YouMed

Cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hàng ngày là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần vào điều trị và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu về cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường qua bài viết dưới đây nhé!

Những điều cần chuẩn bị

 Xác định đối tượng mắc bệnh cần chăm sóc

Mục tiêu điều trị các bệnh mãn tính hiện nay là cá thể hóa điều trị cho mỗi bệnh nhân. Tức là sẽ có cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường khác nhau tùy tình trạng từng người bệnh. Một số đối tượng mắc đái tháo tháo đường cần lưu ý khi chăm sóc là:

Trẻ nhỏ

Tiểu đường ở trẻ em thường là tiểu đường type 1, do cơ thể không tiết đủ Insulin. Bệnh có thể gây biến chứng và triệu chứng nguy hiểm nhanh theo sự thay đổi đường huyết. Do đó việc đảm bảo phát hiện sớm và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Ngoài ra trẻ em cũng hiếu động và hoạt động nhiều nên rất dễ bị các vết thương. Việc chú ý các vết thương ở trẻ cũng rất quan trọng và cần lưu ý.

Người lớn tuổi

Đái tháo đường ở người lớn tuổi thường là đái tháo đường type 2, diễn tiến lâu dài. Vì vậy chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường là người lớn tuổi cần đảm bảo việc tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đồng thời còn phải xây dựng chế độ sinh hoạt, chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tầm soát các biến chứng.

Thai phụ

Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ hoặc đã có đái tháo đường trước đó mang rất nhiều nguy cơ trong thai kỳ. Chăm sóc thai phụ đái tháo đường cần chú trọng chế độ ăn để kiểm soát nghiêm ngặt biến động đường huyết. Các bà mẹ cần khám thai đúng hẹn để làm các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.

Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường theo từng đối tượng
Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường theo từng đối tượng

Trang bị kiến thức về bệnh đái tháo đường

Cả bệnh nhân và người nhà cần chủ động trang bị kiến thức về bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, không nên học các mẹo dân gian mà nên trực tiếp hỏi sự tư vấn từ bác sĩ. Có kiến thức sẽ giúp quá trình chăm sóc khoa học và chủ động, khoa học hơn. Đồng thời góp phần hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Cách chăm sóc người bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh mãn tính nên quá trình điều trị là kéo dài suốt đời. Muốn được vậy cần sự chăm sóc toàn diện về cả sức khỏe và tinh thần từ chính bản thân bệnh nhân và người nhà và tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ.

Quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng người bệnh

Sự quan tâm chia sẻ của người thân rất quan trọng đối với bệnh nhân. Nhất là các đối tượng như người già, trẻ em và thai phụ. Thân nhân nên chủ động trang bị kiến thức về bệnh để có thể chăm sóc tốt hơn.

Nên lắng nghe và chia sẻ với người bệnh vì họ rất dễ bị stress. Khuyên bệnh nhân những điều đúng đắn, nên làm có lợi cho sức khỏe. Vì đây sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất để chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường.

Xây dựng chế độ ăn uống

Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng. Tuy phải hạn chế lượng tinh bột ăn vào, nhưng cũng nên đảm bảo đa dạng nhóm thực phẩm:

  • Ăn nhiều rau xanh giàu chất xơ và vitamin, chứa ít tinh bột nên tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Đồng thời còn giúp kích thích hệ tiêu hóa và giảm táo bón.
  • Thịt từ cá thường có ít chất béo bão hòa hơn các loại thịt đỏ và thịt gia cầm. Một số loại cá tốt cho người bệnh đái tháo đường là cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ,…
  • Hạn chế ăn quá nhiều tinh bột. Không ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp.
  • Bổ sung các chất béo lành mạnh cho cơ thể. Các thực phẩm như bơ, quả óc chó, hạnh nhân, dầu ô liu chứa chất béo không bão hòa tốt cho cơ thể.
Xây dựng thực đơn lành mạnh vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường
Xây dựng thực đơn lành mạnh vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường

Xây dựng thói quen sống, tập luyện thể dục

Chăm sóc người bệnh đái tháo đường cần chú ý đến hoạt động thể dục. Vận động giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm mỡ máu… Người nhà nên sắp xếp tập thể dục cùng bệnh nhân để tăng động lực và nâng cao sức khỏe bản thân.

