Bạn đã hiểu gì về rối loạn đường huyết lúc đói?
Nội dung bài viết
Rối loạn đường huyết lúc đói là mối nguy cơ tiềm ẩn của hàng loạt những bệnh nền khó kiểm soát. Dẫu vậy, tình trạng này lại không hề có một biểu hiện cụ thể nào. Chúng ta thường chủ quan về tầm quan trọng của chỉ số này. Trong bài viết này, ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ cung cấp những thông tin cụ thể và dễ hiểu nhất về rối loạn đường huyết này nhé. Kính mời bạn đọc tìm hiểu.
Đôi nét về đường huyết
Cơ thể là một cấu trúc kỳ diệu. Mọi cơ quan đều có chức năng riêng biệt và phối hợp hài hòa với nhau. Để thực hiện những chức năng này, chúng rất cần năng lượng. Một trong những nguồn năng lượng thiết yếu chính là đường huyết (glucose).
Khi bạn ăn bất kỳ món gì, cơ thể tiếp nhận và chuyển hóa. Insulin từ tuyến tụy nhận được tín hiệu lượng đường tăng cao trong máu. Sau đó, chúng điều phối nguồn năng lượng này cung cấp cho tế bào hoạt động. Chính vì vậy, đường huyết luôn thay đổi và duy trì ở mức cân bằng.
Cơ chế rối loạn đường huyết lúc đói
Tình trạng cơ thể không đảm bảo đường huyết ở mức bình thường khi đói chính là rối loạn đường huyết lúc đói. Nguyên nhân của rối loạn này xuất phát từ tuyến tụy. Ngoài insulin, tụy còn tiết ra glucagon điều hòa lượng đường lúc ta đói.
Khoảng 4-6 giờ sau mỗi bữa ăn, đường huyết sẽ dần giảm xuống. Lúc này, tụy tiết ra glucagon phát tín hiệu cho gan và các tế bào giải phóng glycogen dự trữ. Lượng glycogen này sẽ chuyển thành glucose tiếp tục cung cấp năng lượng. Toàn bộ quá trình kiểm soát đường là sự hài hòa của insulin và glucagon.
Do đó, rối loạn này xảy ra khi sự hài hòa trên đã bị phá vỡ do đường đã có quá nhiều trong máu.
Rối loạn đường huyết lúc đói là gì?
Mức đường huyết lúc đói cao hơn mức bình thường cho thấy rối loạn. Chỉ số đo lúc này được gọi tên là glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG). Người được đo phải nhịn ăn, không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi. Thường nhịn đói qua đêm, từ 8-14 tiếng. Để cụ thể hóa, các bác sĩ đã đưa ra khuyến nghị như sau:
Đường huyết đo vào buổi sáng lúc đói ít nhất 8 tiếng: 5.5 – 7 mmol/L (99 – 126mg/dL).
Theo đó, rối loạn này cho thấy lượng đường huyết của bạn đang tăng cao ngay cả khi không ăn gì. Tình trạng đó nếu kéo dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Mức đường huyết lúc đói bị rối loạn cho thấy điều gì?
Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tiểu đường nên đo nhiều thời điểm trong ngày. Và trong đó, có chỉ số đường huyết lúc đói. Ngay cả ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị vẫn có hiện tượng rối loạn đường huyết lúc đói. Tùy theo đối tượng khác nhau, đường huyết lúc đói sẽ có ý nghĩa khác nhau:
Người khỏe mạnh có rối loạn đường huyết lúc đói
Khi đo chỉ số đường huyết cao hơn ngưỡng, rất có thể bạn đang có tình trạng rối loạn. Đây là một chỉ dấu nguy cơ bệnh đái tháo đường. Bạn cần kiểm soát lại chế độ ăn và sinh hoạt. Cần kiêng đồ ngọt, nâng cao chất lượng giấc ngủ,…
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 có rối loạn đường huyết lúc đói
Kiểm tra đường huyết trước bữa ăn ở những người bệnh này sẽ xác định xem đã tiêm đủ liều lượng cho bữa ăn trước đó chưa. Nếu thực hiện trước buổi ăn sáng, con số đường huyết lúc đói sẽ cho biết liều insulin đủ trong đêm qua hay không. Nếu tiêm quá ít, sẽ xảy ra tình trạng rối loạn đường huyết, kết quả sẹ tăng cao và ngược lại.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có rối loạn đường huyết lúc đói
Đối với những bệnh nhân này, xét nghiệm đường huyết trước ăn sẽ đánh giá liều thuốc, mức độ cơ thể đáp ứng với thuốc. Đồng thời cho thấy chế độ ăn uống có điều độ hay không. Nếu bạn ăn uống đúng, uống thuốc đều mà vẫn có rối loạn đường huyết, cần điều chỉnh thuốc ngay.
