Sa dây rốn: Mẹ cần làm gì khi phát hiện sa dây rốn ở nhà?
Nội dung bài viết
Sa dây rốn là một trong những cấp cứu Sản khoa thường hay gặp. Khi bác sĩ phát hiện sa dây rốn sau khi đã vỡ ối, hầu hết cần phải đem đi mổ khẩn để đảm bảo tính mạng thai nhi. Vậy sa dây rốn là gì? Mẹ cần làm gì khi phát hiện sa dây rốn ở nhà? Cùng bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu qua bài viết dưới đây mẹ nhé!
Sa dây rốn là gì?
Sa dây rốn là tình trạng khi dây rốn rớt xuống hoặc sa xuống, đi qua cổ tử cung đang mở và vào âm đạo. Lúc này một phần của dây rốn đang nằm trước em bé ở lỗ mở cổ tử cung. Trong tình trạng này, dây rốn thường bị nén lại do áp lực của em bé đè lên. Tình trạng này làm cho em bé không nhận được đủ lượng máu và oxy.
Sa dây rốn là một cấp cứu sản khoa. Điều may mắn rằng tình trạng này không xảy ra thường xuyên. Tỷ lệ sa dây rốn khoảng từ 0,14-0,62%. Tuy nhiên, khi sa dây rốn diễn ra, tỉ lệ gây tử vong chu sinh lại chiếm đáng kể, có thể lên đến 50% các trường hợp. Hậu quả này là do bé bị ngạt lúc sinh do thiếu cung cấp oxy. Vì thế, một khi phát hiện được sa dây rốn, hầu như cần phải mổ lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho con.
Điều gì sẽ xảy ra khi bị sa dây rốn?
Dây rốn cấu tạo bên trong gồm có hai động mạch và một tĩnh mạch. Dây rốn như là một bộ phận trung gian di chuyển máu giàu oxy từ nhau thai đến thai nhi. Đồng thời nó cũng dẫn các chất thải từ thai nhi về mẹ. Vì thế, có thể nói rằng thai nhi “thở” qua dây rốn.
Trong trường hợp sa dây rốn, dây rốn vốn bình thường nổi xung quanh em bé, đột ngột sa xuống cổ tử cung và ống dẫn sinh. Tình trạng này có thể không gây ra vấn đề gì cho thai nhi, miễn là không có áp lực nào đè lên dây rốn. Tuy nhiên, khi chuyển dạ bắt đầu, sợi dây sinh mệnh này có thể trở thành mối đe dọa.
Khi túi ối vẫn còn
Lúc đầu, đầu hoặc mông có thể đè lên dây rốn mà không có triệu chứng gì. Người theo dõi có thể không thấy rõ áp lực này nếu túi ối vẫn còn nguyên vẹn. Bác sĩ hoặc hộ sinh có thể chỉ nhận thấy nhịp tim của thai nhi giảm mạnh. Điểm báo động của nhịp tim thai là 110 nhịp mỗi phút. Con số này sẽ được nhìn thấy trên màn hình theo dõi nhịp tim thai và cơn gò của mẹ.
Nếu nhịp tim giảm xuống dưới điểm báo động, đây là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy có thể cần phải mổ lấy thai.
Khi mẹ đã chuyển dạ
Lúc này bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể cố tình làm vỡ túi ối. Thông thường, đây là một thủ thuật an toàn để đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu đầu thai nhi vẫn ở quá xa cổ tử cung, dây rốn có thể trượt qua em bé và trượt theo dòng nước ối lọt vào kênh sinh. Lúc này, hộ sinh hoặc bác sĩ có thể cảm nhận thấy dây rốn sa ra ngoài khi thăm khám. Tim thai thời điểm này có thể bị ảnh hưởng hoặc không. Tuy nhiên, trong lúc sinh rặn sẽ có ảnh hưởng.
Xem thêm: Quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra như thế nào?
Những nguy cơ gì có thể dẫn đến sa dây rốn?
Hai yếu tố nguy cơ chính gây sa dây rốn là đa ối và sinh non. Tình trạng đa ối là khi quá nhiều nước ối được tạo ra trong buồng tử cung. Điều này làm tăng khả năng dây bị trôi ra ngoài kênh sinh khi vỡ ối. Trong trường hợp sinh non, kích thước thai nhi nhỏ, tạo điều kiện dây rốn có thể di chuyển nhanh hơn em bé và tuột ra ngoài kênh sinh trước khi sinh.
Các yếu tố nguy cơ khác của sa dây rốn bao gồm:
- Ngôi thai bất thường (ví dụ như ngôi mông thiếu kiểu chân, ngôi mông).
- Dây rốn dài bất thường.
- Đa thai (ví dụ như sinh đôi).
- Ngôi thai cao.
Việc sinh nở khi có sa dây rốn như thế nào?
