YouMed

Những điều cần biết về xét nghiệm tế bào học

bác sĩ lê trọng hiếu
Tác giả: Bác sĩ Lê Trọng Hiếu
Chuyên khoa: Giải Phẫu Bệnh

Xét nghiệm tế bào học được biết đến là xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý ung thư. Xét nghiệm này còn định hướng phác đồ điều trị và tiên lượng bệnh. Vậy xét nghiệm tế bào học là gì? Có những phương pháp xét nghiệm nào? Hãy cùng Bác sĩ Lê Trọng Hiếu tìm hiểu qua bài viết sau. 

Xét nghiệm tế bào học là gì?

Xét nghiệm tế bào học được thực hiện từ thế kỉ XVII. Tuy nhiên vai trò không được chú trọng cho đến những năm cuối của thế kỷ XX. Sau một số bài báo của các bác sĩ người Mỹ, xét nghiệm tế bào học được các nhà khoa học chú ý hơn. Xét nghiệm này dần được áp dụng phổ biến hơn trên toàn thế giới bởi:1

  • Cho kết quả nhanh, chính xác.
  • Giá thành phù hợp.

Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế, tần suất xuất hiện của một số loại ung thư cũng trở phổ biến hơn. Vai trò của xét nghiệm tế bào học trong tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư càng được chú trọng.1  

Xét nghiệm tế bào học (hay tế bào bệnh học) là xét nghiệm tập trung đánh giá một vài loại tế bào nhất định từ một cơ quan của bệnh nhân.2 Bác sĩ giải phẫu bệnh sử dụng kính hiển vi để quan sát hình thái của tế bào. Qua đó phát hiện được những bất thường ở mức độ tế bào. Phục vụ cho mục đích chẩn đoán, tầm soát bệnh lý ác tính và theo dõi quá trình điều trị. Ngoài ra tế bào học còn giúp phát hiện những bất thường về thai nhi hoặc một số loại nhiễm trùng thường gặp.

Các phương pháp xét nghiệm tế bào học

Mẫu bệnh phẩm chứa tế bào cần xét nghiệm có thể thu được thông qua các phương pháp sau:3

  • Lấy tế bào bong bề mặt.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ.
  • Áp lam lấy tế bào từ mẫu sinh thiết.

Lấy tế bào bong bề mặt

Phương pháp này gồm có 2 loại chính: lấy tế bào bong bằng dụng cụ lấy tế bào và lấy tế bào bong tự nhiên.

1. Phương pháp lấy tế bào bong bằng dụng cụ lấy tế bào

Đối với phương pháp lấy tế bào bong bằng dụng cụ lấy tế bào, bộ Y tế đã chấp thuận sử dụng kỹ thuật tế bào học cổ tử cung và kỹ thuật tế bào học dịch chải phế quản.4

Kỹ thuật tế bào học cổ tử cung5

Mục đích chính của kỹ thuật này là tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thêm vào đó có thể phát hiện tình trạng viêm nhiễm và một số loại virus và nấm như HPV, Candida,…. Người đã quan hệ tình dục và trên 20 tuổi được khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này. Mẫu bệnh phẩm tế bào học cổ tử cung được thực hiện bởi bác sĩ sản phụ khoa. Không nên thực hiện kỹ thuật này khi đang hành kinh. Đồng thời hạn chế quan hệ tình dục và đặt thuốc âm đạo. Điều này cần lưu ý trước kỹ thuật ít nhất 2 ngày.

Trong quá trình thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa, hai chân được nâng lên cao ​​và bàn chân được đặt lên giá đỡ. Sau đó, bác sĩ sử dụng một dụng cụ y khoa gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo. Từ đó có thể quan sát khu vực bên trong cổ tử cung nhờ máy soi cổ tử cung được đặt ngay bên ngoài âm đạo.

Trong lúc đặt mỏ vịt, bệnh nhân có thể cảm thấy căng tức vùng chậu. Để dễ dàng phát hiện các tổn thương ở cổ tử cung, bác sĩ có thể thoa lên cổ tử cung một loại dung dịch bằng tăm bông. Sau khi quan sát, bác sĩ sử dụng chổi nilon hoặc que gỗ để lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Quá trình lấy mẫu có thể gây đau hoặc chảy máu nếu cổ tử cung bệnh nhân nhạy cảm hoặc có bệnh lý.

Hình ảnh mỏ vịt để mở rộng âm đạo
Hình ảnh mỏ vịt để mở rộng âm đạo

Kỹ thuật tế bào học dịch chải phế quản6

Kỹ thuật này được sử dụng nhằm chẩn đoán ung thư khí phế quản, đánh giá tình trạng nhiễm trùng, áp – xe phổi. Đây là kỹ thuật kết hợp với nội soi phế quản bằng ống mềm để quan sát những tổn thương vùng bề mặt niêm mạc phế quản và dùng bàn chải chải bề mặt phế quản tổn thương lấy các tế bào làm phiến đồ.

