Tác dụng chữa bệnh của Qua lâu
Nội dung bài viết
Qua lâu là một vị thuốc dùng được toàn cây, nhân của Quả chín gọi là Qua lâu nhân, vỏ quả gọi là Qua lâu bì, dùng cả vỏ và hạt gọi là Toàn Qua lâu. Là vị thuốc có rất nhiều công dụng chữa bệnh như chữa phế nhiệt ho có đờm, đau thắt ngực, viêm tuyến vú,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng của vị thuốc này
Qua lâu là gì ?
Danh pháp
Tên thường gọi: Dưa trời, dưa nút, dây bạc bác, thau ca (Tày)
Tên khoa học: Trichosanthes kirilowi Maxim
Họ: Bí (Cucurbitaceae)
Mô tả cây
Thuộc thân dây leo dài từ 3 đến 10m. Có rễ củ thuôn dài, thân có rãnh và những trắng chấm. Lá mọc kiểu so le , đường kính 10 – 12cm, gốc hình um, đầu hơi nhọn, lá xẻ thành 5 thùy, mỗi thùy có 5 răng cưa không đều với nhau, mặt trên và mặt dưới đều nhẵn, mặt trên thường có những điểm vết trắng. Cuống lá dài từ 3 – 4cm, có tua mọc đối xứng với lá chia làm 3 – 5 nhánh.
Hoa đơn tính có màu trắng, cụm hoa đực có kích thước 10 – 15cm, đài hình ống, cánh hoa có lông, nhị hoa hợp thành đầu, chỉ nhị 3, có hoa cái mọc đơn độc, tràng và đài mọc giống với hoa đực, nhưng hơi bị tiêu giảm đi, bầu có hình trứng và có lông mịn.
Quả Qua lâu hình cầu hoặc hình trứng và có màu xanh lục có sọc trắng, khi chín thì có màu đỏ, bên trong có nhiều hạt hình trứng dẹt, màu nâu nhạt.
Mùa hoa thường vào tháng 3 đến tháng 6, mùa quả là tháng 7 – 10.
Phân bố, thu hái
Cây phân bố chủ yếu ở các vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới như ở các vùng Đông Á bao gồm Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia. Ở Ấn Độ, Pakistan, Sritanca cây cũng phân bố nhiều.
Ở Việt Nam cây thường thấy ở các tỉnh giáp với biên giới ở phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Thuận.
Qua lâu là một cây ưa ẩm, những nơi có ánh sáng và có thể chịu được bóng, mọc trên những vùng đất ẩm, nhiều mùn và tươi xốp. Cây mọc thường hay leo lên những cây mọc bụi hoặc dây leo khác ở những vùng núi đá vôi ẩm.
Cây thường mọc ở độ cao từ 300 ở Thái Nguyên lên đến 1300m ở Hà Giang. Ở những vùng rừng núi đá vôi có thể thấy cây mọc.
Thành phần hóa học
Qua lâu có chứa saponin, triterpenoid, resin, acid hữu cơ, chất đường, sắc tố và dầu béo có nhiều trong hạt. Phần nhân có chứa chất dầu béo, chứa Cholesterol, còn vỏ quả có chứa nhiều loại amino acid, các alkaloid, trong rễ có chứa nhiều tinh bột
Cách sử dụng Qua lâu
Bộ phận dùng làm thuốc: hạt gọi là Qua lâu nhân, vỏ là Qua lâu bì, rễ củ là Thiên hoa phấn.
Quả thường thu hái vào tháng 9 – 10 lấy hạt và vỏ quả đem phơi khô. Rễ củ thu hái vào mùa đông, đào về rửa sạch loại bỏ tạp chất, cắt thành từng đoạn bổ dọc hay thái lát đem đi phơi khô.
Trong y học cổ truyền dược liệu được chế biến như lấy hạt của vị thuốc đem đi sao cám, sao cháy, sao vàng, chích mật ong. Phần vỏ có thể đem phơi nắng hoặc phơi âm can cho khô.
Liều dùng
Toàn Qua lâu 1 – 20g, phần bì 6 – 12g, phần nhân 10 – 15g.
