YouMed

Sinh thiết có an toàn với trẻ nhỏ?

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Sinh thiết là một thủ thuật được tiến hành bằng cách lấy mẫu mô nhỏ từ cơ thể. Sau đó, mẫu mô có thể được quan sát dưới kính hiển vi và kiểm tra một vài xét nghiệm. Điều này giúp cung cấp chẩn đoán xác định và theo dõi diễn tiến bệnh lí liên quan đến mẫu mô được chọn. Bất kì cơ quan nào trong cơ thể đều có thể thực hiện sinh thiết. Trong đó thường gặp nhất bao gồm xương, gan, tuyến giáp, thận, da…

Khi nào trẻ cần sinh thiết?

Các Bác sĩ có thể đề nghị con bạn cần thực hiện thủ thuật sinh thiết để:

  • Tìm nguyên nhân bệnh lí của trẻ như nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư…
  • Hỗ trợ theo dõi quá trình diễn tiến bệnh của trẻ nếu trẻ bệnh nặng hơn hoặc khối u đã lan rộng.
  • Giúp hướng dẫn điều trị: liệu trẻ có đáp ứng với thuốc hiện tại hay cần đổi thuốc khác?

Sinh thiết thường được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau:

  • Tủy xương: tìm nguyên nhân giảm các tế bào máu, ung thư máu (như bệnh bạch cầu cấp) và các tình trạng khác.
  • Hạch bạch huyết: tìm bệnh nhiễm trùng hoặc ung thư.
  • Hệ tiêu hóa: tìm tổn thương ở gan, dạ dày hay thực quản…
  • Thận: tìm hình ảnh của bệnh lí bẩm sinh hay những bệnh lí mạn tính tại thận như hội chứng thận hư…
  • Da: hình ảnh sang thương ở da có thể cần sinh thiết vì nghi ung thư da, nhiễm trùng hoặc các bệnh lí bẩm sinh về da khác.

Xem thêm: Ung thư máu: Chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh

Điều gì xảy ra trước khi trẻ làm sinh thiết?

Con bạn có thể cần đến bệnh viện để lấy máu xét nghiệm trước khi làm sinh thiết. Việc này giúp đảm bảo con bạn đủ điều kiện an toàn để thực hiện thủ thuật này. Trẻ có thể hẹn lịch sinh thiết hoặc làm ngay cả khi con bạn còn nằm viện.

Bạn nên nói chuyện với Bác sĩ của con bạn để được tư vấn về những gì cần chuẩn bị cho trẻ trước khi sinh thiết. Bạn cũng nên thông báo những vấn đề bệnh lí mà trẻ từng mắc phải hay tình trạng dị ứng bất kì thuốc nào.

sinh thiết ở trẻ

Một số trường hợp, trẻ cần sinh thiết với sự hướng dẫn của Siêu âm hoặc CT scan. Do đó, về mặt pháp lý, Bác sĩ sẽ hỏi bất kỳ trẻ em gái nào trên 12 tuổi liệu có khả năng đang mang thai hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu hoặc máu để kiểm tra nếu nghi ngờ. Điều này với mục đích để bảo vệ em bé tránh bị ảnh hưởng bởi lượng bức xạ không cần thiết.

Thời gian sinh thiết mất bao lâu tùy thuộc vào vị trí được thực hiện. Sinh thiết da đơn giản thường chỉ mất vài phút. Trong khi đó, sinh thiết tủy xương có thể mất đến nửa giờ hay nhiều thời gian hơn.

Sinh thiết có cần phải gây mê?

Một số thủ tục sinh thiết chỉ cần gây tê tại chỗ. Các Bác sĩ có thể tiêm thuốc tê ở vùng da trước khi lấy mẫu để xét nghiệm. Điều đó sẽ giúp trẻ giảm đau và khó chịu trong quá trình lấy mẫu.

Những thủ tục sinh thiết khác yêu cầu trẻ cần phải gây mê toàn thân. Khi đó, con bạn phải nhịn ăn và uống vài giờ trước khi sinh thiết. Việc này để đảm bảo dạ dày được làm trống hoàn toàn. Nhịn ăn làm giảm nguy cơ thức ăn ở dạ dày xâm nhập vào phổi trong và sau khi làm thủ thuật. Các Bác sĩ sẽ cho thuốc an thần và gây mê để giúp trẻ ngủ trong khi sinh thiết. Đôi khi, cha mẹ có thể ở cùng con trong lúc sinh thiết để trấn an và hỗ trợ.

