Rong nho: Món quà từ biển cả và những công dụng không ngờ
Nội dung bài viết
Những năm gần đây, văn hóa ẩm thực Nhật Bản du nhập nước ta với các món ăn mới lạ, trong đó có rong nho. Rong nho chứa nhiều khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng như các thực phẩm khác, rong nho có những lưu ý khi sử dụng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Rong nho là gì?
Tên khoa học của rong nho
Rong nho (tên khoa học: Caulerpa lentillifera) là một loài rong tảo biển thuộc họ Caulerpaceae. Đây là loại tảo đa bào. Ở Anh nó có tên gọi là trứng cá xanh (green caviar), ở Nhật Bản gọi là nho biển.
Phân bố
Rong nho phân bố tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, Nhật Bản và vùng biển Thái Bình Dương. Năm 2006 các nhà khoa học đã tìm thấy loài này ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận kích thước nhỏ hơn nhiều so với rong nho ở Philippines hay Nhật Bản.
Hiện nay ở Việt Nam, các nhà khoa học đã trồng thành công loại rong nho có giống từ Nhật Bản tại các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa. Rong nho ở nước ta sau khi trồng từ 15 – 20 ngày là thu hoạch được với chất lượng sản phẩm cao hơn so với tại Nhật Bản.
Thành phần hóa học
Kết quả phân tích rong nho chứa Protein, Lipid, Chứa khoảng 20 acid amin trong đó có 10 acid amin cần thiết cho con người như Lysine, Tryptophan, Valine, Histidine, Isoleucine, Methionine… các khoáng đa lượng: Canxi, Magie, Kali, Natri, Photpho… Các vi khoáng: Iot, Sắt, Kẽm, Đồng, Mangan, Coban… và các Vitamin A, B, C…
Ngoài ra, loại rong này còn chứa các chất chống oxy hóa bao gồm flavonoid, caulerpin, caulerpenyne, siphonaxanthin.
Tác dụng dược lý
1. Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Ngày nay các bệnh lý liên quan đến xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây các bệnh mạn tính nguy hiểm như bệnh mạch vành, đột quỵ,… chiếm tỉ lệ tử vong cao trên toàn thế giới.
Siphonaxanthin là một loại carotenoid được tìm thấy trong rong nho; và đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn tình trạng viêm, là yếu tố góp phần quan trọng, tác động vào cơ chế giảm xơ vữa động mạch.
2. Hỗ trợ tiêu hóa
Polysaccharides trong rong nho trải qua quá trình tiêu hóa trong dạ dày, và được lên men bởi vi khuẩn đại tràng. Loại dược liệu này từ nghiên cứu hiện tại chứa 17,5% tổng số chất xơ trong đó 16,6% là chất xơ không hòa tan. Hầu như tất cả chất xơ không hòa tan không được chuyển hóa thành năng lượng, làm tăng cảm giác no và cải thiện thể tích của phân, giúp kích thích đại tiện.
3. Giảm béo phì
Các rối loạn chuyển hóa mãn tính bao gồm béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch được đặc trưng bởi tình trạng viêm. Thường xuyên dùng chế độ ăn nhiều chất béo dẫn đến tăng nồng độ các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1β và IL-12 có liên quan đến tăng cân, tăng mỡ và glucose trong máu. Về lâu dài, tình trạng này có thể phát triển thành kháng insulin có liên quan đến béo phì.
Bằng chứng cho thấy thực phẩm có chứa các hợp chất chống viêm giúp giảm béo phì. Caulerpa trong rong nho ức chế tổng hợp các cytokine gây viêm kể trên, làm hỗ trợ chống béo phì, chống tiểu đường, chống tăng huyết áp, chống viêm, chống cảm thụ và chống khối u.
4. Chống oxy hóa
Các tổn thương oxy hóa trong các tế bào của con người, dẫn đến sự khởi đầu của các bệnh mãn tính khác nhau, bao gồm bệnh Alzheimer, ung thư và lão hóa. Các hợp chất chống oxy hóa từ rong biển là phenolic và flavonoid (một dẫn xuất của phenolic) hoạt động giúp ổn định các gốc tự do và chấm dứt sự tạo ra các gốc tự do mới.
5. Chống khối u
Cho đến nay, nhiều polysaccharid đã được phân lập từ các sinh vật biển nói chung và rong nho nói riêng đã thu hút sự chú ý như là chất chống ung thư và ngăn ngừa ung thư đầy hứa hẹn. Một số hợp chất này đã được sử dụng trong thực hành lâm sàng.
Các chất ngăn ngừa, chống ung thư polysaccharide này thể hiện nhiều đặc tính và cơ chế hoạt động hữu ích, bao gồm ức chế sự tăng sinh tế bào khối u bằng cách ức chế tăng sinh mạch máu, giúp quá trình chết tế bào apoptosis đi đúng quỹ đạo,…
Cách sử dụng, chế biến rong nho
Hiên nay, có rất ít thông tin về tiêu thụ loại tảo biền này trên toàn cầu, trong đó dữ liệu từ Nhật Bản có lẽ là đáng tin cậy nhất. Con người cần sử dụng 5,8 g/ngày với liều lượng tương đương với nghiên cứu hiện tại, điều này thực tế dựa trên lượng rong biển được báo cáo ở Nhật Bản.
Lưu ý khi sử dụng rong nho
- Ta cần rửa sạch rong nho nhiều lần với nước để loại bỏ đất cát và muối mặn. Cần mua rong chất lượng được nuôi trồng tại vùng biển sạch, không bị ô nhiễm. Không nên sử dụng loại rong bị cũ, mốc, hoặc để quá lâu trong không khí.
- Trong bữa ăn hàng ngày, người ta thường trộn chung với các loại gỏi, salad, đồ chua. Có thể thêm rong nho vào các món sashimi. Không nên chế biến rong nho ở nhiệt độ quá cao, nấu thời gian lâu.
- Bên cạnh đó, trong rong nho chứa hàm lượng iot khá cao. Vì vậy, người có bệnh lý tuyến giáp như: cường giáp, suy giáp, phì đại tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp cần lưu ý khi sử dụng.
- Ngoài ra, do hàm lượng muối biển nhiều trong rong nên nó cần được rửa kĩ và không lạm dụng để tránh tăng nguy cơ mắc bệnh và nặng thêm tình trạng bệnh cao huyết áp, bệnh thận mạn, suy tim.
Những năm gần đây, rong nho rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thực phẩm này. Quý bạn đọc cần lưu ý các vấn đề sức khỏe đang có để sử dụng cho phù hợp; không nên lạm dụng để tránh tác hại không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Caulerpa lentillifera (Sea Grapes) Improves Cardiovascular and Metabolic Health of Rats with Diet-Induced Metabolic Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7762211/
Ngày tham khảo: 18/05/2021
-
Decoding Antioxidant and Antibacterial Potentials of Malaysian Green Seaweeds: Caulerpa racemosa and Caulerpa lentilliferahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6783820/
Ngày tham khảo: 18/05/2021