Bệnh nhân có rối loạn tim mạch, suy hô hấp hoặc rối loạn đông máu không được tham gia kỹ thuật này. Bác sĩ thực hiện kỹ thuật này thường là bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc nội soi.

Bệnh nhân được yêu cầu ngồi hoặc nằm ngửa. Sau đó tiêm thuốc an thần qua đường tĩnh mạch để giúp bệnh nhân không bị căng thẳng. Nếu bệnh nhân quá nhạy cảm, có thể sử dụng thêm thuốc gây tê vùng mũi họng. Mục đích để giảm cảm giác buồn nôn, ho trong quá trình nội soi. Ống soi đi qua đường miệng hoặc mũi, đầu ống soi có camera rất nhỏ sẽ truyền tín hiệu về màn hình để bác sĩ có thể đánh giá niêm mạc những vùng ống soi đi qua.

Khi ống soi đi từ từ qua họng, thanh quản và khí phế quản. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu nhưng không đau. Sau khi đã đến phế quản, bàn chải được đưa đến vùng niêm mạc tổn thương để lấy các tế bào ở bề mặt. Các tế bào trên bàn chải được phết lên phiến đồ. Sau đó xử lý theo các kỹ thuật tế bào học.

Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật nội soi phế quản
Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật nội soi phế quản

2. Phương pháp lấy tế bào bong tự nhiên

Các phương pháp lấy tế bào bong tự nhiên được bộ Y tế chấp nhận là:4

  • Kỹ thuật tế bào học bong các dịch màng bụng, màng phổi, màng tim.
  • Kỹ thuật tế bào học nước tiểu.
  • Kỹ thuật tế bào học đờm.
  • Kỹ thuật tế bào học dịch rửa và hút phế quản.
  • Kỹ thuật tế bào học dịch rửa ổ bụng.
  • Kỹ thuật tế bào học dịch khớp.
  • Kỹ thuật tế bào học dịch các tổn thương dạng nang.

Mẫu bệnh phẩm được lấy bằng nhiều phương pháp khác nhau, có thể chỉ đơn giản như lấy nước tiểu hoặc đờm hoặc thủ thuật y khoa như chọc dò màng bụng, màng phổi, màng tim, nội soi phế quản, chọc dò khớp gối,… Phức tạp hơn như mẫu tế bào từ dịch rửa ổ bụng được lấy trong lúc phẫu thuật. Đối với từng phương pháp, bệnh nhân sẽ có những chống chỉ định riêng. Và sẽ được bác sĩ tư vấn trước khi được lấy mẫu.

Tùy theo cơ quan, mỗi loại kỹ thuật tế bào học giúp chẩn đoán những bệnh lý khác nhau. Kỹ thuật tế bào học dịch màng bụng hoặc kỹ thuật tế bào học dịch rửa ổ bụng có thể phát hiện các loại ung thư lan tràn trong ổ bụng như ung thư từ đường tiêu hóa, ung thư buồng trứng,… và hỗ trợ chẩn đoán viêm phúc mạc có phải do tác nhân đặc hiệu hay không.7

Kỹ thuật tế bào học nước tiểu giúp phát hiện nhiễm khuẩn niệu, các tổn thương tiền ung hoặc ung thư, đặc biệt là ung thư bàng quang, thường được chỉ định ở những bệnh nhân tiểu máu.8

Kỹ thuật tế bào học đờm là kỹ thuật đánh giá các tế bào ở đường hô hấp dưới. Mẫu đờm thu được sau khi bệnh nhân ho với mục đích chính là phát hiện sự ung thư phổi.

Tương tự kỹ thuật tế bào học dịch chải phế quản, kỹ thuật tế bào học dịch rửa và hút phế quản cũng phối hợp nội soi phế quản bằng ống mềm. Tuy nhiên không sử dụng bàn chải mà dùng nước muối sinh lý rửa phế quản sau đó hút lại. Do đó cũng phát hiện được các bệnh lý như dịch chải phế quản. Kỹ thuật tế bào học dịch khớp được thực hiện nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý khớp do viêm như nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp,…

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA)

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được xếp vào nhóm xét nghiệm có xâm lấn, sử dụng kim nhỏ để lấy mô hoặc dịch ở vùng tổn thương.10 

Tùy vào tính huống lâm sàng, kỹ thuật này có thể được thực hiện bởi bác sĩ giải phẫu bệnh, phẫu thuật viên hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm bao gồm xi lanh (nòng súng) và dụng cụ giữ xi lanh (báng súng). Bệnh nhân sẽ được yêu cầu bộc lộ tổn thương và nằm ở vị trí thuận tiện nhất để lấy mẫu. Vùng da ở vị trí lấy mẫu sẽ được sát khuẩn. Sau đó bác sĩ sẽ cố định tổn thương bằng 2 đầu ngón tay. Dùng kim đâm xuyên qua da để đến vùng tổn thương. Khi đầu kim đã đến tổn thương, cắt tổn thương bằng cách di chuyển kim tới lui một cách nhanh chóng cho đến khi thấy chất bệnh phẩm ở đốc kim thì ngừng.11 

