YouMed

Sinh mổ: Nên hay không nên?

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Mang thai là một quá trình thiêng liêng không thể nào quên đối với thai phụ. Chuyển dạ sinh con là dấu chấm tròn đẹp đẽ và viên mãn cho quá trình này. Có rất nhiều đắn đo mà thai phụ đã phải trải qua trong suốt quá trình mang thai. Một trong những quyết định quan trọng mà bắt buộc mẹ phải chọn lựa đó là sinh thường hay sinh mổ. Vấn đề này cần sự quyết định từ cả 2 phía, gia đình thai phụ và bác sĩ. Do đó, bác sĩ cũng phải theo dõi, tìm ra các vấn đề khiến việc sinh thường không thực hiện được.

Hãy cùng YouMed tìm hiểu về sinh mổ. Lợi ích và nguy cơ của sinh mổ là gì? Những vấn đề nào nào khiến người mẹ không thể sinh thường được? 

1. Sinh mổ là gì?

Sinh mổ là một phẫu thuật được sử dụng để sinh em bé thông qua đường mổ ở bụng và tử cung của mẹ.

Mổ lấy thai có thể được lên kế hoạch trước nếu bạn bị các bệnh lý của thai kỳ. Hoặc nếu bạn đã có mổ lấy thai trước đây và bác sĩ đánh giá việc sinh thường sau khi sinh mổ (VBAC) là không khả thi.

Tuy nhiên, nhu cầu về mổ lấy thai ở lần mang thai đầu tiên không cần thiết cho đến khi chuyển dạ xảy ra.

2. Lý do khiến bác sĩ quyết định bạn có nên sinh mổ hay không

Thất bại trong chuyển dạ

Nôm na là có một sự bất thường nào đó khiến quá trình chuyển dạ của bạn dừng lại. Có thể do thai quá to so với khung chậu người mẹ, có cấu trúc tử cung, cổ tử cung bất thường… Tóm lại là các yếu tố khiến thai không ra được bằng đường âm đạo.

Tư thế thai: Đầu hướng về phía cổ tử cung, cằm gặp vào ngực. Cổ tử cung mở ra để đầu thai lọt vào âm đạo ra ngoài
Tư thế thai: Đầu hướng về phía cổ tử cung, cằm gặp vào ngực. Cổ tử cung mở ra để đầu thai lọt vào âm đạo ra ngoài

Các cơn co thắt có thể không mở cổ tử cung đủ để em bé di chuyển vào âm đạo

Để quá trình sinh em bé diễn ra thì cổ tử cung phải mở tạo đường ra cho em bé. Nếu vì lý do nào đó quá trình này chậm chạp, sử dụng thuốc không hiệu quả trong lúc em bé đang rất cần được sinh ra thì việc mổ lấy thai là cần thiết. Một trong các nguyên nhân khiến cổ tử cung không mở tốt là do thiếu cơn gò từ mẹ.

Nghi ngờ có một vấn đề bất lợi đang xảy ra với thai

Ví dụ:

  • Dây rốn (cấu trúc cung cấp máu nuôi thai) có thể bị chèn ép.
  • Theo dõi thai nhi phát hiện nhịp tim thai bất thường.

Mang thai nhiều thai

Nếu một phụ nữ mang thai song sinh, sinh mổ có thể là cần thiết nếu sinh non, thai không ở vị trí tốt trong tử cung. Thông thường, để sinh em bé thì đầu em bé phải nằm về hướng cổ tử cung và gập cằm vào ngực, mông trẻ hướng về phía ngực của mẹ. Khả năng sinh mổ tăng theo số lượng em bé mà phụ nữ đang mang.

Vấn đề với nhau thai

  • Nhau thai bị bong (nhau bong non).
  • Nhau thai che lấp lỗ cổ tử cung (nhau tiền đạo).
Máu chảy tụ lại nằm giữa bánh nhau và tử cung gọi là nhau bong non
Máu chảy tụ lại nằm giữa bánh nhau và tử cung gọi là nhau bong non

Một em bé rất lớn

Thai nhi quá to, vượt quá kích thước khung chậu của thai phụ cũng thường là một nguyên nhân khiến sinh mổ diễn ra.

Thai ngôi mông

Em bé hướng mông về phía cổ tử cung, đầu hướng về ngực mẹ. Đôi khi, vị trí thai lúc sinh bất thường như thế này do cấu trúc tử cung, khung chậu của mẹ bất thường, ví dụ tử cung đôi.

