YouMed

Suy giáp có nên mang thai không?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Suy giáp là một bệnh lý rối loạn ở tuyến giáp. Trong bệnh lý này, chức năng của tuyến giáp sẽ suy giảm. Từ đó gây ra những rối loạn nhất định về mặt chức năng và sinh lý của cơ thể. Vậy thì suy giáp có nên mang thai hay không? Khi mang thai, bệnh lý này ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào? Tất cả sẽ được Thạc sĩ Bác sĩ Phan Lê Nam giải đáp qua bài viết sau đây.

Khái quát về suy giáp

Trước khi tìm hiểu suy giáp có nên mang thai hay không, chúng ta hãy tham khảo những thông tin khái quát về bệnh suy giáp. Suy giáp được khái quát là sự suy yếu chức năng của tuyến giáp. Tức là khi tuyến giáp sản xuất ít hormone giáp hơn so với bình thường. Tuyến giáp nằm ở phần dưới của cổ họng và một phần bao bọc xung quanh khí quản.

Hình ảnh tuyến giáp của con người - suy giáp có nên mang thai
Hình ảnh tuyến giáp của con người

Suy giáp có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý trong giai đoạn đầu. Theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn như béo phì, đau khớp, vô sinh và các bệnh lý tim mạch.

Xem thêm: Suy giáp thai kỳ: nguy hiểm hay không?

Tuyến giáp sản xuất hai loại hormone: triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Các hormone này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Nhờ vậy, cơ thể sẽ tăng trưởng và phát triển bình thường. Có thể nói cơ bản suy giáp sẽ làm cho cơ thể chậm tăng trường và phát triển kém.

Tình hình dịch tễ của bệnh suy giáp

Suy giáp được đặc trưng bởi những triệu chứng rất đa dạng. Từ tình trạng phù nề tuyến giáp. Kèm theo ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng và suy đa hệ thống. Cho đến tình trạng không có triệu chứng hoặc cận lâm sàng với nồng độ FT3 và FT4 bình thường. Tỷ lệ suy giáp ở các nước phát triển là khoảng 4-5%. Tỷ lệ suy giáp cận lâm sàng ở các nước phát triển là khoảng 4-15%.

Bệnh suy giáp có nên mang thai
Bệnh suy giáp

Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu lớn về bệnh suy giáp ở Ấn Độ. Theo nghiên cứu, suy giáp là một chứng rối loạn phổ biến ở người Ấn Độ trưởng thành. Những phụ nữ lớn tuổi thừa cân dường như dễ bị hơn. Cơ chế tự miễn dịch dường như đóng một vai trò căn nguyên ở một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân. Lượng iốt không còn là nguyên nhân gây rối loạn tuyến giáp ở khu vực thành thị.

Nguyên nhân của bệnh lý suy giáp

Nguyên nhân chính dẫn đến suy giáp là do tuyến giáp hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác cũng có thể xảy ra bao gồm:

  • I-ốt là một khoáng chất cần thiết giúp tuyến giáp hoạt động bình thường để sản xuất ra lượng hormone tuyến giáp phù hợp. Khi có quá ít iốt trong cơ thể, suy giáp có thể xảy ra. Ngược lại, quá nhiều iốt cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
  • Nếu tuyến giáp bị nhiễm trùng hoặc bị viêm (viêm tuyến giáp), nó có thể rò rỉ các hormone giáp vào máu. Điều này gây ra cường giáp, có thể chuyển thành suy giáp sau vài tháng.
  • Khi bạn quá căng thẳng, tuyến thượng thận của bạn sẽ được kích hoạt và sản xuất ra một loại hormone gọi là cortisol vượt quá mức. Cortisol cản trở quá trình sản xuất bình thường của hormone tuyến giáp và có thể là nguyên nhân gây suy giáp.
Bệnh Hashimoto - suy giáp có nên mang thai
Bệnh Hashimoto
  • Tiếp xúc với kim loại nặng như chì, thủy ngân cũng có thể gây suy giáp.
  • Bệnh Hashimoto, một bệnh tự miễn dịch làm viêm tuyến giáp và ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp. Nó là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp trong quá trình điều trị các bệnh như bướu cổ, ung thư tuyến giáp,… Những trường hợp này đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp và gây suy giáp.

Sự ảnh hưởng của bệnh đến việc thụ thai và khả năng mang thai

Nếu một người phụ nữ có lượng hormone tuyến giáp thấp (hoặc cao) bất thường trong cơ thể, nó có thể gây ra những rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng của người đó. Đồng thời gây khó khăn cho việc có thai. Trong trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến vô sinh.

