1 lần, không dùng chung cho nhiều người. Và người thực hiện cũng cần hiểu rõ và thấy rõ phần ráy tai khi thực hiện.

Tăm bông vệ sinh tai được sử dụng khá phổ biến, không chỉ tại Việt Nam, mà cả nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên dụng cụ đó khi dùng sai cách lại vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn bên trong.

Đối với một số người có phần lông tai mọc “rậm rạp” hơn người khác cũng cần được tẩy lông và vệ sinh tai thường xuyên hơn.

Những người phải sử dụng các thiết bị nghe nhạc như tai nghe gắn trong và máy trợ thính, nên thường xuyên vệ sinh tai.

>> Xem thêm: Tắc do ráy tai và cách phòng ngừa

Hiểu về ráy tai khá đơn giản. Việc vệ sinh tai và lấy ráy tai cũng vậy. Tuy nhiên để làm đúng cách cũng không phải đơn giản. Hiểu và làm đúng để có cách vệ sinh tai hợp lý và đúng cách sẽ bảo vệ thính giác của bạn tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536541/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4356173/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6513655/
  •  

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người