Mông thai hướng về phía cổ tử cung do tử cung có hình dạng bất thường
Mông thai hướng về phía cổ tử cung do tử cung có hình dạng bất thường

Nhiễm trùng

  • Mẹ bị HIV/AIDS hoặc Herpes.
  • Các nhiễm trùng khác chưa được kiểm soát tốt.

Bệnh lý ở mẹ

Chẳng hạn như suy tim nặng.

3. Nguy cơ của sinh mổ là gì?

Giống như các loại phẫu thuật lớn khác, mổ lấy thai cũng mang một số rủi ro.

Rủi ro cho em bé của bạn bao gồm:

  • Vấn đề về khả năng thở của trẻ. Trẻ sinh ra sau mổ lấy thai có nhiều khả năng xuất hiện thở nhanh thoáng qua. Đây là từ mô tả nhịp thở của trẻ nhanh bất thường trong vài ngày đầu sau khi sinh. Và như tên gọi của nó, thở nhanh thoáng qua thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ thường cần phải theo dõi tích cực trẻ để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác gây thở nhanh ở trẻ. Thông thường, hiện tượng này dễ xảy ra ở những thai phụ mổ không được chuẩn bị.
  • Chấn thương phẫu thuật. Mặc dù rất hiếm, nhưng việc vô tình cắt dao mổ phạm trúng vào da em bé có thể xảy ra.

Rủi ro cho bạn bao gồm:

Nhiễm trùng

Sau mổ lấy thai, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng tử cung (viêm nội mạc tử cung).

Xuất huyết sau sinh

Mổ lấy thai có thể gây chảy máu nặng trong và sau khi sinh.

Phản ứng với gây mê

Dị ứng và xuất hiện tác dụng phụ với thuốc gây mê hoàn toàn có thể xảy ra.

Các cục máu đông

Mổ lấy thai có thể làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông bên trong các tĩnh mạch sâu. Thông thường các mạch máu ở chân hoặc các cơ quan ở gần tử cung sẽ bị ảnh hưởng. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi và làm tắc mạch máu (thuyên tắc phổi), tính mạng của bạn có thể bị đe doạ.

Vết thương nhiễm trùng

Biến chứng này có tỉ lệ cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố :

  • Cuộc mổ của bạn có được chuẩn bị từ trước không, hay đây là mổ cấp cứu?
  • Nguyên nhân khiến cuộc mổ xảy ra là gì?

Chấn thương do phẫu thuật

Mặc dù hiếm gặp, việc phẫu thuật phạm vào bàng quang hoặc ruột có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai. Nếu có một chấn thương phẫu thuật trong lúc mổ lấy thai, có thể cần phải phẫu thuật bổ sung (mổ lên 1 lần nữa).

Tăng nguy cơ cho lần mang thai sau

Sau mổ lấy thai, bạn phải đối mặt nguy cơ cao hơn với khả năng xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng trong lần mang thai tiếp theo. Bạn càng có nhiều lần mổ lấy thai, nguy cơ mắc nhau tiền đạo càng cao.

Nhau tiền đạo: Bánh nhau che lấp lỗ cổ tử cung
Nhau tiền đạo: Bánh nhau che lấp lỗ cổ tử cung

Tình trạng nhau thai bị dính chặt bất thường vào thành tử cung (nhau cài răng lược).

Nguy cơ tử cung của bạn bị rách dọc theo sẹo mổ cũ trước đó trên tử cung (vỡ tử cung) cũng cao hơn.

4. Chuẩn bị cho mổ lấy thai như thế nào?

Trước khi sinh mổ, một điều dưỡng sẽ chuẩn bị cho bạn sẵn sàng trước cuộc phẫu thuật.

Cụ thể:

  • Một đường truyền tĩnh mạch sẽ được đặt trong tĩnh mạch ở cánh tay hoặc lưng bàn tay của bạn. Điều này cho phép bạn được truyền dịch và thuốc trong khi phẫu thuật.
  • Da bụng của bạn sẽ được rửa sạch và lông phần bụng dưới của bạn có thể được cắt hoặc tỉa.
Mẹ sẽ được chuẩn bị cẩn thận trước khi sinh mổ
Mẹ sẽ được chuẩn bị cẩn thận trước khi sinh mổ
  • Ngoài ra, bạn sẽ được dùng thuốc để phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Một ống thông tiểu sau đó sẽ được đặt vào niệu đạo của bạn. Thủ thuật này nhằm đưa hết nước tiểu ra khỏi bàng quang của bạn. Việc giữ bàng quang trống như thế này giúp kích thước bàng quang nhỏ lại, xẹp xuống. Do đó nó sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ dao phẫu thuật cắt phạm trúng bàng quang.