Nhờ có những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT, Bác sĩ sẽ xác định vị trí chính xác để sinh thiết. Sau khi tạo một vết cắt nhỏ trên da, việc cần làm là dùng một kim sinh thiết qua vết rạch da vào trong lấy mẫu mô. Cuối cùng, một lớp băng mỏng bao phủ phía ngoài vùng da sinh thiết để tránh nhiễm trùng.

sinh thiết ở trẻ

Có bất kỳ rủi ro đối với con bạn không?

Mỗi loại thuốc khi đưa vào cơ thể đều có nguy cơ gặp rủi ro. Mặc dù tỉ lệ này là vô cùng thấp. Đó có thể là sốt, nổi bạn dị ứng hay sốc, ngưng tim ngưng thở. Đối với sinh thiết, những nguy cơ bao gồm chảy máu trong và sau khi làm thủ thuật.

Nhưng thường chỉ cần đè mạnh chỗ sinh thiết sẽ làm giảm đáng kể điều này. Hơn nữa, đó cũng là cách làm giảm khả năng các tế bào bất thường lan vào các mô xung quanh. Điều này đặc biệt quan trọng nếu các mô bất thường là tế bào ác tính.

Có khả năng quy trình sinh thiết cần được lặp lại nếu có vấn đề với các mẫu mô được thu thập. Đó có thể do quá ít mẫu được thu thập hoặc nếu chẩn đoán đặc biệt phức tạp.

Trẻ cần được theo dõi như thế nào sau khi sinh thiết?

Con của bạn sẽ trở lại phòng bệnh lúc trẻ đã hồi phục sau khi gây mê toàn thân (nếu có). Một số trẻ cảm thấy mệt và nôn, đau đầu… Nhưng những tác dụng phụ này thường ngắn cũng như không nghiêm trọng.

Vị trí sinh thiết có thể làm trẻ cảm thấy không thoải mái vì đau. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ sớm qua đi. Con bạn thường có thể bắt đầu ăn và uống như bình thường. Đó là khi chúng cảm thấy đói và hoàn toàn tỉnh táo. Bạn nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi. Hạn chế chạm vào vùng da được sinh thiết. Vết thương cũng cần được giữ sạch và khô trong vài ngày tới.

Khi nào cần đưa trẻ đến tái khám?

Nếu con bạn không cần phải ở lại bệnh viện để điều trị, con bạn có thể trở về nhà sau khi trẻ đã hết tác dụng của thuốc mê hoặc thuốc an thần.

Bạn nên đưa trẻ tái khám nếu trẻ có các vấn đề sau:

  • Vị trí da sinh thiết sưng đỏ, khi sờ vào có thể thấy nóng hơn so với vùng da xung quanh.
  • Có dịch rỉ ra từ vết thương.
  • Trẻ than phiền về đau ở vùng sinh thiết. Thuốc giảm đau dường như không có hiệu quả.
  • Con bạn có nhiệt độ cơ thể từ 38°C trở lên

Xem thêm: 4 sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt

Bao lâu sẽ có kết quả sinh thiết?

Các kết quả của mẫu mô sinh thiết thường có trong một vài ngày. Nhưng các xét nghiệm phức tạp có thể mất nhiều thời gian hơn. Tất cả các kết quả sinh thiết sẽ được thông báo cho bạn tại lần tái khám tiếp theo của con bạn. Trong tình huống nếu có vấn đề cần thay đổi điều trị cho con bạn trước thời gian này, bạn sẽ được Bác sĩ của con bạn liên hệ trực tiếp.

Việc giải thích cho con bạn những gì sẽ xảy ra khi sinh thiết bằng những từ mà trẻ có thể hiểu rất quan trọng. Chuẩn bị tinh thần cho con của bạn trước đó hay an ủi trẻ trong khi kiểm tra, sẽ giúp con bạn có một trải nghiệm tích cực hơn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về cách chuẩn bị hoặc hỗ trợ con bạn, bạn có thể liên hệ Bác sĩ của trẻ để được tư vấn nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Biopsyhttps://www.gosh.nhs.uk/conditions-and-treatments/procedures-and-treatments/biopsy

    Ngày tham khảo: 06/04/2020

  2. Biopsyhttps://childrensnational.org/visit/conditions-and-treatments/imaging/biopsy

    Ngày tham khảo: 06/04/2020

  3. Biopsyhttps://kidshealth.org/en/parents/biopsy.html

    Ngày tham khảo: 06/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người