Quá trình thực hiện

Quá trình lấy mẫu có thể hơi đau hoặc tê, như cảm giác kiến cắn. Sau khi rút kim, bệnh nhân được sát khuẩn lại vùng da kim đi qua một lần nữa. Bác sĩ sẽ tiếp tục xử lý mẫu theo quy trình tế bào học. Trong một số trường hợp tổn thương nhỏ hoặc nằm ở vị trí khó lấy mẫu, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể kết hợp với siêu âm hoặc nội soi. Các cơ quan có thể áp dụng kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được bộ Y tế chấp thuận bao gồm:4

  • Chọc hút bằng kim nhỏ các hạch lympho ngoại vi.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ các tổn thương vú sờ thấy được.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ các tổn thương của da và mô mềm nông.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ tuyến giáp.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ mào tinh hoàn.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ tinh hoàn.

Trong số các kỹ thuật trên, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ tuyến giáp, tổn thương vú được áp dụng phổ biến trong lâm sàng. Mục đích chính của chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là phát hiện ung thư. Đồng thời phân biệt u lành với u ác. Ngoài ra cũng có thể phát hiện tình trạng viêm, áp xe ở cơ quan được xét nghiệm.

Hình ảnh báng súng và xi lanh
Hình ảnh báng súng và xi lanh

Áp lam lấy tế bào12

Kỹ thuật áp lam dùng để lấy tế bào trên mẫu mô bệnh phẩm tươi, vừa được lấy ra trong quá tình phẫu thuật. Kỹ thuật này kết hợp với kỹ thuật sinh thiết lạnh trong mổ. Được thực hiện khi bệnh nhân còn nằm trên bàn phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định rằng bệnh nhân sẽ tiếp tục cuộc mổ. Hay kết thúc cuộc mổ tùy thuộc vào kết quả của tế bào học áp lam.

Để lấy tế bào, bác sĩ áp nhẹ nhàng phiến kính lên bề mặt của mẫu mô. Sau đó sử dụng các kỹ thuật chuyên biệt để xác định thành phần tế bào trên phiến kính. Kỹ thuật này cho kết quả tương đối chính xác trong khoảng vài phút, nên có thể áp dụng trong phẫu thuật, mà không kéo dài thời gian phẫu thuật của bệnh nhân.

Mục đích chính của kỹ thuật này là đánh giá bản chất của tổn thương là lành tính hay ác tính. Thường được sử dụng trong đánh giá hạch lính gác trong ung thư vú, một số loại u não, u buồng trứng hoặc u tuyến nước bọt.

Ưu và nhược điểm của xét nghiệm tế bào học

Một số ưu và nhược điểm của xét nghiệm tế bào học có thể kể đến như sau:1

Ưu điểm

  • Dễ thực hiện, ít xâm lấn.
  • Ít gây cảm giác đau và khó chịu.
  • Ít biến chứng.
  • Giá thành rẻ.
  • Cho kết quả nhanh.
  • Độ chính xác khá cao.

Nhược điểm

  • Có thể không chẩn đoán được bệnh lý do số lượng tế bào trong mẫu bệnh phẩm không đủ
  • Có tỉ lệ chẩn đoán không chính xác. Do đó, đối với kết quả nghi ngờ cần thực hiện sinh thiết để đưa ra chỉnh đoán xác định.

Cùng với xu hướng gia tăng các bệnh lý u tân sinh, xét nghiệm tế bào học dần trở thành xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán và phát hiện sớm. Bài viết khái quát về khái niệm, kĩ thuật, chỉ định. Cũng như ưu nhược điểm của xét nghiệm tế bào học. Qua đó giúp bạn có thể đưa ra lựa chọn xét nghiệm phù hợp đối với bản thân.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Al-Abbadi MA. Basics of cytology. Avicenna J Med. 2011;1(1):18-28. doi:10.4103/2231-0770.83719

  2. Cytologyhttps://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/cytology

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  3. Cytologyhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/21714-cytology

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  4. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học, Bộ Y tế, 2013

  5. Pap smearhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pap-smear/about/pac-20394841

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  6. Bronchoscopyhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/bronchoscopy/about/pac-20384746

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  7. Connally HE. Cytology and fluid analysis of the acute abdomen. Clin Tech Small Anim Pract. 2003 Feb;18(1):39-44. doi: 10.1016/1096-2867(03)90024-7. PMID: 12772868.

  8. Urine Cytologyhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22942-urine-cytology

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  9. Sputum cytologyhttps://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/sputum-cytology

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  10. Fine Needle Aspirationhttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/fine-needle-aspiration/

    Ngày tham khảo: 15/10/2022

  11. Atlas of Fine Needle Aspiration Cytology, Henryk A. Domanski, 2014.

  12. Kamatchi V, Babu NA, Sankari SL, Rajesh E. Imprint cytology. J Pharm Bioallied Sci. 2015;7(Suppl 1):S207-S208. doi:10.4103/0975-7406.155905

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người