YouMed

Sốt cabin: Những điều cần biết và cách đối phó

bác sĩ nguyễn trung nghĩa
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa
Chuyên khoa: Tâm thần

Thuật ngữ “sốt cabin” mô tả một hội chứng tâm lý mà một người có thể trải qua khi họ phải ở trong nhà một thời gian dài. Các triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác bồn chồn, khó chịu và cô đơn. Khi mọi người ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội hoặc làm việc tại nhà do đại dịch Covid – 19, “sốt cabin” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện được các triệu chứng của “sốt cabin”. Đồng thời, cùng tìm hiểu cách để hạn chế những cảm giác tiêu cực này qua bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhé.

Sốt cabin là gì?

Thuật ngữ “sốt cabin” mô tả một hội chứng tâm lý mà một người hoặc một nhóm người có thể trải qua khi họ phải ở trong nhà một thời gian dài. Trước đây, hội chứng này thường diễn ra khi mọi người phải ở trong nhà do điều kiện thời tiết xấu như bão tuyết hoặc băng giá. Một vài tình huống khác như bị cô lập trong một ngôi nhà ở vùng xa xôi hẻo lánh, ở trong tàu ngầm hoặc bị cách ly khỏi xã hội.

Trong đa số trường hợp, sốt cabin không gây hại và không phải bệnh . Tuy nhiên, tình trạng có thể khiến người mắc phải đưa ra những quyết định thiếu lý trí. Quyết định đó có thể đe dọa tính mạng của họ hoặc tính mạng của cả nhóm “bị giam lỏng”. Một số câu chuyện như hoang tưởng; rời khỏi nơi ở bất chấp sự nguy hiểm của thời tiết hay thậm chí là tự tử được cho là do sốt cabin gây ra.

Ngày nay, trong đại dịch Covid, rất nhiều người đang phải ở nhà hay work from home trong thời gian cách ly xã hội. Vì lí do đó, sốt cabin dường như đang quay trở lại và ảnh hưởng đến nhiều người hơn.

Xem thêm: Bệnh sốt Q (Q Fever) là gì? Có chữa được không?

Những dấu hiệu của sốt cabin

Sốt cabin thường được hiểu là một trạng thái của tâm lý. Hội chứng này có thể bao gồm những cảm giác như:

  • Buồn chán.
  • Cáu gắt.
  • Bồn chồn.
  • Thiếu kiên nhẫn.
  • Lo lắng.
  • Lười biếng, thiếu động lực.
  • Cảm thấy cô đơn.
  • Chán nản, vô vọng.

Không được xem là một bệnh lý tâm thần, nhưng những ảnh hưởng của những cảm giác này đến tâm trạng, sức khoẻ và hành vi là thật. Và nếu nặng nề hơn, chúng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống.

sốt cabin
Tâm trạng bức bối khi ở nhà quá lâu.

Những ảnh hưởng đáng chú ý có thể là:

  • Cảm thấy không thể duy trì thói quen hàng ngày hoặc hàng tuần.
  • Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ hoặc ngủ rất nhiều.
  • Ăn uống không đúng giờ giấc dẫn đến thiếu chất hay bệnh đường tiêu hoá.
  • Khó tập trung làm việc/học tập.
  • Thay đổi trong cách ăn mặc, hành vi.
  • Lạm dụng rượu, đồ uống có cồn hay thuốc lá.

Nguyên nhân

Loài người là một sinh vật có tính xã hội cao. Con người nói chung có xu hướng thoải mái và hoạt động tốt hơn khi được kết nối. Trong đại dịch COVID – 19, nhiều người đang phải tự cách ly, hoặc sống ở những quốc gia/ thành phố có quy định giãn cách xã hội. Việc chuyển từ lối sống giao tiếp tích cực sang hạn chế tiếp xúc và cô lập hơn có thể là nguyên nhân gây ra “sốt cabin”.

Một số yếu tố có thể gây ra hoặc góp phần gây ra hội chứng này bao gồm:

  • Cảm thấy không thể kết nối trực tiếp với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
  • Không thể tham gia các hoạt động mình yêu thích.
  • Trở nên kiệt sức vì công việc.
  • Không thể hoàn thành công việc do thiếu tập trung
  • Cảm thấy thiếu động lực và trì trệ do có quá ít hoặc không có việc làm
  • Lo lắng ngày càng tăng về vấn đề tài chính do thiếu thu nhập hoặc thất nghiệp

Làm sao để đối phó với sốt cabin?