Suy giáp làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Suy giáp làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Mặt khác, nếu bạn đang cân nhắc mang thai khi mắc bệnh suy giáp, bạn hãy nhớ rằng có một rủi ro khá lớn là sẩy thai. Nó cũng có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh ở trẻ. Mặc dù nghe có vẻ khó khăn, nhưng bạn cũng đừng lo lắng. Hiện nay có nhiều cách để điều trị tình trạng này và sinh con bình thường nhất có thể.

Bạn nên theo dõi nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và T4 trước khi mang thai. Điều này rất quan trọng nếu bạn đã có hormone tuyến giáp thấp hoặc đã từng bị sẩy thai. Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến giáp hoặc bất kỳ bệnh tự miễn nào khác. Xử lý các triệu chứng suy giáp sớm trong giai đoạn lập kế hoạch mang thai cho phép điều trị sớm. Điều này có thể dẫn đến một kết quả thành công hơn.

Bệnh ảnh hưởng đến mẹ và con như thế nào?

Nếu bạn bị suy giáp khi mang thai và không được điều trị, các biến chứng của thai kỳ có nguy cơ cao xảy ra. Chẳng hạn như tiền sản giật, sảy thai, sinh non, suy tim, thiếu máu và trầm cảm sau sinh,…

Suy giáp làm tăng nguy cơ tiền sản giật
Suy giáp làm tăng nguy cơ tiền sản giật

Tương tự như vậy, con bạn có thể bị một số dị tật bẩm sinh. Bé có thể gặp các vấn đề như nhẹ cân, các bệnh về tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ,… Khả năng sinh non và thai chết lưu cũng sẽ tăng cao hơn.

Những điều cần làm trước khi thụ thai

Nếu bạn bị suy giáp và muốn có thai sớm thì bắt buộc bạn phải đi khám ngay. Bạn nên điều trị hoặc kiểm soát tình trạng tuyến giáp trước khi thụ thai. Nguyên nhân là do tuyến giáp của thai nhi sẽ chỉ bắt đầu hoạt động sau 12 tuần đầu của thai kỳ.

Cho đến khi đó, em bé sẽ phụ thuộc vào bạn về hormone tuyến giáp. Vì vậy, điều cần thiết là để tuyến giáp của bạn hoạt động bình thường và nồng độ hormone tuyến giáp ổn định trước khi cố gắng thụ thai. Phương pháp điều trị suy giáp phổ biến nhất được dùng là dạng viên uống mà bác sĩ sẽ kê đơn. Viên uống chứa thyroxine tổng hợp (giống T4 do tuyến giáp sản xuất). Nó có tác dụng thay thế sự thiếu hụt của nó trong cơ thể bạn.

Kiểm tra tuyến giáp sau khi thụ thai

Bạn nên kiểm tra chức năng tuyến giáp trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nếu:

  • Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào biểu hiện bệnh suy giáp. Chẳng hạn như: rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, chán ăn, sợ lạnh, thích nóng,…
  • Gia đình bạn có tiền sử bệnh lý tuyến giáp.
  • Bạn mắc bệnh tự miễn như bệnh đái tháo đường tuýp 1, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì,…
  • Nếu bạn đã bị bức xạ vào bất kỳ phần nào của cổ.
  • Bạn trên 30 tuổi (vì nguy cơ mắc bệnh suy giáp tăng lên theo tuổi).
Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp

Những điều cần làm khi mang thai

Các triệu chứng của suy giáp tương tự như các triệu chứng sớm của thai kỳ. Các triệu chứng suy giáp trong đầu thai kỳ bao gồm:

  • Cực kỳ mệt mỏi.
  • Tăng cân nhanh và nhiều.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh (sợ lạnh, thích nóng).
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Khó tập trung.

Việc điều trị suy giáp trong thai kỳ nói chung giống như trước khi thụ thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ ngay khi bạn mang thai. Sao cho bạn có thể nhận được phương pháp điều trị thích hợp và có thể điều chỉnh nếu cần thiết.

Triệu chứng suy giáp
Triệu chứng suy giáp

Nhu cầu hormone tuyến giáp của bạn tăng lên trong thời kỳ mang thai để hỗ trợ em bé và chính bạn. Cũng cần lưu ý rằng thuốc bổ trong thời kỳ mang thai chứa sắt và canxi. Chúng có thể ngăn chặn cách cơ thể sử dụng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Bạn có thể tránh vấn đề này bằng cách uống thuốc thay thế tuyến giáp và thuốc bổ cách nhau 4-5 giờ.

Tham khảo thêm: Tăng cân bất thường: Coi chừng bị bệnh suy giáp!