  • Đi bộ rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Điều này có thể kiểm soát tùy sức khỏe mỗi người. Bệnh nhân nên đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày và 3 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.
  • Yoga giúp cơ xương khớp dẻo dai, tăng cường sức bền của cơ thể. Ngoài ra tập luyện yoga còn giúp giải tỏa căng thẳng và tinh thần thoải mái.

Mức độ tập luyện nên được nâng cao dần từ thấp lên cao tránh quá sức. Nên kiểm soát đường huyết trước và sau tập luyện tránh hạ đường huyết.

Kiểm tra lượng đường trong máu

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường sẽ không thể bỏ qua bước kiểm tra lượng đường trong máu mỗi ngày.

Tùy theo chế độ ăn và các thuốc đang sử dụng mà tần suất kiểm tra đường huyết sẽ thay đổi. Không phải cứ đường huyết thấp là tốt. Nếu nhịn ăn có thể gây các biến chứng nguy hiểm do hạ đường huyết. Ngoài ra cũng nên thử đường nếu có các dấu hiệu gợi ý tăng hay hạ đường:

Hạ đường huyết thường gây chóng mặt, buồn ngủ, đổ mồ hôi, run rẩy, nhức đầu, đói bụng… Khi ấy cần cho bệnh nhân ngậm một viên kẹo ngọt, uống nước pha với 3 muỗng đường. Các loại này có thể hấp thụ nhanh vào máu giúp đường tăng trở lại.

Tăng đường huyết thường gây khát nước, đi tiểu nhiều lần, sụt cân, kiệt sức, khô miệng.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên để có thể can thiệp kịp thời
Kiểm tra đường huyết thường xuyên để có thể can thiệp kịp thời

Chú ý việc uống/tiêm thuốc của người bệnh

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường từ uống cho tới tiêm. Tùy theo tình trạng và diễn tiến bệnh mà mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng. Người nhà cần lưu ý nhắc nhở bệnh nhân dùng thuốc đầy đủ theo y lệnh bác sĩ. Đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi, quá liều có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

Không nên ép buộc bệnh nhân

Người nhà thường hay bắt ép bệnh nhân mà hãy để họ được lựa chọn và khuyên những điều đúng đắn. Ép buộc quá nhiều khi gây phản ứng ngược lại về mặt tâm lý. Người bệnh khá nhạy cảm và nếu quan tâm thái quá có thể làm họ cảm như một người khiếm khuyết.

Cùng thay đổi thói quen với người bệnh

Mục tiêu thay đổi thói quen và sở thích là một việc rất khó khăn. Nhưng việc thay đổi có thể dễ dàng và đỡ nhàm chán hơn nếu người bệnh có bạn đồng hành.

Hơn nữa, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho người bệnh mà còn tốt cho tất cả mọi người. Như thế họ sẽ có thêm động lực và niềm vui trong quá trình điều trị bệnh.

Sự đồng hành của người thân rất quan trọng với người bệnh
Sự đồng hành của người thân rất quan trọng với người bệnh

Khuyến khích sự tự lập nhưng vẫn theo dõi

Điều này nên áp dụng cho những người đái tháo đường còn khỏe mạnh và còn có thể tự chăm sóc cho mình. Không ai chăm sóc tốt cho người bệnh bằng chính bản thân họ.

Nên trang bị đầy đủ kiến thức để bệnh nhân có thể chăm sóc tốt hơn. Sự dõi theo của người thân vừa tạo động lực vừa đảm bảo bệnh nhân làm những điều đúng đắn. Đây mới là cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường đúng đắn.

Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường là quá trình khoa học, toàn diện và lâu dài. Để có thể đảm bảo sức khỏe cần sự đồng lòng của bác sĩ, bệnh nhân và người thân. Có như vậy mới có thể hạn chế tác hại của đái tháo đường lên sức khỏe.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Diabetes care: 10 ways to avoid complicationshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20045803

    Ngày tham khảo: 16/06/2021

  2. Diabetes: A Caregiver's Checklist for Daily Carehttps://www.webmd.com/diabetes/diabetes

    Ngày tham khảo: 16/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người