Khi bác sĩ đã chẩn đoán bị sa dây rốn, sẽ có những cách xử trí:
Có thể tiến hành truyền dịch ối. Phương pháp này sử dụng dung dịch nước muối ấm đưa vào tử cung qua một ống thông. Mục đích của việc truyền ối là để loại bỏ áp lực lên dây rốn bằng cách giúp thai nhi “nổi” trong nước. Trong khi thủ thuật được thực hiện, nhịp tim của thai nhi sẽ được theo dõi liên tục.
Việc mổ lấy thai sẽ được thực hiện nếu nhịp tim của thai nhi thấp. Nếu nhịp tim của thai nhi không trở lại bình thường, bác sĩ sẽ thò tay vào âm đạo của mẹ và giữ đầu em bé khỏi dây rốn giúp cho dây rốn không bị nén. Việc này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào khi phát hiện thấy sa dây rốn, sau khi túi ối bị vỡ. Bác sĩ đang giữ đầu của bé khỏi dây rốn sẽ giữ nguyên tư thế. Lúc này, các hộ sinh khác sẽ nhanh chóng đưa mẹ và cả bác sĩ vào phòng mổ gấp. Việc mổ lấy thai là xử trí hợp lý nhất khi em bé có dấu hiệu tim thai yếu.
Mẹ cần làm gì khi phát hiện sa dây rốn khi đang ở nhà?
Nếu mẹ cảm thấy mình bị vỡ ối, nước chảy ào ra ngoài âm đạo và đột nhiên cảm thấy có sợi dây rốn rớt ra ngoài âm đạo. Lúc này mẹ cần nhanh chóng hành động. Nếu có ai đó đang ở cạnh, hãy nhờ họ gọi khẩn 115 xin cấp cứu. Nếu không, mẹ cần tự gọi xe cứu thương cho mình. Sau đó, điều mẹ cần làm đó là giảm bớt mọi áp lực có thể có với em bé Tư thế tốt nhất là mặt hướng xuống sàn, và đỡ cơ thể bằng hai khuỷu tay và đầu gối. Mẹ có thể sẽ cảm thấy lúng túng với tư thế. Tuy nhiên đây là tư thể tốt giúp cho dây rốn bớt đi áp lực từ em bé.
Trong mọi trường hợp, mẹ không được tự cố gắng ngồi hoặc tự lái xe đến bệnh viện. Việc ngồi dậy hoặc đứng lên sẽ đẩy đầu của em bé vào trong ống dẫn sinh. Điều này khiến cho tình hình càng tồi tệ hơn.
Ngoài ra, khi đầu em bé di chuyển vào sâu bên trong ống dẫn sinh để chào đời. Mẹ có thể cảm thấy mắc đi tiểu. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, mẹ cũng không bao giờ nên đứng dậy và tự đi vệ sinh. Việc rặn có thể làm cho em bé bị đẩy ra nhanh hơn.
Em bé sau khi sinh được chăm sóc như thế nào?
Sau khi sinh, bác sĩ nhi khoa sẽ khám cho em bé. Bác sỹ sẽ kiểm tra điểm Apgar. Đây là điểm đánh giá mức độ thích nghi ở môi trường bên ngoài khi em bé chào đời. Vài trường hợp có thể cần làm thêm một số xét nghiệm để kiểm tra.
Nếu điểm Apgar thấp, có thể khả năng cao em bé bị ngạt trong lúc sinh. Ekip chăm sóc sẽ thực hiện hồi sức tim phổi và cho bé thở oxy. Sau đó, ngay cả khi em bé đã tự thở và và có thể bú mẹ, bé vẫn sẽ cần được theo dõi lâu hơn bình thường tại bệnh viện. Bác sĩ nhi khoa có thể tư vấn thêm cho mẹ dựa trên kết quả khám cho bé.
Vì nồng độ oxy bị thiếu trong khi sinh có thể ảnh hưởng đến em bé, bé cần được bác sĩ nhi khoa tái khám theo lịch. Nếu mẹ có bất kì băn khoăn nào về mối lo ngại cho con mình hãy chia sẻ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ giải quyết bất kỳ mối quan tâm nào về sức khỏe hoặc sự phát triển của em bé với mẹ.
Sa dây rốn là một trong những cấp cứu Sản khoa cần được phát hiện và xử trí nhanh chóng. Thông thường, khi bác sĩ phát hiện tinh trạng này khi kiểm tra trong quá trình chuyển dạ. Hầu hết các trường hợp đều cần mổ khẩn. Việc này cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo an toàn cho bé. Khi trẻ sinh ra, nhờ có đội ngũ chăm sóc tích cực, đa số em bé đều khỏe mạnh sau khi hồi sức (nếu cần). Nếu mẹ có bất kì lo lắng nào về thai nhi khi đã từng bị sa dây rốn. Hãy liên hệ giải đáp thắc mắc cùng bác sĩ.
Xem thêm: Sinh mổ: Nên hay không nên?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Umbilical Cord Prolapse and Compressionhttps://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/umbilical-cord-prolapse-9158
Ngày tham khảo: 31/08/2020
-
Umbilical Cord Prolapse
https://www.birthinjuryhelpcenter.org/umbilical-cord-prolapse.html
Ngày tham khảo: 31/08/2020