Sâm đất: giá trị dinh dưỡng, lợi ích và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Sâm đất là loại dược liệu quý và có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về giá trị thực sự của Sâm đất. Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về Sâm đất và các thông tin liên quan qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu chung về Sâm đất
Sâm đất là loại dược liệu có tên khoa học Boerhaavia diffusa L. Cây thuộc họ Hoa phấn Nyctaginaceae. Sâm đất còn có tên gọi khác là sâm nam, sâm rừng, sâm quy bấu.1
Mô tả1
Cây thảo, sống lâu năm. Rễ mập, hình thoi. Thân của cây phân nhánh nhiều, mọc tỏa sát mặt đất, màu đỏ nhạt, có ít lông. Lá mọc đối, hình trái xoan hay hình trứng, dài 2 – 4 cm, rộng 1,5 – 3 cm. Gốc lá hình tim, đầu tù, mặt trên nhẵn, mặt dưới có nhiều lông màu trắng bạc, mép hơi uốn lượn, cuống lá dài 0,5 – 3 cm.
Cụm hoa mọc nhiều ở kẽ lá và đầu ngọn thành chùy. Lá bắc nhỏ, hình tam giác. Hoa màu đỏ tía và có đài hình chuông. Quả hình trụ, phồng ở đầu. Mùa hoa quả tháng 4 – 6.
Phân bố, sinh thái1
Chi Boerhaavia L có khoảng 20 loài cây trong chi. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Một số loài có mặt ở châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam có 3 loài. Trong đó, cây sâm đất phân bố rải rác ở nhiều nơi. Cây thường gặp nhất là ở các tỉnh vùng ven biển, từ Hải Phòng đến Đồng Nai. Cây có ở hầu hết các đảo lớn như Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quốc. Sâm đất cũng phân bố ở các nước khác trong vùng nhiệt đới Đông Nam Á.
Cây là loại ưa sáng, có thể hơi chịu hạn. Cây thường mọc trên các bãi cát, ruộng trồng hoa màu, ven đường đi ở vùng ven biển. Ở một số nơi thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có thể thấy sâm mọc ở các bãi sông, bãi hoang quanh làng. Sâm thường mọc từ hạt vào tháng 4 – 5. Cây sinh trưởng nhanh và thường ra hoa quả trong mùa hè. Sau đó có thể tàn lụi.
Bộ phận dùng
Rễ và lá của cây Sâm đất.
Thành phần hóa học1
Rễ sâm chứa tannin, flavonoid, alkaloid (punarnavine), glycoside, steroid, terpenoids. Ngoài ra còn có hợp chất phenolic, rotenoids (boeravinones AO).
Giá trị dinh dưỡng của sâm đất
100 gam sâm đất chứa 16,1 mcg chất béo và 0,012 mg sắt.2
Ngoài ra sâm còn có các chất dinh dưỡng khác như:2
Lợi ích của sâm đất
Có lợi trong các bệnh lí về hô hấp
Hoạt động như một loại thuốc long đờm, sâm đất giúp cải thiện các tắc nghẽn hô hấp. Thảo dược này được dùng để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của bệnh hen suyễn, hen phế quản do khả năng làm giãn đường thở và hạn chế co thắt.3
Khả năng bảo gan
Sâm đất được sử dụng trong hỗ trợ điều trị các rối loạn của gan như vàng da. Chúng giúp bảo vệ gan khỏi các chất độc và hóa chất. Đồng thời hỗ trợ phục hồi và làm sạch lá gan. Thảo dược này còn hỗ trợ phục hồi sức khỏe, sức chịu đựng và sức sống của gan. Ngăn ngừa các rối loạn về gan như viêm gan, vàng da, thiếu máu thiếu sắt, cổ trướng, biếng ăn và kém hấp thu.4
Hỗ trợ giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Sâm đất có đặc tính lợi tiểu, kháng khuẩn, chống viêm và chống co thắt. Tất cả đều liên quan đến việc hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu. Nó có thể được sử dụng để hạn chế sự khởi phát của nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Gồm cả nhiễm trùng tiểu khi mang thai.5
Tuy nhiên, những nghiên cứu về mức độ an toàn khi sử dụng dược liệu này đối với phụ nữ mang thai còn chưa nhiều nên mẹ bầu và phụ nữ đang cho con bú cần cẩn trọng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Lá của sâm đất có thể giúp hỗ trợ giảm lượng đường trong máu. Từ đó có thể làm tăng mức insulin huyết tương trong cơ thể. Thảo dược giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chiết xuất sâm đất để kiểm soát đái tháo đường.6
Hỗ trợ cải thiện tình trạng liệt dương
Hạt của sâm đất có lợi trong việc hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe tình dục và sinh sản ở nam giới. Cây giúp trẻ hóa hệ thống sinh sản nam giới bằng cách tăng ham muốn tình dục cũng như số lượng và chất lượng tinh dịch. Sâm đất cũng được dùng như một loại thảo dược hỗ trợ làm giảm triệu chứng rối loạn cương dương.2
Kiểm soát bệnh thiếu máu
Loại thảo dược này không chỉ kích thích sự hình thành các tế bào hồng cầu mà còn hỗ trợ các triệu chứng của thiếu máu như: chán ăn và suy nhược. Hàm lượng phong phú của sắt trong sâm đất có thể mang lại lợi ích này.2
Ngăn ngừa các bệnh ngoài da
Sâm đất được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến làn da. Các đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm của thảo dược này giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây kích ứng da. Ngoài ra, nó có tác dụng xua đuổi Microsporum gypseum, một loại nấm gây mẩn đỏ, nứt nẻ, đóng vảy và phồng rộp.2
Lưu ý khi sử dụng sâm đất
Khi sử dụng loại dược liệu này, bạn cần lưu ý một số điều sau:2
- Loại thảo dược này có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
- Nếu uống khi bụng đói hoặc không uống chung với nước, có thể gây ra cảm giác nóng rát ở cổ họng.
- Những người bị dị ứng liên quan đến ethanol sẽ có phản ứng nghiêm trọng khi dùng.
- Sâm đất có thể gây ra các cơn co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra cây có thể gây buồn ngủ khi dùng.
- Không nên dùng loại thảo dược này cho trẻ em dưới 12 tuổi .
- Không nên uống chung sâm với rượu.
Sâm đất là loại dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều công dụng với sức khỏe. Tuy nhiên với tất cả các dược liệu nói chung và Sâm đất nói riêng. Khi sử dụng cần thận trọng và hết sức lưu ý để tránh gặp phải sự cố ngoài ý muốn. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện dược liệu (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 2. NXB Khoa học và kỹ thuật. Trang 701-703.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=701
-
Punarnava (Hogweed): Benefits, Nutrition, Uses And Side Effectshttps://www.boldsky.com/health/nutrition/2019/punarnava-nutrition-benefits-uses-and-side-effects-127894.html
Ngày tham khảo: 28/08/2022
- Surange, S. R., & Pendse, G. S. (1972). Pharmacognostic study of roots of Boerhaavia diffusa Willd.(punarnava). Journal of research in Indian medicine, 7(1).
- Hepatoprotective activity of Boerhaavia diffusa L. roots--a popular Indian ethnomedicinehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9147255/
- Gaitonde, B.B., H.J. Kulkarni and S.D. Nabar (1974) Diuretic activity of punarnava (Boerhaavia diffusa).
- Clinical efficacy of Gokshura-Punarnava Basti in the management of microalbuminuria in diabetes mellitushttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23723672/