YouMed

Sơn nại: Loài cây nghe lạ mà quen

Bác sĩ PHẠM PHÚ QUÝ
Tác giả: Bác sĩ Phạm Phú Quý
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Sơn nại hay còn gọi là Địa liền (tên khoa học: Kaempferia galanga L.), thuộc họ gừng, là một cây thân rễ củ nhỏ. Nó được sử dụng rộng rãi trong Y học truyền thống, điều trị nhiều bệnh lý đa dạng như viêm khớp, viêm vai gáy, đau lưng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý dạ dày, chán ăn, dùng làm rượu xoa bóp chữa tê phù, tê thấp đau nhức… Theo nghiên cứu trong Y học hiện đại, Sơn nại có chứa những đặc tính như kháng viêm, giảm đau, an thần, chống dị ứng, chữa lành vết thương.

1. Nhận biết Sơn nại (Địa liền)

Sơn nại là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm. Cây thân rễ hình củ nhỏ, bám vào nhau, hình trứng. Lá 2 hoặc 3 mọc sát mặt đất, hình trứng, phía cuống hẹp lại thành một cuống dài 1 – 2cm, mặt trên xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Hai mặt lá đều có những điểm nhỏ, dài rộng gần bằng nhau, chừng 8 đến 15cm. Cụm hoa mọc ở giữa, không cuống, gồm 8 đến 10 hoa màu trắng với những điểm tím ở giữa. Cây quanh năm xanh tốt, ra hoa tháng 8, tháng 9. Sơn nại mọc hoang dại khắp cả nước ta.

Sơn nại là vị thuốc có nhiều công dụng
Đây là vị thuốc có nhiều công dụng

2. Thành phần hóa học của Sơn nại

Trong thân rễ Địa liền có chứa những loại tinh dầu dễ bay hơi chiếm 2.5 – 4% như camphene, kaempferol, kaempferide, cinnamaldehyd, axit p-methoxycinnamic và ethyl cinnamate, một số alcaloid, tinh bột, protein, amino axit, khoáng chất và chất béo.

Ngoài ra, Sơn nại còn có các yếu tố vi lượng như kali, phốt-pho và magiê cao hơn đáng kể so với sắt, mangan, kẽm, coban và niken.

3. Công dụng theo Y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, Sơn nại được dùng phổ biến trong phạm vi dân gian. Với tính chất cay, nóng, Địa liền đi vào dạ dày, lách làm ấm dạ dày, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa đau bụng do lạnh, kích thích tiêu hóa, làm cho ăn ngon, chóng tiêu và còn dùng làm thuốc xông trị cảm.

Ở Malaysia, lá Địa liền được xem như là một món ăn yêu thích của địa phương. Lá và thân rễ được sử dụng trong mỹ phẩm và bột thảo dược. Cây được sử dụng trong liệu pháp mùi hương. Sơn nại cũng là một trong những thành phần của hỗn hợp massage giảm đau tự nhiên.

Ở Thái lan, cây được dùng như là thuốc bổ tim và hệ thống thần kinh. Sơn nại còn được sử dụng điều trị trúng phong và tăng cường lưu thông máu.

Vị thuốc Sơn nại
Vị thuốc Sơn nại

4. Công dụng theo Y học hiện đại

Thành phần hóa học được tìm thấy từ cây có các đặc tính dược lý khác nhau như chống oxy hóa, kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, an thần, vận mạch, diệt côn trùng, đuổi muỗi, diệt khuẩn, chống nhiễm trùng và chữa lành vết thương.

>> Xem thêm vị thuốc khá có tác dụng an thần: Tử tô: tử thư dược, thư thái cả thân và tâm.

5. Nghiên cứu dược lý của Sơn nại

5.1. Hoạt động ức chế tăng sinh và ức chế sản sinh các gốc oxy hóa tự do

Một nghiên cứu về báo cáo độc tính cho thấy thành phần trong Sơn nại có tác dụng ức chế sản xuất các sản phẩm oxy hóa nội bào. Đó là ethyl para-methoxycinnamate (EPMC), có thể chịu trách nhiệm cho khả năng bảo vệ khỏi tổn thương oxy hóa mà không gây độc cho tế bào. 

EPMC có hoạt tính ức chế chống lại các tế bào ung thư biểu mô WRL-68 và MDA-MB-231. Đây có thể là tác nhân hóa trị liệu đặc biệt nếu liệu pháp chống estrogen không hiệu quả. 

5.2. Hoạt động ức chế vi khuẩn

Dịch chiết từ thân rễ Địa liền có khả năng ức chế hoạt động của một số vi khuẩn như tụ cầu, trực khuẩn, nấm Candida albicans, vi khuẩn E.coli, viêm phổi Klebsiella, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tả và cả phế cầu.

5.3. Hoạt động giảm đau, kháng viêm

Sơn nại có tác dụng ức chế thụ thể đau hóa học và cơ học. Cơ chế giảm đau liên quan đến thụ thể opioid ở hệ thống trung ương và enzym cyclooxygenase ở hệ thống ngoại biên.

5.4. Tác dụng an thần

Thành phần trong thân rễ dược liệu có tác dụng an thần thông qua việc ức chế hoạt động vận động.

5.5. Hoạt động giãn mạch

Dịch chiết từ Sơn nại ức chế dòng canxi đi vào các tế bào mạch máu. Ức chế giải phóng oxit nitric và prostaglandin từ tế bào nội mô có tác dụng giãn mạch. Dịch chiết này cũng có tác dụng chống tăng huyết áp.

6. Bài thuốc

6.1. Kích thích tiêu hóa, đau vùng thượng vị, lạnh bụng, ăn uống không tiêu, đi cầu phân lỏng

Địa liền 12g, Gừng 10g, Nghệ 10g, Sa nhân 12g. Sắc với 800ml nước, còn 200ml dùng hằng ngày.

6.2. Rượu Sơn nại dùng xoa bóp trị đau nhức cổ vai gáy, đau lưng, mỏi gối, đau do phong thấp

Sơn nại 500g ngâm với 500ml rượu trắng trong vòng 1 tuần. Sau đó xoa đều lên vùng đau nhức ngày 2 đến 5 lần.

7. Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai, người có bệnh loét bao tử không dùng.

Sơn nại hay còn gọi Địa liền là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong dân gian với nhiều hiệu quả khác nhau. Đây là loại gia vị và vị thuốc nên khi sử dụng điều trị các bệnh lý nên tham khảo ý kiến bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. J.A. Carrasco-González, S.O. Serna-Saldívar, J.A. Gutiérrez-Uribe Nutritional composition and nutraceutical properties of the Pleurotus fruiting bodies: potential use as food ingredient

  2. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

  3. Hanumantharaju N, Shashidhara S, Rajasekharan, PF and Rajendra CE (2010). Comparative evaluation of antimicrobial and antioxidant activities of Kaempferia galanga for natural and micropropagated plant. International J Pharmacy and Pharmaceutical Sciences 2(4) 72-75.

  4. Mekseepralard C, Kamkaen N and Wilkinson JM (2010). Antimicrobial and antioxidant activities of traditional Thai herbal remedies for aphthous ulcers. Phytotherapy Research 24 1514-1519.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người