Tác dụng của Qua lâu
Theo y học hiện đại
Chất Triterpenoid saponin trong quả có tác dụng làm loãng đàm
Vị thuốc có tác dụng làm giãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, giúp hạ mỡ máu
Hạt có chứa nhiều chất dầu béo nên có tác tẩy xổ mạnh, vỏ có tác dụng nhẹ, Qua lâu sương có tác dụng nhẹ hòa hoãn hơn
Tác dụng chống hoạt tính gây ung thư
Ức chế trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn, các trực khuẩn xanh, phẩy khuẩn tả và các bệnh nấm ngoài da
Theo y học cổ truyền
Thuốc có vị ngọt, tính hàn. Quy kinh Phế, Vị và Đại trường
Vỏ có tác dụng: thanh phế hóa đờm, lợi khí khoang hung, chủ trị các chứng ho do phế nhiệt, ngực đau tức đầy, khí kết tụ, có thể do khối u
Hạt của Qua lâu: nhuận phế hóa đờm, nhuận tràng thông tiện, chủ trị các bệnh táo bón, nhũ ung, trường ung.
Các bài thuốc ứng dụng trên lâm sàng
Chữa trẻ nhỏ bị vàng da sau sinh
Rễ Qua lâu 10g đem giã nhỏ, cho thêm nước đã đun sôi để nguội rồi gạn lấy nước uống, có thể cho mật ong vào uống cho dễ.
Chữa các bệnh lý tim mạch có đau thắt ngực vùng tim
Qua lâu 08g, Đào nhân 16g, Xuyên khung, Đương quy, Sinh địa, Xích thược, Sài hồ, Hồng hoa mỗi vị 12g, Trần bì, củ hẹ, Chỉ xác, Cát cánh mỗi vị 08g, Cam thảo 06g sắc uống.
Các bệnh lý xơ cứng động mạch vành, hay những bệnh nhân đã ổn sau một đợt nhồi máu cơ tim
Qua lâu 08g, vỏ trai 20g, Thiên môn, Câu đằng, Thiên ma, Địa long, Hoàng tinh, Sung úy tử, Hồng hoa, Đan sâm mỗi vị 08g, Bán hạ chế mỗi vị 6g đem sắc uống.
Qua lâu 08g, Hà thủ ô 16g, cỏ Nhọ nồi, Trinh nữ tử, Tang ký sinh, Hoàng tinh, Kê huyết đằng, Tang thầm mỗi vị 12g, củ hẹ, Thiên môn, Uất kim, rễ gai, Hồng hoa mỗi vị 08g sắc uống.
Chữa bệnh đái tháo đường
Rễ cây Qua lâu 8g, Hoài sơn, Thục địa mỗi vị 20g, Thạch hôc, Câu kỷ tử, Đan bì mỗi vị 12g, Sa sâm 8g, Sơn thù 8g sắc uống.
Chữa các bệnh lý viêm tắc động mạch
Qua lâu nhân 16g, Cam thảo, Đương quy mỗi vị 20g, Ngưu tất, Xích thược, Kim ngân hoa mỗi vị 16g, Đan bì, Đào nhân, Hồng hoa, Huyền sâm, Đan sâm mỗi vị 12g, Chỉ xác, Binh lăng mỗi vị 8g sắc uống.
Trị viêm tuyến vú cấp
Toàn Qua lâu, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi vị 12g sắc uống.
Các trường hợp táo bón
Qua lâu thực 15g, Cam thảo 3g sắc uống, có thể cho mật ong vào uống.
Lưu ý
Hạt qua lâu có tác dụng nhuận tràng tẩy xổ mạnh nên không dùng cho những người tỳ vị hư hàn. Dùng nhiều sinh ra tiêu lỏng.
Qua lâu là một vị thuốc thường hay phối hợp với các vị thuốc khác trong bài thuốc để tăng tác dụng chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý những tác dụng phụ của vị thuốc vì vậy bạn đọc cần tư vấn với bác sĩ về chuyên môn và cách sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất. YouMed luôn đồng hành cùng bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- GS.BS Trần Văn Kỳ. Dược học cổ truyền toàn tập. Nhà xuất bản Đà Nẵng
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.