YouMed

Sỏi tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Tuyến nước bọt tạo nước bọt, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giữ ẩm miệng. Rối loạn chức năng của nước bọt có thể gây ra sỏi tuyến nước bọt. Đây là những viên đá nhỏ. Chúng chặn dòng nước bọt tiết ra miệng, gây đau hoặc khó chịu. Bệnh lý này không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu viên sỏi ngày càng lớn dần, bít tắc ống tuyến và gây viêm, thậm chí áp xe thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng nề vì chúng ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng mặt. Dưới đây là những đặc điểm chính về dấu hiệu nhận biết sớm sỏi tuyến nước bọt. Giúp bạn nhanh chóng đến khám và điều trị, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Sỏi tuyến nước bọt là gì?

Cơ thể mỗi người có 3 cặp tuyến nước bọt chính là: tuyến dưới hàm, tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi. Cùng với nhiều tuyến nước bọt nhỏ ở trong môi, má và cả ở miệng, cổ họng. Sỏi tuyến nước bọt là những viên đá nhỏ, nằm trong lòng ống tuyến hoặc trong tuyến. Chúng sẽ chặn lại dòng nước bọt được tiết ra. Do đó, khi nhai, tuyến bị kích thích và sưng phồng. Sau bữa ăn, do nước bọt tiết ra miệng ít đi, nên tuyến sẽ xẹp xuống. Chính vì vậy, nhiều người chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm.

Thuật ngữ y học cho sỏi nước bọt là sialoliths. Khi chúng chặn các tuyến nước bọt, điều này được gọi là sialolithiasis.

tuyến nước bọt

Nguyên nhân hình thành sỏi?

Sỏi nước bọt hình thành khi các chất lắng đọng trong nước bọt tích tụ ở lòng ống dẫn hoặc tuyến. Chúng chủ yếu chứa canxi. Nguyên nhân chính xác của sự hình thành sỏi tuyến nước bọt vẫn chưa được biết. Người ta cho rằng các yếu tố như: nước bọt có tính kiềm, nhớt, giàu chất nhầy hơn, chứa tỷ lệ canxi phốt phát cao hơn, vị trí và lỗ đổ của ống Wharton…  góp phần gây ứ đọng làm nước bọt, tăng nguy cơ tạo sỏi.Bên cạnh đó, một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Bệnh nhân mang giới tính nam.
  • Người trong độ tuổi trưởng thành.
  • Từng xạ trị vùng đầu hoặc cổ.
  • Có tiền sử chấn thương miệng.
  • Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sản xuất nước bọt, chẳng hạn như thuốc kháng cholinergic, kháng histamine (chống dị ứng), thuốc điều trị huyết áp, thuốc tâm thần và thuốc kiểm soát bàng quang…
  • Từng mắc bệnh gút hoặc hội chứng Sjogren.
  • Có các vấn đề về thận.
  • Không uống đủ nước…

Sỏi tuyến nước bọt

Sỏi tuyến nước bọt hay xuất hiện ở đâu?

Như đã nói ở trên, bạn có ba cặp tuyến nước bọt chính trong miệng. Sỏi ống nước bọt xảy ra thường xuyên nhất trong các ống dẫn kết nối với các tuyến dưới hàm. Đây là những tuyến nằm ở hai bên hàm, phần dưới xương hàm dưới của bạn. Sỏi cũng có thể hình thành trong các ống tuyến mang tai, nằm ở hai bên mặt của bạn, ngay phía trước tai.

Bạn có thể có một hoặc nhiều viên sỏi trong ống dẫn của bạn. Khoảng 25% người bệnh thường có nhiều hơn một viên sỏi.

Sỏi nước bọt, là bệnh phổ biến nhất của tuyến nước bọt ở bệnh nhân trung niên. Hơn 80% xảy ra trong ống hoặc tuyến dưới hàm, 6 – 15% xảy ra ở tuyến mang tai và khoảng 2% là ở tuyến dưới lưỡi và tuyến nước bọt nhỏ.