Luôn đồng hành cùng với bạn trong khoảng thời gian ở nhà là bảo vệ Tổ quốc. Youmed xin gợi ý cách giúp bạn đối phó với tình trạng chán nản khi phải ở nhà trong mùa dịch. Dưới đây là 10 cách có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của “sốt cabin” và giảm các tác hại của chúng đến tâm lý, sức khoẻ và hành vi.

1. Theo dõi thông tin chính thống

Hãy nghe theo các khuyến cáo từ chính phủ và cơ quan y tế thành phố bạn sinh sống. Theo dõi những kênh tin tức chính thống và đáng tin cậy. Cập nhật các tin tức y tế từ những trang tin tức đáng tin cậy như Tổ chức Y tế thế giới, CDC Việt Nam hay YouMed. Tham khảo bài viếtCập nhật COVID-19: 24 giờ qua có gì?

2. Hạn chế tin tức tiêu cực

Hãy cố gắng giảm đọc, xem hay nghe  những tin tức tiêu cực khiến bạn cảm thấy lo lắng. Mạng xã hội tràn ngập những tin gây hoang mang và không đúng sự thật, hãy tỉnh táo và chọn lọc thông tin nhé. Nếu bạn đang sa đà quá nhiều vào việc xem tin tức trên các trang mạng, hãy thử cố định thời gian dành cho tìm kiếm thông tin. Ví dụ như chỉ xem tin, đọc báo vào những thời gian cố định, một hoặc hai lần một ngày.

3. Xây dựng thời gian biểu và tuân thủ

Duy trì thói quen sinh hoạt như cũ, hoặc tạo một thời gian biểu mới phù hợp hơn. Xây dựng thói quen sinh hoạt theo giờ giấc sẽ giúp bạn kiểm soát thời gian của mình. Điều này tạo ra cảm giác an toàn về tình hình hiện tại. Cảm giác mọi thứ trong kế hoạch sẽ giúp bạn ngăn chặn cảm giác vô vọng và trầm cảm. Gợi ý cho bạn:

  • Thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày.
  • Ăn uống đúng giờ với những bữa ăn “healthy”.
  • Tập luyện đều đặn.
  • Phân bố thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
  • Dành thời gian làm những điều bạn thích.

5. Giữ liên lạc với người thân và bạn bè

Nếu bạn đang phải giãn cách xã hội hay tự cách ly, hãy giữ liên lạc với người thân bằng điện thoại hoặc qua mạng xã hội online. Việc duy trì liên lạc với người thân sẽ giúp bạn đỡ cảm thấy cô đơn hơn. Điều này cũng giúp giảm bớt cảm giác lo lắng khi cập nhật tin tức từ mọi người. Các bạn có thể trò chuyện, tổ chức tiệc qua các cuộc gọi video để cùng nhau giảm cảm giác “sốt cabin”.

6. Không sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn

Nếu có, hãy sử dụng những thức uống này một cách hợp lý. Tránh sử dụng cồn để giải toả căng thẳng hoặc lo lắng.

Hiện tại, không có bằng chứng khoa học rằng sử dụng rượu bia có thể làm giảm nhiễm virus hay nhiễm trùng khác. Thực tế, cồn có thể gây hại đến sức khoẻ và làm nặng hơn các bệnh nền nếu có. Những ảnh hưởng này có thể làm tăng nguy cơ mắc virus và làm xấu kết quả điều trị.

Hơn nữa, tình trạng say xỉn khi sử dụng rượu bia có thể làm cho bạn giảm tỉnh táo và hưng phấn hơn. Trong tình cảnh đó, bạn thiếu cảnh giác và quên các biện pháp bảo vệ bản thân như hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang và rửa tay.

Xem thêm: Bạn đã biết: Uống bia rượu ở mức độ nào là vừa phải?