Bác sĩ sẽ cần áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt để điều trị chứng suy giáp trong thai kỳ của bạn. Nếu không được kiểm soát đúng cách, nó có thể gây ra:

  • Thiếu máu.
  • Tăng huyết áp thai kỳ.
  • Sẩy thai hoặc thai chết lưu.
  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân.
  • Sinh non.

Các triệu chứng không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trí não của con bạn.

Việc cần làm sau khi mang thai

Sau khi sinh, thai phụ thường bị viêm tuyến giáp sau sinh. Phụ nữ bị bệnh tuyến giáp tự miễn dịch phát triển biến chứng này thường xuyên hơn. Viêm tuyến giáp sau sinh thường bắt đầu từ 3 đến 6 tháng đầu tiên sau khi sinh. Tình trạng này kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Viêm tuyến giáp sau sinh do bệnh suy giáp
Viêm tuyến giáp sau sinh do bệnh suy giáp

Các triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh có thể xảy ra trong hai giai đoạn:

  • Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng tương tự như cường giáp. Ví dụ, bạn có thể lo lắng, cáu kỉnh, tim đập nhanh, giảm cân đột ngột, nóng nực, mệt mỏi hoặc khó ngủ.
  • Trong giai đoạn thứ hai, các triệu chứng suy giáp trở lại. Bạn có thể không có năng lượng, gặp khó khăn với nhiệt độ lạnh, táo bón, khô da, đau nhức và khó tập trung,… Suy giáp cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa của bạn. Tuy nhiên, với liệu pháp thay thế hormone thích hợp, vấn đề này thường được giải quyết rất hiệu quả.

Bệnh suy giáp cận lâm sàng

Đây là một dạng suy giáp nhẹ có thể không được phát hiện sớm do không có triệu chứng rõ ràng. Xét nghiệm TSH có thể phát hiện ra nó. Nhưng trong trường hợp bệnh được phát hiện trong khi mang thai, điều trị suy giáp vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Theo dõi tình trạng suy giáp trong độ tuổi sinh đẻ

Thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị suy giáp được gọi là levothyroxine. Levothyroxine là một viên thuốc thường được dùng một lần một ngày. Sau khi bắt đầu dùng levothyroxine, bạn nên kiểm tra máu sau 4–6 tuần để đo mức độ thyroxine. Đồng thời để đảm bảo rằng bạn đang dùng đúng liều lượng.

Suy giáp thường là một bệnh kéo dài và tiến triển lâu dài và liều lượng hormone tuyến giáp thay thế có thể cần điều chỉnh. Giám sát thường xuyên là quan trọng; nếu liều lượng hormone thay thế tuyến giáp quá cao, phụ nữ có thể bị cường giáp do điều trị.

Thuốc Levothyroxin
Thuốc Levothyroxin

Tình trạng này có thể khiến tim đập nhanh, căng thẳng và loãng xương (mất xương và mỏng xương). Nếu bạn có thai, bác sĩ sẽ cần theo dõi máu của bạn mỗi ba tháng vì nhu cầu liều levothyroxine của bạn có thể thay đổi do mang thai.

Nói tóm lại, đối với câu hỏi “suy giáp có nên mang thai hay không?” thì câu trả lời là có thể. Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang cmong muốn có thai và mắc bệnh tuyến giáp. Hoặc bệnh tự miễn dịch tiềm ẩn, hoặc có các biến chứng thai kỳ trước đó. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm thích hợp và phát triển một kế hoạch mang thai lành mạnh. Nếu bạn chuẩn bị càng sớm thì cơ hội đạt được thành công càng cao. Và bạn cũng nên nhớ luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và giảm mức độ căng thẳng tâm lý.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypothyroidism (underactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  2. Everything You Need to Know About Hypothyroidismhttps://www.healthline.com/health/hypothyroidism/symptoms-treatments-more

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  3. Hypothyroidism: A Woman’s Guide to Fertility and Pregnancyhttps://www.healthline.com/health/hypothyroidism/womans-guide-to-fertility-and-pregnancy

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  4. Can I Get Pregnant With Hypothyroidism?https://parenting.firstcry.com/articles/getting-pregnant-while-having-hypothyroidism/

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  5. Hypothyroidism and Pregnancy: What Should I Know?https://www.reproductivefacts.org/news-and-publications/patient-fact-sheets-and-booklets/documents/fact-sheets-and-info-booklets/hypothyroidism-and-pregnancy-what-should-i-know/

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

  6. Ambika Gopalakrishnan Unnikrishnan (2013). Prevalence of hypothyroidism in adults: An epidemiological study in eight cities of India. Indian J Endocrinol Metab, 17 (4), pp. 647 - 652.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người