Sỏi tuyến nước bọt

Triệu chứng của sỏi tuyến nước bọt?

Sỏi nước bọt thường không gây ra các triệu chứng khi chúng đang hình thành và đôi khi chúng có thể tự biến mất. Những viên sỏi có thể khác nhau về kích thước, nhưng chúng thường cứng và màu trắng.

Những viên sỏi khi đạt đến kích thước làm tắc ống dẫn, nước bọt chảy ngược vào tuyến, sẽ gây đau và sưng. Bạn có thể cảm thấy đau và sưng tăng. Tình trạng dần dần trở nên tồi tệ hơn. Viêm tuyến, nhiễm trùng trong tuyến có thể có về sau.

Các triệu chứng phổ biến của tuyến nước bọt bị chặn bao gồm:

  • Thấy có một khối đau dưới lưỡi, hay nói cách khác, cảm giác lưỡi bị đẩy phồng lên.
  • Đau hoặc sưng vùng dưới hàm hoặc 2 bên trước tai.
  • Đau tăng khi ăn.
  • Sỏi nước bọt đôi khi cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng trong hoặc xung quanh tuyến bị ảnh hưởng. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể bao gồm sốt, thậm chí hình thành mủ xung quanh sỏi.

Sỏi tuyến nước bọt

Các phương pháp chẩn đoán?

Nếu bạn có triệu chứng sỏi tuyến nước bọt, trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra sỏi bằng thăm khám: quan sát các tuyến, sờ bên ngoài tuyến và cả trong miệng bạn. Sờ dọc ống Wharton đôi khi thấy sỏi thường lẫn trong niêm mạc miệng bị sưng, cương nề, cứng, đau.

Các xét nghiệm cũng có thể được hỗ trợ thêm. Chẳng hạn như X – quang, CT scan rất hữu ích trong chẩn đoán xác định và phân biệt với các bênh khác, siêu âm vùng tuyến tìm sỏi, khối u, và hạch…

chẩn đoán Sỏi tuyến nước bọt

Sỏi tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, sỏi được loại bỏ mà không có biến chứng. Nếu sỏi vẫn tiếp tục phát triển mà không được can thiệp bằng cách lấy ra ngoài, bạn có nguy cơ nhiễm trùng tuyến nước bọt sau đây:

Viêm tấy vùng sàn miệng khiến bạn đau dữ dội cả vùng sàn miệng. Đau lan lên tai, không ăn, nuốt, nói được. Đau suốt ngày đêm, ảnh hưởng giấc ngủ. Há miệng hạn chế, chỉ giảm đau khi mủ thoát ra qua được lỗ ống. Khi khạc nước bọt, đôi khi lẫn cả mủ. Sốt nhẹ hoặc cao, sức khỏe bị ảnh hưởng vì đau và hạn chế ăn uống. Diễn biến có thể tốt khi được điều trị bằng kháng sinh, giảm viêm, và mủ thoát ra được cùng với sỏi. Về sau có thể trở thành viêm mạn tính. Đôi khi, nhiễm trùng lan tỏa cả vùng sàn miệng, tiên lượng rất nặng nề.

Có trường hợp, tổ chức viêm tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.

Bởi vì bạn có nhiều tuyến nước bọt khác, bạn vẫn sẽ có đủ nước bọt nếu bị loại bỏ. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật này không phải không có rủi ro. Các dây thần kinh kiểm soát các chuyển động khác nhau trên khuôn mặt và sản xuất mồ hôi chạy qua hoặc gần các tuyến nước bọt chính. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những rủi ro của các cuộc phẫu thuật như vậy.

Điều trị sỏi tuyến nước bọt như thế nào?

