Sữa chuyển tiếp: Thông tin cần thiết dành cho các bà mẹ
Nội dung bài viết
Trong suốt quá trình chăm con, chắc hẳn không ít bà mẹ đã từng nghe qua danh từ “sữa chuyển tiếp”. Đây là một loại sữa được tiết ra ngay sau khi sản phụ có sữa non khoảng 14 ngày. Vậy loại sữa này có gì đặc biệt? Có thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ hay không? Thành phần dinh dưỡng như thế nào? Tất cả sẽ được Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai giải đáp qua bài viết sau đây.
Khái niệm về sữa chuyển tiếp
Sữa chuyển tiếp là loại sữa được tiết ra ngay sau khi người sản phụ có sữa non kéo dài trong khoảng thời gian hai tuần. Đây là một loại sữa rất giàu chất béo, chứa những vitamin tan trong nước. Kèm theo đó là thành phần đường lactose cùng hàm lượng calo cao hơn so với sữa non.
Thời điểm ngực của sản phụ tiết ra sữa chuyển tiếp là sau giai đoạn sữa non. Vào khoảng 2 đến 5 ngày sau khi sinh em bé. Nói chung, thành phần dinh dưỡng của loại sữa này dần dần tương đương với sữa trưởng thành. Đồng thời, lượng sữa mẹ bài tiết hàng ngày cũng tăng dần lên.
Sự thay đổi của ngực khi tiết sữa chuyển tiếp
Những thay đổi ban đầu
Lượng sữa non tiết ra sẽ khá ít so với sữa chuyển tiếp. Vì vậy, khi ngực của bà mẹ tiết ra sữa ở giai đoạn chuyển tiếp, bầu vú sẽ căng và tức hơn. Những thay đổi này ban đầu sẽ làm cho bạn cảm thấy rất khó chịu. Đồng thời, phần lớn các bà mẹ khó cho bé ngậm đúng vị trí của núm vú.
Trong nhiều trường hợp, các bà mẹ nên hút bớt sữa ra ngoài để đỡ cảm giác căng tức hơn. Đồng thời giúp cho sữa dễ lưu thông và bé sẽ bú được nhiều sữa hơn. Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa, bạn sẽ biết cách cho bé ngậm đúng vị trí để bú.
Theo các bác sĩ, mùi thơm của sữa sẽ kích thích bé bú nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc bé bú sữa mẹ sẽ giúp cho người mẹ cảm thấy vui vẻ, lạc quan hơn. Sự thoải mái về tinh thần sẽ kích thích các bà mẹ tiết sữa nhiều hơn. Đồng thời, tình mẹ con cũng được hình thành sâu sắc hơn.
Một số điều cần lưu ý khác
Khi cho bé bú, các bà mẹ sẽ thường có cảm giác châm chích ở bầu ngực. Điều này chứng tỏ sữa đang chảy xuống trong vú. Sữa sẽ chảy xuống núm vú dưới động tác bú của bé. Đồng thời, hiện tượng trống bầu sữa cũng kích thích tiết sữa nhiều hơn.
Xem thêm: Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi mà bố mẹ nên biết.
Khi sữa đã xuống, bạn sẽ nghe âm thanh bé nuốt sữa ừng ực. Trong những tuần đầu cho con bú, bạn có thể sẽ bị chuột rút hoặc có những “cơn đau” ở tử cung khi cho bé bú do tác động của hormone oxytocin.
Bạn nên cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần. Đồng thời không nên căng thẳng thường xuyên. Sự căng thẳng mệt mỏi, stress sẽ làm giảm khả năng tiết sữa mẹ của bạn.
Phương pháp cho bé bú sữa chuyển tiếp
Trong giai đoạn đầu, nhất là giai đoạn sữa chuyển tiếp, bạn nên cho bé bú sữa mẹ thường xuyên. Tần suất bú ít nhất là 8 cữ mỗi ngày. Bạn có thể cho bé bú nhiều vào ban ngày và cho bú ở bất cứ nơi đâu. Cho bé bú theo nhu cầu.
Bạn cũng có thể cho bé bú sau mỗi 30 phút đến một giờ. Hoặc các bà mẹ có thể kéo dài khoảng thời gian đó thêm 10 phút mỗi giờ theo ý muốn của mình.
Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và rất thích hợp cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 4 đến 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ giàu kháng thể chính là lá chắn bảo vệ trẻ không mắc một số bệnh nhiễm trùng trong 6 tháng đầu.
Có nên đánh thức bé để cho bé bú hay không?
Đây là một trong những thông tin mà các bà mẹ cần nắm rõ khi cho bé bú sữa mẹ. Bao gồm cả giai đoạn sữa non, sữa chuyển tiếp cũng như sữa trưởng thành.
Theo các chuyên gia về Nhi khoa, hầu hết trẻ em sẽ thức và khóc khi bé cảm thấy đói. Chính vì vậy, các mẹ không nhất thiết phải đánh thức trẻ khi trẻ đang ngủ say.
Nhiều người mẹ lo lắng vì trẻ ngủ khá lâu, có thể hơn 3 giờ trong mỗi giấc ngủ. Điều đó làm các mẹ sợ bé sẽ bị đói, bị hạ đường huyết khi ngủ. Tuy nhiên, các bạn cứ yên tâm. Trẻ sẽ thường tự biết bú một lượng sữa đủ để ổn định đường huyết cho chính bé. Cho dù giấc ngủ có dài hơn so với nhiều bé khác.
Mặc dù vậy, đối với những trẻ trong độ tuổi sơ sinh, phản xạ thức khi đói chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy, đối với trẻ sơ sinh, các bạn nên đánh thức trẻ dậy nếu trẻ ngủ quá 3 tiếng trong mỗi giấc ngủ.
Một số lưu ý khi cho bé bú sữa mẹ
Sữa mẹ nói chung hay sữa chuyển tiếp nói riêng đều rất phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Đối với những người mẹ không bị bệnh truyền nhiễm thì nên cho bé bú trực tiếp, không vắt sữa ra ly, ra chén,…
Riêng những trường hợp người mẹ mắc các bệnh lý truyền nhiễm, những bất thường ở đầu vú thì nên cân nhắc lại. Có thể cho bé bú sữa ngoài hoàn toàn hoặc phải vắt sữa mẹ ra bình rồi cho bé bú. Vấn đề này các bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Hy vọng bài viết sẽ là nguồn kiến thức bổ ích cho các bà mẹ về sữa chuyển tiếp. Từ đó, các bạn sẽ biết được làm sao cho bé bú đúng cách. Cũng như biết được mình cần lưu ý những gì khi cho bé bú sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Transitional Milk and Mature Milkhttps://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Transitional-Milk-and-Mature-Milk.aspx
Ngày tham khảo: 10/08/2020
-
Transitional Breast Milk Stagehttps://www.verywellfamily.com/transitional-breast-milk-431998
Ngày tham khảo: 10/08/2020