Mức đường huyết lúc đói chuẩn
Theo NICE, mục tiêu đường huyết lúc đói được áp dụng như sau:
- Bệnh tiểu đường type 2: 4 – 7 mmol/L.
- Bệnh tiểu đường type 1: 4 – 7 mmol/L.
- Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em: 4 – 8 mmol/L.
Đây là chỉ số bạn có thể ứng dụng sau mỗi lần đo tại nhà hay khám tại bệnh viện.
Các xét nghiệm khác chẩn đoán rối loạn đường huyết
Hiện nay có nhiều phương tiện khác nhau đo lượng đường trong máu đồng thời có nhiều thời điểm đo khác nhau. Vì thế, có nhiều cách chuẩn hóa khác nhau về chỉ số này. Ngoài đo đường huyết còn có 2 cách khác là:
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nghiệm pháp này thực hiện cần nhịn đói từ nửa đêm, ít nhất 8 tiếng. Dùng 75g glucose hay tương đương hòa tan với 250 – 300ml nước, uống trong 5 phút. Sau đó 2 tiếng, thực hiện đo. Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn khẩu phần 150-200g carbohydrate (tinh bột) 3 ngày trước khi đo. Điều này khác cầu kỳ nên dần được lược bỏ.
HbA1C
Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm Hemoglobin A1c, xét nghiệm hemoglobin glycated, xét nghiệm glycohemoglobin. Dù cho gọi tên như thế nào thì bản chất đây vẫn là tỷ lệ hồng cầu có huyết sắc tố gắn glucose và đo tại bệnh viện.
Những giá trị trên sẽ giúp bạn đa dạng hóa các xét nghiệm nếu phát hiện có rối loạn chỉ số đường huyết lúc đói.
Gợi ý những cách kiểm soát đường huyết
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần
Hãy dành thời gian cho riêng bạn. Đi bộ, chạy xe đạp, nghỉ giải lao thường xuyên để thư giãn. Đồng thời, chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng giấc ngủ. Bằng cách duy trì nhịp sinh học đều đặn, đúng giờ, chúng ta có thể ngủ ngon hơn. Từ đó, tinh thần thoải mái hơn. Đường huyết cũng sẽ không tăng cao do những căng thẳng đã được đẩy lùi.
Cân bằng dinh dưỡng
Đảm bảo cân bằng các nhóm thực phẩm: đạm, đường và béo đảm bảo năng lượng và vi chất cho cơ thế. Hạn chế ăn khuya. Đồng thời hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, thức ăn nhanh, bánh kẹo,… Lượng đường tạo ra từ những thực phẩm nhân tạo này khó được kiểm soát khi vào cơ thể.
Rối loạn đường huyết lúc đói là dấu hiệu cần thận trọng ở cả người khỏe mạnh và người bệnh đái tháo đường. Ý nghĩa của chỉ số này giúp ta theo dõi đường huyết hiệu quả. Bất kỳ bất thường nào cũng cần giải quyết ngay. Lối sống khoa học kết hợp chế độ ăn lành mạnh sẽ là kim chỉ nam cho đường huyết ổn định.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How Insulin and Glucagon Workhttps://www.healthline.com/health/diabetes/insulin-and-glucagon
Ngày tham khảo: 18/07/2021
-
CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNGhttp://daithaoduong.kcb.vn/chan-doan-dai-thao-duong/
Ngày tham khảo: 18/07/2021
-
Infographic: A1C chart: Diabetes numbers by age, levels, and morehttps://www.medicalnewstoday.com/articles/a1c-chart-diabetes-numbers#how-it-works
Ngày tham khảo: 18/07/2021
-
Pre and Post Meal Testinghttps://www.diabetes.co.uk/features/pre-and-post-meal-testing.html
Ngày tham khảo: 18/07/2021