YouMed

Rối loạn khứu giác: Bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Rối loạn khứu giác là gì? Nguyên nhân do đâu và liệu tình trạng này có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của ThS.BS chuyên khoa Tai – Mũi – Họng Trần Thanh Long nhé!

Ở một người khỏe mạnh bình thường, khứu giác có thể phân biệt khoảng 10.000 mùi. Mùi sẽ kích thích tuyến nước bọt vì khứu giác – vị giác có liên quan đến nhau. Tuy nhiên, suy giảm các giác quan này rất phổ biến, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt khi chúng liên quan đến bệnh nhân cao tuổi. Không ngửi được mùi có thể gặp tai nạn do ngộ độc khí ga, các vụ cháy nổ… Ngoài giảm khứu sinh lý do tuổi, còn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác có biểu hiện rối loạn khứu giác ở người lớn tuổi. 

Nguyên nhân gây mất khứu giác

1. Mất khứu do viêm nhiễm

Nguyên nhân thường gặp của mất khứu vĩnh viễn là viêm nhiễm đường hô hấp trên nghiêm trọng. Siêu vi (virus) làm tổn thương lớp tế bào thần kinh trong hốc mũi. Nguyên nhân này hiếm thấy ở người dưới 45 tuổi. Tình trạng mất khứu thường xảy ra ở nam sớm hơn nữ. Biểu hiện của tình trạng này làm người cao tuổi thường than phiền thức ăn không có mùi vị gì. Đó cũng được xem như nguyên nhân lớn gây tử vong ở người cao tuổi do hít hơi độc. 

Một số giải thích khác về nguyên nhân gây mất khứu liên quan đến tuổi cao như tình trạng nhiễm nhiều lần siêu vi, vi trùng, hơi độc trong không khí… Những điều này làm tổn thương lớp biểu mô thần kinh khứu kéo dài. Một khi thần kinh khứu bị tổn thương thì chỉ cần một tác nhân nhỏ, đột ngột như cảm lạnh cũng có thể gây ra mất khứu vĩnh viễn.  

Một số trường hợp mất khứu ở tuổi cao do mảnh sàng trở nên cứng hơn, gây ra cản trở sợi thần kinh khứu giác đi xuyên qua để lên não. 

Rối loạn khứu giác
Rối loạn khứu giác

2. Mất khứu do chấn thương

Nguyên nhân thường thấy thứ hai: rối loạn khứu giác sau chấn thương đầu. Khoảng 7 – 5% bệnh nhân bị chấn thương đầu gây giảm khứu nặng hoặc mất hẳn khứu giác. Đa số những ca này do mảnh sàng bị vỡ, làm đứt đoạn sợi thần kinh khứu giác. 

Đụng dập não cũng có thể gây ra rối loạn khứu. Một số người có thể hồi phục khứu sau khi điều trị máu tụ hay tình trạng phù não giảm đi. 

3. Giảm khứu kéo dài do bệnh mũi xoang mạn tính

Nguyên nhân thứ ba gây mất khứu kéo dài là bệnh lý ở mũi xoang như pô-líp hay phản ứng viêm do dị ứng. Điều này được giải thích đơn giản như sau: cùng với tình trạng nghẹt mũi của người bệnh thì các phân tử mùi bay trong không khí sẽ không vào được vùng khứu giác.

Với những trường hợp này, phẫu thuật cắt bỏ pô-líp mũi hoặc dùng thuốc kháng viêm dạng xịt tại mũi theo chỉ định của bác sĩ có thể cải thiện tình trạng ngửi mùi. Tuy nhiên, tình trạng viêm mũi xoang mạn tính có thể gây mất khứu vĩnh viễn ở một người hoàn toàn khỏe mạnh. 

Rối loạn khứu giác

Ngoài ra, tình trạng rối loạn khứu giác ở người cao tuổi còn có nhiều nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như:

  • Bẩm sinh.
  • U màng não vùng rãnh khứu, u não thùy trán.
  • Sau xạ trị ung bướu.
  • Suy dinh dưỡng hay rối loạn dinh dưỡng trong xơ gan, thiếu vitamin B1.
  • Bệnh nội tiết như: bệnh Addison, đái tháo đường, hội chứng Kallmann.
  • Động kinh.
  • Bệnh suy thận mạn.

