YouMed

Sử quân tử: Vị thuốc trị giun có sẵn ngay trong vườn nhà

bác sĩ nguyễn trần anh thư
Tác giả: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Sử quân tử hay còn gọi là Quả giun, Quả nấc, Sứ quân tử. Tên khoa học là Quisqualis indica L, thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae). Đây là loại cây leo thường được trồng làm cổng nhà vì xanh tốt quanh năm và có hoa nở đẹp. Tuy nhiên liệu mọi người có biết hạt của loại cây này còn có tác dụng tẩy giun. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng và cách dùng của Sử quân tử trong bài viết này nhé!

1. Bộ phận sử dụng 

Bộ phận dùng của cây Sử quân tử trong Y học cổ truyền là nhân hạt bên trong quả Sử quân tử.

Hoa cây Sử quân tử nở từ tháng 4 – 7, tháng 8 quả chín, hái về phơi hay sấy khô là được. Thường quả nguyên dễ bảo quản hơn. Khi dùng người ta đập lấy nhân, có khi ngay từ nơi thu hái người ta đập lấy nhân phơi khô.

Sử quân tử
Sử quân tử

2. Thành phần hóa học

Trong Sử quân tử có:

  • Trong nhân sử quân tử có chứa từ 21 – 22% chất béo màu xanh lục nhạt. Chất này sền sệt, mùi nhựa, vị nhạt không có tác dụng tẩy giun.
  • Ngoài ra còn chất gôm, các chất hữu cơ, chất đường. Còn có 19 – 20% axit hữu cơ axit xitric, kali sunfat. 
  • Theo Trung hoa y học tạp chí 1952 thì hoạt chất trong sử quân tử là axit quisqualic; muối kali của axit quisqualic C10H16O10N6K3tác dụng diệt giun, trên lâm sàng có tác dụng tương tự santonin.
  • Năm 1958, Hoàng Trung Nghi (Giang tây Trung y dược, 2,52 – 56) đã báo cáo đi tới kết luận là dung môi tốt nhất để chiết hoạt chất của sử quân tử là nước. Cồn 45° kém hơn, cồn 95° hầu như không chiết được chút nào.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Về tác dụng trị giun

  • Nhiều nghiên cứu đều cho thấy dịch chiết Sử quân tử có tác dụng gây tê liệt và làm chết giun.
  • Các thí nghiệm ở trường Đại học Y dược Hà Nội năm 1958 của Đỗ Tất Lợi và cộng sự cho thấy Sử quân tử có tác dụng phụ là gây nấc, uống quá nhiều thì mệt, ngoài ra không thấy hiện tượng nguy hiểm nào khác.
  • Thí nghiệm trên lâm sàng năm 1955, Vương Vĩnh Tường và Trương Lập (Trung hoa y học tạp chí 5: 456 – 459) đã báo cáo dùng sử quân tử để chữa bệnh cho 116 học sinh và giáo viên kết quả đạt 68,9%. Các tác giả dùng liều 10g đối với trẻ em dưới 12 tuổi, 20g đối với trẻ em trên 13 tuổi, uống một lần vào buổi sáng. Sau khi uống sử quân tử 3 giờ, uống một liều thuốc tẩy (sunfat natri hay sunfat magie 15g). Một số thấy hiện tượng nấc, buồn nôn, nhức đầu, táo bón. Những hiện tượng này chóng hết.

3.2. Các nghiên cứu khác:

  • Nghiên cứu năm 2017, Singh S đã nghiên cứu ảnh hưởng của dịch chiết cồn của hoa Sử quân tử trên viêm thực quản thử nghiệm trên chuột Wistar bạch tạng. Kết quả cho thấy các phương pháp điều trị với pantoprazole và chiết xuất hoa Sử quân tử đã ức chế đáng kể sự tiết dịch dạ dày, tổng lượng axit và chỉ số viêm thực quản. 
  • Ngoài ra, năm 2019, Shah A cũng đã báo cáo một nghiên cứu cho thấy chiết xuất hoa Sử quân tử có tác dụng chống oxy hoá mạnh. Chiết xuất từ lá, thân và rễ của Sử quân tử cũng có tác dụng tương tự nhưng yếu hơn.

