Siêu âm: Những thắc mắc không biết hỏi ai?
Nội dung bài viết
Ngày nay, siêu âm đã dần trở nên quá quen thuộc trong mọi lĩnh vực của chăm sóc sức khỏe. Trong thời đại bùng nổ về khoa học kỹ thuật, giá trị của phương pháp chẩn đoán này lại càng được khẳng định. Gần như đi đến đâu cũng có thể bắt gặp được các phòng khám chuyên về siêu âm. Từ các bệnh viện lớn đến các trung tâm y tế địa phương, không có nơi nào là chưa trang bị phương tiện này. Vậy tại sao siêu âm lại đóng một vai trò quan trọng như thế?
Siêu âm là gì?
Siêu âm là một trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Chúng sử dụng sóng âm thanh để dựng lại các bộ phận bên trong cơ thể. Từ đó, các bác sĩ có cái nhìn gián tiếp về các tổn thương ở nội tạng.
Siêu âm hoạt động như thế nào?
Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò phát ra chùm sóng âm thanh có tần số rất cao (gọi là sóng siêu âm) mà tai người không nghe được. Chúng đi xuyên vào cơ thể, lan truyền đến các cơ quan nội tạng bên trong. Sau đó, một phần sóng được phản hồi trở lại và được đầu dò thu nhận. Tín hiệu này được chuyển về bộ phận xử lý để cho ra những hình ảnh sống động mà ta thấy được.
Siêu âm được chỉ định khi nào?
Siêu âm là công cụ rất hữu ích trong chẩn đoán. Kỹ thuật này giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng không đặc hiệu như sưng, đau và nhiễm trùng. Chúng gần như là phương tiện đầu tay để tiếp cận cũng như loại trừ các tổn thương ở nội tạng.
Ngoài ra, siêu âm còn được dùng trong điều trị để dẫn đường cho một số thủ thuật bao gồm:
- Chọc hút ổ áp xe.
- Lấy mẫu sinh thiết mô bệnh.
- Dẫn lưu dịch màng phổi…
Ưu điểm của siêu âm là gì?
Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hoàn toàn an toàn do không có sử dụng tia xạ. Ngoài ra, chúng còn có một số điểm nổi bật như:
- Phổ biến, dễ sử dụng và rẻ tiền.
- Phần lớn là không xâm lấn (không sử dụng kim hay tiêm vào cơ thể).
- Nhanh chóng, không đau.
- Dễ dàng phát hiện sự có mặt của chất dịch trong các khoang trong cơ thể (màng phổi, màng bụng,…).
- Có thể sử dụng như phương tiện hướng dẫn cho các thủ thuật: sinh thiết, chọc hút dịch,…
- Cho hình ảnh chi tiết về mô mềm (cơ, dây chằng,…).
- Không ảnh hưởng đến thai kỳ.
Siêu âm có hạn chế gì?
Kẻ thù lớn nhất của siêu âm là chất khí và hơi. Do đó, đây không phải là kỹ thuật dùng để đánh giá thương tổn ở phổi, ruột, hay các cơ quan bị che bởi ruột,… Các bệnh nhân thừa cân, béo phì cũng gây nhiều khó khăn cho việc đánh giá. Bởi vì lớp mỡ dày đã làm ngăn cản đường đi của sóng âm thanh, khiến cho hình ảnh tạo ra không còn được rõ nét.
Tôi cần chuẩn bị những gì?
Siêu âm thường không cần đến quá nhiều sự chuẩn bị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu có, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn một cách kỹ lưỡng.
Các yêu cầu thường thấy bao gồm:
- Về trang phục: ăn mặc thoải mái, không quá ôm để có thể dễ dàng bộc lộ vùng cần khảo sát.
- Về các yêu cầu đặc biệt: sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ quan cần đánh giá. Bệnh nhân có thể cần nhịn ăn/uống trong vòng 12 giờ trước khi thực hiện siêu âm. Bệnh nhân cũng có thể phải uống rất nhiều nước và nhịn đi vệ sinh để chuẩn bị cho thủ thuật…
Siêu âm được thực hiện như thế nào?
Thông thường, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm thoải mái trên giường với mặt hướng lên trần nhà. Tuy nhiên, tùy cơ quan bị tổn thương, người bệnh có thể ở tư thế nghiêng người sang trái hoặc sang phải để hình ảnh thu được là rõ nét nhất.
Sau đó, một lớp gel mỏng được thoa lên vùng da cần khảo sát. Lớp gel này giúp cho đầu dò của máy dễ dàng thu nhận tín hiệu hơn. Cuối cùng, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò tới lui trên khu vực nghi ngờ có tổn thương để quan sát kĩ lưỡng.
Khi đã có được hình ảnh mong muốn, quá trình siêu âm kết thúc và lớp gel khi nãy sẽ được lau sạch. Phần còn lại (nếu có) cũng sẽ khô đi nhanh chóng và không ảnh hưởng gì.
Trong một số trường hợp đặc biệt, đầu dò thậm chí sẽ được đưa vào “bên trong” cơ thể thông qua các lỗ tự nhiên (miệng, hậu môn,…) để cung cấp các thông tin quan trọng. Các kỹ thuật này bao gồm:
- Siêu âm tim qua đường thực quản.
- Siêu âm qua ngả hậu môn.
- Siêu âm ngã âm đạo.
Tôi có cảm thấy khó chịu không?
Trả lời: Thông thường sẽ không gây đau và khá là dễ chịu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể sẽ cảm thấy ngược lại, đặc biệt là khi đầu dò được đưa vào bên trong cơ thể. Điều đáng mừng là, quá trình này thường diễn ra rất nhanh. Và sau khi kết thúc, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngay.
Tôi có thể hỏi ai về kết quả của mình?
Trả lời: Bác sĩ hình ảnh học, người được đào tạo chuyên về lĩnh vực siêu âm sẽ phân tích các hình ảnh thu được. Dựa trên kiến thức của mình, họ sẽ gợi ý các khả năng có thể xảy ra một cách khách quan.
Sau đó, bác sĩ lâm sàng kết hợp chúng với các triệu chứng mà bạn đang có để đưa ra kết luận cuối cùng. Họ cũng sẽ là người trả lời mọi thắc mắc mà bạn quan tâm.
Siêu âm là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao. Vì lí do đó, chúng mang lại một số lợi điểm nổi bật như: an toàn, nhanh chóng, rẻ tiền,… tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số hạn chế nhất định khi cơ quan tổn thương chứa nhiều khí và hơi (như phổi, ruột,…)
Thông thường không cần chuẩn bị quá nhiều cho một lần siêu âm. Tùy cơ quan cần đánh giá mà các yêu cầu khác nhau sẽ được đưa ra. Dù là vậy, bạn cũng đừng quá lo lắng khi bác sĩ có chỉ định. Quá trình này thường diễn ra rất nhanh và ít khi gây khó chịu cho người bệnh.
Dù bác sĩ hình ảnh học là người thực hiện trực tiếp thực hiện, bác sĩ lâm sàng mới là người đưa ra kết luận cuối cùng. Đừng nhầm lẫn vai trò của họ các bạn nhé. Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nào!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
General ultrasoundhttps://www.radiologyinfo.org/en/info/genus
Ngày tham khảo: 12/12/2019