Nếu sỏi được phát hiện, mục tiêu điều trị là loại bỏ nó. Đối với những viên sỏi nhỏ, kích thích dòng nước bọt bằng cách mút một quả chanh hoặc kẹo chua có thể khiến đá tự nhiên trôi qua. Trong những trường hợp khác khi sỏi nhỏ, bác sĩ hoặc có thể xoa bóp (massage) nhẹ nhàng để đẩy sỏi ra khỏi ống dẫn.

Đối với những viên sỏi lớn hơn, thường khó lấy. Các bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ trong miệng để lấy sỏi.

điều trị sỏi tuyến nước bọt

Ngày nay, ở Việt Nam, các bác sĩ đang sử dụng một kỹ thuật mới hơn và ít xâm lấn hơn gọi là nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt. Phương pháp này đã được phát triển và sử dụng thành công ở châu Âu trong một thập kỷ qua. Nội soi sử dụng camera chuyên dụng, đưa vào lỗ mở của ống tuyến trong miệng, quan sát hệ thống ống dẫn nước bọt và xác định vị trí sỏi. Sau đó, sử dụng các dụng cụ vi mô, bác sĩ phẫu thuật có thể gắp viên sỏi ra ngoài.

điều trị sỏi tuyến nước bọt

Nội soi lấy sỏi ít xâm lấn hơn các lựa chọn phẫu thuật khác. Nhiều ưu điểm bao gồm:

  • Không vết mổ và không sẹo.
  • Ít nguy cơ tổn thương thần kinh.
  • Hạn chế chảy máu.
  • Bảo tồn tuyến nước bọt và ống dẫn tuyến nước bọt.
  • Phục hồi nhanh chóng, thời gian nằm viện ngắn, hoặc bạn có thể về trong ngày.

Đối với những người bị sỏi tái phát hoặc tổn thương không hồi phục đối với tuyến nước bọt, phẫu thuật cắt bỏ tuyến có thể là cần thiết. Tuy nhiên, đây là phương pháp cuối cùng và đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm. Vì đi cùng với các tuyến nước bọt là dây thần kinh mặt.

Ngoài ra, điều trị nối khoa phối hợp bao gồm kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… nếu sỏi nước bọt đã gây ra nhiễm trùng.

Sỏi tuyến nước bọt

Làm thế nào để hạn chế hình thành sỏi tuyến nước bọt?

Điều quan trọng là bạn phải uống đủ nước. Bổ sung nước khi cơ thể bị thiếu hụt. Vì khi thiếu nước, nước bot sẽ trở nên cô đặc và dễ lắng đọng các chất tạo sỏi hơn. Bên cạnh đó, hãy nhớ không được tự ý sử dụng các thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ. Không hút thuốc lá. Vệ sinh răng miệng tốt. Thường xuyên khám để phát hiện sớm các bệnh lý về rặng, nướu, và viêm niêm mạc miệng…

Như vậy, sỏi tuyến nước bọt là bệnh lý thường gặp. Mặc dù không khó để chẩn đoán nhưng người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm. Khi đến khám sớm, các viên sỏi có thể được lấy ra bằng phương pháp đơn giản, ít tai biến. Tuy nhiên, nếu để quá lâu, gây ra viêm nhiễm, áp – xe, thì những viên sỏi nhở bé ấy có thể dẫn đến nhiều tình trạng nặng nề, thậm chí nguy cơ phải cắt bỏ tuyến và cả liệt mặt. Hãy đi khám sớm ngay khi thấy bất thường vùng sàn miệng, dưới hàm và vùng trước tai 2 bên.

Xem thêm bài viết liên quan:

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What to know about salivary stoneshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/324421

    Ngày tham khảo: 13/05/2020

  2. Salivary Duct Stoneshttps://www.healthline.com/health/salivary-duct-stones

    Ngày tham khảo: 13/05/2020

  3. Salivary Gland Stoneshttps://www.webmd.com/oral-health/guide/salivary-gland-stones-symptoms-causes-treatments

    Ngày tham khảo: 13/05/2020

  4. Salivary Stoneshttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/salivary-stones

    Ngày tham khảo: 13/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người