4. Công dụng và liều dùng

  • Sử quân tử là một vị thuốc được dùng từ lâu đời. Tính chất của nó theo các sách cổ như sau: Vị ngọt, tính ấm, không có độc vào hai kinh tỳ và vị. Chữa 5 chứng cam của trẻ em, tiểu tiện đục, sát trùng và chữa khỏi chứng tả lỵ. Ngoài ra còn làm khỏe tỳ vị chữa hết thảy các bệnh lở, ngứa của trẻ em (Lý Thời Trân – Bản thảo cương mục)
  • Trên thực tế, sử quân tử thường được dùng chữa giun đũa với liều 3 – 5 nhân cho trẻ em, 10 nhân cho người lớn, tối đa 20g. 3 giờ sau khi uống hết, nên uống một liều thuốc tẩy. Có thể dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc giun khác như bình lang (hạt cau) và thuốc tẩy (đại hoàng).
  • Còn dùng được dưới dạng thuốc sắc ngậm chữa đau nhức răng, ngày ngậm nhiều lần không kể liều lượng.
    Sử quân tử
    Sử quân tử

5. Đơn thuốc có Sử quân tử

5.1. Thuốc cam giun giúp sự tiêu hóa (Kinh nghiệm Đỗ Tất Lợi):

Nhân sử quân tử sao cho vàng thơm và giòn, tán nhỏ 2 phần, thóc ngâm cho nảy mầm sao vàng nửa phần. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, sấy khô. Có thể thêm đường vào đóng thành bánh. Dùng cho trẻ em bị giun, gầy còm, kém ăn, không tiêu, da vàng, miệng hay chảy nước dãi. Ngày uống 1 – 2 thìa cà phê bột này, hòa vào nước cháo hay mật ong. Trẻ em thích ăn bột này vì thơm ngon. Ăn nhiều quá mới có hiện tượng nấc nhưng chóng hết. Bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết Bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm Giun đũa cần chuẩn bị gì trước khi đi khám?

5.2. Chữa đau nhức răng (kinh nghiệm cổ, Đỗ Tất Lợi đã xác minh lại):

Sử quân tử (cả quả) đập nát 10 quả, thêm nước vào (1 bát) đun và giữ sôi 15 phút. Ngậm trong ngày, sau khi ngậm có thể nuốt nước này. Nhiều khi vừa khỏi đau răng vừa chữa ra giun. 

5.3. Thuốc cam Thác nghè

Sử quân tử 3 phần, Bạch chỉ 5 phần, Hoàng cầm 2 phần. Sử quân tử sao vàng, Bạch chỉ và Hoàng cầm không sao. Tất cả tán nhỏ. Ngày uống 1 – 5 thìa cà phê chia 3 lần uống.

5.4. Chữa trẻ em mặt, chân tay phù (Giản tiện phương – tài liệu cổ):

Sử quân tử 40g đập bỏ vỏ quả, lấy nhân tẩm với mật nướng hay sao cho khô. Tán bột mỗi ngày uống 4g, hòa với nước cơm hay nước cháo

Tóm lại,

Công dụng của Sử quân tử:

  • Trị giun
  • Ngậm chữa sâu răng
  • Hoa Sử quân tử có tác dụng chống oxy hoá. Cũng có thể có tác dụng chống viêm thực quản.

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận. Chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ NGUYỄN TRẦN ANH THƯ

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

2. Singh S (2017) “Effect of ethanolic extract of Quisqualis indica L. flower on experimental esophagitis in albino Wistar rats”.

3. Shah A (2019) “Antioxidant activity of an ethnobotanically important plant Quisqualis indica Linn.”

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người