Tác dụng chữa bệnh của Ngũ gia bì gai
Nội dung bài viết
Ngũ gia bì gai là một loại thảo dược quý chữa các bệnh lý về thấp khớp, đau nhức xương, thư cân hoạt lạc, còn là một vị thuốc bổ,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, tác dụng và cách dùng của vị thuốc này.
Ngũ gia bì gai là gì?
Danh pháp
Tên thường gọi: Tam gia bì, Tam diệp ngũ gia.
Tên khoa học: Acanthopanax trifoliatus (L) Merr.
Họ: Nhân sâm (Araliaceae)
Mô tả cây
Là loại cậy bụi nhỡ cao chừng 1 – 7m. Cành ngũ gia bì mọc vươn dài và có rất nhiều gai. Lá kép chân vịt, mọc so le với nhau, mỗi lá có từ 3 – 5 lá chét, hay gặp nhất là 3 lá chét, lá có hình bầu dục thuôn dài, phía gốc là hơi tròn, đầu nhọn có chiều dài 5 – 8cm, rộng 2 – 4cm, gân lá có gai, mặt trên và mặt dưới lá đều nhẵn, mặt trên có màu sẫm hơn mà bóng, cuống lá kép dài từ 4 – 7cm và có gai.
Ở đầu cành ngũ gia bì hoa mọc thành cụm gồm có 3 – 10 tán, cuống lá dài 3 – 4cm. Hoa có màu trắng lục, kích thước nhỏ, mẫu là 5, không rõ lá đài, cánh hoa có hình tam giác, có 5 nhị, chỉ nhị mảnh, bầu hạ có 2 ô.
Thuộc loại quả mọng có hình cầu mà dẹt, đường kính khoảng 2,5mm, khi chín quả chuyển sang màu đen và có 2 hạt.
Toàn cây có chứa tinh dầu thơm, mùa ra hoa thường vào tháng 9 – 11, mùa quả vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
Phân bố, thu hái
Ngũ gia bì gai phân bố chủ yếu ở các vùng Đông Nam Á gồm Triều Tiên, Trung Quốc, viễn đông Nga, Việt Nam và Nhật Bản.
Ơ Việt Nam cây được thấy nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La. Ở các tỉnh khác cũng có thấy như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kom tum.
Trên thế giới cây phân bố nhiều nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra còn có Ấn Độ, Philippin, Lào.
Cây thường ưa sống ở những vùng đất ẩm ướt nhiệt độ trung bình 15,3 – 21,7 độ C, hay sống dưới tán cây khác, mọc nhiều ở ven rừng núi đá vôi mà ẩm, dọc theo các con suối, số còn lại ở nương rẫy.
Cây mọc ở độ cao từ 400 – 1500m. Cây rụng lá vào mùa đông, ra hoa quả nhiều hằng năm, quả chín và rụng vào mùa đông.
Thành phần hóa học
Vỏ rễ và thân ngũ gia bì chứa acid 3α, 11α – dihydroxy – 23 oxylup – 20 – en – 28 – oic, acid 24 – nor – 11α – hydroxy – 3 – oxolup -20 – en – 28 – oic, acid 24 – nor – 3α,11α – hydroxylup – 20 – en – 25 – oic.
Lá chứa acid 3α – 11α – dihydroxylap – 20 – en – 28 – oic, acid 3α,11α – 23 trihydroxylup – 20 – en – 28 – oic. Ngoài ra có chứa nevadensin, taraxerol.
Lá và cành có chứa tinh dầu bao gồm hơn 60 thành phần, trong đó chủ yếu là chất α – pinen, p.cymen.
Tác dụng của Ngũ gia bì gai
Tác dụng theo y học hiện đại
- Có tác dụng chống mệt mỏi, tăng sức chịu đựng đối với thiếu oxy, nhiệt độ cao, điều tiết hồng cầu, bạch cầu và huyết áp.
- Chống lão suy tăng thể lực và trí lực, tăng chức năng tuyến sinh dục, gia tăng quá trình chuyển hóa và xúc tiến tổ chức tái sinh.
- Tăng cường miễn dịch cho cơ thể
- Ngũ gia bì gai có tác dụng kháng viêm đối với viêm cấp và mạn tính.
- Giãn mạch làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành và hạ huyết áp.
- Nó có tác dụng an thần, điều tiết cân bằng giữa hai quá trình ức chế và hưng phấn của trung khu thần kinh. Tác dụng hưng phấn của thuốc không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường.
- Nó có tác dụng chống ung thư.
Tác dụng theo y học cổ truyền
Vị cay, đắng, tính mát quy vào 3 kinh Can, Phế, Thận.
Có tác dụng trừ phong thấp, lưng đau gối mỏi, thanh nhiệt giải độc, mạnh gân cường cốt, thư cân.
Cách sử dụng Ngũ gia bì gai
Bóc vỏ rễ hoặc vỏ thân ngũ gia bì gai được thu hái vào mùa đông đem rửa sạch phơi khô trong bóng râm.
Dùng sống hoặc rửa sạch ngâm rượu uống hay sao lên dùng.
Liều dùng: 6 – 12g.
Các bài thuốc Ngũ gia bì gai
Chữa đau nhức mỏi khớp, đau lưng
Sắc thái nhỏ Ngũ gia bì gai rồi đem đi sao vàng với liều 100g, ngâm trong 1 lít rượu trắng 30 độ trong 10 đến 15 ngày, thỉnh thoảng chú ý lắc đều. Uống ngày chừng một cốc khoảng 30ml vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Chữa bệnh lao thổ huyết
Rễ ngũ gia bì gai 9g, chu sa liên 9g, ngưu tất 9g, tiểu huyết đằng 9g ngâm rượu uống ngày chia làm 2 lần mỗi lần uống 15ml đến 30ml.
Chữa bệnh phụ nữ bị bạch đới khí hư, kinh nguyệt không đều
Dùng rễ ngũ gia bài gai 9g, hồng ngưu tất 6g sắc nước uống
Chữa tay run, không cầm nắm được, miệng lập cập
Ngũ gia bì gai 30g, thạch học 24g, ngưu tất 24g, nhục quế 6g, gừng khô 3g sắc uống.
Kiêng kỵ
Ngũ gia bì tính vị cay ôn, làm tổn hại phần âm, hỗ trợ phần hoả nên người âm hư hoả vượng không dùng.
Cây Ngũ gia bì gai là một loại thuốc quý chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về xương khớp hay đau nhức mỏi, cơ thể suy nhược. Tuy nhiên bạn cần tham vấn với các bác sĩ về chuyên môn và cách dùng để đạt hiệu quả cao nhất. YouMed luôn đồng hành cùng bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
- GS.BS Trần Văn Kỳ. Dược học cổ truyền toàn tập. Nhà xuất bản Đà Nẵng
- GS.TS Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y hoc.