7. Đừng nên xem ti vi/ màn hình quá nhiều

Hãy cẩn thận nếu bạn dành quá nhiều thời gian ngồi trước ti vi/ màn hình máy tính hay điện thoại. Và cũng có rất nhiều người giải toả căng thẳng bằng các trò chơi điện tử hay ứng dụng điện thoại. Đôi mắt cần được nghỉ ngơi và bạn cũng vậy. Hãy chú ý cân bằng bằng các hoạt động khác như tập thể thao, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, …

8. Đừng làm việc quá sức

Làm việc tại nhà đôi khi là thử thách, nhất là đối với những người ưa thích giao tiếp xã hội. Mặc dù làm việc có thể giúp bạn giảm sự nhàm chán, nhưng làm việc quá nhiều sẽ khiến bạn kiệt sức. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách không để “sốt cabin” lại gần bạn.

sốt cabin
Tập thể dục và hoà mình với thiên nhiên có thể giúp tâm trạng bạn tốt hơn!

9. Ăn uống đúng giờ và ngủ đủ giấc

Cho dù bạn có thời gian để ăn bất cứ lúc nào hay thức khuya thoả thích thì cũng đừng làm vậy. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh này có thể dẫn đến rối loạn ăn uống và giấc ngủ. Khi trở nên trầm trọng, bạn sẽ thấy mệt mỏi, khó chịu và kéo tâm trạng đi xuống. Và bùm, “sốt cabin” xuất hiện!

10. Tập trung vào những mặt tích cực

Một cách để tập trung vào những mặt tích cực là bày tỏ lòng biết ơn mỗi ngày. Bạn có thể muốn ghi chép lại những điều mà mình cảm thấy biết ơn hoặc những điều dễ thương trong ngày. Một số ví dụ về những điều này như: 

  • Dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình.
  • Có thêm thời gian để sáng tạo hoặc nghiên cứu.
  • Tận dụng thời gian rảnh học một điều mới, một ngôn ngữ mới.
  • Có thời gian cho những sở thích mới hoặc hoàn thành một dự án bạn mong muốn.
  • Chụp những bức ảnh cùng gia đình.
sốt cabin
Dành thời gian cùng với gia đình trong mùa dịch.

11. Dành thời gian hoà mình với thiên nhiên

Dành thời gian trong thiên nhiên giúp giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời có thể nâng cao tâm trạng của bạn. Cách này giúp bạn tránh xa “sốt cabin”. Một số cách mà các bạn có thể tham khảo:

  • Dọn dẹp nhà cửa.
  • Chăm sóc cây trồng trong nhà, trồng cây xanh.
  • Ngắm bình minh hoặc hoàng hôn từ cửa sổ hoặc ban công.
  • Lắng nghe các loài chim và động vật hoang dã khác, nghe tiếng mưa rơi.
  • Chơi và thư giãn với thú cưng.

Khi nào bạn cần sự giúp đỡ?

Những dấu hiệu sau cảnh báo rằng “sốt cabin” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi bạn (hoặc người thân) cảm thấy tâm trạng bất ổn, cảm giác bế tắc hay bất lực. Trao đổi với các bác sĩ tâm lý nếu trong thời gian cách ly, bạn gặp bất kì tình trạng nào sau đây:

  • Cảm giác lo âu quá mức hoặc buồn phiền kéo dài.
  • Những hành vi ám ảnh cưỡng chế mới xuất hiện hoặc nặng lên.
  • Thiếu sức sống, thiếu năng lượng và động lực trầm trọng.
  • Rối loạn giấc ngủ, không thể ngủ được.
  • Không thể ăn uống.

Xem thêmTrầm cảm: Đôi điều bạn nên biết

Chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp. Bạn có thể tìm kiếm các chuyên gia tư vấn qua điện thoại hoặc phương tiện online khác nếu không thể đến bệnh viện hay phòng khám.

Hi vọng bài viết vừa rồi đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh sốt cabin và cách để đối mặt với nó trong mùa dịch Covid này. Thương chúc bạn luôn mạnh khoẻ và tràn đầy năng lượng!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cabin Feverhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/cabin-fever

    Ngày tham khảo: 19/08/2020

  2. Healthy at Home: Mental Healthhttps://www.who.int/campaigns/connecting-the-world-to-combat-coronavirus/healthyathome/healthyathome---mental-health

    Ngày tham khảo: 19/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người