Rối loạn khứu giác là gì?

Ngày nay, với khả năng đánh giá khả năng khứu giác với nhiều thử nghiệm đủ tiêu chuẩn. Chúng ta có thể biết triệu chứng khứu giác trong các bệnh thần kinh, tâm thần.

Bệnh tâm thần có thể làm giảm khả năng khứu giác của bệnh nhân như trong tâm thần phân liệt. Những bảng điểm đo lường khách quan khả năng phân biệt mùi theo diễn biến bệnh giúp bác sĩ điều trị đánh giá được bệnh nhân đang trong giai đoạn kịch phát hay lui bệnh.

Khoảng 90% bệnh nhân Parkinson vì những lý do chưa rõ, bị mất khứu còn nhiều hơn triệu chứng run điển hình của bệnh. Mất khứu trong bệnh này không đáp ứng điều trị cũng không thay đổi theo thời gian. 

Ở người cao tuổi, hai bệnh khó phân biệt nhất là bệnh Alzheimer với trầm cảm. Nhưng gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy dùng thử nghiệm nhận dạng mùi 3 hạng mục rất hiệu quả. Thử nghiệm trên 1604 bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, cho thấy có thể tiên đoán được mức suy thoái tri giác trước 2 năm. 

Ở những người bị bệnh đa xơ cứng, mất khứu liên quan chặt chẽ đến số lượng mảng xơ trong não. Đặc biệt ở thùy dưới thái dương và thùy dưới trán. Những vùng này liên quan đến trung tâm xử lý khứu giác trung ương.

Cách chẩn đoán rối loạn khứu giác

Khi đến khám, các bác sĩ sẽ khai thác kỹ lưỡng bằng các câu hỏi liên quan:

  • Tính chất: mất khứu, giảm khứu, ảo khứu, loạn khứu?
  • Tiền sử chấn thương đầu? Nhiễm trùng hô hấp trên? Bệnh lý liên quan mũi xoang?
  • Tiền sử mắc các bệnh lý nội khoa khác?
  • Đã dùng thuốc gì trước đó?

Bác sĩ sẽ khám, có thể kết hợp với nội soi Tai Mũi Họng, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để tìm các bệnh lý xoang hay khối u trong não. Đồng thời thử nghiệm nhận dạng mùi trên bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác tùy tình trạng bệnh nhân.

Rối loạn khứu giác

Ngoài ra, người bệnh còn có thể được khám tâm thần hoặc thử nghiệm bệnh lý tâm thần kinh khác…

Cơ quan khứu giác đem đến nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Từ việc cảm nhận mùi thức ăn hay hương thơm… Khứu giác còn có chức năng bảo vệ khi nó giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện được những nguy hiểm gần kề như mùi khí ga rò rĩ, mùi xăng chảy, mùi khói độc… Vậy nên, sẽ rất nguy hiểm nếu cơ quan này bị tổn thương.

Rối loạn khứu giác ở người cao tuổi còn biểu hiện của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, một khi chúng ta cảm thấy có vấn đề khi ngửi mùi, hay nghe than phiền từ ông bà, cha mẹ, hãy nhanh chóng đưa họ đến khám để được điều trị sớm nhất. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vì sao rối loạn khứu giác?https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-roi-loan-khuu-giac-n907.html

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

  2. TS.BS. Nguyễn Ngọc Minh, Bệnh lý mũi xoang ở người cao tuổi, NXB Y học, 2015, pp 68-71.

  3. Effects of ageing on smell and tastehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2579627/

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

  4. Olfactory Dysfunction in the Elderly: Basic Circuitry and Alterations with Normal Aging and Alzheimer’s Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4097327/

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

  5. Unawareness of Olfactory Dysfunction in Older Adultshttps://clinmedjournals.org/articles/ijnn/international-journal-of-neurology-and-neurotherapy-ijnn-6-086.php

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người