Thời điểm mổ lấy thai của bạn tuỳ thuộc vào nguyên nhân khiến bạn phải mổ sinh cũng như tuỳ thuộc sức khoẻ của bạn và thai nhi.

5.  Những vấn đề thường gặp sau sinh mổ là gì?

Trong khi bạn đang trong giai đoạn phục hồi sau mổ, những điều sau đây có thể xảy ra:

  • Đau trằn bụng nhẹ, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.
  • Ra máu, dịch âm đạo trong khoảng 4 – 6 tuần sau sinh.
  • Đau ở vết mổ.

Để ngăn ngừa nhiễm trùng, trong một vài tuần sau khi sinh mổ, bạn không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo hoặc quan hệ tình dục.

Không thực hiện các vận động gắng sức để vết mổ lành thật tốt.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay sau khi bạn thấy mình bị sốt, chảy máu hoặc đau trở lại nhiều hơn.

6. Ở lần mang thai sau, tôi có thể sinh thường được không và những vần đề có thể lúc này là gì?

Trước đây, các bác sĩ sản khoa khuyến cáo rằng tất cả những phụ nữ sinh mổ một lần đều phải tiếp tục thực hiện mổ lấy thai ở các lần mang thai sau đó. Tuy nhiên, đây không còn là quan niệm đúng nữa. 60% đến 80% phụ nữ cố gắng sinh thường sau khi mổ lấy thai và thành công với quyết định này.

Nguy cơ cho việc này

Những phụ nữ sinh thường sau khi sinh mổ có ít hơn 1% khả năng tử cung sẽ bị vỡ trong khi đang sinh. Hiện tượng này gọi là vỡ tử cung, một bệnh lý nguy hiểm. Nó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của em bé, cũng như có thể phải cắt tử cung của người mẹ.

Do đó, cũng là dễ hiểu khi nhiều phụ nữ ở Mỹ đã từng sinh mổ một lần và họ chọn cách sinh mổ tiếp tục. Mặc dù những phụ nữ này có thể cố gắng sinh thường với lần mang thai tiếp theo.

Vỡ tử cung: Máu tụ bị che lấp bởi các cấu trúc trong khung chậu mẹ
Vỡ tử cung: Máu tụ bị che lấp bởi các cấu trúc trong khung chậu mẹ

Tại sao bác sĩ lại khuyến khích thực hiện sinh thường sau sinh mổ ở những thai phụ phù hợp?

Do những lợi ích của VBAC mang lại, bao gồm:

  • Thời gian nằm viện ngắn hơn sau khi sinh.
  • Ít đau hơn và thời gian phục hồi ngắn hơn (thường).
  • Ít vấn đề hơn sau khi sinh. Những người mổ lấy thai có nguy cơ bị sốt, nhiễm trùng, cục máu đông ở chân hoặc cần máu cao hơn.

7. Kết luận

Mổ lấy thai nên hay không? Câu trả lời là nên, cũng không nên. Trên thực tế, nếu không phải do một vấn đề bắt buộc phải sinh mổ thì hầu như không bác sĩ nào muốn mổ sinh cho thai phụ.

Mổ lấy thai như nói trên có rất nhiều biến chứng, như nhiễm trùng, chảy máu, cắt phạm vào các cơ quan xung quanh, biến chứng của thuốc gây mê… Nó cũng làm thai phụ tốn thời gian nằm viện lâu hơn, mang lại nhiều triệu chứng khó chịu, đau đớn sau mổ và tốn kém nhiều chi phí cho thai phụ hơn sinh thường.

Ngoài ra, sinh mổ còn có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Mổ lấy thai 1 lần làm giảm khả năng sinh thường ở lần tiếp theo của thai phụ.

Có một ngoại lệ ở đây. Sau 1 lần sinh mổ thì quyết định sinh mổ hay sinh thường ở lần tiếp theo tuỳ thuộc vào cả sự đánh giá của bác sĩ và nguyện vọng của thai phụ. Chủ yếu là do một biến chứng có thể xảy ra với tỉ lệ không nhiều, nhưng cũng không ít, khoảng < 1%, đó là vỡ tử cung.

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Cesarean Birth, Frequently Asked Questions: Labor, Delivery, and Postpartum Care, FAQ006, ACOG May 2018.
  • Section XIII, Obstetric Conditions and Concerns, NETTER’S OBSTETRICS & GYNECOLOGY 3rd EDTION 2018
  •  

     

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người